Không có gì quan trọng bằng cảm giác. Chất lượng môi trường (ambient qualities) của một nơi chốn (a place) với một cá nhân là tập hợp bởi tất cả những gì mà cá nhân đó cảm nhận về nơi đó thông qua không chỉ thị giác (công trình xây dựng, cảnh quan thiên nhiên) mà còn cả thính giác và khứu giác. Ví dụ như mùi hoa sữa trên phố Nguyễn Du và tiếng leng keng của tàu điện chạy ven bờ Hồ Hoàn Kiếm đã đi vào biết bao kỷ niệm và văn thơ về Hà Nội. Do đó, một thiết kế đô thị hoàn thiện và thành công bao gồm cả việc giữ gìn và kiểm soát mùi vị và âm thanh đặc trưng và biểu cảm của một số tuyến phố hay của cả một thành phố.
Chủ đề này được chú tâm trong một nhánh nghiên cứu có tên gọi là Sensory Urbanism hay Đô thị học cảm quan. Kevin Lynch giải thích trong tác phẩm độc đáo của mình: Managing the Sense of a Region (tạm dịch: quản lý cảm quan về một vùng đất):
"Bài kiểm tra đơn giản về một thế giới cảm quan tuyệt vời là mức độ hiệu lực của thế giới đó trong việc hỗ trợ các chức năng của cơ thể con người. Các yêu cầu cơ bản là con người có thể dùng các giác quan của họ để ngửi, để nhìn, để cảm, và để nghe… Cảm giác cần phải ấn tượng, có tính thông tin, dễ chịu và nằm trong kiểm soát của người tiếp nhận… Ưu tiên đặc biệt cần được giành cho các yêu cầu cảm quan của người khuyết tật, nhu cầu thị giác của người điếc, nhu cầu thính giác của người mù."
Tuy nhiên, trước khi một phương án thiết kế đô thị có thể được đề xuất, chúng ta phải khảo sát hiện trạng. Khi mà mọi biện pháp kỹ thuật (dù hoàn toàn hiện thực) để đo đạc “hương vị” và “âm điệu” của nơi chốn trở nên ít ý nghĩa với con người cảm tính trong chúng ta, các nhà thiết kế đô thị như Kevin Lynch phải dùng đến thuật bản đồ ấn tượng (impressionistic mapping). Trong cuốn sách của mình, Kevin Lynch đưa ra thảo luận sơ lược về thuật bản đồ (mapping) âm thanh và mùi của nơi chốn. Tôi dựa vào những gì ông viết để bàn luận về chủ đề này dưới đây.
Bản đồ mô tả cảm quan về âm thanh tại trung tâm thành phố Boston (Mỹ).
Âm thanh có thể khác nhau về cường độ, cao độ và sự hỗn tạp của những yếu tố này trong một khoảng thời gian mà có thể ghi lại trên một âm đồ (sonogram). Đo đạc âm thanh còn trở nên phức tạp hơn bởi sự tác động của môi trường xây dựng lên mức độ vang xa và tiếng vọng lại cũng như tính chủ quan trong việc đánh giá chất lượng âm thanh về độ ồn, độ rõ hay “độ du dương”,v.v… Với những nơi chốn đặc biệt thì ghi chép lại đặc tính âm thanh của môi trường là quan trọng dù việc này tốn nhiều công sức. Một giải pháp đơn giản nhất là xác định vùng khả thính của những âm thanh mong muốn và không mong muốn như tiếng chuông nhà thờ, tiếng đàn từ những người hát rong hay tiếng ồn từ nhà máy và các con đường. Mùi là một vấn đề tế nhị và ít được đề cập trừ trường hợp bất thường khi mùi quá dễ chịu hoặc quá khó chịu. Tuy nhiên, mùi cũng là một dấu ấn rất đặc trưng và khó quên của nơi chốn đối với con người: mùi hoa sữa, mùi của biển hay mùi từ những quán nem nướng. Do đó, mùi có thể đánh thức kỷ niệm. Và cũng quan trọng không kém, mùi có tính định hướng về không gian và có thể dẫn dắt bước chân chúng ta vào một nơi chốn. Cũng giống như với âm thanh, xác định nguồn của mùi trong một không gian và kiểm soát chúng (giữ gìn hay loại bỏ) đều không phải điều dễ dàng. Giữ gìn mùi đặc trưng của một nơi chốn tạo bởi cảnh quan như hương hoa hay mùi lúa chín có lẽ khả dĩ nhất. Vấn đề của đo đạc cảm quan là bản thân chúng có tính chủ quan cao và không dễ diễn tả. Những ví dụ của chính Kevin Lynch và những người khác có lẽ cung cấp nhiều thông tin hơn là những gì họ viết ra.
BẢN ĐỒ TIẾNG ỒN
311, số điện thoại cung cấp thông tin và dịch vụ của thành phố New York, thu thập các phàn nàn về tiếng ồn và nhà thiết kế Karl Sluis đã sử dụng datanăm 2012 này để tạo nên bản đồ tiếng ồn của thành phố. Các phàn nàn về tiếng ồn cho thấy mức độ tập trung các hoạt động tại một số điểm trong thành phố cũng như những câu chuyện nhỏ như việc xây dựng đường tàu điện ngầm ở Đường số 2, những chiếc xe buýt nằm chờ (mà không tắt máy) ở khu vực Upper East Side (Thượng Đông), và những ngôi nhà nơi nuôi những con chó ồn ào nhất. Các bản đồ cũng phản ánh đặc điểm của các nhóm dân cư như các xe ô tô mở nhạc lớn (automotive music) và những người nói to (loud people) tập trung ở khu Harlem, phía bắc Central Park, nơi nhiều người da đen sinh sống trong khi tiếng ồn của công trường xây dựng lại tập trung ở phía nam của Central Park – nơi mà đầu tư công và tư đổ vào.
Bản đồ tiếng ồn của thành phố New York. Nguồn: http://www.karlsluis.com/newyorkcitymaps
Tiếng ồn phân theo từng loại nguồn gốc khác nhau. Nguồn: http://www.karlsluis.com/newyorkcitymaps
Tiếng ồn phân theo từng loại nguồn gốc và theo từng tháng trong năm. Nguồn: http://www.karlsluis.com/newyorkcitymaps
Một dự án khác mang tên Citygram (âm đồ đô thị) do hai giáo sư về digital arts và kỹ thuật âm nhạc tại Viện Nghệ thuật California và Đại học New York thực hiện nhằm đo cường độ âm thanh tại New York. Bản đồ âm lượng ở dưới thể hiện khu vực Đại học New York tại Mahattan.
Cường độ âm thanh khu vực trường Đại học New York. Nguồn: http://www.arch.columbia.edu/studio-x-global
Khảo sát tiếng ồn tại công viên Russell, London của Laura Lewis & Harvey Ward Turner.
BẢN ĐỒ MÙI
Kate McLean, một nhà thiết kế độ họa và là giảng viên tại trường Nghệ thuật & Thiết kế New England của Đại học Suffolk (Boston, Mỹ) chuyên tâm vào bản đồ cảm quan về mùi trong các thành phố. Nghiên cứu của cô tập trung vào việc con người tiếp nhận môi trường đô thị ở khía cạnh khứu giác như thế nào và mô tả các kết quả bằng những bản đồ đầy chất nghệ thuật. Trong thế giới quá chú tâm tới hình ảnh, cô cho rằng cần tìm kiếm những phương thức truyền thông có ý nghĩa khác bao gồm đa-cảm-quan, phi-thị-giác và sự phối tạo ký ức thông qua kiến tạo môi trường và “bầu không khí” (của kỷ niệm). Dựa vào các lý thuyết đương đại về bản độ học và nhân học cảm quang, McLean đề xuất các công cụ để phân tích các khảo cứu về nhân học cảm quan; để mô tả bằng hình ảnh và ngôn ngữ hệ thống phân loại mùi; và đóng góp vào cuộc thảo luận về thúc đẩy du lịch tinh thần đô thị (tạm dịch: memorable urban tourism) trong đó du khách đóng nhiều vai trò như là tác giả, người tiêu thụ và người kiến tạo của môi trường cảm quan khứu giác (smellscape).
Du khách, người nhập cư và cả các cư dân lâu đời của thành phố Glasgow được mời những lọ chứa một mùi đặc trưng và sau đó xác định địa điểm mà họ liên tưởng tới trên bản đồ. Nguồn: Sensorymaps.com
Và kết quả là bản đồ “Hương vị Glasgow”. Nguồn: Sensorymaps.com
Bản đồ mùi trong thành phố Newport, Mỹ (phần phóng lớn và chú thích bên phải). Nguồn: Sensorymaps.com
Bản đồ mùi Paris ở dạng “thô” với các lọ mùi điển hình và mô tả của những người tham gia khảo sát. Nguồn: Sensorymaps.com
“Ghi chép” về mùi của McLean dọc theo một tuyến đi bộ tại thành phố Manchester, Anh Quốc. Nguồn: Sensorymaps.com
Nguyễn Đỗ Dũng
- Hướng tiếp cận trong thiết kế cải tạo
- Sông Kallang - Công viên Bishan, Singapore
- Sài Gòn 1969: Đô thị hóa và ứng phó - Một hồi ức cá nhân
- Từ CIAM đến CNU - Cội nguồn của thiết kế đô thị
- Đã đến lúc cần có ngành khoa học đô thị hóa
- Văn hóa và Thiết kế đô thị
- Có quản lý được bằng Thiết kế đô thị?
- Quy hoạch khu trung tâm đô thị đặc biệt tại Việt Nam
- Đô thị hóa nông thôn & sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Bản sắc khu đô thị Hà Nội