"Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến 2030, tầm nhìn 2045 sẽ là lối mở phát triển kinh tế - xã hội, định hình quy mô, vị thế đô thị Đà Nẵng tương lai, là "nam châm" thu hút đầu tư vào thành phố," ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - chia sẻ với Dân Trí về kỳ vọng của lãnh đạo chính quyền thành phố (TP) với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa công bố ngày 29/3.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045 vừa được công bố chính thức ngày 29/3, đúng ngày kỷ niệm 46 năm Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2021).
Đô thị loại đặc biệt của Việt Nam trong tương lai
Ngay sau cuộc họp về quy hoạch chung TP Đà Nẵng hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu nhấn mạnh: "Bây giờ chúng ta là đô thị loại I, nhưng tương lai không xa thì Đà Nẵng sẽ là thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố, người dân thành phố phấn đấu theo hướng đó để đưa thành phố lên tầm cao mới, cả chất lượng, quy mô phát triển".
Ngày 16/3, Thủ tướng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (sau đây gọi tắt là quy hoạch chung TP), trên cơ sở đồ án quy hoạch chung TP xây dựng từ năm 2013.
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung căn cứ luật quy hoạch ban hành năm 2017.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ.
Đồ án quy hoạch chung định vị chiến lược đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một phần của Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; là một Cổng vào của Hành lang Kinh tế Đông Tây; điểm đến Phong cách sống toàn cầu; Trung tâm du lịch, dịch vụ và trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và Khu vực. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.
Mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; Trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.
Dự báo đến 2030, Đà Nẵng có khoảng 1,79 triệu người; quy mô đất xây dựng đô thị gần 32 ha, chiếm hơn 32% diện tích đất trên đất liền.
Tương lai không xa Đà Nẵng trở thành đô thị loại đặc biệt của Việt Nam (ảnh: Lê Hải Sơn).
Cấu trúc đô thị trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Hình hài Đà Nẵng trong tương lai gồm 3 vùng đô thị đặc trưng (vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi) và 1 vùng sinh thái. Cấu trúc đô thị thiết lập 2 vành đai kinh tế: phía Bắc là Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics; phía Nam là Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điểm khác biệt của quy hoạch lần này so với quy hoạch xây dựng thời điểm 2013, theo ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - là nếu như trước đây Đà Nẵng phát triển đô thị đơn cực - một trung tâm, thì giờ tư vấn đưa ra định hướng đô thị đa cực, đa trung tâm với các đô thị vệ tinh được kết nối bằng giao thông công cộng để tạo động lực phát triển cho các khu vực khác nhau trong đô thị. Tính toán vấn đề tối ưu hóa sử dụng đất trong đô thị cũng được nghiên cứu và dự báo các nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đặc biệt đã đưa vào quy hoạch khu vực đất dự trữ phát triển để giữ lại khi cần sẽ có đất để thực hiện ý tưởng mới.
Theo nhận định của chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn, đồ án công bố lần này là một bước tiến mới của Đà Nẵng về mặt quy hoạch, nâng tầm vị thế đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, cùng với thời cơ, thử thách sắp tới với Đà Nẵng khá nhiều.
"Chúng ta phải đi vào chi tiết kế hoạch thực hiện như thế nào để Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới trong vài chục năm tới. Đó là thử thách lớn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, tinh thần hợp tác của doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân với chính quyền rất lớn để cùng phát triển thành phố với quy hoạch chung này. Qua đó cho thấy tiềm lực quy hoạch thành công để Đà Nẵng thực sự nâng tầm đô thị" - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt được kỳ vọng là "nam châm" thu hút đầu tư vào Đà Nẵng.
Chia sẻ với Dân Trí, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nhấn mạnh: Quy hoạch chung được phê duyệt cùng một loạt dự án khởi động ngay từ hôm nay (29/3) là thành quả nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, người dân thành phố và cộng đồng doanh nghiệp với khát vọng đổi thay, phát triển thành phố Đà Nẵng về mọi mặt.
Thành phố quyết tâm tận dụng tốt cơ hội, cơ chế, chính sách, động lực tăng trưởng mới, "vững vàng đưa thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn, vững chắc hơn" theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Cùng với Nghị quyết 43, Đồ án quy hoạch chung đến 2030, tầm nhìn 2045 sẽ là lối mở phát triển kinh tế - xã hội bền vững, định hình quy mô, vị thế đô thị Đà Nẵng tương lai rõ ràng, minh bạch - "nam châm" hút đầu tư. Trước mắt, đây sẽ là "đòn bẩy" kỳ vọng phục hồi các chỉ số "sức khỏe" của nền kinh tế - xã hội của thành phố hậu Covid-19.
(Ảnh: Quân Đỗ)
Cảng Liên Chiểu - "hoa hậu" thu hút đầu tư đô thị biển quốc tế Đà Nẵng
Theo đồ án quy hoạch chung Đà Nẵng 2030, tầm nhìn 2045 thì Vịnh Đà Nẵng, một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam được quy hoạch xây dựng nhiều dự án chiến lược có quy mô lớn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành đô thị biển quốc tế.
Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung ngày 16/3, chưa đầy 10 ngày sau, ngày 25/3, Chính phủ quyết định đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chính quyền TP về dự án này.
Đây là dự án nhóm A, do UBND TP. Đà Nẵng là cơ quan chủ quản, với tổng vốn đầu tư công dự kiến hơn 3.426 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng.
Giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và trong khu vực.
Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teu.
Quy hoạch Dự án Cảng Liên Chiểu.
Ông Nguyễn Chí Dũng thị sát, làm việc với Đà Nẵng về dự án Bến cảng Liên Chiểu được Chính phủ phê duyệt ngày 25/3.
Làm việc với Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh chủ trương quan trọng: Cảng Liên Chiểu sẽ là một trong 3 cụm cảng biển nước sâu của cả nước, cửa ngõ ra biển ở quy mô quốc tế
"Phía Bắc có Lạch Huyện, miền Trung phải là Liên Chiểu và phía Nam phải là Cái Mép thế là sẽ có 3 cụm cảng biển nước sâu quan trọng nhất của cả nước để ra biển, là cửa ngõ ra biển có quy mô quốc tế" - Bộ trưởng Dũng nói.
Trao đổi với lãnh đạo chính quyền TP và các ban, ngành chức năng, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn nói Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, bài bản, nhưng cũng phải thấy hiện nay, Đà Nẵng đang chững lại, hết dư địa để tăng tốc tiếp. Điều này buộc Đà Nẵng phải tìm hướng đi mới, động lực mới, không gian phát triển mới thì mới có dư địa để Đà Nẵng bước tiếp. Nếu không Đà Nẵng sẽ chậm lại và thua các địa phương khác. Nếu để cảng hàng hóa ở cảng Tiên Sa như hiện nay thì không phát triển, nên di dời ra vịnh Đà Nẵng ở Liên Chiểu là đúng hướng để cảng biển kết nối với cao tốc mà không đi qua khu vực trung tâm thành phố. Cảng Tiên Sa sẽ tập trung chức năng cảng du lịch biển.
Với cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng có một cửa ngõ ra biển quy mô quốc tế. (ảnh: Lê Hải Sơn)
Bộ trưởng Dũng chia sẻ thêm Trung ương cũng rất hiểu khó khăn của Đà Nẵng hiện nay, khi vừa qua Đà Nẵng tập trung vào mũi nhọn du lịch nên gặp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, Đà Nẵng lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm trực thuộc Trung ương, có mức tăng trưởng âm gần 10%. Do đó, phê duyệt dự án Bến cảng Liên Chiểu, Chính phủ đã phê duyệt ngay giai đoạn đầu, ngân sách Trung ương sẽ rót về Đà Nẵng 2.000 tỷ đồng, trước mắt làm ngay đê chắn sóng kết nối với cao tốc. Như thế sẽ tạo tiền đề để các nhà đầu tư đầu tư vào bến cảng.
"Dự án bến cảng bây giờ như cô gái 18 chuẩn bị đi thi hoa hậu. Chưa công bố chứ công bố rồi thì sẽ được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư" - Bộ trưởng Dũng ví sức hút nhà đầu tư của dự án cảng Liên Chiểu - điểm khởi động hình thành đô thị biển quốc tế tại Đà Nẵng trong tương lai.
Cảng Liên Chiểu hình thành sẽ hoàn thiện vành đai kinh tế phía Bắc là Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics.
"Một hình ảnh rất là đẹp nếu chúng ta kết nối giữa Cảng Liên Chiểu với khu vực logistics ở phía Bắc thì như vậy là hàng hóa sẽ được thông thương mà không phải vào trung tâm thành phố" - ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng chia sẻ với báo chí.
Để cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch và di dời cảng hàng hóa ra vịnh Đà Nẵng, kết nối với cao tốc mà không đi qua khu trung tâm thành phố là đúng hướng (ảnh: Cảng Tiên Sa)
Nhận định về cảng biển - logistics trong quy hoạch chung TP Đà Nẵng, chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn - thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - cho rằng đây là sự chuẩn bị để Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm vùng có tiềm lực lớn hơn. Tuy nhiên, để phát triển logistics và cảng biển hiệu quả, cần nhìn trong tương quan kết nối vùng.
"Cảng biển mà một đầu mối giao thông rất quan trọng, cần có một hệ thống kết nối vùng thông qua đường bộ, đường sắt và thậm chí là đường thủy liên kết những chuỗi đô thị dọc miền Trung. Thêm nữa là kết nối với khu vực biên giới với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tôi thấy rằng đây là tiềm năng rất lớn để phát triển logistisc vùng nhưng đòi hỏi một số vốn đầu tư không nhỏ. Hy vọng rằng Trung ương sẽ có những chính sách, chủ trương đầu tư để giúp cho Đà Nẵng hình thành một hệ thống logistics mang tính chất phục vụ cho phát triển vùng. Như vậy sẽ giúp cho vùng kinh tế biển miền Trung nâng lên một tầm cao tương xứng với hai vùng đô thị ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP HCM" - KTS.TS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Bài học cơ cấu nền kinh tế quá phụ thuộc vào du lịch (Đà Nẵng tăng trưởng âm gần 10% do ảnh hưởng dịch Covid-19 - PV) vừa qua cho thấy đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này là rất kịp thời, giúp Đà Nẵng định hướng phát triển không gian từ chỉ phát triển một vùng trung tâm nay thành phát triển đa vùng, đa trung tâm. Trong đó, riêng vùng ven mặt nước đã được cụ thể hóa các dự án với chiến lược phát triển Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ, trung tâm kinh tế biển của Đông Nam Á và là một phần của Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ KH-ĐT, giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn xây dựng trung tâm tài chính khu vực. (ảnh: Lê Hải Sơn)
Trung tâm tài chính khu vực: "Đại bàng chúa" sẽ đổ dòng tiền về Đà Nẵng
Cùng với dự án Bến cảng Liên Chiểu, ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chung TP Đà Nẵng, ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng "Trung tâm tài chính khu vực" theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng xem xét đề xuất về chủ trương này; đồng thời, đề xuất giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn (ưu tiên tư vấn quốc tế) lập đề án bao gồm các đề xuất về các cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính khu vực, trong đó cần nêu rõ cơ chế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng.
Với cảng hàng không quốc tế, trước đại dịch Covid-19, trung bình mỗi tuần có 500 chuyến bay quốc tế kết nối với 35 thành phố của 9 quốc gia vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng; trong đó có kết nối với các nền kinh tế năng động ở châu Á như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc).
Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng và qui mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất nước, đứng thứ 8 cả nước về mật độ kinh tế và đứng thứ 9 về nguồn thu ngân sách. Thành phố có môi trường sống an toàn, ổn định, là trung tâm giáo dục đào tạo ở miền Trung và đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng thành Trung tâm kinh tế xã hội của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận định Đà Nẵng có tiềm năng trở thành Trung tâm tài chính khu vực, phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Tâm An
(Dân Trí)
- Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Ngày hôm qua ở đâu?
- Hải Phòng: Thành phố trăm cầu, mỗi phường một công viên
- Quảng Ninh: Xây dựng đồng bộ các quy hoạch, hướng tới phát triển đô thị thông minh
- Điểm đến của những kỷ niệm – nơi kết nối tinh thần đô thị
- Thừa Thiên Huế: 12 năm quy hoạch hai bờ sông Hương
- Đi tìm một mô hình đô thị thân thiện với môi trường ở Việt Nam
- Bàn về vai trò của nước trong quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan
- Thủ tướng duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045
- Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060
- TP.HCM tăng thêm công viên, cải thiện mảng xanh đô thị