Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phương pháp Bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng

Phương pháp Bản đồ trong quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng

Viết email In

Lập bản đồ là một công cụ xây dựng sự hiểu biết của cộng đồng về nơi họ sống và là một phương thức giúp cộng đồng đến gần với nhau, hiểu nhau và làm cùng nhau, để khám phá khả năng của họ trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn.

Mục đích của việc lập bản đồ là tạo được sự học hỏi và hiểu biết giữa người dân trong chính bản thân cộng đồng và chia sẻ mối quan tâm chung giữa người dân trong cộng đồng với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể và tổ chức xã hội.

Việc lập bản đồ cộng đồng cũng là một cơ hội giúp thu nhận kiến thức, kinh nghiệm giữa người dân và các cán bộ/quan chức/các nhà quy hoạch nhờ quá trình làm việc cùng nhau.

Phương pháp lập bản đồ (mapping) với sự tham gia của cộng đồng được sử dụng rộng rãi trong các chương trình hỗ trợ người nghèo tại các nước châu Á từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước như một công cụ giúp các bên liên quan xác định hiện trạng và lập kế hoạch nâng cấp, cải thiện điều kiện hạ tầng/nhà ở tại các khu dân cư nghèo trong đô thị [Xem thêm “Design by–with–for people”, bản tin của Mạng lưới kiến trúc sư cộng đồng châu Á, do Liên minh Quyền Nhà ở châu Á (ACHR) phát hành, 2010.]


Sử dụng công cụ  bản đồ  để lập Quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng tại Campuchia.

Tại Việt Nam, phương pháp lập bản đồ với sự  tham gia của cộng đồng được áp dụng trong một số dự án quy hoạch /cải tạo nhà ở trong các khu  khu tập thể cũ tại TP Việt Trì, Vinh, Hải  Dương và xác định hiện trạng các khu dân cư thu nhập thấp tại  các thành phố Trị, Tam Kỳ, Pleiku, Tân An… do Mạng lưới Quỹ cộng đồng quốc  gia trực thuộc Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam khởi xướng.


Kiến trúc sư tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tham gia Quy hoạch cải tạo khu tập thể cũ tại Hải Dương

CÁC CẤP ĐỘ LẬP BẢN ĐỒ

Chúng ta có thể  thể hiện mọi thứ  trên bản đồ, nhưng  nên bắt đầu từ mối quan tâm chung của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng sở tại.

Việc lập bản đồ có thể thực hiện ở bất kỳ quy mô nào, bắt đầu từ cấp độ  hộ gia đình, khu dân cư, phường/xã, thành phố đến cấp độ địa lý/vùng.

Lập bản đồ có thể tập trung vào bất kỳ vấn đề nào: nhà ở, quyền sử dụng đất đai, lịch sử, các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của cộng đồng… nhưng nên tập trung vào các vấn đề “nóng” đang được các bên quan tâm và các nguồn tiềm năng (tài nguyên) để giải quyết những  vấn đề đó.

1. Cập độ địa lý/vùng: Việc lập bản  đồ sẽ thu thập thông tin về các đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên  nhiên, sự phân bố dân cư….Khi bản đồ hoàn thành, ta có thể thấy được mối tương quan của các  mặt  khác nhau.

2. Cấp độ thành phố: Việc lập bản đồ sẽ thu thập thông tin về  vị trí các khu dân cư, việc kết nối từ cộng đồng đến các  hình thức giao thông….

Bản đồ này nhằm xác định và phân tích tất cả các vấn đề ở quy mô thành phố và để thấy được các thành phần khác nhau của một thành phố đặc biệt là các khu định cư không chính thức hoạt động với nhau như  thế nào. Bản đồ khảo sát ở quy mô thành phố cho thấy vị trí của những cộng đồng không chính thức với số hộ gia dình, lịch sử, các khó khăn, tình trạng sở hữu/sử dụng đất đai và giải pháp nhà ở cho mỗi cộng đồng.
 

Lập bản đồ hiện trạng các khu thu nhập thấp tại TP Tân An

3. Cấp độ cộng đồng: Việc lập bản đồ sẽ thu thập thông tin về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…  tại khu phố /thôn, các vấn đề cơ bản cần được cải thiện và tính khả thi cho các ý tưởng của  người dân.

4. Cấp độ hộ gia đình: Việc lập bản đồ sẽ ghi lại cách mọi người sống chung trong một gia đình, nếp suy nghĩ, văn hóa, lối sống, kinh tế của hộ gia đình, mong muốn cải thiện/thay đổi của họ để cuộc sống tốt hơn.

5. Lập bản đồ theo vấn đề: Ngoài các hình thức kể  trên, quá trình lập bản đồ có  thể  tập trung vào các  vấn đề như: lược đồ về sinh kế của cộng đồng, lịch sử cộng đồng, vị trí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa… 


Lập bản đồ với sự tham gia của cộng đồng để xác định thiệt hại sau bão lũ tại TP Quy Nhơn  
 

CÔNG CỤ ĐỂ LẬP BẢN ĐỒ VỚI SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG

1. Thước: Nên sử dụng các vật liệu sẵn có  trong cộng đồng, ví dụ như: dùng dây thừng/ dây nilon làm thước dây…

2. Mẫu điều tra cơ bản: Gồm tóm tắt những thông tin không thể thể hiện được hết trên bản đồ, ví dụ như số hộ gia đình, số hộ bị ngập úng, thiếu nhà vệ sinh….

3. Bản đồ: Bản đồ nền được sử dụng như tài liệu tham khảo cơ bản về vị trí, ranh giới các địa phương, đường giao thông... Thông thường bản đồ hiện trạng do UBND các  phường/xã cung cấp (bản đồ nền địa chính tỷ lệ 1/500). Trong trường hợp khó tìm, có thể  tải bản đồ vệ tinh miễn phí từ  internet. Các bản đồ chi tiết như quy hoạch tổng thể thành phố,  bản đồ quy hoạch sử dụng đất…cũng có thể là nguồn tham khảo quan trọng.

4. Máy ảnh: Được sử dụng để ghi lại hình ảnh quá  trình lập bản đồ. Những hình ảnh nên được ghi lại bao  gồm: Những nơi có vấn đề (ví dụ như hạ tầng xuống cấp, nhà ở lụp xụp..), những địa điểm quan trọng, các nơi có tiềm năng, các yếu  tố tồn tại trong cộng đồng mà có thể  được sử dụng trong ý tưởng cho việc nâng cấp. Các hình ảnh được ghi lại có thể là chủ đề  cho các cuộc thảo luận lập kế hoạch cho thời gian kế tiếp.

5. Các văn phòng phẩm cần thiết: Giấy khổ Ao, giấy caro, băng keo, hồ dán, bìa màu, các  loại bút, chất dẻo dễ nặn…

THÀNH PHẦN THAM GIA LẬP BẢN ĐỒ

Vai trò của một nhà chuyên môn như kiến trúc sư là học hỏi những gì là giá trị trong truyền thống, văn hóa và trải nghiệm địa phương của người dân và tìm ra cách để làm nổi bật hơn những giá trị này.” - Cha Jorge Anzorena, người sáng lập Liên minh Quyền Nhà ở châu Á.

- Việc chọn một nhóm đại diện cộng đồng tham gia lập bản đồ có vai  trò  quyết định cho  kết quả của công việc này. Những người được chọn phải biết rõ về cộng đồng của mình, gồm cả nam lẫn nữ. Theo kinh nghiệm tại các địa phương đã tham gia  việc lập bản đồ với sự tham gia của cộng đồng, thì mỗi khu phố/thôn nên có 5-8 người sống lâu năm, am hiểu địa bàn tham gia.

- Vai trò của các tổ chức phát triển /cơ quan chức năng /chính quyền địa phương là tạo ra một không gian, cơ chế để hỗ  trợ các cộng đồng làm việc cùng nhau, đưa ra các câu hỏi gợi mở thay vì đưa ra các câu trả lời có sẵn.

- Người dân địa phương hiểu về địa phương của họ hơn những  người bên ngoài. Vai trò của các chuyên gia bên ngoài (với tư cách là đại diện cho cơ quan /tổ chức hỗ  trợ) là xây dựng sự tin tưởng của người dân, giúp họ lập kế hoạch và từng bước thực hiện kế hoạch đó.

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

  • Chuẩn bị bản đồ nền của thành phố/phường (xã)/khu dân cư dự định khảo sát và mẫu điều tra cơ bản.
  • Tổ chức các nhóm điều tra bao gồm: mỗi cộng đồng/khu vực cử 5-8 đại diện, họ chính là chủ nhân của tiến trình thực hiện.
  • Trình bày và chia sẻ thông tin tại mỗi cộng đồng, cùng thảo luận về lịch sử hình thành khu dân cư, số hộ, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hiện trạng sử dụng đất đai, các vấn đề mà từng cộng đồng đang quan tâm/bức xúc.
  • Tập hợp các thông tin (hình ảnh, vị trí và tên các cộng đồng) vào bản đồ thành phố. Xác định và phân loại các vấn đề quan tâm và hiện trạng sử dụng đất của mỗi cộng đồng thể hiện bằng các màu sắc khác nhau trên bản đồ của thành phố.
  • Tóm tắt các thông tin vào một bảng số liệu chung của toàn thành phố và phân phát cho tất cả các cộng đồng.
  • Sau khi vẽ bản đồ, điều quan trọng là phải tổ chức được một cuộc thảo luận mở cho tất cả các bên và người dân để  bàn về các vấn đề mà người dân quan tâm và khả năng giải quyết các  vấn đề này.

KẾT QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG

  • Kết quả của quá  trình vẽ bản đồ không chỉ  hình thành nên các dữ liệu/thông tin, mà còn tạo ra mạng lưới cộng đồng, giúp họ cùng nhau phân loại các  vấn đề khó khăn chung, đồng thời hình thành các nhóm có cùng mối quan tâm để lập kế hoạch hành động nhằm giải quyết các  vấn đề bức xúc của cộng đồng (ví dụ như nâng cấp hạ tầng, cải thiện nhà ở, di dời/tái định cư…)
  • Ban đại diện cộng đồng sẽ được hình thành ngay sau cuộc thảo luận mở, để tiếp tục điều hành các hoạt động kế tiếp của cộng đồng.
  • Thảo luận mở cùng là cơ hội để các đại diện cộng đồng giới thiệu về khu dân cư của mình với cộng đồng khác, học tập lẫn nhau và cùng chia sẻ các vấn đề chung, các tiềm năng cho phát triển.

Ví dụ về tiến trình lập bản đồ quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng tại Lautoka-Fiji:


1. Bắt đầu bằng việc mà những người dân trong cộng đồng có thể làm cùng nhau: sửa lại đường mương thoát nước.


2. Người dân tại làng Veidogo lập bản đồ về khu dân cư của mình.  


3. Người dân giới thiệu về khu dân cư của  mình thông qua bản đồ được lập


4. Một số bản đồ rất chi tiết/chính xác


5. Một số bản đồ khác có kích thuớc rất lớn.


6. Vẽ/đồ lại dựa trên bản đồ  vệ tinh Google để có những thông tin cụ thể, đặc  trưng hơn về khu vực.


7. Bản đồ được vẽ/ đồ lại (dựa trên bản đồ vệ tinh) cho thấy  lịch sử của khu dân cư


8. Bản đồ được vẽ đồ lại (dựa trên bản đồ vệ tinh) về ranh giới khu vực, vấn đề ngập lụt và  ý tưởng về hệ thống thoát nước mới.
 

9. Sử dụng xe bus để đại biểu tất cả các cộng đồng trong TP đi thăm thực địa lẫn nhau.


10. Cô Vacemaca từ Natabua Seaside giải thích về vấn đề thoát nước và đường sá của cộng đồng mình.  


11. Mỗi cộng đồng lập kế hoạch cải thiện/nâng cấp khu dân cư của mình


12. Họ cũng lập bản đồ về nguồn tài nguyên nhân sự của cộng đồng 


13. Lập một bản đồ thể hiện tất cả các khu dân cư (của thành phố)


14. Trình bày bản đồ này cho Sở địa chính, để họ giúp xác định phần đất nào ở gần mà mọi người có thể dùng cho việc tái định cư 


15. Người dân cùng nhau quyết định việc phân chia các lô đất (tại khu tái định cư)


16. Hội thảo về quy hoạch và thiết kế nhà ở với mô hình bằng bìa.  


17. Thảo luận về kế hoạch tài chính


18. Thảo luận về diện tích mỗi căn nhà 


19. Thảo luận về vị trí các không gian công cộng


20. Thảo luận về các loại công trình công cộng mà người dân cần. 


21. Một số  người đề nghị  nên có một không gian công cộng rộng lớn ở trung tâm.


22. Một số người khác đề nghị nên phân chia thành  nhiều không gian cộng cộng nhỏ  hơn và phân bố rải rác trong cộng đồng. 


23. Tập hợp tất cả các ý tưởng và thể  hiện trên bản đồ.


24. Một bản đồ quy hoạch toàn  thành phố đã được hoàn thành.

Lê Thị Lệ Thủy (*)

(*) Lê Thị Lệ Thủy tốt nghiệp ngành Triết học và hiện là hội viên Hội Tâm lý Giáo dục TP HCM. Chị là chuyên gia về phát triển cộng đồng đô thị và nông thôn với 20 kinh nghiệm, đã tham gia các dự án cải thiện hạ tầng cơ bản tại các khu dân cư nghèo đô thị thông qua việc tổ chức các nhóm tự giúp, các nhóm Tiết kiệm - Tín dụng tự quản tại cộng đồng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Gần đây nhất, chị là chuyên gia tư vấn cho Mạng lưới  Quỹ Phát triển cộng đồng Quốc gia, trực  thuộc Hiệp hội các Đô thị Việt Nam trong việc xây dựng mạng lưới tiết kiệm tại cộng đồng và cải thiện tình trạng các khu dân cư thu nhập thấp. Trước đó, chị Thủy đã tham gia nhiều dự án đa dạng về nâng cấp đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng nghèo, phát triển giáo dục, nghiên cứu về khả năng tiếp cận dịch vụ công của người nghèo,v.v… tại các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

(Bài đã được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo