Khu trung tâm xã An Hòa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), trông bề ngoài không khác gì bao làng ven đô khác: cảnh quan vùng nông thôn đang biến mất dần sau những dãy nhà mọc lên chen chúc trong khi hạ tầng đô thị vẫn chưa hình thành. Và cũng giống như bao khu dân cư khác, An Hòa đã được “phủ sóng” quy hoạch bằng một đồ án tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt từ năm 2000 nay trở thành rào cản lớn nhất cho sự phát triển của làng. Sự giàu có về lịch sử và tầm quan trọng trong tương lai Biên Hòa của ngôi làng này đặt ra những thách thức không thể giải quyết bằng phương pháp quy hoạch truyền thống.
Hình 1 - Vị trí khu trung tâm xã An Hòa trong bản đồ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa (hoa gió trong quy hoạch chung như trên bản đồ là không chính xác).
Lịch sử & Hiện trạng
Xã An Hòa trước kia thuộc huyện Long Thành và nay thuộc thành phố Biên Hòa. Khu trung tâm xã là một khu vực có vị trí chiến lược ở cửa ngõ của thành phố Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh (hình 1). Khu vực này do đó chịu sức ép rất cao của quá trình đô thị hóa. Công nhân và những người buôn bán tự do tạm trú với số lượng lớn tạo ra áp lực về nhà ở và hạ tầng đô thị lên một khu vực định cư lịch sử.
Trung tâm của xã An Hòa xưa có tên gọi là làng Bến Gỗ, một trong những điểm định cư đầu tiên của người Việt khi khai phá Biên Hòa và toàn vùng Đông Nam Bộ. Cùng với người Việt bản địa, nhóm người Hoa đầu tiên định cư ở vùng Đồng Nai đã sớm lập nên chợ Bến Gỗ cùng với thương cảng Cù Lao Phố, chợ Bến Cá, và chợ Dinh (nay là chợ Biên Hòa). Những khu chợ ra đời rất sớm này đã mở ra thị trường giao lưu hàng hóa giữa cư dân trong vùng và cả với thương nhân nước ngoài.
Khu vực Bến Gỗ - trung tâm xã An Hòa hôm nay vẫn còn nhiều công trình lịch sử và tôn giáo đa dạng. Đình An Hòa, một trong những ngôi đình đầu tiên của Đông Nam Bộ, là di tích cấp quốc gia đã được trùng tu vào năm 2009. Không còn giữ vai trò thương mại trọng yếu, chợ Bến Gỗ ngày nay cùng với đền thờ Quan Công (hình 2) vẫn mang những nét kiến trúc tiêu biểu của một trung tâm thương mại Trung Hoa và là nơi lưu trữ những ký ức của thời khai phá đất Nam Bộ. Trong khu vực còn có một nhà thờ Cao Đài có quy mô lớn và kiến trúc nổi bật (hình 3), một nhà thờ Tin Lành và một ngôi chùa nhỏ.
Hình 2 - Mặt tiền đền thờ Quang Công.
Hình 3 - Nhà thờ đạo Cao Đài.
Bên cạnh các công trình tôn giáo và văn hóa, khu vực cũng tập trung nhiều công trình hành chính và giáo dục bao gồm trụ sở UBND xã An Hòa, một trường tiểu học và hai trường cấp 2 phục vụ cộng đồng địa phương. Là vùng đất ven đô đang trong quá trình đô thị hóa, đất ở đã chiếm gần 50% tổng diện tích đất đai trong khu vực nghiên cứu (số liệu 12/2006). Phần lớn công trình nhà ở trong khu vực đều đã được xây dựng bán kiên cố hoặc kiên cố, tập trung mật độ cao dọc theo tuyến đường chính của khu vực (hình 4). Đường giao thông hiện có chủ yếu là đường đất được hình thành trong quá trình sinh sống của người dân (hình 5). Trục chính của của khu vực nghiên cứu hiện đã được trải nhựa và lắp hệ thống thoát nước. Cuối con đường này, một cây cầu mới đã được xây dựng để bắc qua cù lao Long Hưng, nơi đang triển khai dự án khu đô thị mới AquaCity do một liên doanh thực hiện. Sông Bến Gỗ là một yếu tố cảnh quan quan trọng trong khu vực nghiên cứu. Dòng sông ngày càng bị bồi lắng bởi phù sa sông Đồng Nai và do đó mất đi vai trò giao thông như từng có trong lịch sử. Đất nông nghiệp vẫn còn chiếm 40% tổng diện tích đất mặc dù bị phân tán trong khu vực. Đây là những diện tích đất nông nghiệp cuối cùng ở phía Tây xã An Hòa, nơi mà phần lớn đất đai đã được người dân tự chuyển đổi mục đích hoặc nhà nước giao cho các chủ đầu tư để triển khai các dự án bất động sản.
Hình 4 - Trục đường chính của khu vực khi chưa dải nhựa.
Hình 5 - Ảnh vệ tinh thể hiện toàn bộ khu vực nghiên cứa của quy hoạch. Quy hoạch được phê duyệt năm 2000 chỉ giới hạn trong khu vực trung tâm đã đô thị hóa.
Quy hoạch cải tạo
Tâm sự của một người dân An Hòa về tác động của việc mất đất cho các dự án bất động sản trên Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam (agriviet.com): … Người nông dân quê tôi, họ không cần một khu du lịch hoành tráng, họ chỉ cần đất, cần những đám lúa, mảnh vườn, ngôi nhà đã gắn với cuộc đời họ bao đời nay, giờ họ biết tìm đâu? Làng cổ Bến Gỗ luôn sôi động với nhiều nét đẹp văn hóa lễ hội từ bao đời nay hình như đang vẫy vùng trong cơn lốc quy hoạch của thời kỳ đổi mới? |
Năm 1999, một quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho khu vực này đã được thực hiện và được phê duyệt bởi UBND tỉnh một năm sau đó. Quy hoạch này dựa trên rất ít hiểu biết về thực trạng địa phương. Thay vào đó, đồ án áp dụng máy móc các tiêu chuẩn quy hoạch vào một khu dân cư hiện hữu và thiết kế một hệ thống đường giao thông ô bàn cờ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc hiện hữu của làng An Hòa. Cho rằng hiện trạng là một môi trường sống kém hấp dẫn, đồ án đưa ra một quy hoạch xây dựng xa vời thực tế, không có sự tham gia của người dân và dựa hoàn toàn vào nguồn lực nhà nước để cải tạo đô thị. Chớ trêu hơn nữa, bản quy hoạch này trở thành vật cản cho sự phát triển của khu vực khi đặt rất nhiều các công trình vào diện giải tỏa bao gồm cả trụ sở xã An Hòa (hình 6). Không thể thực hiện, đồ án trở thành quy hoạch treo, người dân không thể cải tạo nhà ở và bản thân trụ sở chính quyền không thể nâng cấp, mở rộng dù đã được duyệt kinh phí. Kể cả khi nguồn vốn nhà nước cho phép thực hiện một dự án như thế này hoặc giao cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện như một dự án bất động sản, đời sống của rất nhiều gia đình sẽ bị đảo lộn, mối quan cộng đồng hình thành nhiều năm và cả những dấu tích lịch sử và hồn nơi chốn sẽ bị xóa bỏ (hình 6). Hơn thế nữa, sau khi xây dựng xong, rất nhiều người cư dân bao gồm cả công nhân và lao động phổ thông tạm trú trong khu vực sẽ không có cơ hội sinh sống trong khu vực này bởi điều kiện sống mới sẽ làm tăng giá trị bất động sản ở nơi đây.
Hình 6 - Sử dụng đất và mạng đường hiện hữu tại khu vực trung tâm xã An Hòa.
Vị trí chiến lược
Bên cạnh bài toán cải tạo, khu trung tâm xã An Hòa còn có một vị trí chiến lược trong tương lai phát triển của toàn thành phố Biên Hòa mà cả đồ án quy hoạch trung tâm làng An Hòa và thành phố Biên Hòa năm 2005 đều đã không đề cập. Vị trí này có được nhờ sự xuất hiện của hai dự án quan trọng: ga đường sắt mới của Biên Hòa và quần thể khu đô thị mới AquaCity và Waterfront tiếp giáp khu vực về phía Nam.
Ga đường sắt mới của Biên Hòa là dự án nằm trong kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới tránh thành phố đồng thời là tuyến đường sắt mang 3 chức năng quan trọng (hình 7):
- Kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Biên Hòa và sân bay quốc tế Long Thành – Kết nối liên đô thị;
- Kết nối thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Vũng Tàu – Kết nối vùng;
- Kết nối thành phố Hồ Chí Minh với hệ thống đường sắt quốc gia và Hà Nội – Kết nối quốc gia.
Hình 7 - Các công trình bị dỡ bỏ theo quy hoạch vì nằm trong chỉ giới mở rộng đường.
Hình 8 - Mạng đường theo quy hoạch (màu đen) và hiện trạng (màu đỏ).
TOD - Phát triển hỗ trợ giao thông công cộng: được định nghĩa là sự phát triển đô thị trong phạm vi 400 - 800m (tương đương 5 - 10 phút đi bộ) xung quanh các nhà ga tàu điện hoặc đường sắt. Các đặc điểm cơ bản của khu vực phát triển này thường là mật độ cao, đa dạng về sử dụng đất (bao gồm nhà ở, công trình giáo dục, thể thao, thương mại và văn phòng), có thiết kế hạ tầng và công trình thân thiện với người đi bộ. TOD được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời vẫn cân bằng được lợi ích của cộng đồng. Trung tâm của những khu vực này thường có: ga tàu điện, trạm xe buýt... và hệ thống các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng... sẽ được thiết lập xung quanh gọi là các điểm TOD. TOD ở Trung Quốc: Mô hình TOD không lạ lẫm ở châu Á. Tokyo và Singapore được coi là chuẩn mực thành công của mô hình này trên thế giới. Phát triển sau, Trung Quốc nay cũng nỗ lực kết hợp phát triển đô thị với giao thông công cộng. Có vị trí giống Biên Hòa, thành phố Thường Châu (Changzhou), đô thị 2 triệu dân, nằm ở cửa ngõ Thượng Hải và trên tuyến đường sắt huyết mạch Bắc kinh – Thượng Hải. Ga trung tâm Thường Châu nằm ngay khu trung tâm thành phố với quy mô diện tích 84.000 m2 và đang được tiếp tục mở rộng. Ngoài ra thành phố cũng lập quy hoạch chi tiết để phát triển khu vực xung quanh nhà ga (hình 8) với quy mô 140 hecta nhằm tăng mật độ dân cư và các hoạt động thương mại diễn ra trong khu vực. |
Bên cạnh 3 phạm vi phục vụ này, bản thân ga Biên Hòa sẽ là nhà ga trung tâm mới của thành phố Biên Hòa và là một mắt xích quan trọng trong hệ thống đường sắt nội đô của thành phố này trong tương lai cũng như toàn vùng đô thị Đông Nam Bộ vốn phát triển mạnh. Với tầm nhìn này, ga Biên Hòa sẽ là một trong những nhà ga quan trọng bậc nhất trong vùng và cần phải được quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách với cả ba chức năng như trên. Diện tích nhà ga cần được thiết kế hoặc ít nhất là chuẩn bị diện tích mặt bằng tương thích nhằm tích hợp các loại phương tiện khác nhau (intermodal) như đường sắt nội đô (tàu điện), xe buýt, xe buýt tốc hành (BRT). Bên cạnh đó, khu vực nằm trong bán kính đi bộ xung quanh nhà ga cần được phát triển với mật độ cao nhằm khuyến khích người dân sử dụng GTCC và nâng cao hiệu quả sử dụng đất (mô hình TOD – Transit Oriented Development) (hình 8). Tuyến đường sắt mới được triển khai phía Nam thành phố Biên Hòa sẽ song song với với tuyến hiện hữu phía Bắc. Về lâu dài, việc kết nối hai tuyến này cho phép phát triển một hệ thống đường sắt nội đô khép kín, tạo tiền đề cho tái phát triển khu vực nội thành Biên Hòa. Bên cạnh đó, việc kéo dài tuyến metro Suối Tiên – Bến Thành sẽ có thể tạo thêm một kết nối giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh (hình 7). Sự kết nối này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại Biên Hòa đồng thời giảm tải cho thành phố Hồ Chí Minh và giảm lưu lượng xe trên xa lộ Hà Nội.
Cùng với ga Biên Hoà, việc hình thành cụm đô thị Aquacity và Waterfront sẽ tạo ra một trung tâm đô thị mới của thành phố Biên Hòa, làm tăng giá đất và thúc đẩy quá trình đô thị hóa xã An Hòa. Thiếu vắng một quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng, có tầm nhìn xa về kinh tế, xã hội và giao thông, bức tranh tương lai của An Hòa làm sao tránh được hình ảnh lộn xộn, manh mún của bao khu dân cư phát triển tự phát hoặc phát triển theo những bản quy hoạch phi thực tế vẫn thường gặp. Làm sao để hai bên bờ sông Bến Gỗ không lặp lại bức tranh khu vực phía Nam quận 4 và quận 8 nằm tương phản bên Phú Mỹ Hưng tráng lệ?
Trong khi chưa có giải pháp để trả lời những câu hỏi trên, quy hoạch đã phê duyệt của phường Long Bình Tân giáp ranh bố trí một trạm xử lý nước thải lớn cho toàn thành phố nhưng nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của đồ án và nằm trong … diện tích xã An Hòa, sát với khu trung tâm xã (hình 9). Một ví dụ của cách làm quy hoạch áp đặt và cẩu thả, trạm xử lý nước thải này sẽ gây khó khăn cho việc điều chỉnh quy hoạch và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khu trung tâm xã An Hoa trong tương lai.
Hình 9 - Vị trí các tuyến đường sắt cũ và mới tại Biên Hòa.
Hình 10 - Một trong các phương án bố trí nhà ga Biên Hòa. Các phương án đang được nghiên cứu đề chỉ dành một diện tích “khiêm tốn” từ 3000 – 4000 m2 cho nhà ga trung tâm tương lai của thành phố.
Hình 11 - Mặt bằng khu vực phát triển xung quanh ga Thường Châu và mặt tiền nhà ga. Riêng khu vực nhà ga đã chiếm một diễn tích rộng hơn 8 hecta.
Hình 12 - Quy hoạch chung phường Long Bình Tân bố trí trạm xử lý nước thải nằm trong ranh giới xã An Hòa.
Các đô thị Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Những thách thức này, mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, có chuyên một nguyên nhân sâu xa là phương pháp quy hoạch lỗi thời mà chúng ta đang thực hành hàng ngày. Phương pháp này, thừa hưởng từ các nước xã hội chủ nghĩa, dựa hoàn toàn vào thiết kế kiến trúc như một công cụ để định dạng mô hình tương lai của đô thị trong kinh tế thị trường vốn là một cơ thể sống phức tạp, đa dạng và luôn biến đổi. Các thành phần quan trọng của một quá trình quy hoạch như việc xây dựng viễn cảnh đô thị với sự tham gia của người dân, dự báo dân số, kinh tế để xác định nhu cầu xây dựng mới, hay nghiên cứu tác động của sự phát triển đô thị với môi trường và hệ thống hạ tầng, đều vắng bóng hoặc được làm sơ sài. Tất cả những đặc trưng này khiến phương pháp này không thể áp dụng vào quy hoạch cải tạo đô thị khi mà sự tham gia của toàn bộ cộng đồng với vai trò là nhà đầu tư, người thực thi và giám sát dự án cũng như sự am hiểu về hiện trạng môi trường, kinh tế và xã hội được đòi hỏi tối đa. Còn khi được áp dụng máy móc trong nỗ lực “phủ sóng” quy hoạch của chính quyền, phương pháp quy hoạch cũ kỹ này vô tình tạo ra tình trạng quy hoạch “treo” làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân và sự phát triển của địa phương.
Nhiều bản quy hoạch và nhà quy hoạch cho đến nay vẫn bị động trước những biến đổi của xã hội và thị trường, bỏ lỡ cơ hội cùng người dân kiến tạo một môi trường sống tốt hơn. Với An Hòa, cơ hội vẫn còn khi cả quy hoạch tổng thể Biên Hòa, quy hoạch chi tiết xã và thiết kế ga Biên Hòa mới vẫn còn nằm trên bàn giấy của các nhà chuyên môn./.
Nguyễn Đỗ Dũng
(Bài viết này được đăng trong số Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 7+8 phát hành tháng 01/2012)
- Nam Sài Gòn - một lược sử quy hoạch
- Hạn chế đô thị mới để tạo tính bền vững
- Đô thị Việt Nam chuyển biến tích cực cả về lượng và chất
- Về Rem Koolhaas, đô thị học hiện hữu và đô thị học tương lai
- TPHCM: Bài toán dồn nén đô thị
- Bộ mặt đô thị Việt Nam sẽ theo định hướng thị trường?
- Công cụ FIT ứng dụng cho các dự án thiết kế quy hoạch
- Thay đổi phương pháp quy hoạch đô thị
- Quy hoạch giao thông đô thị - cái nhìn từ thực tiễn
- Sự hình thành các quảng trường tại các đô thị trên thế giới và thực trạng Việt Nam