Thành phố Hà Nội hiện đang tập trung cả 3 chức năng: kinh tế, chính trị và thương mại. Đây là một sức ép quá lớn cho một đô thị và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông ùn tắc như hiện nay.
Ông Yoshio Wada, Vụ trưởng Vụ Cơ sở hạ tầng kinh tế, phát triển đô thị và vùng của Nhật Bản chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo “Việt – Nhật về phát triển đô thị” diễn ra tại Hà Nội cuối tuần trước.
Ông còn cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông, vấn đề đầu tiên phải tính đến là quy hoạch đô thị, cùng với đó là việc quản lý lượng phương tiện tham gia lưu thông trong đô thị. Cần thành lập những đô thị vệ tinh xung quanh những đô thị lõi để phân tán, tránh sức ép cho đô thị lõi.
Quá nhiều đô thị
Tính tới thời điểm hiện tại, sau hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam đã có hơn 760 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 31%. Và theo Quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2015, cả nước có khoảng trên 870 đô thị các loại, tăng hơn 100 đô thị so với hiện nay.
Tuy nhiên, có quá nhiều áp lực đặt ra từ việc tăng về số lượng các đô thị trong một thời gian ngắn. Ví dụ như quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập; quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa chặt chẽ; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ; môi trường đô thị còn nhiều bức xúc; hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị; tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn.
Thừa nhận những bất cập xảy ra khi lượng đô thị tăng lên một cách đáng kể, bà Phan Thị Mỹ Linh - Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương; năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế; sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị; nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kĩ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.
Trước những áp lực đặt ra từ việc tăng nhanh về số lượng đô thị thì hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Bởi theo bà Linh, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị (còn thấp hơn so với yêu cầu là 20 – 25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% đất xây dựng đô thị (yêu cầu là 3 – 3,5%).
Chia sẻ chức năng cho Hà Nội
Chia sẻ về những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, ông Yoshio Wada cho biết, giao thông công cộng hiện được xem là một giải pháp. Tuy nhiên, đây không phải là cách để giải quyết vấn đề ùn tắc mà chỉ đơn thuần là một trong nhiều giải pháp. Giải pháp quan trọng nhất đó là phân tán các chức năng đô thị của Hà Nội.
Ông Yoshio Wada cho rằng, khi đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì trang bị kết nối hạ tầng quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, Việt Nam cần chú ý đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng để đảm bảo chất lượng sống cho người dân đô thị.
Một số cao ốc chung cư trên đường Nguyễn Hoàng Tôn, Hà Nội (Ảnh: Thoa Nguyễn)
Ông Dean A. Cira - Chuyên gia trưởng và Điều phối viên Ban Phát triển đô thị (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) chia sẻ, việc hạn chế các tỉnh đua nhau xây dựng kiểu đô thị mới hướng đến các dự án bất động sản cao cấp mang tính biểu tượng thay vì dựa vào chiến lược đô thị hòa nhập có tính đến nhu cầu của thị trường sẽ tạo được tính bền vững trong viêc phát triển đô thị.
Theo đó, hai đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM sẽ cần phải ưu tiên cho viêc cải thiện đường xá đô thị và cơ sở hạ tầng.
"Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hậu cần có liên kết về không gian là cần thiết để duy trì những động lực tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống vận tải công cộng không nên thiết kế thay thế cho xe mày mà nên là một phần cua một hệ thống sẽ kết hợp với xe máy để cạnh tranh về sự thuận tiện và chi phí chung so với ô tô”, ông Dean A. Cira chia sẻ.
Theo các quan chức Nhật Bản, để xây dựng được đô thị tốt, phải dựa trên ba yếu tố, gồm vốn, kỹ thuật và quản lý. Ngoài vấn đề vốn, JICA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và quản lý.
Thoa Nguyễn
- Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ
- Phương pháp Bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng
- Chợ Lớn - khu vực đóng vai trò quan trọng trong tương lai TPHCM
- Ven sông Sài Gòn: Phát triển làng nghề kết hợp du lịch
- Nam Sài Gòn - một lược sử quy hoạch
- Đô thị Việt Nam chuyển biến tích cực cả về lượng và chất
- Về Rem Koolhaas, đô thị học hiện hữu và đô thị học tương lai
- TPHCM: Bài toán dồn nén đô thị
- Hạn chế của phương pháp quy hoạch truyền thống - Bài học từ làng ven đô An Hòa
- Bộ mặt đô thị Việt Nam sẽ theo định hướng thị trường?