Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Nguồn lực và định hướng phát triển của Hà Nội: Thách thức dân số và vấn đề quy hoạch

Nguồn lực và định hướng phát triển của Hà Nội: Thách thức dân số và vấn đề quy hoạch

Viết email In

Cùng với sự phát triển kinh tế, Hà Nội đang phải đối mặt với sự gia tăng dân số cơ học. Điều này không chỉ dẫn đến những vấn đề xã hội mà đôi khi còn phá vỡ cả quy hoạch. 

Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh (Đại học Kiến trúc Hà Nội), nếu như năm 1921 dân số Hà Nội khoảng 70 ngàn người (sống ở đô thị), thì đến năm 1950 tổng dân số lên tới 530 ngàn người, trong đó sống tại nội đô là 340 ngàn người. Đến năm 1955, tổng dân số Hà Nội là 778,241 ngàn người, cư dân sống ở nội đô là 430 ngàn người; năm 1960 tổng dân số toàn TP là trên 910 ngàn người, sống trong nội đô là 472 ngàn người; năm 1990 toàn TP có gần 2,1 triệu người, dân số đô thị khi đó là 1, 057 triệu người thì đến năm 2014 dân số toàn TP đã tăng lên thành 7.265.000 triệu người, trong đó dân số đô thị là 3.573.700 người, tỷ lệ đô thị hóa 49% đấy là chưa kể dân số vãng lai.  


Hà Nội đang đứng trước thách thức về dân số, quy hoạch
(nguồn: Ashui.com) 

Qua số liệu trên, TS Trần Trọng Hanh phân tích, từ năm 1990 đến năm 1995 tăng trưởng dân số là 3,03%; từ năm 1995- 2005 là 6,75% và từ năm 2005 đến nay tăng trưởng có xu hướng tăng lên là 8,30%. Trên góc độ kiến trúc, TS Hanh cho rằng, dù dân số tăng mức cơ học song tỷ lệ đô thị hóa lại còn quá thấp (dưới 50%) khiến nhu cầu về nhà ở còn gặp khó khăn. 

Theo một số chuyên gia kinh tế, không riêng gì Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh mà việc tăng dân số ở mức cơ học là vấn đề chung của các đô thị lớn trên toàn cầu. Hiến pháp nước ta đã quy định, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi sống, làm việc bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam nếu không bị vi phạm pháp luật. Và do đó, dẫu Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô và hiện đã có hiệu lực thì TP cũng không thể ban hành các văn bản pháp quy hạn chế vấn đề nhập cư. Hơn nữa, hiện Hà Nội là trung tâm giáo dục, đào đạo lớn nhất nước, nơi đây có cả trăm viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đào tạo ra hàng trăm ngàn kỹ sư, cử nhân/năm, trong số đó dẫu chưa có thống kê chính thức, song không dưới 60% trụ lại thủ đô tìm việc làm. 

Theo dự kiến đến năm 2020, dân số TP khoảng 7,9 triệu người (thực tế nhiều số liệu thống kê dân số thực của Hà Nội hiện đã đạt như vậy- PV), năm 2030 dân số trên 9 triệu người và năm 2050 dân số khống chế khoảng 11 triệu người. Để giải quyết bài toán tăng trưởng gắn với quy mô dân số, ngày 27/6/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259 phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó, xem việc liên kết vùng, xây dựng vùng thủ đô gắn với các đô thị vệ tinh mang bước đột phá. Tuy nhiên, đã qua 4 năm, việc thực thi ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh gắn với vùng thủ đô vẫn chỉ nằm trên giấy. Bởi thế nếu với việc tăng tốc độ dân số ở mức cơ học như hiện nay, nếu không có triển khai ngay theo đúng tinh thần Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì vấn đề dân số gắn với những bức xúc về mặt xã hội, hạ tầng cơ sở sẽ ngày càng gia tăng. 

Hiện chỉ tiêu cây xanh mới đạt 2,5m2/người trong khi mục tiêu quy hoạch năm 1998 là 16 m2/người; đặc biệt thiếu các công viên trên 50 ha; Chỉ tiêu giao thông đến nay mới đạt 7,5%, còn xa mới đạt chỉ tiêu 25% theo quy hoạch năm 1998 và quy hoạch chung năm 2011 là 27%. Phố cổ bị biến dạng nghiêm trọng, các phố cũ bị nhà cao tầng lấn át; Các khu chung cư cũ, các khu nhà ít tầng, các làng trong đô thị bị xuống cấp; số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo không ngừng gia tăng làm bộ mặt đô thị bị biến dạng; dẫu hàng trăm các khu đô thị mới mọc lên, nhưng phần lớn các chủ đầu tư đều lấy lợi nhuận làm mục đích hàng đầu đã lãng quên tính đồng bộ, tính hiện đại, tính dân tộc theo yêu cầu của quy hoạch chung năm 1998 và 2011.

TS. KTS Trần Trọng Hanh

Lê Hà 
(Lao Động Thủ đô)  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo