Chúng tôi đã viết về kế hoạch của Singapore xây dựng công viên Bishan vào cuối năm 2009 và bây giờ kế hoạch đó đã được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Singapore là mở rộng công viên cho dân chúng. Công việc thiết kế đã được thực hiện bởi Atelier Dreiseitl.
Năm 2009, ông Herbert Dreiseitl, người sáng lập và là đối tác tại Atelier Dreiseitl đã phát biểu: “Như một động lực mạnh mẽ mới cho tương lai, một hạ tầng có thể được người dân trân trọng và tiếp cận, đồng thời chú ý đến môi trường một cách bền vững cũng như mang lại sự thay đổi tinh tế trong hành vi và tư duy. Và thông qua những thay đổi này chúng ta có thể bắt đầu tạo ra những nơi chốn nhộn nhịp, lành mạnh và đầy sống động về văn hóa-xã hội. Công viên Bishan đã sẵn sàng khởi động cho điều này, đem dòng sông và yếu tố nước đến với người dân, và sẽ làm nơi này trở nên tuyệt vời hơn.”
Nằm ở trung tâm đảo quốc với hơn 3 triệu lượt khách thăm quan mỗi năm, công viên Bishan là một trong những công viên nổi tiếng nhất của Singapore. Dự án là một phần của việc nâng cấp công viên và những kế hoạch nâng cao năng lực thoát nước cho sông Kallang dọc theo của công viên, nhiều công việc đã được tiến hành đồng thời để biến con kênh bê-tông thành một dòng sông tự nhiên, tạo nên những không gian mới phục vụ cho cộng đồng.
Dự án này là một phần quan trọng của chương trình Active, Beautiful, Clean Waters (Nguồn nước Sạch, Đẹp, Sôi động) của Cục Hạ tầng Công (Public Utilities Board) ở Singapore, cơ quan quản lý việc cấp và thoát nước của đảo quốc. Đây là một sáng kiến lâu dài để biến đổi hệ thống sông hồ tại Singapore vượt xa hơn chức năng thoát và cấp nước đơn thuần, và trở thành những nơi chốn mới và sôi động, nhằm gắn kết cộng đồng và tạo chỗ nghỉ ngơi cho người dân.
Điểm nhấn chính trong dự án công viên Bishan là việc biến con kênh thoát nước bằng bê tông dài 2.7km, thành một dòng sông tự nhiên dài 3km, uốn khúc quanh co qua công viên. Sáu mươi hai héc ta của công viên đã được thiết kế lại thành một chốn xinh đẹp không chỉ để phù hợp với quá trình thay đổi của một hệ thống sông chứa đựng sự thất thường của mực nước, mà còn mang đến lợi ích tối đa cho người sử dụng nó. Ba sân chơi, các nhà hàng, một địa điểm ngắm cảnh được xây dựng từ những tấm bê-tông cũ, và sự phong phú của những không gian mở xanh tô điểm cho một kỳ quan thiên nhiên, sự phục hồi của dòng song, giữa lòng thành phố. Đây là nơi để bạn cởi giày của mình, và đến gần với nước và thiên nhiên!
Thêm vào đó, công viên còn được bổ sung những không gian mở rộng rãi cho các hoạt động giải trí và thư giãn, thảm thực vật dọc bờ sông cho phép mọi người tiếp cận gần gũi với nước. Trong trường hợp có trận mưa lớn, mảng xanh hai bên dòng sông sẽ ngập nước như một dòng kênh lớn để vận chuyển nước xuống hạ lưu. Công viên Bishan là một ví dụ đầy cảm hứng cho thấy một công viên đô thị có thể có chức năng hạ tầng sinh thái như thế nào, một sự kết hợp thông minh của nguồn nước, quản lý lũ lụt, đa dạng sinh học, giải trí, và nhờ có sự tiếp xúc và kết nối con người với nước, mà ngày càng nâng cao trách nhiệm công dân đối với nước.
Lịch sử
Sông Kallang là dòng sông dài nhất ở Singapore và chảy qua trung tâm quốc đải suốt 10km từ hồ chứa Peirce Hạ (nằm ở trung tâm địa lý của Singapore) đến hồ chứa Marina (vốn là vịnh biển trước kia).
Vào những năm 1960 và 70, những con kênh và cống bê tông, bao gồm sông Kallang thuộc công viên Bishan, được xây dựng để giảm bớt lũ lụt trên diện rộng. Ngày nay, cũng như những thành phố khác trên thế giới, phương pháp thoát nước mưa (xuống hạ nguồn) theo kiểu “càng nhanh càng tốt” này phải được bổ sung một nhóm giải pháp toàn diện hơn cho việc thiết lập để tương ứng với những thách thức bởi sự bất ổn của thời tiết và sự gia tăng đô thị hóa.
Ngay tại dòng sông Kallang – công viên Bishan, kế hoạch độc đáo nhằm dỡ bỏ các kênh bê tông và tạo nên những dòng chảy tự nhiên được hình thành lần đầu tiên ở Singapore. Được thiết kế dựa trên ý tưởng về một khu vực bị ngập nước (tùy theo sự thay đổi của lượng mưa), người dân có thể tiếp cận mặt nước gần hơn và thưởng ngoạn và tham gia các hoạt động dọc theo bờ song khi mực nước thấp, và trong suốt những ngày mưa lớn, dải đất thấp ven sông sẽ trở thành một dòng kênh ngập nước. Sự gia tăng mức độ gồ ghề của lòng sông với sỏi, các phiến đá có nghĩa là tốc độ dòng chảy của sông Kallang đã được giảm xuống, do đó mà lượng chất rắn bị trôi xuống hạ lưu tới vịnh hồ Marina ít hơn, nơi mà những chất rắn này sẽ phải được tách ra khỏi nước qua quá trình lọc. Sự gia tăng khối tích của dòng sông và giảm vận tốc dòng chảy cũng đồng nghĩa với việc phòng chống ngập lụt cho khu vực đô thị mật độ cao xung quanh công viên.
Đa dạng sinh học ở công viên Bishan
Dự án đã không có nỗ lực “nhân tạo” nào để mang lại sự hiện diện của động vật hoang dã trong công viên, nhưng chính sự trở lại của dòng sông tự nhiên trong công viên đã gia tăng mức độ đa dạng sinh học của công viên lên 30%. 66 loài hoa dại, 59 loài chim và 22 loài chuồn chuồn đã được tìm thấy trong công viên Bishan, những con số không tệ đối với một công viên đô thị.
Singapore nằm trong đường bay Á – Úc (của các loài chim) vì vậy công viên có thể mong chờ một số vị khách là các loài chim di trú đặc biệt. Một vài vị khách bất ngờ đã được phát hiện bao gồm chim Zanzibar Red Bishop, có nguồn gốc từ châu Phi, Cú đốm khoang gỗ, nguồn gốc từ rừng nhiệt đới ở Indonesia, Vẹt đuôi dài, có nguồn gốc ở đảo Andaman và loài Orange Cheeked Waxbills, có nguồn gốc từ miền Tây và miền Trung Nam Phi. Các loài chim (như diệc màu tím, chim sẻ, gà nước) hiếm khi được thấy trong một khu đô thị có mật độ cao cũng được phát hiện (và thậm chí cả chỗ tổ của chúng) giữa những mảng thực vật mới. Quần đảo Mã Lai là một trong những “điểm nóng” về đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, chỉ đứng thứ hai sau Amazon, và khí hậu mưa rừng nhiệt đới là nơi trú ngụ của những thảm thực vật tươi tốt.
Sự hồi phục của dòng sông đã tạo ra một số lượng lớn các vi-môi trường sống (micro-habitat) đa dạng cho sinh vật, chúng không những làm tăng đa dạng sinh học mà còn gia tăng tính linh động và thích ứng của các loài, có nghĩa là khả năng để tồn tại dài hạn của chúng được cải thiện rất nhiều.
Kỹ thuật sinh học cho đất
Việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học cho đất để ổn định bờ sông lần đầu tiên áp dụng tại Singapore và là một tham chiếu mới cho việc ổn định đất ở vùng nhiệt đới, vốn hiếm khi được sử dụng hoặc được ghi chép lại.
Trong năm 2009, một khu thử nghiệm được xây dựng dọc theo một bờ đất dài 60m bên một đường thoát nước phụ trong công viên để thử nghiệm 10 thử nghiệm kỹ thuật công nghệ sinh học khác nhau cho đất và rất nhiều các loài cây bản địa trồng. Bảy trong số những kỹ thuật này sau đó đã được lựa chọn để sử dụng dọc theo con sông chính. Bao gồm làm cừ, chẻ - gõ với cắt, vải địa kỹ thuật bọc đất nhô lên, đệm với cừ, cây lau cuộn, sọt đất, và vải địa kỹ thuật với cây nhỏ. Khi công nghệ sinh học cho đất phần lớn là chưa được kiểm chứng ở vùng nhiệt đới và Đông Nam Á, việc thử nghiệm trên được sử dụng để tinh lọc các sự lựa chọn những kỹ thuật và thực vật thích hợp, cũng như các phương pháp xây dựng có hiệu quả và hiệu suất cao nhất. Sự mở rộng hệ thống thử nghiệm này đã được thực hiện, bao gồm đo độ sâu và tính bền bỉ của sự phát triển của rễ.
Sông Kallang – Công viên Bishan, Singapore - Diện tích của công viên Bishan : 52 ha (trước khi mở rộng), hiện nay là 62 ha - Năng lực đón khách: hơn 3 triệu lượt - Quá trình xây dựng: từ tháng 9 năm 2009 đến tháng 2 năm 2012, chính thức được Thủ tướng Singapore khai trương vào ngày 17 tháng 3 năm 2012 - Thiết kế: Atelier Dreiseitl - Kỹ thuật (xây dựng): CH2MHILL - Chủ đầu tư: Cục Hạ tầng Công, cơ quan quản lý nước của Singapore, và NPark, Cục Công viên Quốc gia |
KTS Trình Huy Long (dịch từ tạp chí World Landscape)
(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 13)
- Hà Nội sẽ đặc biệt ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng vận tải hành khách công cộng
- Giải pháp chấm dứt "Quy hoạch treo" tại các đô thị Việt Nam
- Ô nhiễm không khí và vai trò của quy hoạch - Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
- Công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu TPHCM
- Hướng tiếp cận trong thiết kế cải tạo
- Sài Gòn 1969: Đô thị hóa và ứng phó - Một hồi ức cá nhân
- Từ CIAM đến CNU - Cội nguồn của thiết kế đô thị
- Đã đến lúc cần có ngành khoa học đô thị hóa
- Bản đồ âm thanh và mùi vị của đô thị
- Văn hóa và Thiết kế đô thị