Đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016-2021 đã góp phần lớn vào sự phát triển vượt bậc kinh tế - xã hội Bình Dương trong thời gian qua. Sau đại dịch Covid-19, Bình Dương tiếp tục xác định triển khai “Đề án thành phố thông minh” là động lực để khôi phục kinh tế.
Chuyển đổi số - Tiền đề của sự bứt phá
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2016 Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan), Tổng Công ty Becamex và Công ty Brainport để thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016-2021.
Đề án này lấy “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp” và “các yếu tố nền tảng” làm trọng tâm, từ đó, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế, hàm lượng tri thức trong đời sống và sản xuất, góp phần hiện thực hóa các chương trình đột phá của Tỉnh ủy theo hướng công nghệ, phi công nghệ. Đề án cũng đã hình thành một cơ cấu tổ chức vững chắc với ban chỉ đạo, ban điều hành, hội đồng “Ba Nhà” và văn phòng thành phố thông minh.
Đến nay, Đề án được đánh giá là đóng góp rất lớn vào sự phát triển vượt bậc kinh tế xã hội Bình Dương thời gian qua, như đưa Bình Dương tiếp tục có vị trí dẫn đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp; thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nên môi trường làm việc phong phú và có chất lượng tốt, nâng số lượng doanh nghiệp tại Bình Dương đạt mốc 45.000; mức thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương cao nhất nước; Bình Dương là địa phương duy nhất đã xóa hết hộ nghèo; đầu tư xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo ngay tại trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Cũng từ Đề án, hàng loạt các sự kiện mang tầm vóc thế giới đã được thu hút về Bình Dương, tạo vị thế mới cho tỉnh trên trường quốc tế. Tỉnh Bình Dương cũng được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới như Hiệp hội các Trung tâm Thương mại Thế giới WTCA, Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới ICF. Vùng thông minh Bình Dương 3 năm liền được ICF xếp hạng trong top 21 và đặc biệt năm 2021, được vinh danh trong top 7 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Đại dịch Covid-19 không những không kìm hãm được xu hướng Smart City mà thậm chí còn là động lực phát triển nhanh hơn nữa tiến trình này. Các thành phố đang coi Smart City và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Điều nãy có thể thấy rõ qua sự chuyển đổi mạnh mẽ tại Bình Dương trong năm 2021.
Một trong những điểm sáng của thành phố thông minh Bình Dương là triển khai thành công đường dây nóng 1022 cung cấp đa kênh (điện thoại, Zalo, Facebook, email…) để kết nối người dân và chính quyền 24/7, đồng thời cung cấp dịch vụ gọi xe cấp cứu cho người dân với tốc độ nhanh nhất.
1022 được xem là giai đoạn 1 của Trung tâm điều hành thành phố thông minh, và trong đại dịch Covid-19 đã phát huy tác dụng rất lớn. Hiện tại, 1022 đang được gấp rút nâng cấp một số trang thiết bị phục vụ cho giai đoạn 1. 1022 nói riêng và trung tâm điều hành thành phố thông minh nói chung, sau Covid-19 sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn, được người dân, xã hội ủng hộ.
Mục tiêu của sự bứt phá
Tỉnh Bình Dương đang triển khai mô hình “Ba Nhà” trong kế hoạch xây dựng đô thị thông minh. Đây là mô hình tạo cơ chế hợp tác linh hoạt giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường để các bên cùng nhau chia sẻ kiến thức, khát vọng, nguồn lực, cùng kiến tạo nên một tầm nhìn chung và triển khai các chương trình hành động đổi mới cho toàn khu vực.
Theo đó, nội dung kế hoạch sẽ bám sát định hướng chung của Đề án. Các chương trình, hành động này có thể thay đổi cho phù hợp từng thời điểm và được chia làm 4 lĩnh vực gồm: “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp” và “các yếu tố nền tảng”.
Với “con người”, thành phố mới Bình Dương được xem là một điểm sáng về khởi nghiệp, với hàng loạt các công trình liên kết với nhau phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex BBI và FabLab tiêu chuẩn quốc tế tại trường đại học quốc tế Miền Đông (EIU) đã hoạt động rất hiệu quả. Đó là “trái ngọt” khi Bình Dương đưa đổi mới sáng tạo vào ngày càng sâu trong giáo dục đào tạo và là nền tảng cho một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, năng động của Bình Dương là 1 trong 6 tiêu chí của ICF để vươn tới thành phố thông minh.
Trung tâm Triển lãm Quốc tế thành phố mới Bình Dương.
Mục tiêu dài hạn của Bình Dương là phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Với máy móc thiết bị có sẵn, sử dụng chung giữa viện trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên thực hành, khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp có điều kiện để phát triển các ý tưởng.
Với công nghệ, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết: Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương (KCN KHCN) là trọng tâm phát triển của đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương là điểm sáng mới. Đây là điểm đột phá, để Bình Dương nâng giá trị gia tăng của nền kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
KCN KHCN được quy hoạch tại Bàu Bàng, kết nối các tuyến giao thông đến thành phố mới và các khu vực quan trọng của tỉnh. Khu là mô hình tích hợp khu công nghiệp, khu khoa học công nghệ, và cụm trường đại học kết hợp với đô thị đáng sống. Mục tiêu của KCN KHCN là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tri thức, ý tưởng đổi mới, áp dụng vào trong sản xuất, và đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học, kỹ sư
Công nghệ, là yếu tố quan trọng, chính quyền tỉnh Bình Dương đảm bảo sẽ hỗ trợ tập hợp các viện, trường, các công ty không chỉ trong nước mà cả các tập đoàn đa quốc gia cùng chung tay xây dựng, triển khai các dự án hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Bình Dương có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các công ty sản xuất, tập trung thành các khu công nghiệp quy mô. Củng cố các doanh nghiệp hiện hữu, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, và thúc đẩy khởi nghiệp là mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực này.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC) vẫn tổ chức thường xuyên các hoạt động hội thảo, sự kiện trực tuyến, đáp ứng nhu cầu rất lớn của các nhà đầu tư, thu hút được nhiều đối tác, tạo tiếng vang quốc tế.
Để đẩy mạnh hơn phát triển thương mại điện tử, WTC được xem là một động lực quan trọng, đồng thời sẽ được kết nối với Khu thử nghiệm về Thương mại điện tử xuyên biên giới nằm trong thành phố mới, hợp tác bởi Becamex và Warburg Pincus (Hoa Kỳ). Khu vực này nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tử tại Bình Dương, với các kho ngoại quan và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực này. Thương mại điện tử sẽ là một xu thế ngày càng bùng nổ sau đại dịch Covid-19, vì vậy khu thử nghiệm này cần được đầu tư để sớm hình thành.
Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông chiến lược trong và liên tỉnh, kết nối giao thông vào cửa ngõ Sân bay Long Thành, các trung tâm đầu mối cảng, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, băng thông rộng, năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến được coi là ác yếu tố nền tảng sẽ được tỉnh Bình Dương đặc biệt, chú trọng đầu tư xây dựng trong giai đoạn tiếp theo để nhanh chóng phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 và đảm bảo hoàn thành kế hoạch Đề án đô thị thông minh đã đề ra.
Mai Thanh - Cao Cường
(Báo Xây dựng)
- Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển quốc gia không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính
- Quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tư duy đột phá, táo bạo
- Đường ven sông Sài Gòn: phải bắt đầu từ đâu?
- Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
- Sẽ có đường dọc theo sông Sài Gòn
- Thành phố thông minh, “thỏi nam châm” hút vốn FDI trong kỷ nguyên số
- Kiểm soát ngập cho khu vực phía Đông TPHCM: nguy cơ và giải pháp
- Phát triển bền vững đô thị ở miền Trung
- Khu vực đô thị và hành lang kinh tế ven sông Tiền là khu vực động lực phát triển nhà ở của tỉnh Đồng Tháp
- Thành phố thử nghiệm – Viễn cảnh từ quá khứ