Những thập niên gần đây, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong mô hình đô thị và khu dân cư, chấp nhận sự đa dạng, quay trở về với thiên nhiên và văn hóa bản địa, dịch vụ tại chỗ, tôn vinh những dạng cư trú bền vững theo thời gian lịch sử. Đặc biệt Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbannism), sinh thái mới… cổ súy cho đô thị đi bộ, thiên nhiên và cộng đồng rất gần gũi với đô thị châu Á. Mô hình ở thị dân vốn dựa vào thủ công nghiệp và cửa hàng buôn bán nhỏ mặt phố tạo nên nền kinh tế hộ gia đình chủ đạo trong đô thị, bền bỉ kéo dài cho đến hôm nay. Mô hình nhà phố, nhà ống, nhà chia lô theo mặt tiền vẫn được ưa chuộng với lối sinh sống nhỏ, kinh tế hộ góp phần làm nên thị phần không nhỏ nhà chia lô bán nền trong các khu đô thị mới ở Việt Nam. Không biết sẽ tiến đến hiện đại ra sao, nhưng nhà phố vẫn đang làm chủ các đô thị Việt Nam.
THẾ GIỚI
Khu cư trú Wadi al-Natuf sớm nhất của con người vào thời kỳ đồ đá mới (tiền nông nghiệp) cách đây 14.000 năm được phát hiện ở Israel là một tập hợp các ngôi nhà ở đơn sơ, có hàng rào bảo vệ và có sinh hoạt tín ngưỡng. Một loạt các khu ở như vậy được tìm thấy tại Italia, Đức, Ai Cập đã chứng tỏ nhà ở, tính phòng thủ và sinh hoạt cộng đồng là những đặc tính đầu tiên trong tổ chức định cư con người. Sau đó xuất hiện dần những đô thị cổ đại, trung đại, cận hiện đại… phát triển với các chế độ cai trị khác nhau, nhưng cấu trúc chính của đô thị vẫn là các khu nhà ở với các mô hình ở đa dạng, tùy thuộc vào đất đai, sinh kế, hành chính, phòng thủ, cấu trúc xã hội, sinh hoạt dân cư, cộng đồng… mà thành. Từ những tính chất của đô thị thần quyền, đô thị công dân nguyên thủy, đô thị tôn giáo, đô thị phong kiến, đô thị chức năng, đô thị công nghiệp… cho đến đô thị đại chúng (Generic city) thời bây giờ, mô hình khu ở trong đô thị luôn là đặc trưng, là đại diện cho tính chất của đô thị.
- Hình bên: Bản vẽ của Ebenezer Howard mô tả Đô thị Vệ tinh - một cụm các Thành phố Vườn phát triển xung quanh một thành phố trung tâm. (Nguồn: Ashui.com)
Giới học thuật cũng thống nhất với nhau về một “khu ở” được hiểu: Là một khu vực định cư của con người trong đô thị, không phụ thuộc vào quy mô mà là một tập hợp nhà ở và các công trình phụ trợ, trên một không gian lãnh thổ có xác định được giới hạn, được xây độc lập, theo nhóm ở, khu nhà ở, hay thành một đơn vị ở, một đơn vị dân cư trong đô thị. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, dường như các mô hình ở được nhận dạng theo hai cách: 1- Theo loại hình nhà ở truyền thống (Cung điện, dinh thự, đền đài của vua quan và nhà ở truyền thống của thị dân); 2- Theo cấu trúc đặc thù của các lớp không gian (Thành cổ, khu phố truyền thống, khu phố ven đô, khu phố hiện đại ở các nước phương Tây; Tại các nước có thời kỳ thuộc địa thì được nhận dạng theo thành cổ, khu phố cổ, khu phố thuộc địa, khu phố cận đại và khu đô thị hiện đại).
Từ khi nhân loại bước sang kỷ nguyên công nghiệp thế kỷ 19, sau nhiều nỗ lực của Chủ nghĩa hiện đại, đô thị trở thành nơi định cư lý tưởng của đa số (Mốc 2008, hơn 50% loài người sống trong đô thị). Mô hình ở cũng biến đổi theo sự tìm tòi của các nhà chuyên môn quy hoạch, xã hội, kinh tế, chính trị để tìm đến sự cải cách đô thị đi đôi với cải cách xã hội và tổ chức dân cư: Robert Owen với mô hình sinh hoạt tập thể dựa trên các tập đoàn xã hội nông – công nghiệp qui mô nhỏ; Charles Fourier với mô hình ở công xã tự cung tự cấp của chủ nghĩa xã hội không tưởng; Ebenezer Howard với mô hình “Thành phố vườn” mà chủ yếu là tổ chức các đơn vị ở tiền thân của chủ nghĩa chức năng; Tony Garnie với mô hình ở theo tuyến của Thành phố công nghiệp; Le Corbusier với đơn vị ở theo dạng thành phố trong thành phố; Clarence Perry với đơn vị ở láng giềng; Stein với mô hình ở gắn chặt giao thông cơ giới…
Đặc biệt mô hình tiểu khu ở của Liên Xô cũ ra đời như hệ quả của lối sống tập thể và kinh tế bao cấp của xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng lớn đến các nước Đông Âu và Bắc Việt Nam, chỉ riêng Hà Nội đã có tới 64 khu chung cư tập thể ra đời từ năm 1956 đến 1980 theo mô hình này. Kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp là các đô thị đại chúng ra đời với sự cổ súy cho giao thông cơ giới, theo lý thuyết chức năng để phù hợp xã hội công nghiệp và tiêu dùng được xây tràn lan, xóa sổ quá khứ và văn hóa truyền thống.
Những thập niên gần đây, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong mô hình đô thị và khu dân cư, chấp nhận sự đa dạng, quay trở về với thiên nhiên và văn hóa bản địa, dịch vụ tại chỗ, tôn vinh những dạng cư trú bền vững theo thời gian lịch sử. Đặc biệt Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbannism), sinh thái mới… cổ súy cho đô thị đi bộ, thiên nhiên và cộng đồng rất gần gũi với đô thị châu Á. Truyền thống một lần nữa lại được tôn vinh?
VIỆT NAM
Đô thị – Kinh thành với sự hình thành khu phố – phường thợ phục vụ cho vua quan
Là một nước nông nghiệp, các đô thị Việt Nam xuất hiện rất sớm nhưng có vẻ mờ nhạt hơn so với làng xã. Chúng chủ yếu bám quanh nơi làm việc, ăn ở của vua quan dưới dạng đô thị kinh thành, thành lũy rồi dần dần có thêm các phố và thị. Động lực kinh tế từ cung đình cho đô thị nhiều hơn là thương mại và sản xuất hàng hóa, vốn là nguồn sống chính của đô thị cổ đại phương Tây. Hà Nội sầm uất thành đô thị từ Đại La thành với Kẻ Chợ và sau này là Hoàng Thành Thăng Long gắn với quyền lực nhà nước song hành với khu 36 phố phường là một minh chứng rõ ràng cho kiểu đô thị – kinh thành, đô thị – huyện lị ở Việt Nam.
Khu trung tâm cao tầng Q1, Tp. Hồ Chí Minh
Sự hình thành đô thị Sài gòn có hơi khác biệt nhưng cũng bắt đầu từ xây thành. Cách đây hơn 300 năm (1790) thành Gia Định – Sài Gòn được Nguyễn Hữu Cảnh cho xây dựng án ngữ ngã ba giao thông huyết mạch đi Cao Miên, đi miền Tây và Đồng Nai với sự bao bọc của hệ thống sông Sài Gòn và các kênh rạch dày đặc như Thị Nghè, Bến Nghé, Kênh Tẻ, rạch Cầu Kho… Sau đó là phần “thị” được hình thành một cách tự phát bên cạnh, rồi dần dần người Hoa từ Hà Tiên, Đinh Quán chạy về vùng Sài Gòn tựa vào kênh Tàu Hủ nối liền mạch với các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé đi Cao Miên buôn bán để lập nên khu phố thị độc đáo Chợ Lớn. Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn hình thành như những cấu trúc chính, nối nhau chỉ bằng một con đường độc đạo. Sau này, Pháp lại mở mang phần Sài Gòn thành đầu não Nam Bộ.
Có lẽ vậy mà có từ “thành thị” khi chỉ các đô thị truyền thống của Việt Nam vốn gắn với chính quyền hơn là kinh tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các mô hình của đô thị Việt Nam ở tất cả các thời kỳ.
Mô hình ở thị dân vốn dựa vào thủ công nghiệp và cửa hàng buôn bán nhỏ mặt phố tạo nên nền kinh tế hộ gia đình chủ đạo trong đô thị, bền bỉ kéo dài cho đến hôm nay. Mô hình nhà phố, nhà ống, nhà chia lô theo mặt tiền vẫn được ưa chuộng với lối sinh sống nhỏ, kinh tế hộ góp phần làm nên thị phần không nhỏ nhà chia lô bán nền trong các khu đô thị mới ở Việt Nam. Không biết sẽ tiến đến hiện đại ra sao, nhưng nhà phố vẫn đang làm chủ các đô thị Việt Nam.
Đô thị – Cảng thị với những khu phố cổ lừng danh trong ngoài nước
Là một đất nước của sông ngòi và bờ biển chạy suốt 3000km, có lẽ mô hình đô thị nhỏ gắn thị dân với giao thương hàng hóa trên sông nước, của biển đã tạo cho Việt Nam một dạng cư trú độc đáo duy trì đến tận ngày nay. Một sáng tạo của người Việt đậm chất bản địa. Phố khởi đầu là chỉ một dãy quán bán hàng chạy từ bến sông, bến thuyền lên để đón hàng hóa vốn chủ yếu do giao thông thủy cung ứng quanh vùng. Hàng hóa bán chạy và quán xá mọc lên như nấm, tạo thị và cảng thị là những con phố nhỏ như vậy mà thành. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Vân Đồn, Kỳ Lừa, Bao Vinh, Hội An, Gia Định, Chợ Lớn, Phố- bến Ninh Kiều với Chợ nổi ngã ba sông, Hà Tiên… hình thành do buôn bán từ cảng thị với tàu bè trong và ngoài nước.
Và một lần nữa, mô hình phố của người Việt vẫn kiên nhẫn gắn kết thị dân truyền thống với nền kinh tế cảng thị sầm uất trên một nền địa lý sông nước làm chủ. Thời thuộc địa gắn với mô hình ở biệt thự – nhà vườn Pháp nằm trên những con phố Tây
Chưa ai lý giải rõ ràng tại sao thời Pháp thuộc đô thị lại phát triển khắp nơi, đem lại văn minh phương Tây và đẹp lộng lẫy như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, mộc mạc như Hải Phòng, Nam Định, Thủ Dầu Một… Chỉ chắc chắn một điều là đường sắt Bắc-Nam dài gần 3000km và những cây cầu nối hai bờ những con sông chi chít dữ dằn trong mùa lũ đã tạo nên động lực của kinh tế hàng hóa – vốn chủ đạo trong sự hình thành đô thị tiền, hiện đại và làm nên hệ thống đô thị Thủ Đô, đô thị tỉnh lỵ, huyện lỵ trên toàn lãnh thổ. Riêng Đà Lạt có tới 1500 biệt thự vườn đồi vô giá. Kỳ tích này khó thời kỳ nào có thể vượt qua.
Đặc biệt hơn là những công sở, dinh thự, biệt thự, nhà vườn kiểu Pháp không những được xây dựng ở Khu phố Pháp với rất nhiều trung tâm hoạt động (Hầu như đô thị nào cũng có dù lớn nhỏ khác nhau), mà còn được người Việt rất ưa chuộng. Nhà giàu lớn thì xây biệt thự phong cách Pháp, nhà giàu vừa sáng tạo mặt tiền nhà vườn, nhà phố kiểu Pháp, nhà ống phố làm cả dãy hay lốm đốm trang trí Pháp phía trên tầng trệt vẫn là cửa hàng, chưa kể đến các làng ven đô có cả xóm nhà Tây, làng giàu như Cự Đà có đến dăm chục khu dinh thự kiểu Pháp, Pháp -Việt.
Thị dân đã làm quen với loại hình cư trú mới và mở mang thêm nhiều dãy phố với các lô đất lớn làm nhà Pháp, chỉ dùng để ở và đãi khách làm ăn một cách sang trọng, tách khỏi kiểu nhà ở -cửa hàng vốn bình dân trong phố cổ. Tuy nhiên phần lớn họ vẫn duy trì nhà phố trên những con phố lớn hơn cho ô tô với hạ tầng tiện ích do vỉa hè, nước máy, điện và thoát nước văn minh.
Quĩ dinh thự, công sở và biệt thự Pháp đang là một di sản hiện hữu làm nên vẻ sang trọng, vẻ đẹp riêng cho các đô thị của Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Chúng sở hữu những chuỗi phong cách nghệ thuật Tiền cổ điển, Cổ điển, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, Art Décor, Indo-China (Phong cách Đông dương của Hiện đại – Bản địa thời kỳ đầu, rực rỡ, giao thoa với văn minh phương Tây)…
Khu trung tâm Q3 nội đô, Tp. Hồ Chí Minh
Thời của chung cư, nhà tập thể khi dân số đô thị tăng dần
Những năm 60 – 80 thế kỷ trước, các đô thị Việt Nam được bổ xung một mô hình ở mới, đại chúng hơn do tiết kiệm đất và cung ứng dễ hơn các dịch vụ đời sống thiết yếu cho cư dân. Khu chung cư tập thể ở miền Bắc chịu ảnh hưởng của Tiểu khu ở Liên Xô cũ cả về qui hoạch, cấu trúc và chức năng. Lấy đơn vị hạt nhân là trường học và bách hóa cho các nhóm ở kiểu ở tập thể từ 4 – 6 tầng quây quần xung quanh. Hà Nội xây tới 64 khu chung cư khắp những khu đất phía Tây và Nam. Hải Phòng với khu An Dương và 220 nhà tập thể, Thanh Hóa với khu Phan Chu Trinh, Vinh với khu Quang Trung… Chủ yếu chúng xây để phân cho các cán bộ công chức ăn lương của nhà nước ở.
Tiến bộ hơn về cấu trúc và tiện nghi là các khu cư xá của đô thị miền Nam, vốn xây cho quân nhân và công chức ở. Số tầng cao hơn, căn hộ khép kín, dịch vụ đa dạng hơn, có thể xen giữa các phố xá hoặc gần gũi với thiên nhiên. Sài Gòn bấy giờ có Thanh Đa, Cô Giang, Miếu Nổi với hàng trăm chung cư cũ xen cấy trong nội thành, các cư xá xây cho quân nhân cũng mọc lên tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Dầu Một… và các tỉnh lỵ lớn.
Mô hình chung cư thích hợp với đô thị có nền kinh tế hàng hóa, dịch vụ phát triển để có thể tạo ra các khu ở độc lập với các khu thương mại, sản xuất và văn phòng. Việt Nam đã có một thời phát triển chung cư 3 – 5 tầng, nhưng nó bị bỏ quên, xuống cấp khoảng 20 năm sau chiến tranh do kinh tế khó khăn, đô thị không thể phát triển. Những năm 2000 trở về đây, chúng đột nhiên sống dậy, phát triển như vũ bão, đa dạng hóa loại hình đáp ứng cho tất cả các tầng lớp cư dân đô thị từ giới nhà giàu đến bình dân, thu nhập thấp.
Thời của các Khu đô thị mới, liệu đã thấy mừng với mặt hàng thương mại đại trà?
Đi đâu bây giờ cũng như đang ở công trường xây dựng, cả nước đang chung chân trên con đường đô thị hóa. Vui buồn lẫn lộn vì ở nước ta hiện nay kinh tế thu từ bất động sản và xây dựng khoảng 15% GDP và 10% việc làm, khoảng 20% đầu tư tài sản cố định và nó còn chiếm tỉ trọng lớn các khoản vay ngân hàng. Các con số đóng góp nhiều cho phát triển đất nước.
Nhưng đô thị hóa không được hoạch định tốt sẽ dẫn đến sự tập trung dân cư vào các thành phố lớn, gây áp lực nặng nề về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Số lượng việc làm, tiện nghi và tiện ích đô thị, dịch vụ công cộng thành phố chỉ giới hạn, trong khi dòng người đổ về đô thị đa phần không có kỹ năng nghề nghiệp và nhà ở làm nên những bế tắc của đô thị. Đô thị đang đứng trước “bệnh đầu to” do phình vô tổ chức thành phố mẹ, hoặc “phá vỡ cấu trúc” do sức ép quá tải dân số, hoạt động, hạ tầng lên cơ thể giới hạn của thành phố. Mô hình ở cũng vì thế mà khủng hoảng, đặc biệt khủng hoảng về môi trường sống, mô trường đô thị.
Ví dụ như TP HCM, phải chăng sau khi được quan tâm quy hoạch vào bậc nhất trong cả nước, thành phố này lại đánh mất nhiều cấu trúc lịch sử của chính mình (do để cho quá tải và xô bồ ở trung tâm thành phố mẹ đẻ), trở thành một thành phố phi danh tính với dạng chùm đô thị, các khu đô thị mới dính vào nhau theo các trục giao thông lớn, tuyến tính rất đáng ngại theo lý thuyết không gian.
Các mô hình ở hiện nay chủ yếu là căn hộ đang báo hiệu một thời kỳ thịnh vượng hay lao theo số đông của xu hướng thương mại một cách tự do? Cũng vì thế mà khó xác định được giá trị thật của chúng vì, khó có ai tách được nhà ở ra khỏi tổ chức tốt đẹp môi trường sống bao chứa chúng. Hàng loạt dự án hoành tráng xây khu đô thị mới cho thấy điều kiện sống căn hộ được cải thiện rất nhiều và đa dạng sản phẩm nhà ở: Khu cao cấp như Phú Mỹ Hưng (Có lẽ đồng bộ hơn cả), Garden City, Royal City; Khu trung lưu như City Times, Thăng Long, Central Park, Mariland; Khu nhà ở xã hội như Đại Thanh, Linh Đàm, Gia Lâm.. Nhưng tổ chức được môi trường ở và quản lý nó để người dân vẫn hàng ngày đối diện với bế tắc đô thị: Kẹt xe tắc đường, lụt do mưa và triều cường, ô nhiễm không khí và nước thải, nạn trộm cắp, cướp giật, không đủ chợ, bệnh viện, trường học… phổ biến. Để có văn minh đô thị lại chưa có lời giải bằng hạ tầng, cây xanh, tiện ích công và công cộng đô thị, qui chế quản lý. Thậm chí chưa tổ chức được chính quyền đô thị qua nhiều năm bàn bạc.
Những định hướng cho một đô thị nhân bản, giao thông và cảnh quan thân thiện với cư dân đển nay vẫn là viễn cảnh, thế mà nhân loại đang nói đến đô thị sáng tạo và trí thức./.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Kinh nghiệm & thực tiễn phát triển đô thị mới
- Phát triển đô thị bền vững từ góc độ quản lý phát triển đô thị
- Đổi mới công tác quy hoạch xây dựng đô thị hướng tới phát triển bền vững
- Khả năng hồi phục của Đô thị: Kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro ngập lụt
- Cụm đô thị Đồng bằng sông Hồng: Cần quy hoạch chung và thống nhất quy định riêng
- Công trình ngầm đô thị cần xây dựng thể chế quy hoạch thiết kế
- Phú Mỹ Hưng - Sự chuyển tải thành công những không gian đô thị mở đặc trưng của Sài Gòn
- Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt: Giữ nguyên màu xanh của rừng
- Kẹt xe, ngập nước và giải pháp quy hoạch đô thị
- Luật Quy hoạch tích hợp hay là khung?