Phương pháp thiết kế đô thị ở Pháp: Xuất phát từ các hình thức phân thửa và cách thức tổ chức các thửa đất căn cứ theo các dạng, mẫu công trình được xây dựng, để xác định không gian của đường giao thông trong các mối quan hệ biện chứng với những khu đất hai bên đường. Sau đó mới đề cập tới việc bố cục không gian đô thị trên quy mô lớn hơn: Là các cấu trúc chính của đô thị. Từ cấu trúc chính, mới nghiên cứu các mạng, các tuyến chính. Và cuối cùng là một loạt suy ngẫm về các hoạt động kinh tế - xã hội và vị trí của chúng để thiết kế viễn cảnh hoạt động đa dạng cho đô thị, song hành với nó là quy định, thể chế về thời gian thực hiện và khâu quản lý vận hành đô thị.
Thiết kế đô thị không gian xanh công viên West Loop ở Chicago (Mỹ)
ĐẶT LẠI NỀN MÓNG ĐỂ HIỂU VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
Trong thực tế thiết kế đô thị (TKĐT) ra đời từ buổi bình minh của đô thị cổ đại. Nó có nhiệm vụ là nhạc trưởng tạo ra bản đại hợp xướng của nghệ thuật tổ chức đô thị, không gian và bố cục cây xanh, cảnh quan, màu sắc vật liệu bởi khi đó các đô thị còn rất nhỏ (500 nguời, 2000 người và cực lớn là 20.000 người). Đô thị lặng lẽ phát triển qua các thời đại. TKĐT dần hình thành từ cấu trúc, tuyến phố, ô phố, các quần thể và công trình dường như hòa quyện với môi trường cảnh quan tự nhiên, con người của nơi chốn, để làm thành khung cảnh sống đặc sắc, đậm tính bản địa mà không một đô thị hiện đại nào đuổi kịp.
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu kiến trúc sư (KTS), các nhà thiết kế thường thiết kế tổng thể đô thị theo cách mà họ thiết kế một công trình: riêng rẽ, đơn lập và không quan tâm đến bối cảnh xung quanh. Nhưng với bối cảnh mới, khi mà đô thị tích tụ đậm đặc các mối quan hệ đa chiều và phức hợp giữa không gian kinh tế và không gian đô thị, không gian công cộng và riêng tư, các quan hệ sở hữu, trách nhiệm thành phố, cộng đồng hay cá nhân, quyền lợi và sự bắt buộc tuân thủ... thì công cụ TKĐT trở nên thích hợp hơn rất nhiều.
Cho đến khi, những mục tiêu của TKĐT được xác định lại năm 1987 tại Pháp. Việc dung hòa đô thị và kiến trúc cần được thực hiện trong một thời gian dài, chấp nhận hoàn cảnh mới khi mà hình ảnh của KTS có thể trở nên mờ nhạt trước thực tế kiến trúc và kiến trúc trở nên mờ nhạt trước nhu cầu của đô thị, hoặc có thể tìm ra lối đi mới kích thích nhu cầu phát triển cả không gian đồng thời với kinh tế và việc làm đô thị. TKĐT trở nên thông dụng.
VAI TRÒ CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
TKĐT có thể có nhiều cách hiểu, nhưng nó phải là tổng hoà của nhiều bộ môn: Thiết kế quy hoạch, đô thị, kiến trúc, hạ tầng, kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng thể chế, chính sách để thực thi và quản lý đô thị.
TKĐT từ phương diện của các nhà thiết kế quy hoạch - kiến trúc: Có thể bao quát bốn hạng mục chính sau đây:
- Thiết kế môi trường không gian hình thể bao gồm chi tiết hoá hình thể của một tổng thể đô thị, đến các khu vực cục bộ, một quần thể kiến trúc hoặc các môi trường hình thể có tính chất khác nhau tạo ra đặc trưng đô thị cho thành phố.
- TKĐT là thiết kế hệ thống: Các sản phẩm của TKĐT thường bao gồm nhiều lĩnh vực: Thiết kế môi trường, cảnh quan, nghệ thuật đô thị, phong cách biểu hiện của kiến trúc, logo đường phố, điêu khắc, trang trí đường phố, cây xanh, cột đèn, quảng cáo... Vẻ đẹp của một đô thị chính là thiết kế nghệ thuật đô thị - được biểu hiện rõ nét nhất khi thực hiện được TKĐT.
- Thiết kế môi trường hoạt động đô thị: Đây là nội dung rất mới trong TKĐT và càng ngày càng được coi trọng. Bởi nó bao hàm trong đó vai trò thiết kế hoạt động đô thị trong tương lai từ một bản vẽ am hiểu kinh tế - xã hội. Tức là đưa lại những không gian với viễn cảnh con người có thể sống, làm việc và hoạt động để sinh ra nền kinh tế sống động cho khu vực thiết kế. Chủ yếu, thông qua TKĐT để tổ chức các hoạt động nhân văn đô thị, chỉnh lý và tổ chức các hoạt động sống, sự kiện xã hội, cộng đồng, bản sắc đô thị và các hoạt động chủ đạo của kinh tế đô thị.
- Thiết kế cấu trúc hạ tầng đô thị: Thiết kế giao thông, điện nước, viễn thông, quảng trường, công viên... thường phải đưa vào các trang thiết bị liên quan đến chất lượng hạ tầng và dịch vụ công ích xã hội.
Không gian vườn hoa 19-8, Hà Nội
TKĐT là thiết kế điều kiện thuận lợi cho xây dựng chung và quản lý bố cục không gian đô thị từ phương diện các nhà quản lý đô thị và kinh tế - xã hội (không chỉ đơn giản là thiết kế sắp đặt hàng loạt công trình kiến trúc).
Có thể hiểu khái niệm đầu tiên của TKĐT là thiết lập được không gian công cộng và hoạt động công cộng. Tính chất vĩnh cửu của không gian công cộng, cộng thêm việc chăm sóc bảo dưỡng hạ tầng là trách nhiệm của chính quyền đô thị. Điều này dẫn đến yêu cầu phân biệt pháp lý rõ ràng giữa không gian công cộng và không gian riêng tư, yêu cầu được quy hoạch một cách đồng bộ trong hồ sơ thiết kế (yêu cầu nghiên cứu, sở hữu, ghi chép hiện trạng, địa hình). Tuy nhận thức được vấn đề phân biệt không gian công cộng và không gian riêng tư, nhưng trong các dự án quy hoạch, kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong hiện trạng, sở hữu, dẫn đến vẽ những ô phố “giả tưởng” theo ý chí của người thiết kế mà không tính được việc thực thi bản vẽ trong thực tế xây dựng. Từ góc độ của Chính quyền đô thị, các nhà hoạch định chính sách, kinh tế gia và xã hội học, TKĐT là thiết kế điều kiện thuận lợi cho xây dựng chung và quản lý bố cục không gian đô thị nên ngoài bản vẽ phải kèm hồ sơ về quy định, kế hoạch thực hiện và các chính sách thực thi, thể chế đi kèm.
Rất nhiều bản vẽ TKĐT sơ sài hiện nay đang đóng vai trò minh họa tương lai quy hoạch: Với những kiểu nhà chia lô viền quanh phần lõi trống, hay chung cư có mật độ không đồng nhất, hình thái đô thị vẫn chỉ thông qua kỹ thuật lập sơ đồ tổng mặt bằng, không làm được việc xác định hình dạng một công trình, cụm công trình, tuyến phố, lô phố hay các cấu trúc đặc trưng của đô thị dựa trên kích thước, hình dạng của từng thửa đất. Việc coi TKĐT là minh họa cho viễn cảnh đô thị của bản vẽ quy hoạch đã phá vỡ vai trò của công tác thiết tác này là một sai lầm trong quản lý hành nghề hiện nay ở Việt Nam. Hình ảnh đô thị chúng ta đang chứng kiến cũng một phần là hệ quả của việc sai lầm trong sử dụng công cụ TKĐT thời gian qua ở Việt Nam.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THIẾT KẾ ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM
Quy hoạch đô thị hiện đang là công việc quan trọng nhất trong phát triển đất nước. Đặc biệt cho các vùng đô thị hoá đang diễn ra trên toàn quốc. Nhu cầu phát triển đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, mở rộng đô thị và nhu cầu nhà ở gia tăng một cách cấp thiết, kể cả sự phát triển của công nghệ xây dựng đã dẫn đến sự gia tăng về số lượng và quy mô của các dự án quy hoạch. Thực chất các dự án quy hoạch hiện nay có tình trạng xé lẻ quỹ đất đai, chia tách thiếu tính toán không gian giao thông và không gian công ích: Các dự án quy hoạch biệt lập nối tiếp nhau kiểu quy hoạch “chia lô”, tùy theo những cơ hội về kinh doanh nhà đất dọc theo các tuyến đường bộ hoặc các nhà tư nhân nhỏ lẻ mọc lên lặng lẽ giữa lòng các khu phố cũ, gây áp lực nặng nề lên cơ sở hạ tầng, không gian hoạt động công cộng và không gian cảnh quan bị tước đi mối liên hệ gắn bó sẵn có giữa đô thị với người dân. Bức tranh quy hoạch bị phân mảnh làm cho hình ảnh đô thị xuống cấp và hỗn độn dẫn đến sự khó khăn trong việc bảo dưỡng và quản lý vốn đang dựa phần lớn vào chính quyền. Sự thiếu vắng những không gian hoạt động đúng nghĩa ở các đô thị mới (dù có trong quy hoạch cũng không được xây dựng), vô hình trung kích thích các thói quen xấu, phản cảm trong khu ở, khu công cộng và gia đình.
Tình trạng các quy hoạch đô thị mới kiểu “chia lô” được làm trên nguyên tắc xơ cứng 10 năm nay: 60% là chung cư cao tầng và 40% nhà ở thấp tầng còn dẫn đến một hệ quả gián tiếp về hình ảnh đơn điệu của đô thị. Việc mở rộng kiểu nhà ở đơn lập mật độ thấp có tường rào bao cứng khuôn viên, kết nối trực tiếp với giao thông công cộng, không quan tâm đến hạ tầng và quản lý đô thị mọc lên tràn lan ở phạm vi rìa thành phố, cách xa các dịch vụ và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh phí thành phố khi phải mở rộng mạng lưới hạ tầng, và sự lãng phí đi lại, năng lượng khi các bản vẽ quy hoạch cho phép sự gia tăng khoảng cách (sự mở rộng đô thị về phía Tây mà không gian kinh tế ở phía Bắc và phía Đông của Hà nội là một ví dụ).
Xây dựng được quan niệm: Hình ảnh của thành phố phải từ Thiết kế đô thị.
Trong chương trình thiết lập nội dung thiết kế đô thị cho Vùng Ile-de-France, Pháp, các tác giả David Mangin, Philippe Panerai đã phân tích: ”Xây dựng một hình thái đô thị đúng nghĩa, không chỉ là những tác động ở diện mạo đô thị, mà còn liên quan tới những khía cạnh kinh tế, xã hội phải giải quyết trong không gian. Thách thức đặt ra rất rõ ràng, cần hiểu khi phát triển một đô thị, không phải đơn giản mở rộng lãnh thổ và số lượng công trình mà phải tiếp tục đưa ra được không gian sống cho người dân thích ứng với những thay đổi về lối sống và điều kiện kinh tế”. Chúng ta không thể “nhại” tính phức hợp của đô thị cổ hình thành trong nhiều thế kỷ chỉ trong một thời gian hạn hẹp (5-10 năm) khi xây dựng một khu đô thị mới hiện đại. Nhưng thực tế là, người dân sẽ luôn tìm ra cách tạo những dấu hiệu thời đại của riêng họ một cách bản địa nhất. Ví dụ, kĩ thuật phân lô hiện nay đang như một phương tiện tạo ra khung cảnh dễ nhận dạng của đô thị Việt Nam, có thể là ý tưởng ban đầu trên phương án TKĐT để tạo dựng bản sắc đô thị Việt chăng?
Câu trả lời nằm trong đáp án của bản vẽ TKĐT chứ không phải bản vẽ kiến trúc hoặc quy hoạch. Chúng là cầu nối của quy hoạch và kiến trúc để dẫn đến hiện thực hóa hình ảnh thành phố trong thực tế xây dựng đô thị.
Quy hoạch không gian chia lô khu đô thị mới Hà Nội
CÁC GIẢI PHÁP CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ "THIẾT THỰC"
Tránh lối mòn giai đoạn vừa qua coi TKĐT là minh họa cho viễn cảnh của đồ án quy hoạch là việc cần làm ngay trong các quy định của ngành xây dựng.
Muốn vậy các công cụ có tính kỹ thuật và kỹ năng của công việc này cần được quy định rõ trong quy chế hướng dẫn thực hiện TKĐT. Các công cụ đó (theo tiêu chuẩn châu Âu) cụ thể như sau:
Quy định thể hiện rõ về: Cấp độ thửa đất, Các hình thức phân thửa lô đất, Các mật độ sử dụng, Các kiểu hình dáng đất được sử dụng để phát triển đô thị.
Tổ chức phân cấp thửa đất là một phương pháp thiết kế hình thể của đô thị, tùy theo vị trí khu đất mà ta có mức độ đa dạng thửa đất khác nhau, tuy nhiên lại thường bị tác động của chủ đầu tư do ý đồ đầu cơ. Chính vì vậy, các hình thức phân thửa lô đất, Các mật độ sử dụng, Các kiểu hình dáng đất phải được quy định rõ để KTS sử dụng phát triển không gian hợp lý nhưng có đặc trưng cho hình ảnh đô thị. Cần hiểu rằng tính đa dạng đô thị còn phát triển theo thời gian, phản ánh chính lịch sử đô thị chứa nó, những nghiên cứu, quản lý và quy định đơn thuần là phương pháp quan sát sự phát triển và khai thác tiềm năng có thể bộc lộ của đô thị. Tính đa dạng chính là hình ảnh của đô thị đạt được thông qua việc phân nhỏ các quần thể quy mô lớn, đa dạng kiến trúc, màu sắc, hạn chế tính đơn điệu của kiểu sản xuất nhà hàng loạt để tạo nên bản sắc đô thị.
Quy định về các chi tiết của bản vẽ TKĐT như sau:
- Cách thức phân thửa để tận dụng tiềm năng phát triển hoạt động và vẻ đẹp cho đô thị thông qua việc sử dụng các lô đất thích hợp với các yêu cầu khu vực.
- Nhà xây theo dãy có kích thước và phân lô đất kiểu gì để đáp ứng cao nhất quyền lợi chung, tương lai chung, cho đa số dân cư của đô thị chứ không chạy theo quyền lợi chủ đầu tư hoặc cho dễ quản lý như hiện nay.
- Xác định đường giao thông chính (không có nhà bám dường để thông suốt giao thông hướng tâm và vành đai), vị trí đỗ xe và các tuyến giao thông nội bộ.
- Xác định hợp khối các dạng nhà nhỏ chồng tầng, và tổ hợp nhà ở hoặc chung cư cao tầng để làm nên diện mạo không gian đô thị. Hợp khối xuất hiện như một giải pháp tức thời khi nhu cầu về nhà ở và hoạt động kinh tế tăng cao, mặt tiền công trình vẫn có dáng dấp thông thường và mang tính đô thị, tuy nhiên mặt sau công trình mới thực sự là tính chất thu hút người sử dụng do hợp khối cao tầng và tính đa dạng của nó.
- Xây dựng các không gian công cộng gắn với tăng việc làm cho đô thị: Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong bộ máy đô thị. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà yếu tố này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong mối quan hệ với thực tiễn và nhu cầu đầu tư và khai thác. Điều này dẫn đến thực tế quy hoạch chúng một cách máy móc, phong cách thiết kế sai lầm, thiếu sót trong định hướng chức năng...
Những nhà thiết kế thường quên, đường phố không thể có ngay lập tức chức năng không gian công cộng như là vai trò của nó. Điều này chỉ có thể đạt được tăng dần về mật độ và sự đa dạng thông qua thời gian. Tuy nhiên, cần ban hành những quy định cụ thể về thiết kế không gian công cộng, nhằm quản lý đô thị phát triển đúng hướng: các quy định về kích thước, hình dáng, vật liệu, màu sắc của đường, rào, mái đua, công trình, khoảng lùi, cây xanh... cần xác định rõ và thống nhất các thuật ngữ, bắt buộc có bản vẽ mặt đứng và chất liệu đi kèm.
- Đường phố thông thường: Mọi thành phần của đô thị hầu như đều bắt đầu xây dựng từ đường phố, người ta thường thấy cấu trúc một thành phố là cấu trúc các tuyến phố (đường phố chiếm 61% diện tích Paris). Do đường phố có vai trò tổ chức và định hướng các lô đất xây dựng. Việc thiết kế cần đồng thời hai yếu tố: Đường phố và cách thức phân lô. Mối quan hệ biện chứng này là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi lối mòn phân khu tổng mặt bằng, đã khiến cho đô thị bị phân thành những mảnh ghép rời rạc.
- Ngõ và lối đi: Có chức năng nối hai không gian công cộng, hoặc hai đường phố song song, hoặc ngõ cụt, hình thành một lối đi phụ, lối mòn... Cho dù có nhiều quy chế pháp lý khác nhau, nhưng ngõ phố vẫn có được vai trò tổ chức không gian đô thị như đường phố, nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Nghiên cứu lịch sử phát triển đô thị lại cho thấy, ngõ phố chính là nơi diễn ra quá trình phát triển đô thị rõ nét nhất, từ sân sau được dựng thêm nhà lán, nhà phụ, đến nhà ở, và hình thành lối đi riêng biệt, dẫn đến sự thay đổi chức năng của ngõ phố.
Ngõ phố là lối đi nội bộ nên thường được tự quản, có thể dẫn đến tình trạng nhà dân nâng cốt nền khi xây dựng, sửa chữa, làm biến dạng hệ thống kỹ thuật. Quy chế xây dựng nhà trong ngõ phố được áp dụng như với đường phố, có khoảng lùi, rào, chiều cao, số tầng.
- Phố chính/ phố kinh doanh: Là huyết mạch một thành phố, có tác dụng dẫn dắt hoạt động trên tuyến nên rất quan trọng trong TKĐT, cần được xác định ngay từ khi phân lô, thường là những đường phố lâu đời nhất trong thành phố. Tuy nhiên, do cách thức quy hoạch không được quy định kỹ nên các phố chính bị thu hẹp dần khi dân số tăng quá nhanh, dẫn đến thiếu hụt chức năng, lòng đường, làn đỗ xe, vỉa hè. Quy hoạch phố chính còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn lưu thông ô tô bằng vận tốc đi bộ, và có làn đỗ xe tạm thời có tác dụng như một hàng rào ngăn cách giao thông xe và người đi bộ.
Phố chính với sự đa dạng chức năng, không cần có những quy định tỉ mỉ về mặt tiền kiến trúc khô cứng, không mang lại bản sắc cho tuyến phố kinh doanh. Hoặc có thể áp dụng phương pháp tạo vỉa hè rộng với mái vòm che phủ, khi đó có thể tăng diện tích đi bộ mà không làm giảm không gian lòng đường.
- Đại lộ và đại lộ trục chính: Kể từ thời Haussmann, đại lộ vòng cung và trục chính có xu hướng hòa vào mạng lưới giao thông chung, trong đó, đại lộ vòng cung trở thành cầu nối những địa điểm quan trọng nhưng cách xa nhau của thành phố như nhà ga, công trình hạ tầng lớn, doanh trại quân đội... Trong TKĐT không nên quên vai trò không gian "mở” của nhiều hoạt động đa dạng trên đại lộ này. Để phù hợp, có thể thay đổi mặt cắt đại lộ khi bố trí thêm các yếu tố như thêm 1 làn xe, 1 làn đỗ, 1 hàng cây, hay thêm dải phân cách trung tâm làm nơi dừng chân cho người qua đường.
- Đại lộ công viên, lớp viền ngoài đô thị, sân tản bộ và các công trình hạ tầng lớn: Đại lộ công viên ra đời ở Mỹ khi người ta cố gắng kết hợp đại lộ vòng cung với tuyến bộ hành có cảnh quan đẹp trong đô thị. Với đặc điểm phù hợp với lưu thông tốc độ cao, có hướng tuyến uốn lượn, với những rặng cây, cánh đồng... ngăn cách nhà cửa với đường giao thông. Mặc dù gây khó khăn cho người đi bộ, loại hình đường vành đai này lại rất phù hợp với chức năng như một vùng đệm chuyển tiếp của giao thông vùng sang giao thông đô thị, đồng thời có tác dụng du lịch, đôi khi tạo nên bản sắc của một thành phố. Việc kết hợp toàn bộ các hạ tầng kĩ thuật và công trình hạ tầng quy mô lớn vào một phạm vi “không được phép xây dựng” là một biện pháp tiết kiệm đất rất tốt.
- Lồng ghép các mạng lưới giao thông công cộng: Trên mặt cắt ngang của đường, cả trên và dưới, người ta có thể bố trí nhiều mạng lưới và loại hình giao thông khác nhau. Trong vòng 30 năm nữa, 80% dân số thế giới sống trong đô thị với những thành phố 5, 10 triệu dân... Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tốc độ tăng dân số đô thị là 3-8%/năm, thậm chí chưa có các phương tiện giao thông công cộng tốc độ cao trừ taxi và xe buýt. Trong khi thực tế là, cùng một lưu lượng, diện tích chiếm đường của ô tô gấp 6 lần xe buýt và 20 lần tàu điện ngầm, chưa kể bố trí điểm đỗ xe. Tuy nhiên, khi thiết kế mạng lưới giao thông công cộng cần chú ý không được tạo chia cắt các khu vực và hoạt động thường ngày.
- Quảng trường: Quảng trường là một cấu trúc đặc biệt không phải là ngã tư, do có sự khác biệt hoàn toàn với cấu trúc đô thị xung quanh, được nhận biết vì tạo đặc thù mang tính tiêu biểu. Căn cứ theo cách phân chia có thể xây một quảng trường nhỏ nằm giữa cấu trúc không gian đô thị. Hay tạo ra quảng trường có quy mô lớn mà phần trung tâm có thể trở nên độc lập. Ngoài ra, có thể thiết kế một quảng trường quanh một nút giao thông, mà thường có điểm trung tâm là cột tượng, cột tháp hoặc tượng đài. Hoặc tạo ra quảng trường bằng cách xóa bỏ một hay một cụm ô phố. Cũng có những quảng trường không có liên hệ với giao thông, là một không gian trống, thường nằm trong khu vực có mật độ dày, được hình thành bởi quy mô và sự hoành tráng của kiến trúc xung quanh. Quảng trường gắn liền với một công trình chủ đạo tạo được điểm nhấn... Việc tạo lập một quy chế cho không gian quảng trường không có nghĩa là sự phỏng theo đô thị cổ, mà chính là lồng ghép vào quá trình thiết kế những khía cạnh đa dạng còn thiếu.
- Không gian công ích: các mạng lưới hạ tầng kĩ thuật, san nền, lớp mặt nền, trang thiết bị đô thị: Đường phố cũng chính là tuyến công trình hạ tầng kĩ thuật song song. Nền đường được đổ dốc 1% để thu nước mưa, lối ra vào nhà được quy định 3-4% với lối đi bộ, 15% với đường dốc. Lớp mặt nền sẽ quyết định chức năng của không gian công cộng như sử dụng đất nện khi làm khoảng vườn kín, trải nhựa đường khi làm vỉa hè, lát đá granit làm đường dạo dọc theo trục đường chính. Vật liệu góp phần làm nên cái hồn đô thị.
Việc trang thiết bị cho đường phố là cách làm truyền thống dựa trên nguyên tắc sắp thẳng hàng (cách mép hè 1.5m): đèn chiếu sáng, cây xanh, trang thiết bị công cộng... Công tác này không chỉ có tác dụng trang trí đô thị mà còn là điểm mốc hay có chức năng phân ranh giới ẩn.
CÓ QUẢN LÝ ĐƯỢC BẰNG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ?
Ngày 24/01/2005 Nghị định 08/2005 CP - ND về quy hoạch đô thị của Chính phủ ban hành (để hướng dẫn thi hành luật xây dựng được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 26/11/2003). Tại mục 4, điều 30, 31 đã chính thức được nội dung TKĐT nằm trong nội dung quy hoạch đô thị. Toàn xã hội ồ lên rằng thật mới mẻ và hứa hẹn sự đột phá, thoát khỏi bế tắc đô thị hiện nay.
Về thực chất, TKĐT bao gồm 3 dạng sản phẩm:
- Các bản vẽ thiết kế
- Các quy chế, quy định, hướng dẫn
- Các thể chế thực hiện
Trong nghị định 08 năm 2005 của Chính phủ đã đưa phần TKĐT vào nội dung của quy hoạch đô thị. Nhưng cả 3 sản phẩm của TKĐT chưa được quy định rõ trong Nghị định, các cơ quan làm quy hoạch và cả người thiết kế chưa hiểu được cụ thể mình phải làm gì và sản phẩm TKĐT hình thù ra sao.
Về bản vẽ thiết kế: Nghị định chỉ đưa nội dung theo hai cấp độ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Nhưng chưa quy định rõ bản vẽ TKĐT cho các khu vực đặc thù vốn rất khác nhau về tính chất sử dụng, tiện nghi và tổ chức không gian. Thí dụ đối với khu dân cư cổ, khu vực công cộng có nhiều thành phần dịch vụ; khu vực trung tâm, khu đô thị mới… thì lại thiếu. Sự đánh đồng về khối lượng thực hiện giữa các loại hình và khu vực khác nhau trong đô thị còn thể hiện trong đơn giá quy hoạch vì theo đó TKĐT được trả chung cho mọi loại hình quy hoạch đơn giản đến phức tạp một mức chung là điều hết sức phi lý.
Các điều khoản hướng dẫn lập quy chế, điều lệ quản lý theo quy hoạch và TKĐT chưa đầy đủ do thiếu cơ sở khoa học về phân loại các loại hình quy hoạch: Ví dụ Sapa, trước khi làm quy chế quản lý đô thị, những KTS Pháp đã phải khảo sát kỹ lưỡng quỹ đô thị: Các khu vực đặc thù, cảnh quan cần bảo tồn, các khả năng phát triển và mở rộng đô thị ra các hướng, các mẫu thiết kế kiến trúc cần khuyến nghị sử dụng… Từ đó mới có cơ sở lập các quy chế chung, quy chế riêng cho từng khu vực cũng như các quy định đi kèm bản vẽ TKĐT về kiến trúc, phong cảnh, bảo tồn, chỉnh trang các khu phố cổ. Nhưng hiện nay các điều khoản hướng dẫn về điều lệ quản lý đô thị cũng như yêu cầu về TKĐT cho các khu vực đặc thù trong đô thị chưa được bàn thảo kỹ, dẫn đến Nghị định quy định rất chung chung, không có gốc, không có quy trình và sản phẩm cụ thể nên các tổ chức tư vấn rất khó thực hiện.
Đặc biệt về xây dựng thể chế thực hiện (bắt buộc hoặc khuyến khích) theo TKĐT được duyệt không có mặt trong Nghị định này và rất có thể trong các quy định sắp tới. Đây là một điểm yếu trong nội dung TKĐT ở Việt Nam.
Với các phân tích nêu trên, hy vọng các quy định về TKĐT với những nội dung chuyên môn và quản lý đô thị được hoàn thiện dần, cụ thể các nôi dung, dễ thực hiện. TKĐT có đi vào đời sống thì mới có các sản phẩm đô thị có chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - KTS. Trịnh Minh Hiếu
(Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 3/2013)
- Sài Gòn 1969: Đô thị hóa và ứng phó - Một hồi ức cá nhân
- Từ CIAM đến CNU - Cội nguồn của thiết kế đô thị
- Đã đến lúc cần có ngành khoa học đô thị hóa
- Bản đồ âm thanh và mùi vị của đô thị
- Văn hóa và Thiết kế đô thị
- Quy hoạch khu trung tâm đô thị đặc biệt tại Việt Nam
- Đô thị hóa nông thôn & sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Bản sắc khu đô thị Hà Nội
- Cấp bách liên kết đô thị
- Sài Gòn có còn nét xưa?
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này