Ashui.com

Saturday
May 04th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch đô thị: Phải tính đến sức khỏe cộng đồng

Quy hoạch đô thị: Phải tính đến sức khỏe cộng đồng

Viết email In

Khi xã hội thay đổi và phát triển, môi trường đô thị và quá trình quy hoạch đô thị cũng phải thay đổi và đó là trạng thái thay đổi động cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Trọng tâm quy hoạch tương lai cần phải nhấn mạnh vào sức khỏe cộng đồng. Quy hoạch đô thị và y tế công cộng từ lâu đã gắn bó với nhau, vì vậy bản chất môi trường có liên quan đến hạnh phúc và chất lượng sống.  

Trong những năm của thế kỷ XVIII, quy hoạch đã bắt đầu chú trọng đến sức khỏe của người dân được thể hiện qua hệ thống vệ sinh, thoát nước và chất thải đã được thiết lập hiệu quả để tránh vi trùng gây bệnh. Gần đây, tổ chức y tế thế giới, cơ quan của Liên Hợp quốc, định nghĩa sức khỏe là: "Tình trạng hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và các quan hệ xã hội chứ không phải đơn giản là tình trạng không có bệnh hay ốm yếu". Vì thế, sức khỏe tình cảm và tâm lý cần được chú trọng hơn nữa trong các đồ án quy hoạch. Ngày nay, khỏe mạnh được coi là quyền con người và phải được tính toán kỹ lưỡng, hợp tác chặt chẽ giữa sức khỏe cộng đồng với quy hoạch đô thị. 

Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, người nông dân từ các trang trại tràn ngập vào các nhà máy ở TP để làm việc đã dẫn đến tình trạng quá tải. Rất nhiều cơ sở sản xuất khi đó thiếu ánh sáng và hệ thống thông gió, kết quả dẫn đến vô số hiện tượng công nhân bị bệnh như sốt phát ban và tiêu chảy. Tương tự như vậy, dân số hiện nay đang gia tăng và có khoảng 80% dân số thế giới sống ở các vùng đô thị, tạo sự căng thẳng lớn về tài nguyên. Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của con người về sử dụng xe cơ giới và internet để rút ngắn rào cản địa lý. Sự tiến bộ trong cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc đã dẫn đến di cư lớn đến các TP với nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau. 

Điều này tạo ra hai vấn đề cần cân nhắc cho quy hoạch đô thị và y tế công cộng: Trước hết đó là cộng đồng cô lập bản thân theo dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và bắt đầu thiết lập một “khu cộng đồng” của riêng họ và thứ hai là có khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Tình hình kinh tế xã hội của người dân ảnh hưởng đến nơi sống và phong cách sống, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Các nhà quy hoạch cần phải tính toán, xem xét nhu cầu của cộng đồng để lập nên một quy hoạch phù hợp, đặc biệt chú trọng đến yếu tố y tế cộng đồng. Hơn thế nữa, điều kiện sống tồi tệ thường liên quan đến hành vi “bất mãn” xã hội và “đầy rẫy” tội phạm. Bài học này là kết quả của nhiều nghiên cứu và phân tích trên thế giới. Trong quá khứ, các biện pháp "thanh lý, bài trừ các khu ổ chuột" một cách phiến diện, độc đoán, bao gồm cả việc di dân vào các khu cao tầng là một minh chứng về sự thất bại quản lý cộng đồng ở đây, dẫn họ đến tình trạng cô đơn, cô lập và tỷ lệ tội phạm cao hơn. 

Tính an toàn và sự đa dạng trong môi trường sống là yếu tố rất quan trọng cho cộng đồng mà các nhà quy hoạch phải đánh giá đúng. Không gian công cộng và các địa điểm hội họp phải được quy hoạch sao cho cộng đồng dễ tiếp cận, đủ ánh sáng tự nhiên và hấp dẫn để người dân có thể cảm nhận và hứng thú sử dụng chúng. Không gian công cộng tốt sẽ thuận lợi cho việc giao tiếp và khuyến khích thể dục thể chất, từ đó sẽ giảm bớt vấn đề bức xúc bạo lực, xua tan cảm giác cô lập, cô đơn hoặc phân biệt giai cấp, tăng cường lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Điều quan trọng là quy hoạch đô thị phải nhận ra tầm quan trọng của cơ sở công cộng như thư viện, không gian xanh, dịch vụ y tế, trường học, nhà ở… được quy hoạch ở những địa điểm thích hợp. Không phải trong đồ án thiết kế thể hiện đầy đủ các yếu tố này đã là đủ mà điều quan trọng là vị trí của nó đặt ở đâu để cộng đồng có cảm giác tiện lợi, sở hữu, trách nhiệm và tự hào về nó. Cần phải có sự đầu tư để tìm hiểu các khu dân cư, giao tiếp với cộng đồng để xác định nhu cầu của họ, cho dù ở các TP hoặc vùng ngoại ô, nông thôn… đều phải tìm hiểu và nghiên cứu về mức sống, tinh thần và ước mong của họ. 

Ngày nay, việc quản lý khí thải CO2 lại là yếu tố không thể thiếu trong việc lập quy hoạch ở các quốc gia phát triển và cũng đã bắt đầu ở các quốc gia đang phát triển. Chính vì thế, sức khỏe cộng đồng lại càng phải được quan tâm nhiều hơn. Quy hoạch hướng tới giao thông công cộng, người đi bộ và xe đạp, hình thành các tuyến đường thân thiện là chính sách đúng đắn. Để tạo ra môi trường bền vững, quy hoạch đô thị không thể quên các yêu cầu chi tiết liên quan đến sức khỏe, sự đa dạng văn hóa và mong muốn chính đáng của cộng đồng./. 

Khánh Phương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo