Cùng tạo kỷ niệm là thông điệp về tinh thần cộng đồng. Dù là chúng ta tôn vinh truyền thống dân tộc hay ca ngợi những công trạng hiển hách, mục tiêu chung là mang mọi người gần lại với nhau. Khi nhìn lại những ngày lễ trong bối cảnh Covid vừa qua, và hướng đến những dịp tụ tập sẽ trở lại khi vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên toàn thế giới, chúng tôi muốn giới thiệu những địa điểm được chúng tôi thiết kế cho những sự kiện công cộng, đồng thời cũng phản ánh cam kết của enCity trong việc xây dựng cộng đồng thông qua những thiết kế khác biệt và có tầm ảnh hưởng rộng khắp.
Với những người làm quy hoạch và thiết kế đô thị, tạo ra một không gian kỷ niệm chung cho cộng đồng thường được gọi là "kiến tạo nơi chốn" (place-making). Kiến tạo nơi chốn đặt di sản và văn hóa vào trung tâm của hoạt động cộng đồng bằng tôn vinh những công trình đặc sắc hay gợi nhớ đến những truyền thống và niềm tin. Điều này cũng có nghĩa là làm nổi bật một đặc tính độc đáo nào đó của một dự án thông qua thiết kế công trình và tổ chức không gian. Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc làm cho một cộng đồng trở nên gắn kết hơn bằng cách tạo ra những ‘nơi chốn’ mới mọi người gặp gỡ hay những tiện ích chia sẻ để mọi người có nhiều duyên hội ngộ. Tất cả những yếu tố này là những hình thức khác nhau để cùng tạo kỷ niệm cộng đồng và được thể hiện khác nhau trong mỗi dự án. Ba trong số những đồ án của enCity là ví dụ nổi bật về điểm đến cho sự kiện như vậy.
Khu đô thị sinh thái Bắc Đà Lạt (North Da Lat District)
Khu đô thị sinh thái Bắc Đà Lạt (Nguồn: enCity)
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, con người luôn đặt thiên nhiên ở vị trí trung tâm, thậm chí thiên nhiên còn đóng vai trò tín ngưỡng thiêng liêng. Núi thường được coi là nơi trú ngụ của các vị thần, trong khi biển và hồ nước tượng trưng cho sự trù phú, nuôi dưỡng cuộc sống ấm no. Hàng năm vào các dịp ngày mùa hoặc lễ kỷ niệm, người dân thường làm “lễ” trên núi và tổ chức phần “hội” xung quanh khu vực sông hồ. Đồ án quy hoạch tổng thể Bắc Đà Lạt từng đoạt giải thưởng "Dự án Tương lai của Năm" tại Ashui Awards của enCity có cả hai yếu tố thiên nhiên này, và được nâng tầm bởi những công trình di sản từ thời thuộc địa Pháp để lại. Do thành phố Đà Lạt được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp, cảnh quan nơi đây được thừa hưởng sự hài hòa của cả hai nền kiến trúc quy hoạch phương Đông và phương Tây.
Thành phố Đà Lạt được xây dựng bởi người Pháp trên vùng cao nguyên trung phần của Việt Nam. Được xây dựng xung quanh một hồ nước, Đà Lạt được thiết kế như một nơi nghỉ mát lý tưởng thời thuộc địa, thừa hưởng lợi thế của khí hậu cao nguyên mát mẻ, là điểm đến cho khách du lịch cũng như người dân địa phương. Dự án mà enCity quy hoạch nằm ở phía bắc Đà Lạt, ở một vùng ngoại ô của thành phố. Cũng giống như Đà Lạt, khu đô thị này được phát triển xung quanh một hồ nước, nơi được tô điểm bởi một công trình khách sạn ven mặt nước và một quảng trường lớn. Từ đây, một trục không gian công cộng sẽ chạy dọc khu đô thị, liên kết các không gian và điểm đến cộng đồng. Chẳng hạn như, quảng trường là nơi lý tưởng cho việc tụ hội và tổ chức các sự kiện, trở thành nơi trình diễn đời sống cộng đồng.
Điều đặc biệt hơn, chuỗi không gian công cộng đậm tinh thần văn hóa Đà Lạt và di sản châu Âu này nằm trên một trục hướng thẳng đến đỉnh núi Langbiang. Là một trong những ngọn núi cao nhất và linh thiêng nhất Việt Nam, đỉnh Langbiang gắn liền với lịch sử quy hoạch của thành phố cao nguyên. Đây là nơi bắt nguồn của sông Đồng Nai - con sông dài nhất Việt Nam và là điểm tụ của một trục thần đạo kéo dài từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn trên bản đồ, từ thần đạo của thành Gia Định (thành Quy) nối từ trung tâm của thành về hướng Đông Bắc, trùng với Đại lộ Lê Duẩn ngày nay, cũng hướng tới đỉnh Langbian. Người châu Âu thường sử dụng đại lộ cho những dịp lễ và diễu hành (thường sẽ dẫn đến một tượng đài mang ý nghĩa lịch sử). Tại Bắc Đà Lạt, đại lộ đóng vai trò là lối đi công cộng dẫn đến một đài quan sát toàn cảnh khu vực núi Lang Biang, làm nổi bật tính chất tôn vinh di sản – hàn gắn thiên nhiên trong quy hoạch tổng khu. Phía bên dưới đài quan sát sẽ là địa hình dốc nghiêng về phía thung lũng Lạc Dương, duy trì bố cục cảnh quan đặt Đỉnh Lang Biang đóng vai trò “tượng đài” thiên nhiên, truyền tải thông điệp một cách xuyên suốt và hài hòa.
Quy hoạch đô thị mới phía Nam Hải Dương (South Hai Duong Sports City)
Khác với cao nguyên di sản Đà Lạt, khu đô thị phía Nam Hải Dương lại tôn vinh bản sắc địa phương thông qua việc khai thác tinh thần thể thao độc đáo của người dân thành phố - người Hải Dương nổi tiếng với khả năng chơi bóng bàn chuyên nghiệp. Dựa vào đặc điểm nổi bật này, enCity tạo nên một dự án kết hợp tái thiết đô thị và xây dựng mới với phần trung tâm thể thao sôi động.
Quy hoạch đô thị mới phía Nam Hải Dương (Nguồn: enCity)
Hai tòa nhà quan trọng nhất trong khu là Sân vận động chính và Trung tâm bóng bàn – cụm thể thao này sẽ được bố trí dọc theo một con kênh cảnh quan trải dài toàn bộ dự án. Kênh đào, kết nối với hệ thống mặt nước của thành phố, nhắc nhở một quá khứ Trái ngược với các trung tâm thể thao thường là một cụm công trình hoành tráng nhưng ít tương tác với phần còn lại của đô thị, trung tâm thể thao Hải Dương được trải dải theo một tuyến cảnh quan và có nhiều khoảng “rỗng” tạo bởi các không gian công cộng để biến nơi này thành một trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, một niềm tự hào của người dân địa phương. Với phương án thiết kế này, đô thị phía Nam Hải Dương sẽ mang một hình thái khác biệt với những khu vực khác của thành phố.
Khu công nghiệp khoa học công nghệ Bình Dương (STIP)
Các dự án như Đà Lạt và Hải Dương đã có sẵn những đặc điểm định hình bản sắc cho một khu vực cảnh quan như văn hóa, di sản và đặc trưng của địa phương. Nhà thiết kế đô thị có thể sử dụng những yếu tố có sẵn này để phát triển ý tưởng độc đáo riêng cho dự án. Tuy nhiên, khi nói đến những khu phức hợp công nghiệp – đô thị trên một vùng đất rộng lớn, việc kiến tạo nơi chốn sẽ có nhiều thách thức hơn. Vai trò của người làm quy hoạch ở đây vượt xa hơn công việc thiết kế, đòi hỏi sự tưởng tượng phong phú về một bối cảnh tương lai và định hình bản sắc của cộng đồng dân cư trong đó.
STIP Bình Dương (Nguồn: enCity)
Đó là thách thức mà enCity phải giải quyết khi quy hoạch Khu công nghiệp khoa học & công nghệ Bình Dương (STIP). Nơi đây có rất nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, viện nghiên cứu, nhưng nhà đầu tư dự án cũng muốn xây dựng khu vực này trở thành một đô thị sôi động và mang tinh thần đổi mới sáng tạo. Để thực hiện điều này, enCity bố trí một tập hợp các tiện ích trong khu trung tâm, với các hành lang công cộng kéo dài từ trung tâm tới từng khu vực. Thư viện và Hội trường lớn bao quanh quảng trường chính, với khu liên hợp thể thao nằm bên ngoài. Ba địa điểm này đều có hướng nhìn ra nơi giao nhau của hai kênh đào. Phần kênh đào rộng hơn (gọi là Celebration Bay) sẽ có một sân khấu nổi ngoài trời dành cho các sự kiện và biểu diễn. Con kênh hẹp hơn kéo dài về phía bắc sẽ dành cho các hoạt động như đua thuyền rồng và các lễ hội thể thao. Ở phía ngoài Celebration Bay sẽ có một công viên trung tâm và một sân golf với tầm nhìn ra những đồn điền cao su phía xa. enCity cũng thiết kế một làn đường dành cho xe tự lái chạy vòng quanh công viên và kết nối với cụm nghiên cứu phát triển liền kề, tạo ra một không gian giới thiệu những thành quả nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Những địa điểm này không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện lớn, mà còn tạo ra những tương tác hàng ngày cho người dân và dệt nên tinh thần cộng đồng.
Có thể thấy rằng, những điểm đến dành cho ngày lễ và tổ chức sự kiện đóng vai trò quan trọng trong thành công của một dự án xây dựng đô thị. Nếu như cơ sở hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò cung cấp dịch vụ và kết nối, các điểm đến này sẽ mang lại giá trị tinh thần cho người dân sinh sống nơi đây. Vượt lên chức năng trang trí cho một đô thị, những không gian này là phần linh hồn của kiến tạo nơi chốn.
Một khu đô thị không có hồn chỉ đơn thuần là một cụm các tòa nhà, một cộng đồng không có bản sắc chỉ đơn thuần là một nhóm người sống gần nhau. Tôn vinh các giá trị văn hóa và bản sắc độc đáo của địa phương chính là nền tảng để xây dựng phần “hồn” cho một đô thị, đảm bảo sự thành công và trường tồn của một dự án quy hoạch đô thị.
Heather Banerd & Elizelle David - Associate, enCity
- Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Tấm áo, tấm thân hay tầm vóc mới
- Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Tiềm năng hệ sinh thái đô thị xanh
- Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Ngày hôm qua ở đâu?
- Hải Phòng: Thành phố trăm cầu, mỗi phường một công viên
- Quảng Ninh: Xây dựng đồng bộ các quy hoạch, hướng tới phát triển đô thị thông minh
- Thừa Thiên Huế: 12 năm quy hoạch hai bờ sông Hương
- Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045: "Nam châm" thu hút đầu tư
- Đi tìm một mô hình đô thị thân thiện với môi trường ở Việt Nam
- Bàn về vai trò của nước trong quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan
- Thủ tướng duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045