Tháng 7/2021, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tại New York của Hoa Kỳ đã công bố danh sách TOP 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021.
Lần đầu tiên, Vùng thông minh Bình Dương lọt TOP 7, một điểm nhấn khẳng định mô hình xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương là chiến lược đúng đắn và đang từng bước gặt hái thành quả.
Các dự án được triển khai tại vòng xoay thành phố mới Bình Dương sẽ áp dụng mô hình TOD phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. (Nguồn: tuoitre.vn)
Sau 25 năm hình thành (tái lập) và phát triển, Bình Dương đã tích lũy được nền tảng về kinh tế-xã hội đủ tiềm lực, sẵn có về hạ tầng, hệ thống khu công nghiệp và nguồn nhân lực lao động… Tuy nhiên, Bình Dương không thể mãi hài lòng với nền công nghiệp sản xuất chủ yếu bằng gia công, nhân công giá rẻ.
Địa phương này mong muốn nâng tầm phát triển mới bằng chiến lược lấy Đề án thành phố thông minh Bình Dương làm đột phá, tạo ra sân chơi mới cho các nhà đầu tư “khó tính” trong nước và cộng đồng quốc tế.
Dựa trên nền tảng sẵn có về phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030. Mục tiêu là biến Bình Dương thành Vùng đổi mới sáng tạo - trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh, vốn tạo sự chú ý lớn và thành công thời gian vừa qua.
Định hình thương hiệu thành phố thông minh
Đề án thành phố thông minh Bình Dương được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt cuối năm 2016. Việc Bình Dương lọt vào TOP 7 của ICF là dấu ấn khẳng định “thương hiệu” của địa phương này, bởi một khu vực được vào TOP 7, cần đáp ứng các tiêu chí khắt khe như nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng. Cùng với đó là những nghiên cứu đánh giá về chiều sâu chiến lược phát triển của các địa phương, tiêu biểu là Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học-công nghệ. Với định hướng Vùng đổi mới sáng tạo, tầm nhìn phát triển tương lai của tỉnh Bình Dương là nâng cao đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển nguồn nhân lực.
Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương được ban hành tháng 6/2021. Ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021-2026, trong đó đặc biệt chú trọng cập nhật các chương trình mới vào quy hoạch Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Trong năm 2021, tỉnh dự kiến triển khai được ít nhất 3 dự án cụ thể (trong 12 dự án trọng điểm của Đề án), mang đến hiệu quả rõ ràng, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng Đề án để thực hiện giai đoạn tiếp theo, trong đó hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình hợp tác ba nhà, kiện toàn tổ chức của Đề án giai đoạn tiếp theo; tăng cường hợp tác ba bên trong tất cả các hoạt động và khuyến khích phát huy tinh thần chủ động đề xuất các dự án, chương trình.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện Bình Dương đang mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với trọng tâm Vùng đổi mới sáng tạo, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh.
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, cho rằng chìa khóa phát triển trong thời kỳ 4.0 là việc hỗ trợ nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. Tỉnh đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, cần được đẩy nhanh vào thực tiễn sau dịch bệnh.
Hiện Tổng Công ty Becamex IDC đang hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm sản xuất thông minh 4.0, nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn.
Ngay sau đợt dịch, Bình Dương sẽ nhanh chóng hoàn thành thủ tục xây dựng trụ sở tòa nhà Trung tâm Điều hành thành phố thông minh để đưa vào vận hành hiệu quả. Việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh khôi phục kinh tế, tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng thành công thành phố thông minh.
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Liên kết hình thành Vùng đổi mới sáng tạo
Tổng Công ty Becamex IDC đã được tỉnh giao phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, các đối tác quốc tế từ Eindhoven-Hà Lan, WTA-Hàn Quốc và các chuyên gia từ Singapore triển khai ý tưởng đột phá Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Vùng đổi mới sáng tạo tiếp giáp khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo thành một vệt đổi mới sáng tạo trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, xuyên suốt Bình Dương, nối vào tỉnh Bình Phước.
Theo ông Nguyễn Việt Long, Bình Dương với các đô thị trung tâm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị phụ cận của Thành phố Hồ Chí Minh, nên vai trò kết nối vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hiện nay, việc đầu tư phát triển các đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương được quan tâm, từng bước có kế hoạch đầu tư xứng tầm với đô thị được phân loại và nâng cao khả năng kết nối. Tỉnh đã nỗ lực trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó chú trọng đến các trục giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt liên khu vực mang tính kết nối đến các đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Bình Dương tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, đối tác đáng tin cậy của ba tổ chức quốc tế lớn: Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).
Đầu tháng 11/2021, Tổng Công ty Becamex IDC và The Connected Places Catapult (CPC-Vương quốc Anh) đã ký kết hợp tác xây dựng thành phố thông minh tại Bình Dương. Hai bên sẽ hợp tác xác định phạm vi, lộ trình giai đoạn tiếp theo hành trình đổi mới sáng tạo của thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo, Khu công nghiệp khoa học và công nghệ Bình Dương; xây dựng các chương trình đổi mới, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng vào Bình Dương...
Hợp tác này hướng tới mô hình thu hút đầu tư hoàn chỉnh với hai giá trị cốt lõi, đó là trung tâm khoa học công nghệ; trung tâm R&D và sản xuất các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật, có giá trị gia tăng cao.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn. Đây là nền tảng tiên quyết, tạo tiềm lực để đột phá, chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai.
Hiện Ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương giao Becamex IDC hợp tác Đại học Quốc gia Singapore phát triển mô hình Block71 tại Thành phố Hồ Chí Minh để từ đó kết nối nguồn lực vào Bình Dương; đồng thời từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố mới Bình Dương. Cùng Đại học Quốc tế miền Đông đẩy mạnh các hoạt động tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp BBI, triển khai các chương trình vườn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng vào các công ty công nghệ; vận hành hiệu qua hơn Fablab và Phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ 4.0 và AI…
Tại hội nghị trực tuyến với thành phố Eindhoven (Hà Lan) tháng 10/2021, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết giai đoạn sắp tới, địa phương bước vào thời kỳ bình thường mới.
Tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với thành phố Eindhoven, với các tổ chức quốc tế, quyết tâm triển khai Đề án Thành phố thông minh như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau COVID-19, đột phá đón kỷ nguyên 4.0./.
Tiến Lực - Chí Tưởng
(TTXVN / Vietnam+)
- Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
- Sẽ có đường dọc theo sông Sài Gòn
- Thành phố thông minh, “thỏi nam châm” hút vốn FDI trong kỷ nguyên số
- Kiểm soát ngập cho khu vực phía Đông TPHCM: nguy cơ và giải pháp
- Phát triển bền vững đô thị ở miền Trung
- Khu vực đô thị và hành lang kinh tế ven sông Tiền là khu vực động lực phát triển nhà ở của tỉnh Đồng Tháp
- Thành phố thử nghiệm – Viễn cảnh từ quá khứ
- Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững
- “Thanh Xuân 5 phút” - gợi ý về mô hình đô thị hậu Covid-19
- Thành phố Hồ Chí Minh: Giữa vòng vây biến đổi khí hậu