Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Văn hóa và Thiết kế đô thị

Văn hóa và Thiết kế đô thị

Viết email In

Ngôi nhà xây phải có thiết kế. Đô thị xây lại càng phải có thiết kế hơn. Sau người chủ trương là nhà thiết kế kiến trúc. Tham gia vào thiết kế đô thị là sự vận động của thời gian và của xã hội. Đó là những phạm trù, sâu và rộng của Văn hóa đô thị.  

BẢN CHẤT RỘNG CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 

Nếu quan niệm thiết kế đô thị không chỉ là những đồ án vẽ trên giấy, thì các đô thị Việt trong quá khứ xa xưa đã được tạo dựng theo thiết kế. Theo cách nghĩ đó, nghệ thuật xây dựng đô thị là sản phẩm kết tinh từ thiết kế đô thị. 


Phối cảnh phương án của Nikken Sekkei Civil (Nhật Bản) trong cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận” diễn ra đầu năm 2009 (nguồn: Ashui.com) 

Hai nguyên tắc cơ bản chi phối thiết kế đô thị Việt truyền thống, đó là: 

- Về quy hoạch, sự phân chia rạch ròi lãnh thổ đô thị thành những khu tách biệt theo chức năng và theo cơ cấu xã hội; sự xếp đặt các công trình kiến trúc theo những trình tự cứng nhắc, cũng căn cứ vào chức năng và tôn ti trật tự xã hội. 

- Về kiến trúc, sự thể chế hóa các loại hình kiến trúc cơ bản; sự quy cách hóa cao độ quy mô, kích cỡ và kiểu cách kiến trúc của chúng thông qua số gian, cấu trúc và trang trí mái; phân cấp và chuẩn mực hóa các thủ pháp bài trí nội ngoại thất. 

Nhờ tuân thủ hai nguyên tắc trên mà Thăng Long và Huế là các đô thị Việt kinh điển, đặc trưng bởi sự thống nhất trên những cái lớn, sự đa dạng trong những cái nhỏ. Chúng là sản phẩm trực tiếp của chế độ phong kiến già dặn, đặt tôn ti trật tự làm nền móng cho tòa kiến trúc xã hội ngàn năm. Ở nền kiến trúc Trung Hoa, hai nguyên tắc nêu trên trị vì tuyệt đối, từ Tràng An đến Bắc Bình. 

Người châu Âu trong nghệ thuật xây dựng đô thị đặc biệt chú trọng hai yếu tố: trục lộ và sự gắn kết các công trình kiến trúc thành một thể không gian - thẩm mỹ. Cấu trúc điển hình của đô thị châu Âu, từ thời cổ đại, đã bao gồm: trục lộ, ô phố, quảng trường và quần thể kiến trúc. Roma, Paris và Saint - Peterburg là ba ví dụ chói lọi của nghệ thuật xây dựng đô thị Âu châu. 

Từ góc độ tổ chức không gian đô thị, tác giả bài viết này nhắc tới một nhận biết ở Roma: giữa những khối kiến trúc dày đặc của các ô phố, hiện hữu những cái sân - khoảng không khép kín tứ phía dành cho sinh hoạt cộng đồng. Từ đó mở ra những con phố, chảy và đột ngột hòa vào những quảng trường rộng lớn, nơi ngự trị cả một quần thể kiến trúc và điêu khắc. Giải quyết sự chuyển hóa không gian như thế, quả là biệt tài của các nhà tạo tác đô thị bậc thầy của Italia. 

Tinh hoa của nghệ thuật tổ chức không gian Á Đông là sự chuyển hóa không gian và cảnh quan kiến trúc trên những đường trục. Tinh hoa nghệ thuật tổ chức không gian Âu châu là quần thể kiến trúc. 

Từ sự xem xét lịch sử xây dựng đô thị, ta có thể đưa ra định nghĩa sau: Bản chất của thiết kế đô thị là sự phân định hợp lý việc sử dụng đất đai, sự sắp đặt đúng chỗ các công trình kiến trúc, sự tạo lập các mối liên kết kiến trúc và không gian giữa chúng, sự tạo lập trật tự đô thị theo nghĩa rộng, dẫn tới sự hình thành môi trường sống của xã hội đô thị và cùng với đó là cảnh quan đô thị. 

Đô thị - kiến trúc đô thị và con người, hai thực thể ấy, như nước với đất, song tồn trong thích ứng, điều chỉnh và hoàn thiện lẫn nhau theo thời gian, tạo nên những chốn đô thị - nhất thể, nơi không tách biệt cái nọ ra khỏi cái kia. 

VĂN HÓA PHẢI LÀ NỀN TẢNG CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ HIỆN NAY 

Hình hài và thể xác của các đô thị hiện hữu ở ta hầu hết khởi đầu từ thế kỷ XIX, định hình ở thế kỷ XX. 

Những đô thị lớn về không gian và về quỹ kiến trúc như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những đô thị có tích lũy kiến trúc đáng kể như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... đều chưa thể hiện đậm nét những nguyên tắc và thủ pháp xây dựng đô thị Á Đông hoặc Âu châu, như đã nêu một phần ở trên. Huế và Đà Lạt là những ngoại trừ. 

Thời Pháp thuộc để lại nhiều dấu ấn trên cơ thể các đô thị Việt Nam. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và do sự phát triển thuộc địa ở mức hạn chế, người Pháp chưa thể xây dựng những đô thị hoàn chỉnh, mà chủ yếu ở dạng những khu phố Tây, xây ghép vào phần đô thị bản địa, với sự cải tạo hạn chế thành phần này, hoặc ở dạng những cấu trúc đô thị xây mới, có quy mô không lớn. 

Thuộc dạng thứ nhất là các khu phố Tây ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Huế. Thuộc dạng thứ hai là các thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. 


Trực tuyến phố Tràng Tiền - Hà Nội 

Ở Hà Nội, trong thiết kế đô thị người Pháp đã giải quyết thành công sự gắn kết và chuyển hóa giữa khu phố cũ của người Việt với khu phố thuộc địa, với sự xác lập vai trò trung chuyển đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, quy mô và hệ tỷ xích không gian không tách biệt giữa hai phần mới và cũ. Đặc biệt họ đã tạo ra một trục phố, bắt đầu một cách kinh điển từ Nhà hát Lớn và quảng trường cùng tên, chuyển sang đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và kết thúc bởi không gian quảng trường lớn, nơi tọa lạc Phủ Toàn quyền và các thiết chế kiến trúc có trọng lượng khác. Trục phố này tuy không thẳng, không đủ rộng và chưa định hình về phương diện tổng thể kiến trúc, song đã thực hiện xuất sắc vai trò gắn kết các không gian đô thị, khác biệt về hình thái với nhau. 

Về phương diện tạo lập những quần thể kiến trúc đô thị, do những hạn chế đã nêu trên, người Pháp thực hiện đầy đủ được những đồ án quy hoạch và kiến trúc, dẫn tới sự ra đời của không gian kiến trúc - thẩm mỹ, những quần thể kiến trúc hoàn chỉnh. Chẳng hạn, không gian được tạo bởi sự giao nhau của trục đường Ngô Quyền và trục vườn hoa Chí Linh, với những tòa nhà đường bệ đặt ở các vị trí phân tán, chưa tạo được sự phối hợp thể khối và hình thái kiến trúc để hình thành nên một quần thể kiến trúc đô thị thực thụ. Sự gắn kết không gian thành một thể đạt được nhờ hệ thống vườn hoa nhỏ và cây xanh. Phủ Toàn quyền, Nhà hát Lớn, Viện Pasteur... là những nhân tố gợi mở cho những quần thể kiến trúc. 

Ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, không gian trục đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ đường Bạch Đằng trên bờ sông Sài Gòn, kết thúc bởi Tòa Thị chính phát triển về bề ngang và về đường bao, gắn kết vuông góc với trục đường Lê Lợi và giới hạn bởi Nhà hát Lớn Thành phố, đã tạo lập được một dạng quần thể - phức hợp kiến trúc đô thị - điểm nhấn trung tâm. Đây là ví dụ về một trung tâm đô thị đã được thiết kế từ phương diện quy hoạch, kết hợp trong mình các thành tố như trục đường, vườn hoa, các kiến trúc chủ đạo, sự liên kết chúng về hình khối, độ cao, về diện mạo kiến trúc. Quá trình thiết kế đô thị, bắt đầu từ hơn 100 năm trước, được tiếp nối ở các giai đoạn sau, đã dẫn tới sự hiện hữu của một thực thể đô thị tương đối liên hoàn, hiệu quả thẩm mỹ đô thị đạt được một cách sở thị. 

Trong công cuộc cải tạo và xây dựng đô thị ở ta trong thập niên qua, thiết kế quy hoạch đã được thực hiện và có tác dụng trong việc xác định các định hướng phát triển của từng đô thị, trong việc phân định chức năng các khu đất, đặc biệt là các khu trung tâm và các khu công nghiệp. Tuy vậy, vai trò của thiết kế đô thị trong quy hoạch đô thị nói chung mờ nhạt, hiệu quả về tổ chức không gian, về tạo dựng diện mạo và thẩm mỹ kiến trúc đô thị hết sức hạn chế. Hình thái tự phát của hầu hết các đô thị hôm nay chứng minh điều đó. 

Quy hoạch đô thị thường chỉ chi phối bình diện ngang, ít chi phối không gian ba chiều, lại càng không có ý nghĩa trong việc định đoạt diện mạo và chất lượng thẩm mỹ kiến trúc đô thị. Những phẩm chất này xuất hiện dần dà, một cách tự phát trong quá trình lấp kín hoặc sắp xếp lại khu đất hầu như không có sự điều tiết nào cả. Hoặc nếu có, hiệu quả cũng không đáng kể. 

Người thực thi thiết kế đô thị trong cuộc sống là một kiến trúc sư trưởng và một nhà quản lý kiến trúc đô thị - cả hai đều thiếu vắng ở đô thị nước ta. Thiếu uy lực của một bàn tay nhà quản lý, thiếu cá tính của một kiến trúc sư - nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc kiến trúc đô thị. Cơ chế tổ chức tưởng như hoàn hảo không thể thay thế cho những người cầm trịch. 

Những sự thiếu vắng ấy càng nhận ra, khi ngay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận ra một tòa nhà hoặc vài ngôi nhà đẹp, song chúng ta không thể tìm ra một dãy nhà đẹp, một tổng thể kiến trúc đẹp, một panorama đô thị ôn hòa. 

Một vài ngôi nhà đẹp trên một phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Cả trăm ngôi nhà đẹp ở một thành phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Phố và thành phố chỉ đẹp thực sự, khi nó có được cái đẹp tổng thể. Cái đẹp tổng thể chỉ có thể có khi nó được trù liệu, được thiết kế. 

Một đoạn phố của đường Lê Thái Tổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, dài dưới 200m, với dãy nhà hầu hết là hai tầng, với diện mạo kiến trúc khá đồng nhất, tạo nên cái chất thị thành, cái khung cảnh phồn hoa, mà Hà Nội ngày càng thiếu, cả khi nó đã trở nên khá đồ sộ và khá giàu sang như bây giờ. Hình như các thành phố ở ta đều thiếu dáng vẻ, thiếu cái chất thành thị và phồn hoa ấy. Vỡ nhẽ ra, cả đường rộng và nhà cao chưa hẳn đã có thành thị. Thành thị chỉ có khi kiến trúc đậm tính văn hóa, khi bầu không khí triết lọc và riêng biệt của văn minh đô thị kết tụ ở nơi ấy. 


Khu phố cũ trung tâm Hà Nội.  

Trong lịch sử, ít thấy các quần thể kiến trúc được kiện toàn theo một bản thiết kế và trong một khoảng thời gian ngắn. Quá trình kiện toàn diễn ra dần dà, thế hệ sau nhận biết ý đồ của thế hệ trước, bổ khuyết hoặc hoàn thiện nốt những gì còn dang dở. Các không gian kiến trúc đô thị ở Hà Nội, đặc biệt các không gian - điểm nhấn, lại không có được sự ứng xử như thế. Chúng không những không được cải tạo và hoàn thiện, mà ngược lại bị xáo trộn và bị chắp vá bởi những sự xây cấy, cơi nới, xây bao quanh, do sự phá vỡ hệ tỷ lệ xích không gian và hình khối đã được ước định. Những không gian đô thị Nhà hát Lớn, khu vực Nhà khách Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước - vườn hoa Chí Linh, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trục Tràng Tiền - Hàng Khay... một khi được cải tạo và hoàn chỉnh theo những đồ án thiết kế đô thị bài bản, có thể trở thành những thành phần có giá trị của đô thị, xứng tầm với Thủ đô. Ở tình trạng hiện nay, chúng là hiện thân của sự dang dở, tưởng như đã vĩnh viễn hóa. 

Sự thiếu vắng thiết kế đô thị bên cạnh nền quản lý đô thị hiện có hiệu lực, đã dẫn đến tình trạng Hà Nội thiếu hẳn những nhân tố bắt buộc của mỗi đô thị lớn: Các điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan ở các lối vào, các đại lộ, các đường trục và panorama đô thị. Các đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Khát Chân, Nguyễn Văn Cừ, Cầu Giấy... về thực chất, chỉ là những phố dài, không thể coi là những đại lộ theo đúng nghĩa. 

Thủ đô ta không có con đường - bộ mặt, con đường tiêu biểu, con đường - niềm hãnh diện và con đường - lời chào đón, để từ sân bay đi vào, lướt qua mà nhận ra và nghĩ ngay: Hà Nội đây. 

Thành phố Thái Nguyên và thành phố Việt Trì, xây dựng mới cách nay vài chục năm, lặp lại hoàn toàn mô hình phố - đường cổ truyền: Chúng được triển khai dọc hai bên quốc lộ, kéo dài hàng chục cây số. Những chuỗi nhà to và nhỏ, cao và thấp, được đánh tới số vài nghìn. Điểm nhấn, điểm nút, quảng trường, khoảng trống - đều không. Lẻ tẻ những ngôi nhà nào đó có vẻ được thiết kế, song đô thị thì không. 

Quán tính của tư duy lịch sử vẽ thay nhà quy hoạch. 

Quan sát những đô thị và những bộ phận cấu thành của chúng, hình thành tự phát theo thời gian và bởi logic vận động xã hội - cuộc đời những thế hệ, ta dừng lại ở một nghịch ý; giả sử chặt đẵn hết đi cây cối phủ kín kiến trúc, sẽ thấy gì? Ta sẽ thấy những thể khối đô thị vô định hình, sự hình thể hóa trần trụi những nhu cầu và những tham vọng chung đụng miễn cưỡng trong sự liền kề khối phố. 

Thiết kế đô thị “từ đầu” cần phải đặt ra và giải quyết hai bài toán, ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó. Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo. Thiết kế đô thị “can thiệp” có đối tượng là kiến trúc không gian của đô thị hoặc toàn đô thị hiện hữu. Nội dung chủ yếu của thiết kế đô thị trong trường hợp này là cải tạo, hoàn thiện và phát triển tiếp nối.


Không gian xanh khu ĐTM Linh Đàm, Hà Nội 

BA PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 

Loài người kiến tạo đô thị với những gì bao bọc nó và nằm trong phạm vi chi phối của nó, tạo ra thiên nhiên thứ hai. Thiên nhiên này là sản phẩm văn hóa kỳ vĩ và đặc trưng. Khi ta ví nó như một cỗ máy sống, ta chỉ nhìn nó ở góc độ công năng và từ tính chất vận hành của nó. Song, về thực chất, ta nên nhìn nhận đô thị là cái bản thể thứ hai của xã hội, cái bản thể không thuần túy là vỏ bao, là khuôn khổ. Càng tồn tại lâu trong thời gian, càng đạt được sự phát triển cao siêu hơn, đô thị càng trở thành những thực thể đan kết chặt chẽ hơn giữa con người và xã hội với cơ thể kiến trúc vĩ đại. Tạo tác ra đô thị, con người chưa hẳn đã nhận ra vai trò tạo tác ngược lại của đô thị đối với mình. 

Quy hoạch đô thị nói chung, thiết kế đô thị nói riêng, xử lý và can thiệp vào những mỗi quan hệ cực kỳ tinh tế và cực kỳ gốc rễ, giữa lịch sử - xã hội và vật thể đô thị. 

Thiết kế đô thị liên quan tới ba phạm trù cơ bản: Công năng, trật tự, thẩm mỹ. Công năng là xuất phát điểm, là nguyên cớ, là cái cần đáp ứng để đảm bảo cho sự vận hành. Trật tự là tổ chức, là sắp đặt, là sự giải quyết cân bằng các mối quan hệ trong điều tiết, đảm bảo cho tính bền vững. Thẩm mỹ là sự hài hòa giữa công năng và trật tự, sự hài hòa giữa vi mô và vĩ mô, giữa kiến trúc và môi trường, giữa hai cái nói trên với con người và xã hội, là sự kiến tạo môi trường nhân văn của đô thị. 

Thiết kế đô thị xử lý hai cục diện cơ bản, mang bản chất quyết định. Đó là thời gian và thực tế hiện hữu. Đối với các đô thị đã tồn tại trong lịch sử, kiến trúc sư thiết kế đô thị bắt buộc phải tính đến ba thì: dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Dĩ vãng là lịch sử, là những giá trị truyền thống, là vấn đề kế thừa. Hiện tại có gốc, có nền tảng ở dĩ vãng, song lại có những nhu cầu của cuộc sống hôm nay cần được đáp ứng đầy đủ trong sự không phủ định dĩ vãng và sự bắc cầu sang mai sau. Tương lai là cái phải trù liệu, cái được tính tới ngay ở hôm nay. Từ đó, thiết kế đô thị làm sao để không trở nên lạc hậu, ngay cả khi đồ án chưa thực thi xong. 

Đô thị xây dựng từ đầu, kiến trúc sư thiết kế đô thị không bị trói tay bởi thì dĩ vãng, song họ bị ràng buộc một cách không thể chối bỏ với tài nguyên và nền cảnh thiên nhiên, mà đô thị được ghép đặt vào. Họ không thể không tính chuyện xây hôm nay mà quên dành cho ngày mai. 

Tất cả những điều trình bày ở trên đều nằm trong phạm vi bao trùm của văn hóa thiết kế đô thị và là những cốt lõi của nghệ thuật xây dựng đô thị. 

Chúng ta có thể, từ sự tiếp cận văn hóa, phân chia thiết kế đô thị thành hai dạng: thiết kế đô thị “từ đầu” và thiết kế đô thị “can thiệp”. 

Với dạng thiết kế đô thị “từ đầu”, đối tượng chính là những khu đô thị mới, từ dạng đô thị bắt đầu lịch sử của mình hôm nay. 

Trong thực tế thiết kế quy hoạch đô thị “từ đầu”, có thể nhận biết một số nét chính sau: 

- Chúng ta thiên về quy hoạch: Phân định đất đai theo công năng, hoạch định các tuyến đường giao thông, bố trí các khu hành chính, các khu công nghiệp, khu dân cư... 

- Các đồ án quy hoạch thường duy ý chí, minh họa các chủ trương nhất thời, thay vì những bài tính đô thị đích thực. Điều này dẫn đến tính phi thực tế và bất khả thi của quy hoạch. Đô thị ra khỏi tầm kiểm soát, trở nên hỗn mang. Còn các cơ quan quản lý thì luôn luôn yêu cầu các nhà quy hoạch điều chỉnh quy hoạch. Điều này là hiện tượng phổ biến ở nước ta. 

- Bệnh sơ lược trong quy hoạch dẫn đến sự nghèo nàn trong cấu trúc tổ chức cơ thể và không gian các khu đô thị và các đô thị mới. Chúng bị giản lược hóa đến mức vừa xây xong đã có nhu cầu cải tạo hoặc bổ sung. Chúng thiếu các không gian công cộng phân chia thành tầng bậc, thiếu các quảng trường và điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, thiếu những hình thức kiến trúc góp phần tạo nên tiện nghi và diện mạo thành thị. Trong nhiều trường hợp chúng trở thành những nơi cư trú thuần túy, nơi sản xuất thuần túy. Điều này góp phần tạo nên sự mất cân bằng, bởi trong các cấu trúc trung tâm của đô thị không phát triển, những khu xây dựng mới, đơn giản về cấu trúc lại nhân nhân lên gấp bội. Tình trạng này thấy rõ về Hà Nội. Về phương diện nào đó, các khu đô thị mới, mà chủ yếu là các khu ở mới, đang mang trong mình hội chứng lỗi thời trước thời hạn, là mầm mống tiềm ẩn những mâu thuẫn đối kháng. 

Thiết kế đô thị “từ đầu” cần phải đặt ra và giải quyết hai bài toán, ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là: 

- Kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó, như đối với các khu ở cần có các trục lộ, phố - cửa hàng, các thể loại kiến trúc, các không gian công cộng và dịch vụ, các quảng trường, vườn hoa và diện tích cây xanh hồ nước, các điểm nhấn đô thị, các phối cảnh và cảnh quan kiến trúc...  

- Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng ta phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo. 

Mỗi đô thị chỉ thực sự đẹp và hoàn chỉnh khi công trình kiến trúc lớn phải được đặt và thiết kế trong quần thể, khi các công trình kiến trúc thứ yếu khác phải được xây cất trong trật tự, lấy sự thống nhất về cơ bản để tạo nên vẻ đẹp từ trật tự thẩm mỹ đô thị. 

Ở các đô thị ngày càng lớn quá khổ hôm nay, vai trò quyết định diện mạo và thẩm mỹ không thuộc về mỗi ngôi nhà, thậm chí mỗi dãy phố nữa. Quy mô, tầm nhìn, tốc độ đang định đoạt những phạm vi mới trong cảm thụ thẩm mỹ đô thị. 

Thiết kế đô thị “can thiệp” có đối tượng là kiến trúc không gian của đô thị hoặc toàn đô thị hiện hữu. Nội dung chủ yếu của thiết kế đô thị trong trường hợp này là cải tạo, hoàn thiện và phát triển tiếp nối. 

Các cấu trúc không gian, như kiến trúc đường phố, như các quảng trường và kiến trúc bao quanh, như các quần thể hoặc phức hợp kiến trúc... là những thành phần cấu thành của quỹ kiến trúc đô thị. Chúng có giá trị đôi khi về lịch sử cuộc đời đô thị, hoặc giá trị về kiến trúc và cảnh quan, giá trị về sử dụng... Các đô thị cũ sở hữu quỹ kiến trúc đô thị lớn hoặc nhỏ, cổ hoặc cũ đều có giá trị, không dễ bề loại bỏ, cần phải kế thừa và duy trì trong sự phát triển tiếp nối. 


Không gian mở trong đô thị cho các hoạt động cộng đồng 

Từ đây sự can thiệp, mang nội dung cải tạo hoặc hoàn thiện, phải được đặt trên cơ sở hiểu biết tường tận, làm chủ thực sự cơ ngơi kiến trúc vốn có. Điều này chỉ có thể đạt được bởi việc thực hiện một loại công việc như khảo sát, điều tra, kiểm kê, đánh giá, xác định các đặc điểm của từng cấu trúc không gian đô thị hoặc của toàn đô thị. Chính việc tạo lập cơ sở mang tính phương pháp luận nêu trên sẽ đảm bảo cho thiết kế đô thị dạng “can thiệp” diễn ra theo giác độ tiếp cận văn hóa, phù hợp với cách ứng xử văn hóa trong cải tạo và hiện đại hóa các đô thị. 

Thiết kế đô thị “can thiệp” khác thiết kế đô thị “từ đầu” ở chỗ tập trung vào các nội dung tổ chức lại không gian, hoàn chỉnh và định hình diện mạo kiến trúc nhằm nâng cao tính ổn định của hình thái kiến trúc đô thị. Đồng thời nâng cao thẩm mỹ đô thị, từ các bộ phận cấu thành đến tổng thể. 

Nội dung cải tạo trong thiết kế đô thị “can thiệp” được hiểu là một loạt các phần việc như duy trì những công trình hoặc thành phần đô thị có giá trị này nọ, nâng cấp chúng và môi trường xung quanh về các phương diện; thích ứng chúng vào các yêu cầu sử dụng mới; khắc phục sự biến dạng của các công trình và của môi trường xung quanh theo hướng hiện đại hóa cùng sự giữ lại những công trình vốn có của những gì thời gian để lại. Cải tạo về bản chất là những hoạt động nhằm duy trì sự phát triển tiếp nối của các đô thị, một điều hoàn toàn tự nhiên trong logic phát triển. 

Nội dung hoàn thiện trong thiết kế đô thị “can thiệp” được hiểu là một loạt các phần việc về chỉnh trang nhằm khẳng định và nâng cấp diện mạo cơ bản đã hình thành; gắn nối các công trình lẻ tẻ qua các thời gian trong một không gian kiến trúc thâu tóm; bổ sung các công trình và các thành phần kiến trúc - tạo cảnh nhằm đưa kiến trúc không gian vốn có về dạng hoàn thiện và trong trường hợp có thể, tiến tới tạo lập các không gian đô thị mang tính chất quần thể. Việc bổ sung vào không gian kiến trúc có sẵn các công trình mới không bắt buộc là chúng phải đồng dạng với kiến trúc cũ, mà có thể ở dạng ngôn ngữ trung lập hoặc ôn hòa, thậm chí tương phản. Đưa giải pháp thiết kế kiến trúc tương phản vào một cơ thể đã hình thành thường dẫn đến nguy cơ làm tan vỡ nó, song ở một số ít trường hợp, các kiến trúc sư tài năng đã thành công. 

Đối với khu vực Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đã có nhiều nghiên cứu nằm trong phạm vi thiết kế đô thị “can thiệp”, nhằm khẳng định và hoàn thiện diện mạo cùng chất lượng kiến trúc của trọng điểm văn hóa - lịch sử - cảnh quan - đô thị này. Việc chỉnh trang và nâng cấp tổng thể chưa được thực thi ở mức cần thiết, song những công trình xây trong mấy thập kỷ qua ít nhiều tác động tiêu cực đến các tế bào tinh tế của thành phần đô thị có một không hai này. 

Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác, lúc này nhận rõ hơn bao giờ hết, bên cạnh quy hoạch phát triển đô thị, cần bắt tay vào thiết kế đô thị “can thiệp”. Chính đây là một giải pháp cơ bản cho việc khắc phục tình trạng hỗn mang và thiếu thẩm mỹ của các đô thị ở nước ta. 

YÊU CẦU THỰC TIỄN QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRONG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 

Giờ đây chúng ta nói nhiều về thiết kế đô thị. Sự phát triển thiếu điều tiết chẳng những thách thức thế hệ chúng ta, mà còn có nguy cơ trở thành di sản nặng nề cho con cháu. Thực tiễn quy hoạch và quản lý đô thị hôm nay đòi hỏi tạo lập hai cơ sở mang tính nền tảng cho thiết kế đô thị: 

- Nắm vững và hiểu rõ tình trạng của các đô thị từ các phương diện quỹ kiến trúc, đặc điểm tổ chức không gian và hình thái học đô thị, chất lượng kiến trúc thẩm mỹ... đồng thời đưa ra từ đó những giải pháp phù hợp cho thiết kế đô thị, vận dụng vào quy hoạch các đô thị mới và cải tạo các đô thị cũ. 

- Làm chủ tri thức và khai thác tối đa các bài học rút ra từ nghệ thuật xây dựng đô thị kinh điển và hiện đại. Nếu kiến trúc công trình và công nghệ xây dựng đã tiến rất xa, thì nghệ thuật tổ chức không gian đô thị cho đến nay vẫn có thể kế thừa hầu hết các thủ pháp đã được nâng thành nghệ thuật từ các thời trước. Chẳng hạn, các thủ pháp về tổ chức và phân định không gian, tổ hợp các quần thể, chuyển hóa không gian, tạo lập phối cảnh và panorama, điểm nhấn và đường bao, nhịp điệu và sự lặp lại... Dĩ nhiên, cần kết hợp các tri thức của nghệ thuật quy hoạch kinh điển với các thành tựu của quy hoạch đô thị hiện đại. 

Nội dung cuối này đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đào tạo kiến trúc sư. Các kiến trúc sư trẻ bắt buộc phải làm chủ cho được kiến thức cơ bản về nghệ thuật xây dựng đô thị. Do vậy, bộ môn lịch sử xây dựng đô thị, nghệ thuật xây dựng đô thị phải được coi trọng đặc biệt trong đào tạo kiến trúc sư, nhất là kiến trúc sư thiết kế đô thị. 

Lúc này các nhà quy hoạch đô thị hầu như bị hút vào các dự án quy hoạch chung và quy hoạch điều chỉnh. Dễ hiểu, công cuộc đô thị hóa đang tăng tốc. Song xây dựng đô thị mà thiếu thiết kế đô thị đặt trên những nền tảng văn hóa, thì chẳng bao giờ chúng ta tiến tới được những chốn đô thị ngăn nắp, tiện lợi, dễ sống và đẹp trong sự hòa đồng. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3/2013) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo