Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thành phố dành cho ai?

Thành phố dành cho ai?

Viết email In

Đó là câu hỏi mà giáo sư địa lý học đô thị người Mỹ Joel Kotkin đặt ra trong bài khảo luận dài gần 30 trang viết cho Trung tâm Nghiên cứu thành phố sáng tạo Lý Quang Diệu (LKYCIC) thuộc Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD)(1). Một trong những mẫu hình thành phố thành công ở châu Á được tác giả dùng để trả lời cho câu hỏi này là Singapore với sự an toàn, hoạt động thương mại sầm uất, hệ thống giáo dục tốt và môi trường lý tưởng cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, theo Giáo sư Kotkin, có một điều gì đó không ổn bởi Singapore không có cái phần hồn thiêng liêng (the sacred) khiến người dân ở đây gắn bó mật thiết với nó. Những ví dụ về thành phố có biểu tượng thiêng liêng được nêu trong khảo luận này là New York với quảng trường Times, Paris với tháp Eiffel, London với quảng trường Trafalgar, đài tưởng niệm chiến tranh - Indianapolis, hay những dãy núi bao quanh các thành phố lớn ở Mỹ như Los Angeles, Denver, Phoenix, San Francisco, Seattle, Portland.  


Một góc TPHCM. Ảnh: HV 

Thành phố cần một linh hồn

Trong một cuộc hội thảo với chủ đề ký ức của một thành phố do Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND) tổ chức, các tham luận và ý kiến phản hồi của đại biểu phải công nhận thực tế phũ phàng của một thành phố mang tiếng đẳng cấp thế giới nhưng lại có rất ít những “di sản” riêng cho mình. Theo Giáo sư Kotkin, đảo quốc nhiệt đới này là nơi hội tụ đầy sắc màu của nhiều nền văn hóa nhưng thường xuyên chịu áp lực phải đi theo một mô thức toàn cầu làm biến mất những khác biệt khiến con người và gia đình của họ gắn bó với một nơi chốn nào đó. Hậu quả là Singapore trở thành một “thành phố khách sạn”, một trạm trung chuyển toàn cầu - từ tầng lớp chuyên gia tay nghề cao xuống những người công nhân lao động làm việc tay chân. 

Cái gọi là bản sắc Singapore (Singaporeness) lại gắn liền với việc tận hưởng những tiện ích đô thị như dịch vụ trong khách sạn, căn hộ hay biệt thự có người phục vụ. Giáo sư Kotkin đặt dấu hỏi đâu là giá trị nội tại của Singapore khi ông nhìn thấy những khu trung tâm mua sắm trên đường Orchard Road đông người qua lại với những cửa hàng, thương hiệu y chang Los Angeles, Dubai, London hay Mexico City. Giáo sư kết luận: “Trong nỗ lực đạt được sự chấp nhận của những người theo thời trang đô thị, một thành phố có thể đánh mất linh hồn của mình, và theo thời gian, mất cả lý do để tồn tại”(2).

Dẫn lại định nghĩa của nhà hiền triết Hy Lạp Aristotle rằng thành phố là nơi mà con người đến đó để có một cuộc sống tốt hơn, Giáo sư Kotkin cho rằng “sống tốt” không chỉ đơn thuần là tranh thủ tận hưởng 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần (24/7), tiêu thụ và trải nghiệm cho bằng hết những sản phẩm và dịch vụ dành cho thị dân, mà vấn đề là ở chỗ con người sẽ sống như thế nào, sống cho ai, trong đó không thể quên đến yếu tố gia đình, con cái, hàng xóm láng giềng và cộng đồng xã hội nói chung.

Theo Giáo sư Kotkin, thành phố tồn tại để phục vụ cho cư dân, cho gia đình nuôi dạy con cái trưởng thành, xác định và chia sẻ không gian chung. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Singapore đã đào tạo được những con người đáp ứng thậm chí vượt qua những chuẩn mực toàn cầu và đạt được những thành tựu kinh tế đáng ngưỡng mộ. Nhưng thành công trong quá khứ không dễ gì tiếp tục trong tương lai, Singapore đang phải cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác. Một bộ phận không nhỏ người Singapore có nguy cơ trở thành công dân hạng hai khi mức thu nhập của họ thấp hơn nhiều người nước ngoài sang đây lập nghiệp và có trình độ học vấn cao hơn. Với người cao tuổi chiếm gần 40% dân số, điều gì sẽ khiến họ gắn bó với Singapore ngoài những chính sách ưu tiên về sử dụng không gian và dịch vụ công cộng hay y tế?

Theo số liệu thống kê chính thức của Viện Nghiên cứu chính sách Singapore (IPS), tính đến cuối năm 2016 đã có 213.400 người Singapore ra nước ngoài lập nghiệp sinh sống, tăng cao so với con số 157.800 vào năm 2004. Như vậy, cứ 100 người Singapore thì có 6 ở nước ngoài và đây là tỷ lệ khá cao so với dân Úc (3%), Mỹ (1%) và Nhật Bản (dưới 1%).

Một trong những lý giải cho những con số này là có một bộ phận không nhỏ người Singapore bị hụt hẫng và xa lạ với nơi bản thân mình đã sinh ra và lớn lên và họ cảm thấy tốc độ nhanh chóng của cuộc sống đã tước đi nhiều thứ quý giá như thời gian dành cho gia đình. Đáng lưu ý rằng đây cũng là suy nghĩ của cả thế hệ trẻ: theo một cuộc khảo sát trong năm 2016 của IPS, 58,3% người Singapore từ 19-30 tuổi tin rằng di cư là không thể tránh khỏi vì đảo quốc này trở nên cạnh tranh và căng thẳng hơn.

Mức sống cao và môi trường xã hội an ninh an toàn là những thứ mà thị dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á hằng mơ ước nhưng người Singapore lại nằm trong số những dân tộc bi quan nhất thế giới với tỷ lệ sinh đẻ rất thấp. Một số bạn bè thân hữu của tôi có dịp đến Singapore mặc dù đánh giá cao sự quy củ và sạch sẽ nhưng lại phàn nàn về sự buồn tẻ sau khi cố nán lại đây thêm vài ngày.

Người Singapore nói chung đề cao sự riêng tư, ít biểu lộ cảm xúc, dè dặt trong giao tiếp, tiết kiệm lời nói và cả nụ cười. Theo một khảo sát với 3.066 công dân, thường trú nhân và người nước ngoài tại Singapore được thực hiện trong năm 2017, chỉ có 23% cho biết chào hỏi hàng xóm láng giềng mỗi tuần ba lần, thấp hơn tỷ lệ 29% so với năm trước đó. Về chuyện cởi mở bắt chuyện trong giao tiếp, chỉ có 11% làm điều này hơn ba lần trong một tuần, thấp hơn con số 17% trong năm 2016(3).

Với cảm nhận của riêng tôi, con số này hơi bị lạc quan vì láng giềng mà tôi biết tên và có thể trao đổi vài câu xã giao chứ không dám nói là đùa cợt bông lơn không quá mười đầu ngón tay. Tôi cũng chưa bao giờ thấy cư dân xởi lởi vui vẻ chào hỏi bắt chuyện với nhau trong ba thang máy của tòa nhà 25 tầng trong suốt 10 năm qua. 

Thành phố dựa vào cộng đồng, cho cộng đồng

Vùng Queenstown nơi tôi đang ở là đô thị vệ tinh đầu tiên của Singapore với vị trí gần trung tâm tài chính ngân hàng, khu thương mại và hành chính, thu hút được nhiều cư dân trẻ đến sinh sống nhưng vẫn có đến gần 25% cư dân trên 60 tuổi. Khi tôi còn chân ướt chân ráo đến Singapore cách đây 20 năm và có dịp quanh quẩn tham quan Queenstown thì khu đô thị này vẫn còn đó một “trái tim” mà tiếng Anh gọi là “Town Centre” với các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng, xung quanh là cửa hàng, chợ phố (wet market), siêu thị và một rạp chiếu phim. Quần thể này bây giờ lại tiếp tục “nhộn nhịp” với sự có mặt của xe cần cẩu và xe tải chở vật liệu xây dựng cho các dự án phức hợp nhà ở và thương mại. Cũng may là kiến trúc của khu chợ phố được giữ lại sau khi các nhóm xã hội dân sự đề nghị bảo tồn di sản đô thị. Vị đại biểu quốc hội được bầu và phụ trách trong khu vực này là bác sĩ Chia Shi-lu đã lắng nghe và kiến nghị tích cực với các cơ quan nhà nước có liên quan.

Phát biểu qua một ấn bản phát hành hàng quí phục vụ cho cư dân, nghị sĩ Chia cho biết trong tổng thể quy hoạch của Bộ Phát triển quốc gia Singapore, Queenstown là một đô thị được bảo tồn nên các cơ quan chức sẽ phải hết sức cân nhắc trong việc dung hòa lợi ích của quốc gia và nhu cầu đa dạng của người dân. Nghị sĩ tiết lộ ông cũng đã sinh ra và lớn lên ở Queenstown, đã có nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ ở đây. Theo ông, di sản là quan trọng nhưng không thể biến đô thị thành bảo tàng mà đó phải trở thành tổ ấm dành cho cả thế hệ già lẫn trẻ. Để làm được điều đó, người dân Queenstown nên thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến thể hiện ý chí của mình, điều này sẽ giúp ông trên cương vị đại biểu quốc hội cùng các cơ quan chức năng quy hoạch và sử dụng các nguồn lực hiệu quả.

Ông Chia mong muốn bất cứ cư dân nào sống ở Queenstown đều sẽ cảm thấy đây là đô thị tuyệt vời nhất Singapore và cả những người chưa có dịp sống ở đây cũng sẽ thấy thích khi ghé ngang đây. Tôi không rõ bạn bè thân hữu của tôi đằng sau những lời khen xã giao có thực sự thích thú khi tham quan một khu đô thị trên hòn đảo nóng bức quanh năm này hay không. Nhưng nếu được cho phép, tôi sẽ khoe với họ một thứ xa xỉ mà thị dân nhiều quốc gia láng giềng của Singapore sẽ thèm muốn. Đó là một cơ chế chính quyền đô thị dựa trên quyền bầu chọn của người dân để đại diện cho họ, toàn tâm toàn ý phục vụ cộng đồng, được trả công xứng đáng và đưa khẩu hiệu “dân biết, dân bàn và dân kiểm tra” vào cuộc sống.

Lê Hữu Huy - Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore 

Trích dẫn: 
  1. https://www.newgeography.com/files/Kotkin-What-is-a-City-For-LKYCIC.pdf
  2. “In the drive to achieve acceptability from the followers of urban fashion, a city can lose its soul, and over time, its reason to exist”(p.15)
  3. https://www.straitstimes.com/singapore/sporeans-prefer-privacy-to-mingling-with-neighbours-poll

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo