Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ du lịch

Định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ du lịch

Viết email In

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề. Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương; đồng thời là nơi chứa đựng các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác như: công trình kiến trúc đình, chùa, cảnh quan, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội...

1. Đặt vấn đề


Làng nghề gốm Bát Tràng.
(Ảnh: internet)

Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước. Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Diện tích Hà Nội sau khi mở rộng là 3.359,82km²; dân số khoảng 8,4 triệu người [7] với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Hà Nội có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ hai, sau TP.HCM.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, xác định Thủ đô Hà Nội có tới 70% diện tích là nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh, chỉ có 30% phát triển đô thị [5], với diện tích nông nghiệp chiếm hơn 2/3. Đây là điểm rất đặc thù của Hà Nội mà Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cần xem xét và xác định là trọng tâm để đầu tư, phát triển nông nghiệp.

Vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung cần phải đặt ra để định hướng cho sự phát triển nhằm bảo đảm an ninh lượng thực và an ninh nói chung trong giai đoạn tới. Tại Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã nêu rõ: “Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh” [6].

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Tính đến hết năm 2022, Hà Nội có 318 làng nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề.

Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Phần lớn các làng nghề nằm ở trục phát triển phía Tây của Thủ đô, chủ yếu tập trung nhiều ở tỉnh Hà Tây trước đây [2], [1], [3], [4].

Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Làng nghề còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phong phú. Trong đó nổi bật nhất là các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác như: công trình kiến trúc đình, chùa, cảnh quan, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội... Văn hóa làng nghề, làng nghề truyền thống cùng với di sản truyền thống là những tài nguyên vô giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Ngày 04/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KHUBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những mục tiêu tổng quát là “Phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững” [8].

Do đó, việc định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống TP Hà Nội phục vụ du lịch là nhiệm vụ cần thiết trong quá trình tạo dựng Quy hoạch chung Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Thực trạng phát triển làng nghề truyền thống Hà Nội gắn với du lịch

Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của các làng nghề là rất lớn. Nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ví dụ như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng hoa Tây Tựu… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề đến các du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập của làng nghề trong quá trình xây dựng và phát triển phục vụ hoạt động du lịch như: không gian công cộng, không gian nhà ở, không gian mặt nước, ngoài nhà chưa được quan tâm khai thác phục vụ du lịch; không gian đón tiếp, ăn uống, lưu trú, để xe... chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; không gian chế biến, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm làng nghề chưa được quan tâm; dịch vụ kinh doanh sản xuất, tiếp thị sản phẩm nhỏ lẻ, tự phát, chưa đồng bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường chưa được quan tâm phát triển đồng bộ nên kém hấp dẫn; thiếu tính hệ thống phục vụ du lịch, kết nối giữa các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và giữa các làng nghề nói chung.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư khai thác phát triển làng nghề gắn với du lịch còn nhiều hạn chế, manh mún, mang nhiều tính tự phát. Đặc biệt là các giá trị về văn hóa truyền thống và không gian văn hóa, cảnh quan làng nghề chưa được khai thác kết hợp và phát huy trong hoạt động du lịch.

Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề cần có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng mô hình phát triển để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.


Làng hoa Tây Tựu.
(Ảnh: internet)

3. Định hướng phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống của Hà Nội phục vụ phát triển du lịch  

3.1. Quan điểm:

Phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống - du lịch có trọng tâm, đảm bảo liên kết giữa các làng nghề, sử dụng hiệu quả tài nguyên: Lựa chọn các làng nghề có nghề và sản phẩm có tiềm năng phát triển du lịch. Phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Tổ chức không gian chức năng đảm bảo quy mô, tính độc lập: Các không gian phát triển sản xuất nghề, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch độc lập với khu ở, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Điểm dân cư nông thôn mới khớp nối đồng bộ cơ sở hạ tầng và các khu vực xung quanh.

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, khai thác đất đai có hiệu quả, thân thiện với môi trường. Dự trữ, phát triển quỹ đất cho sản xuất nghề và sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

3.2. Nguyên tắc:

Quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch phải được tiến hành đồng thời với Quy hoạch chung Hà Nội trên nguyên tắc bền vững, tôn trọng và giữ gìn cảnh quan tự nhiên.

Xây dựng các cụm làng nghề truyền thống - du lịch đảm bảo tính liên tục, thông suốt giữa các làng nghề có cùng hệ thống sản phẩm hay các làng có di tích văn hóa, các hoạt động lễ hội tạo thành chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các cụm làng nghề sản xuất nên bố trí tập trung ở khu vực gần trung tâm xã, thuận tiện cho việc quy hoạch tổng thể mà vẫn giữ được những lợi thế đặc trưng của sản xuất tại các làng nghề.

Phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với hoạt động du lịch trên nguyên tắc tạo lập bản sắc đặc trưng của làng nghề. Sản phẩm du lịch cần kết hợp khai thác không gian văn hóa và văn hóa làng nghề.

4. Đề xuất các mô hình không gian kiến trúc làng nghề truyền thống TP Hà Nội phục vụ phát triển du lịch

4.1. Làng nghề gắn với sản xuất nông nghiệp - du lịch

Du lịch tại làng nghề sản xuất nông nghiệp - thuần nông phù hợp phát triển du lịch nông nghiệp, cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp (cấy lúa, trồng hoa, cây cảnh, hái các loại rau củ quả, tự hái và sao chè khô, bắt cá, cho dê, thỏ, bò sữa ăn...).

Du khách có cơ hội trải nghiệm, tham quan và tìm hiểu cách thức sản xuất của người nông dân, đồng thời tìm hiểu văn hóa sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó hiểu hơn về các giá trị truyền thống. Về phía người nông dân, khi mở rộng du lịch nông nghiệp cũng sẽ tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Du lịch nông nghiệp thu hút du khách bởi các sản phẩm chủ yếu dựa trên hoạt động nông nghiệp. Do đó, không gian sản xuất nông nghiệp như: đồng ruộng, trang trại, nhà kính, vườn cây… cần được ưu tiên hàng đầu. Các không gian dịch vụ phục vụ lưu trú, ăn, ở… tại các làng nghề phát triển du lịch cần được quy hoạch, xây dựng đồng bộ đảm bảo nhu cầu của du khách.

4.2. Làng nghề gắn với dịch vụ, thương mại, chế biến - du lịch

Du lịch tại làng nghề gắn với dịch vụ, thương mại, chế biến phù hợp phát triển du lịch cộng đồng. Khi phát triển làng nghề truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng, cần quan tâm đến không gian dịch vụ, không gian sản xuất và thương mại như: bãi đỗ xe ô tô, nhà tiếp đón, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và lưu trú, ăn uống của làng nghề.

Du khách tham quan khu vực chế biến, dây chuyền sản xuất của nghề, lưu trú nghỉ tại nhà người dân. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tham quan các không gian văn hóa lịch sử như: đình, chùa, cảnh quan đẹp của làng…

4.3. Làng nghề hỗn hợp - du lịch

Du lịch tại làng nghề hỗn hợp - du lịch, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Với sản phẩm du lịch văn hóa nghề truyền thống như: tìm hiểu lịch sử phát triển nghề, quy trình sản xuất, tinh hoa sản phẩm...; Sản phẩm du lịch các di sản kiến trúc, cảnh quan như: tham quan, tìm hiểu kiến trúc đình, chùa, miếu, nhà cổ, vườn nhà, giếng nước, ao làng, cầu đá...; Sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể như: tham quan lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, phong tục tập quán... Do đó, các không gian công cộng, di sản kiến trúc cần được nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng.

Bên cạnh việc phát triển không gian làng nghề truyền thống - du lịch đơn lẻ theo đặc trưng nghề của mỗi làng, cần nghiên cứu, xây dựng các cụm làng nghề có cùng sản phẩm nghề hoặc các cụm di tích văn hóa lịch sử tạo thành chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững.

5. Kết luận

Làng nghề truyền thống có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời đã mang lại cho Thủ đô nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát triển các làng nghề truyền thống - du lịch góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề.

Xây dựng mô hình làng nghề truyền thống - du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng nhằm phát triển nghề và phát triển du lịch. Triển khai các sản phẩm du lịch phát huy thế mạnh từng làng nghề và cụm làng nghề. Trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian làng cần chú trọng quan tâm khai thác, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa và không gian văn hóa làng nghề.

Để thực hiện quy hoạch làng nghề truyền thống TP Hà Nội phục vụ du lịch hiệu quả, cần có định hướng, chủ trương, nguồn vốn của Nhà nước; cần có sự quan tâm vào cuộc của các bên liên quan như các cấp chính quyền, ban ngành địa phương, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư.

Nguyễn Thị Phương Anh - Trường Đại học Mở Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
1. Chương Phượng (2022), “Tôn vinh những tinh hoa của làng nghề Việt”, Tạp chí điện tử VnEconomy.
2. Đinh Thanh Huyền (2022), “Hơn 1/3 làng nghề của Hà Nội đã mai một, thất truyền”, chuyên mục “Nông thôn mới” của Báo Nông nghiệp Việt Nam, 07/2022.
3. Minh Sơn (2022), “Thành phố Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản.
4. Nguyễn Đình Thi, Lê Hồng Dân (2015), “Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng các làng nghề truyền thống ven đô Hà Nội phù hợp với quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch”, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
5. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ban hành ngày 26/7/2011.
6. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ban hành ngày 16/6/2023, Hà Nội.
7. UBND TP Hà Nội (2022), Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 04/3/2022.
8. https://www.gso.gov.vn/dan-so/

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo