Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đô thị Việt Nam chuyển biến tích cực cả về lượng và chất

Đô thị Việt Nam chuyển biến tích cực cả về lượng và chất

Viết email In

Đô thị Việt Nam chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước có 760 đô thị (trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 11 đô thị loại I, 11 đô thị loại II, 47 đô thị loại III và 54 đô thị loại IV và hàng trăm đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 31%.

Tăng đều “chất” và “lượng”

Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 12 - 15% (cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước), nguồn thu đô thị, nhất là các TP lớn, chiếm tỷ lệ 70 - 75% trong cơ cấu GDP cả nước, đô thị nước ta đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội.

Sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ sau khi Chính phủ ban hành chính sách đổi mới đã đem lại những nguồn lực quan trọng cho việc xây dựng và cải tạo chỉnh trang diện mạo đô thị. Kiến trúc - cảnh quan đô thị được chính quyền đô thị quan tâm đầu tư phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thiết kế, xây dựng tiên tiến của thế giới. Đi đôi với việc tạo dựng ngày càng nhiều công trình kiến trúc cao tầng, các khu đô thị mới (KĐTM) hiện đại, đồng bộ thì công tác cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc đô thị được coi trọng, góp phần duy trì và tạo dựng bản sắc của đô thị.

Chất lượng cuộc sống người dân đô thị từng bước được cải thiện, diện tích nhà ở bình quân đầu tăng gấp 3, đạt trên 18m2/người. Mô hình đầu tư phát triển các KĐTM đồng bộ được nhân rộng tại nhiều địa phương, sử dụng hiệu quả quỹ đất dành cho phát triển đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu rất lớn của xã hội về nhà ở. Trong đó, tập trung mạnh về cơ chế chính sách đầu tư nhà ở xã hội đặc biệt cho các nhóm người nghèo, người có công cách mạng, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên...

Hệ thống công trình hạ tầng đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước... được đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển khá nhanh, tạo bộ khung cơ bản để các đô thị phát triển. Trên 70 - 80% số dân đô thị đã được cấp nước sạch; một số đô thị đã có nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước đạt khoảng 80%. Nhiều địa phương đang tập trung nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị như dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, dự án tàu điện ngầm tại TP.HCM, các tuyến giao thông huyết mạch...

Trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển xã hội, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, trong đó nhiều văn bản luật lần đầu tiên được nghiên cứu, xây dựng, ban hành như Luật Xây dựng năm 2003, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, từ 2010 đang tiến hành nghiên cứu soạn thảo Luật Đô thị và nghị định quản lý đầu tư xây dựng để tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị.

Đổi mới quá trình kiểm soát

Bên cạnh những mặt tích cực, thì phát triển đô thị tại Việt Nam còn một số hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị của cả nước còn thấp, trung bình đạt khoảng 45%, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền; Tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao tại nhiều đô thị dẫn đến sự mất cân đối trong khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; Tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông tại đô thị còn diễn ra phổ biến...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050” với mục tiêu chiến lược: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng, đô thị sống tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến giàu bản sắc, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu... để đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, giải quyết cơ bản những vướng mắc trong quá trình phát triển đô thị.


Dự án Khu đô thị Venesia - Nha Trang (ảnh minh họa: Ashui.com)

Nhằm đổi mới quá trình kiểm soát phát triển đô thị đảm bảo thuận lợi và phát triển bền vững, một số giải pháp về thể chế chính sách, huy động vốn đầu tư, áp dụng khoa học và công nghệ cần được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới. Ngoài đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, cần tiếp tục nâng cao vai trò chức năng, quyền hạn của các đơn vị trong Bộ, các sở, ngành phụ trách về xây dựng tại địa phương... Hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng nguồn thu và phương thức thu, xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước, đồng thời đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để tạo thêm nguồn lực phát triển đô thị.

Hợp tác quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào cải tạo, xây dựng và hiện đại hóa đô thị; xây dựng chính quyền đô thị điện tử; hình thành hệ thống lưu giữ phân tích cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị bằng hệ thống GIS cần được đẩy mạnh. Nhiều mô hình phát triển đô thị đã và đang được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới như đô thị sinh thái - Eco City, đô thị kinh tế sinh thái - Eco2 City, đô thị thông minh - Smart City,... cần được nghiên cứu áp dụng phù hợp tại các vùng miền ở Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Tú Lan - TS Trần Thị Lan Anh

Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020.

Theo Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng: việc phát triển đô thị quốc gia 2012 – 2020 dựa trên quan điểm: Phát triển hệ thống đô thị quốc gia đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tạo cơ chế đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa tại các vùng có tốc độ kinh tế phát triển mạnh như vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng phía Tây các tỉnh miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảm bảo gắn phát triển kinh tế, phát triển đô thị với giữ vững quốc phòng an ninh, song hành cùng với Chiến lược biển quốc gia và thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Phân bố hợp lý mạng lưới đô thị trung tâm các cấp trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng lãnh thổ, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính. Sử dụng hiệu quả, hợp lý quỹ đất đô thị hiện hữu, giữ gìn quỹ đất nông nghiệp nhằm bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Phát triển, hình thành mới các đô thị gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển là động lực tăng trưởng cấp quốc gia, là cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới nhằm thúc đẩy phát triển, tạo tác động lan tỏa đến các vùng khác. Phát triển hệ thống đô thị du lịch gắn với các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đảm bảo đô thị phát triển bền vững. Phát triển đô thị phải chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới. Nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế. Phát triển đô thị trên cơ sở phân công rõ ràng trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý quy hoạch, kế hoạch, đất đai, cơ sở hạ tầng đô thị cũng như sự phối hợp giữa các đô thị trong vùng đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm để phát huy các cơ hội và khắc phục những thách thức trong việc sử dụng các nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 38%, hệ thống đô thị khoảng 870 đô thị, gồm: 02 đô thị đặc biệt, các đô thị từ loại IV đến loại I là 211 đô thị, 657 đô thị V và hình thành thêm 132 đô thị mới. Về chất lượng đô thịdiện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26 (m2/người); Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 65%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 15-20%; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 15% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi tại đô thị đặc biệt và loại I đạt từ 15 - 20%; đô thị loại II và III đạt từ 6 - 10%; đô thị loại IV và V đạt từ 1 - 3%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đặc biệt đến loại III đạt 90%, đạt 120lít/người/ngày đêm; đô thị loại IV đạt 70%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 100lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 50%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 80 lít/người/ngày.đêm. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 70% - 80%, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý đạt 40 – 50%; 100% nước thải công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý đạt 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh; khu công nghiệp đạt 80%. Đảm bảo chiếu sáng đường phố đạt tỷ lệ 95% chiều dài các tuyến đường chính đô thị và đường cấp tại các đô thị đặc biệt đến loại II; đạt 85% chiều dài đường nội bộ (khu nhà ở, ngõ xóm). Từng bước phát triển đồng bộ các loại hình chiếu sáng đạt 85% chiều dài các tuyến đường chính đối với các đô thị loại III, IV và V. Đất cây xanh khu vực đô thị, đối với đô thị đặc biệt, loại I đạt tối thiểu từ -10 m2/người; đô thị loại II, III đạt 7 m2/người; đô thị loại IV, V đạt 5 m2/người; Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, đô thị đặc biệt đạt 6 m2/người; loại V đến I đạt từ 3 – 5 m2/người.

Đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 45%, hệ thống đô thị khoảng 940 đô thị gồm: 02 đô thị đặc biệt, các đô thị từ loại IV đến loại I là 318 đô thị, 620 đô thị V vàhình thành thêm 204 đô thị mới. Về chất lượng đô thịdiện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29 (m2/người); Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 75%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 25% trở lên; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 20% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu tại đặc biệt và loại I đạt từ 20 - 30%; đô thị loại II và III đạt từ 10 - 15%; đô thị loại IV và V đạt từ 2 - 5%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đặc biệt đến loại IV đạt 90%, đạt 120lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 70%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 90lít/người/ngày đêm.Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 80% - 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị và 60% lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% các cơ sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 95%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18 % đối với các đô thị từ loại đặc biệt đến loại IV; dưới 25% đối với các đô thị loại V. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý đạt 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh; khu công nghiệp đạt 90%; 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đường nội bộ (trong khu nhà ở và ngõ xóm) đạt 100% tại các đô thị loại II trở lên và đạt 90% tại các đô thị loại III và IV. Đất cây xanh khu vực đô thị, đối với đô thị đặc biệt đạt 15 m2/người; đô thị loại I, II đạt 10 m2/người; đô thị loại III, IV đạt 7 m2/người; đô thị loại V đạt 3-4 m2/người; Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, đô thị đặc biệt đạt 7 m2/người; loại V đến I đạt từ 4 - 6 m2/người.

Hải Đăng



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo