Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Sức sống đô thị nén

Sức sống đô thị nén

Viết email In

Đô thị có mật độ tương đối cao sẽ sử dụng hỗn hợp đất đai một cách hiệu quả, chú trọng giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ và xe đạp... Vì vậy mô hình đô thị nén nên được các đô thị đặc biệt, loại I của Việt Nam nghiên cứu cũng như vận dụng vì tính bền vững và phù hợp với bối cảnh đất chật người đông. Hơn nữa Việt Nam lại đang thuộc các quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.  


Hong Kong 


ĐÔ THỊ NÉN LÀ GÌ? 

Trên quan điểm sử dụng đất, đô thị trong từng giai đoạn phát triển có thể tăng trưởng theo một trong ba loại hình thái đô thị (urban form) như sau: (1) Tăng trưởng gắn với mở rộng diện tích đất đô thị; (2) Tăng trưởng gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có và (3) Tăng trưởng bằng cách kết hợp hai loại hình thái trên. 

Loại hình thái đô thị thứ hai gọi là “đô thị nén”, theo tên gọi do Dantzig và Saaty đưa ra từ năm 1973 và được thông dụng tại châu Âu, trong khi tại Bắc Mỹ tên gọi “tăng trưởng thông minh” (Smart Growth) được ưa chuộng hơn. Đặc điểm chính của đô thị nén là có mật độ đô thị tương đối cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng. 

Mật độ có thể tương đối cao nếu so với tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện hành nhưng mức độ bao nhiêu lại tùy theo điều kiện cụ thể của từng đô thị, địa điểm từng khu vực. Giới hạn tối đa của mật độ phụ thuộc vào sức tải của đô thị (Urban Carrying Capacity), đánh giá chủ yếu bằng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hoặc bằng phương pháp phân tích “dấu chân sinh thái” (Eco-Footprint). Sử dụng hỗn hợp đất đai tức là phát triển các khu vực đô thị đa chức năng (cư trú, làm việc, học hành, mua sắm và giải trí) để tạo điều kiện cho phần lớn người dân hàng ngày có thể đến các nơi cần thiết chỉ bằng đi bộ hay đi xe đạp. 

Tại Mỹ, mức tối thiểu đối với đô thị nén là mật độ tương đương 247 người/ha. Trong khi đó, tiêu chuẩn phân loại đô thị nước ta quy định đô thị loại đặc biệt và loại 1 phải có mật độ bình quân tối thiểu là 150-120 người/ha. Mật độ tại khu trung tâm thường cao nhất rồi giảm dần khi ra xa hơn, ví dụ tại Hà Nội thì mật độ quận Đống Đa là 353 người/ha, quận Hoàn Kiếm là 336 người/ha (riêng khu phố cổ đến 800 người/ha), nhưng đến quận Cầu Giấy thì chỉ còn 122 người/ha và quận Long Biên còn ít hơn nữa, chỉ 52 người/ha.

Trong cuốn sách “Cái chết và cuộc sống của các thành phố lớn Hoa Kỳ” (1961) nổi tiếng vì được xem là mở đường cho tư duy phát triển đô thị mới ngày nay, bà Jane Jacobs phân tích sâu về sự cần thiết và lợi ích của mật độ cao cũng như việc sử dụng hỗn hợp đất đai đô thị khiến cho đô thị thêm tính đa dạng (diversity), ít tắc nghẽn giao thông, có không gian công cộng ấm cúng để mọi người giao tiếp...

Ngày nay, khi sự phát triển bền vững được chú trọng và nhân loại phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều học giả đã chứng minh một cách thuyết phục rằng đô thị nén còn là hình thái đô thị bền vững, tiêu thụ tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, ít xe hơi nên giảm được khí thải, ứng phó tốt hơn với các thảm họa thiên nhiên. Có thể kể ra nhiều ví dụ thành công về đô thị nén tại các nước như Curitiba (Brazil), Portland (Hoa kỳ), Freiburg (Đức), Hồng Kông, Singapore... 


Singapore 


ĐƯA MÔ HÌNH ĐÔ THỊ NÉN VÀO PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM 

Việt Nam đang trong quá trình phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhưng nếu tiếp tục phương thức đô thị hóa hiện hành thì trong vòng 15 năm tới (kể từ 2011), dân số đô thị tăng gấp đôi nhưng diện tich đất đô thị sẽ tăng gấp 4 lần (thêm 345.000 ha), nghĩa là cũng từng ấy diện tích đất nông nghiệp sẽ bị giảm đi, vậy có thể sử dụng đất đô thị tiết kiệm hơn nữa không? 

Cuối năm 2011, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố Báo cáo rất công phu về “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam”. Người phụ trách thực hiện Báo cáo, ông Dean Cira khi trả lời phỏng vấn báo giới đã nhận xét: “Dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới… Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính nằm ở Hà Nội”. Trong bài báo “Đô thị hóa ở Việt Nam đứng trước ngã ba đường” viết nhân dịp này, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đưa ra khuyến nghị: “Với nguy cơ biến đổi khí hậu thì Việt Nam nên chuyển hướng tập trung phát triển thành phố gọn, mật độ cao, tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu nhà ở và việc làm cho mọi người”.

Nguyên tắc quy hoạch đô thị nén được Kiyono Kaido tổng kết không chỉ phù hợp với đô thị Nhật Bản mà cũng rất bổ ích cho việc điều chỉnh đồ án quy hoạch hiện hữu của các đô thị cực lớn và lớn của nước ta hướng tới mục tiêu đô thị nén, nhưng ngoài ra còn cần bổ sung thêm ba nguyên tắc mới là: Phát triển không gian ngầm tại các khu vực đã xây dựng, trước hết là tại khu thương mại trung tâm (CBD); Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thảm họa, mà trước hết là quản lý ngập lụt, vào quy hoạch không gian; Chuyển biến thông qua xanh hóa (Transformation through Greening), phát triển nông/lâm nghiệp đô thị. 

Những kinh nghiệm chia sẻ này cũng sẽ được những người làm chính sách, chính quyền các đô thị nước ta nghiên cứu, xem xét, áp dụng cho phù hợp trong điều kiện cụ thể. Việc thực hiện Chiến lược này sẽ dẫn đến quá trình đổi mới triệt để công tác quy hoạch và quản lý đô thị nước ta theo tư duy phát triển hiện đại để khai thác lợi thế của nước phát triển sau, tránh mò mẫm, vấp váp mà đô thị các nước phát triển trước từng trải qua. 

Mật độ có thể được hiểu là mật độ xây dựng, mật độ dân cư hoặc là tỷ lệ của các hạng mục giao thông, cây xanh, dịch vụ tiện ích... của đô thị. Sức sống lại thể hiện cho chất lượng cuộc sống và được biểu hiện qua hình ảnh đô thị cũng như các hoạt động đô thị náo nhiệt diễn ra thường xuyên với cường độ lớn. Mỗi khu vực của Hà Nội, tùy theo sự phân bổ chức năng trong cấu trúc, quy hoạch tổng thể chung mà có mật độ và sức sống khác nhau. Và cũng theo đó mà mối liên quan giữa mật độ và sức sống cũng khác biệt. 

Các định hướng tổ chức không gian quy hoạch theo các mô hình đô thị nén, đô thị thông minh hay đô thị sinh thái cũng ảnh hưởng đến mật độ và sức sống của vùng, miền, khu vực... Có những khu vực mật độ xây dựng cao, chất lượng nhà cửa chưa hẳn đã đáp ứng tốt cho điều kiện sống nhưng lại có sức sống mãnh liệt, buôn bán, tấp nập tạo ra kinh tế sung túc như trong khu phố cổ hoặc trên các tuyến phố thương mại, tuyến phố chính Hà Nội.  


Không gian lõi đô thị Hà Nội 


LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO NÊN SỨC SỐNG CỦA ĐÔ THỊ CỦA KHU VỰC? 

Đó trước hết phải là yếu tố địa điểm: khu vực có chất lượng đất tốt cho xây dựng và vị trí thuận tiện giao thông, luôn gắn kết đồng bộ với các dịch vụ tiện ích chất lượng cao trong phạm vi, khoảng cách ngắn nhất. Và chắc chắn, khu vực trung tâm của đô thị thường bao giờ cũng có mật độ cao nhất (kể cả dân cư và xây dựng) vì dễ có điều kiện để tạo nên sức sống mãnh liệt. Dân gian có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang” cũng là đã nêu lên những tiêu chí khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà tại nơi tập trung đông đúc, hanh thông buôn bán và thuận lợi giao thông, tiếp cận. 

Từ khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới, nhiều công trình cao tầng, những khu đô thị mới xuất hiện và được xây dựng với mật độ tưởng như đậm đặc nhưng lại có sức sống mới, thậm chí mãnh liệt. Biểu hiện lớn nhất là giá trị m2 sàn ở các khu vực này đều ở mức “ngất ngưởng”, bất kể cả loại hình công trình cao hay thấp tầng. Trong quản lý, việc trau dồi những kiến thức mới, đúc rút kinh nghiệm là việc làm cần thiết và hữu ích nhưng không thể lấy các tiêu chí, các quy định của thời kỳ này để nhận định về việc xây dựng của thời kỳ khác vì hoàn cảnh, mục tiêu xây dựng của mỗi thời kỳ cũng có những điểm khác nhau, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn. Có những thời điểm mà chúng ta phải cân nhắc, thậm chí đánh đổi để xây dựng những công trình quy mô lớn, có khi gây cả đột biến hình thái không gian kiến trúc khu vực. Đó là khi bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa với các cơ chế đòi hỏi “thoáng nhất” nhằm tạo điều kiện hết mức để đón, nhận luồng, nguồn đầu tư nước ngoài. 

Có những khu vực lại cần xây dựng nhanh để góp phần giảm tải mật độ dân cư trong khu vực các quận nội thành cũ (Nhiều khu vực trước là ngoại vi của Hà Nội cũ nay lại trở thành nằm giữa đô thị Hà Nội mở rộng). Lại có những khu vực cần nghiên cứu, tạo lập với quy mô lớn để góp phần tạo thị, làm yếu tố kích thích, biến chuyển sự phát triển của cả khu vực hoặc một phía, vùng của đô thị với hình ảnh văn minh, hiện đại như các khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Khu đô thị mới Cầu Giấy... Đó sẽ là những khu vực được quy hoạch xác định là những điểm sức sống mới, giảm tải cho khu vực nội đô cũ. Dù địa điểm nào thì các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án hay công trình cao tầng xây dựng phải được xem xét, cân nhắc trong sự kết nối, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch chung, không gian tổng thể, thiết kế đô thị và các yếu tố liên quan sẽ được hoàn thiện trong tương lai như giao thông (kết nối với các tuyến đường vành đai, xuyên tâm...), các dịch vụ tiện ích, cảnh quan. Nhưng với bất kể với lý do, mục đích xây dựng như thế nào, nếu dự án, công trình xây dựng không được xây dựng đồng bộ, đầy đủ chức năng, không tương ứng với hạ tầng (kỹ thuật, xã hội) thì không những khu vực, đô thị đó không có sức sống, mà lại còn làm gia tăng các vấn đề khác của đô thị phải giải quyết như ách tắc giao thông, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất... 

Để phát triển đô thị bền vững và đầy sức sống văn mình, việc kiểm soát đô thị sẽ vẫn luôn được quan tâm trong sự liên kết địa bàn với tổng thể chung: Mật độ xây dựng phải được tính chung trong mật độ dân cư và tổng thể quy hoạch. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa qua đã xác định các khu vực Vành đai Xanh sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, các đô thị sinh thái, đô thị thông minh... cũng là cách để cải tạo vi khí hậu tốt cho khu vực trung tâm đô thị. 

TS. Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam 
KTS. Bùi Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo