Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị 26.000 ha đất trồng lúa thành đất dịch vụ: Sài Gòn có thành "công viên nước"?

26.000 ha đất trồng lúa thành đất dịch vụ: Sài Gòn có thành "công viên nước"?

Viết email In

Chính quyền TPHCM đang có kế hoạch xây dựng “đô thị thông minh” và nhiều người dân sẽ mừng, nhưng sẽ có không ít người lo khi gần đây, thành phố cho biết sẽ chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Theo báo chí thì thành phố giải thích là “nguồn lực đất đai của thành phố dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác. Do đó, TPHCM đã kiến nghị Trung ương giảm tỷ lệ đất nông nghiệp và tăng đất cho công nghiệp. Nếu việc chuyển đổi được thực hiện qua đấu giá dự kiến thu về 1,5 triệu tỉ đồng”.  


Ngập nước ở quận 2, TPHCM.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Không biết mục tiêu của việc chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ để bán đấu giá lấy 1,5 triệu tỉ đồng bù cho ngân sách thiếu hụt, hay dùng 1,5 triệu tỉ đồng đó để xây dựng hạ tầng cho “đô thị thông minh”. Nhưng cho dù mục tiêu nào, việc san lấp 26.000 ha đất ruộng lúa thành đất công nghiệp, dịch vụ sẽ làm cho mặt nước ở TPHCM dôi ra 90.000.000 mét khối. 

Nên nhớ rằng, ruộng lúa ở TPHCM là ruộng bán ngập, có nghĩa là ruộng ngập 3-5 tấc khi nước lớn, và lòi trơ đất khi nước ròng. Nước lớn bắt đầu từ cửa sông Lòng Tàu và cửa sông Xoài Rạp cùng chảy về mũi Nhà Bè, nhập thành sông Nhà Bè, rồi đến Mũi Đèn Đỏ (cầu Phú Mỹ) tách ra thành sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Trong dòng chảy nước lớn như vậy, nước sẽ tràn vào ruộng 2 bên bờ, lần lượt từ hạ nguồn đến thượng nguồn: Cần Giờ, Thị Vải, Gò Công, Cần Giuộc, Hiệp Phước, Nhà Bè, quận 7, Nhơn Trạch, Thủ Thiêm, vùng bưng 6 xã (quận 9), Bán đảo Thanh Đa, Bình Triệu (Thủ Đức), quận 8, quận 6 (chỗ Bình Phú), Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, Hiệp Bình Phước tới Lái Thiêu.

Nói tóm lại ruộng lúa ở TPHCM là vùng điều tiết làm chậm tốc độ nước lớn và tốc độ nước ròng. 

Vì thế, sau khi đất ruộng lúa bán ngập bị san lấp làm khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất như 305 ha cho khu chế xuất Tân Thuận, 1.686 ha cho khu công nghiệp Hiệp Phước, 750 ha cho 5 cụm đô thị Phú Mỹ Hưng, 2.600 ha khu đô thị Nam Sài Gòn, 300 ha khu đô thị Bình Phú, 125 ha khu dân cư Bình Hòa (Bình Thạnh), 300 ha dân cư An Phú (quận 2), 930 ha khu đô thị mới Thủ Thiêm, 250 ha khu dân cư Hiệp Bình Phước…

Tóm lại, chỉ khoảng 10.000 ha ruộng bán ngập đã bị san lấp đã góp phần làm cho TPHCM ngập nặng trong 20 năm qua, kinh phí chống ngập lên hàng trăm ngàn tỉ đồng mà không có hy vọng đến ngày hết ngập.

Nhiều năm trước, trên báo chí, GS-TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, từng liên tục phản đối việc san lấp các hồ điều tiết nước như Đầm Sen, Kỳ Hòa, Bàu Cát, Hoàng Hoa Thám, Radar Phú Lâm và san lấp ruộng bán ngập.

Bây giờ, thành phố đề nghị biến 26.000 ha đất ruộng bán ngập thành đất công nghiệp, dịch vụ, trong đó có gần 7.000 ha đất ruộng huyện Bình Chánh, là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nhất trên địa bàn thành phố.

Trong đợt đô thị hóa và công nghiệp hóa trước đây, vùng bán ngập Nhà Bè, quận 7 đã bị san lấp gần hết, sắp tới vùng bán ngập Bình Chánh cũng bị san lấp tối đa. Mà, Nhà Bè và Bình Chánh là vùng tiêu thoát nước nhanh cho phía Nam và phía Tây nội thành.

Cứ tính bình quân khi nước lớn, ruộng ngập chừng 3,3 tấc, thì nếu 26.000 ha đất ruộng bị ngập thành đất dịch vụ, sẽ có gần 90.000.000 mét khối nước bị cô lập, không còn chỗ chứa, nó sẽ nâng cao mực nước sông lên và TPHCM sẽ càng ngập nặng nề hơn, không khéo không khác gì công viên nước. 

Mai Bá Kiếm 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...