Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Luật Quy hoạch tích hợp hay là khung?

Luật Quy hoạch tích hợp hay là khung?

Viết email In

Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) đang tập trung lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch. Theo Bộ này, hiện nay, hoạt động quy hoạch đang được điều chỉnh tại 52 luật, 7 pháp lệnh và 59 Nghị định hướng dẫn luật, pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại được lập để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Mặc dù vậy, các quy hoạch còn chồng chéo, hệ thống quản lý chưa rõ ràng, hiệu quả quy hoạch bị giảm sút, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Mặt khác, một số quy hoạch còn xuất phát từ nhu cầu chủ quan, thiếu tính khả thi; còn tình trạng cục bộ, tư duy nhiệm kỳ trong công tác quy hoạch.  


Mô hình quy hoạch khu trung tâm TP.HCM
 (nguồn: Tuổi Trẻ) 

Đề xuất chỉ một cơ quan chủ trì

Theo cơ quan soạn thảo, Luật Quy hoạch tích hợp, đa ngành là xuất phát từ nhu cầu khách quan, phù hợp với xu thế và cần thiết cho sự phát triển hiện nay, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trên một lãnh thổ; tạo điều kiện cho quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước, thuận lợi cho DN, người dân tìm hiểu cơ hội đầu tư, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Tại Điều 20 của dự thảo có quy định việc tổ chức và cách thức phối hợp lập các loại quy hoạch. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ định một cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quy trình lập quy hoạch chính là quá trình trao đổi, tranh luận, cọ xát, xử lý và giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích giữa T.Ư và địa phương, giữa ngành với địa phương, giữa lợi ích của các ngành với nhau, giữa lợi ích của các địa phương với nhau và giữa lợi ích công và tư để đi đến một bản quy hoạch có chất lượng cao, được sự đồng thuận. Đồng thời quy hoạch cũng sẽ là phương án phân bổ, sử dụng nguồn lực tài nguyên đất đai, mặt nước, không gian, khoáng sản một cách hiệu quả, tối ưu nhất. 

"Thay đổi tư duy về quy hoạch thường là khâu khó khăn nhất ở tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm để phát triển được bền vững và dễ dàng thoát nhanh khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Một trong những việc cần làm lúc này là xác định rõ đối tượng nào cần quy hoạch và không cần quy hoạch trong cơ chế thị trường để loại bỏ sự lãng phí, chồng chéo và khoảng trống trong quy hoạch." 

Đặng Hùng VõNguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, cần khẳng định các mặt được của quy hoạch đã thực hiện là rất lớn dù không thể phủ nhận thực tế, hệ thống các quy hoạch hiện nay còn chồng chéo, phiền hà, chất lượng hạn chế, thiếu sự thống nhất giữa các quy hoạch. Do đó, đề nghị cơ quan xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch chỉ nên quy định có tính chất khung, không điều chỉnh chi tiết tất cả các quy hoạch theo hướng tích hợp như đề xuất. Theo quan điểm của đại diện Bộ Xây dựng, cần khẳng định rằng lập quy hoạch tích hợp như đề xuất trong dự thảo Luật Quy hoạch là rất khó triển khai và không có tính khả thi. Thực tế rất khó có một quy hoạch có thể tích hợp thống nhất mọi ngành, mọi lĩnh vực. Mỗi loại quy hoạch có yêu cầu về thông số, các chỉ tiêu kỹ thuật khác nhau; phương pháp luận, yêu cầu về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt khác nhau dẫn đến yêu cầu về sản phẩm quy hoạch khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Do đó không dễ dàng có thể tích hợp nghiên cứu đồng thời các quy hoạch. 

Trong lúc có nhiều quan điểm cho rằng dự thảo luật đang quá “ôm đồm” thì cũng có những ý kiến ủng hộ xu hướng tích hợp trong quy hoạch. TS Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam ủng hộ xây dựng một luật quy hoạch nhằm đồng nhất hệ thống quy hoạch ở Việt Nam. Quy hoạch đô thị và vùng lãnh thổ là một quy trình ra quyết định mang tính tích hợp và có sự tham gia kết nối với một tầm nhìn chung, một chiến lược. Thay đổi văn hóa lập quy hoạch, thay vì cạnh tranh sang hợp tác, hướng tới những mục tiêu ưu tiên. Thể chế tài chính, quy hoạch phải gắn với việc tổ chức thực hiện. Cần làm rõ nguồn lực để tổ chức thực hiện quy hoạch, phải đảm bảo quy hoạch đi đôi với việc sử dụng tài nguyên đất và các nguồn lực tài nguyên. Quy hoạch phải có tính chế tài, đảm bảo tính nghiêm minh, không để quy hoạch phục vụ cho lợi ích nhóm. 


(minh họa: Thanh Niên) 

Câu hỏi nguồn nhân lực và năng lực quản lý

Ông Lawrie Wilson - Giám đốc dự án quốc tế đặt vấn đề, câu hỏi cần được trả lời ngay là liệu các cơ chế hiện hành của quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, miền có đủ năng lực lẫn cách quản lý thể chế phù hợp để giải quyết những thách thức mà khu vực đô thị và nông thôn hiện đang phải đối mặt hay không, đặc biệt là trong việc đưa ra ứng phó biến đổi khí hậu, sáng kiến tăng trưởng xanh và phát triển thành thị và nông thôn bền vững. Chuyên gia này cho biết, ông trông đợi sự chú trọng hơn nữa vào cách mà hệ thống được vận hành như một tổng thể, có nghĩa là, bởi tất cả các bộ và cơ quan thích hợp và tại tất cả các cấp quản lý và vào những công cụ quy hoạch cũng như những nguồn lực cần thiết để vận hành hệ thống đó. Cần phải giải quyết cấp bách vấn đề nguồn lực cần thiết, đặc biệt là nguồn nhân lực để rà soát quy hoạch đô thị với sự chú trọng nhiều hơn nữa tới chỉ đạo khung về vùng và quản lý quy trình phát triển. Chúng ta có thể tìm ra ở đâu những kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác chuẩn bị lập chỉ đạo khung về vùng? - Đó chính là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của công tác quản lý phát triển mà Việt Nam đang phải đối mặt, ai sẽ là người đảm nhận việc này? Tại Australia, thống kê cho thấy khoảng 80% các nhà quy hoạch chính là các nhà quản lý phát triển và 10% trong số đó là các nhà thiết kế đô thị. Tại Việt Nam, không biết liệu các khóa học về quy hoạch tại các trường đại học có đào tạo quản lý phát triển và quản lý đô thị hay không (?).

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích, yêu cầu về điều kiện, năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân tham gia quá trình lập, thẩm định đối với từng loại quy hoạch rất khác nhau nên việc tổ chức lập quy hoạch theo hướng tích hợp sẽ rất khó thực hiện vì không có cơ quan nào có đủ năng lực thực hiện, cũng như không đáp ứng được yêu cầu giải quyết những bất cập nảy sinh trong các hoạt động quy hoạch. Mặt khác với mô hình tổ chức các cơ quan Nhà nước hiện nay, không cơ quan nào có đủ năng lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chuyên sâu các quy hoạch nếu được lập theo hướng tích hợp.

Về vấn đề ưu tiên trong đầu tư, ông Koos Neefjes - Tư vấn quốc tế đưa ra nhận định, như thông lệ hiện nay và dự thảo luật (Điều 19), sẽ không có ngân sách kèm theo cho đầu tư công và đầu tư dự kiến của khu vực tư nhân. Điều này khiến cho việc đưa ra các ưu tiên đặc biệt khó khăn - không có tích chi phí, lợi ích, về các khía cạnh kinh tế - xã hội, môi trường. Việc phân bổ ngân sách công trên thực tế sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán ngân sách hàng năm hoặc hai năm một lần và việc phê duyệt đầu tư tư nhân được thực hiện một cách thiếu hệ thống. 

Quan điểm xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch: 

- Ban hành Luật Quy hoạch để thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động quy hoạch.

- Hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.

- Quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển; đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

- Thiết lập kỷ cương trật tự trong quản lý thực hiện quy hoạch.

(Trích bài viết về Nội dung dự thảo Luật Quy hoạch của ông Đinh Thanh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ KH&ĐT) 

Song Hà 
(Kinh tế & Đô thị)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo