Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế: 12 năm quy hoạch hai bờ sông Hương

Thừa Thiên Huế: 12 năm quy hoạch hai bờ sông Hương

Viết email In

Trong 12 năm, tỉnh lập hai bản quy hoạch sông Hương, đều hướng đến giữ gìn cảnh quan, di tích song quy mô lần sau nhỏ hơn trước đây.

Năm 2009, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch chung khu vực cảnh quan hai bờ sông Hương, từ cửa biển Thuận An đến lăng Gia Long với diện tích 4.590 ha (phạm vi 40 km).

Lúc đó không gian kiến trúc cảnh quan hai bờ sông Hương được chia thành 3 khu vực. Khu Tây Nam từ lăng Gia Long đến Kim Long được bảo tồn, xây dựng có kiểm soát, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, tôn vinh giá trị các di tích kết hợp khai thác du lịch ở mức độ hợp lý.


Cảnh quan sông Hương nhìn từ trên cao, hướng Cồn Hến.
(Ảnh: Võ Thạnh)

Khu vực thành phố Huế từ Kim Long tới Gia Hội định hướng phát triển kết hợp bảo tồn, giữ gìn những nét đặc trưng của kinh thành Huế.

Khu sinh thái đầm phá phía Đông Bắc, từ Gia Hội tới cửa biển Thuận An, là không gian sinh thái nông nghiệp, làng xóm ven sông, đầm phá, cửa biển, sẽ hình thành các điểm dịch vụ đón tiếp ngoài vành đai bảo vệ với hình thức kiến trúc truyền thống, hài hòa với các di tích hiện có.

Khu vực Cồn Hến nằm giữa sông Hương được nghiên cứu hình thành điểm du lịch dịch vụ chất lượng cao. Còn cồn Dã Viên quy hoạch bảo tồn có không gian lưu trú (khoảng 120 nhà vườn).


Khu vực Cồn Hến được quy hoạch thành điểm du lịch cấp cao.
(Ảnh: Võ Thạnh)

Kế thừa của quy hoạch nêu trên, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương vừa được phê duyệt gói gọn hơn với phạm vi 15 km từ đồi Vọng Cảnh về phố cổ Bao Vinh. Diện tích lập quy hoạch lần này cũng chỉ hơn 855 ha (ít hơn trước trên 3.700 ha); trong đó diện tích mặt nước khoảng 503 ha, 101 ha đất công cộng...

Hai quy hoạch đều xác định, hai bờ sông Hương là trục cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú với các di tích lịch sử văn hóa, là khu vực có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi vậy, hai quy hoạch đều hướng đến việc bảo tồn cảnh quan, thiên nhiên hai bờ sông. Không gian ven sông chủ yếu là hệ thống công viên cây xanh, đường dạo kết hợp các công trình kiến trúc được khống chế chiều cao bảo đảm sự hài hoà chung, không che chắn tầm nhìn.

Trong quy hoạch mới, Cồn Hến vẫn được xác định là khu du lịch cấp cao. Từ năm 1998, gần 1.000 hộ dân ở đây được dự kiến giải tỏa, tái định cư nơi khác. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, người dân Cồn Hến vẫn sống trong quy hoạch treo, cuộc sống tạm bợ và gặp khó khăn khi xây dựng nhà cửa.

Cồn Dã Viên nằm trên sông Hương có diện tích khoảng 10,5 ha, trước đây được quy hoạch có không gian lưu trú (khoảng 120 nhà vườn) đan xen trong các khu vườn sinh cảnh. Theo quy hoạch mới, cồn Dã Viên sẽ trở thành khu văn hóa đa năng, không có dịch vụ lưu trú với các công trình được thiết kế mang tính chất truyền thống, bảo tồn các giá trị lịch sử trong khu vực, phù hợp với cảnh quan.


Các khu vực điểm nhấn trong quy hoạch hai bờ sông Hương.
(Đồ hoạ: Tiến Thành)

Góp ý triển khai quy hoạch, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, sông Hương dòng chảy hiền hòa, do vậy định hướng xây các công trình cách bờ sông 100 m là phù hợp, tạo ra khu vực ven sông hấp dẫn, phục vụ cho người dân địa phương và tăng giá trị du lịch cho thành phố Huế di sản.

"Tôi đồng tình việc quy hoạch ưu tiên bảo vệ di sản Huế hiện nay với thành nội, các công trình kiến trúc của thời Pháp ở bờ Nam sông Hương và khu phố cổ Bao Vinh, không khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, tăng thêm không gian xanh" kiến trúc sư Nam Sơn nói.

Theo ông, Thừa Thiên Huế đang hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản, do vậy cần gìn giữ và phát huy những giá trị vật chất hiện có, tuyệt đối tránh tình trạng "đập di sản để làm nhà cao tầng".

Với kinh nghiệm hơn 20 năm quản lý quy hoạch các dự án nước ngoài ở Việt Nam, thạc sĩ Trương Đình Thạnh cho rằng, sông Hương có chức năng đặc biệt, gắn liền với lịch sử, thương hiệu của Huế, do vậy cần sớm triển khai quy hoạch để phát huy giá trị.

"Nếu không quy hoạch thì sự phân bố dân cư ở hai bờ sông còn nhiều chỗ nhếch nhác, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của dòng sông", thạc sĩ Thạnh nhận định.


Đồ án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương (Nguồn: Ashui.com)

12 năm trôi qua kể từ quy hoạch ban đầu, diện mạo hai bờ sông Hương khởi sắc khi hình thành hai tuyến đường đi bộ ven sông. Hệ thống cây xanh được trồng mới. Một số tuyến đường cũng được quy hoạch, mở rộng để kết nối với các di tích, điểm du lịch. Cảnh quan thiên nhiên, di tích hai bên bờ sông Hương được giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng khu du lịch ở Cồn Hến, Dã Viên còn dang dở.

Để hiện thực hóa quy hoạch mới, Thừa Thiên Huế dự kiến ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, và các khu chức năng của cồn Dã Viên; giải tỏa, tái định cư người dân cồn Hến; xây dựng, chỉnh trang chợ Đông Ba và đường Chương Dương; đầu tư, xây dựng các bến thuyền và khu dịch vụ bến thuyền; đầu tư, xây dựng chỉnh trang các công viên ở khu vực trung tâm.

Võ Thạnh

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...