Ashui.com

Saturday
May 04th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thành phố và Cuộc sống đô thị

Thành phố và Cuộc sống đô thị

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Thành phố và Cuộc sống đô thị
Phần 2 - Các lý thuyết khác về đô thị
Phần3 - Quá trình phát triển đô thị ở các nước phát triển
Phần 4 - Xu hướng phát triển đô thị ở các nước phát triển
Phần 5 - Quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển
Phần 6 - Thành phố toàn cầu
Phần 7 - Thành phố hiện đại và vai trò thị trưởng
Tất cả các trang

London, New York và Tokyo là ba “thành phố toàn cầu”, trung tâm đầu não của hoạt động kinh tế quốc tế, với tầm ảnh hưởng vượt xa bên ngoài biên giới quốc gia (Sassen 2001). Những thành phố toàn cầu này là nơi đặt đại bản doanh của các tập đoàn xuyên quốc gia quy mô lớn trên các mặt tài chính, công nghệ lẫn dịch vụ tư vấn.  

London có dân số hơn 7 triệu người với hơn 300 ngôn ngữ được sử dụng và khoảng 3,4 triệu lao động. Thành phố sở hữu môi trường văn hóa và di sản nghệ thuật độc đáo, được đánh giá là một thủ đô năng động và đầy sức sống bậc nhất – gần 30 triệu lượt du khách qua đêm (ít nhất 1 đêm) hằng năm. Tỷ lệ nhập cư cao khiến thành phố có dân số trẻ (trung bình 20 – 24 tuổi), những người đến Luân Đôn vì công việc, học tập, vì văn hóa hay cũng có thể chỉ để thoát khỏi luật lệ và lối sống nông thôn. 


London 

New York, quê hương của phố Wall, là một trong những trung tâm kinh tế cực kỳ quan trọng kể từ sau năm 1945. Thành phố là tâm điểm chủ chốt của các hoạt động chuyên nghiệp tầm quốc tế, là trụ sở của các trung tâm đầu não quốc gia. Thành phố có 8 triệu dân, là nơi có mật độ dân cư cao nhất Hoa Kỳ. New York có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của những trào lưu âm nhạc lớn như Jazz những năm 1940, Punk rock những năm 1970. Quận Bronx [phía Bắc New York – ND] cũng là nơi khai sinh những phong cách âm nhạc mới như Rap, Hip-Hop những năm 1970 và 1980. Đây cũng là nơi có môi trường văn hóa đa dạng và vô cùng đặc sắc với hơn 1/3 dân số sinh ra ở bên ngoài nước Mỹ. 

Thành phố Tokyo có dân số khoảng 8 triệu người, trong khi vùng đô thị Tokyo có dân số cao nhất thế giới với 35 triệu người. Tokyo đạt chỉ số GDP thành phố cao nhất đồng thời cũng là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới (sau New York). Giống như London hay New York, Tokyo cũng là trung tâm văn hóa quan trọng với hệ thống phong phú các bảo tàng, phòng tranh và lễ hội; trong những năm gần đây, Tokyo là bối cảnh cho hàng loạt những bộ phim quốc tế hàng đầu, như Kill Bill (2003/4) và Lost in Translation (2003).

Mặc dù vậy, bất chấp những cơ hội phong phú, rất nhiều người phát hiện rằng thành phố lớn lại là nơi của sự cô đơn và lạnh nhạt. Vì sao? Một trong những đặc trưng của cuộc sống đô thị hiện đại chính là tần số gặp gỡ giữa những người lạ. Thậm chí, ngay bên trong cùng một khu dân cư hay tòa nhà thì thật là không bình thường khi người ta có thể quen biết hết hàng xóm của mình. Nếu bạn đang sinh sống trong thị xã hay thành phố, hãy nghĩ về thời gian mà bạn dùng để giao tiếp với người lạ. Danh sách bao gồm: tài xế xe buýt, nhân viên trong các cửa hàng, sinh viên, những người bạn đã “cư xử lịch sự” trên phố. Có lẽ, với thực tế là phongccách sống một mình [của các cư dân đô thị - ND] đã khiến cho cuộc sống đô thị trở nên quá khác biệt so với bất kỳ nơi nào khác hay khi so sánh với thời kỳ khởi đầu lịch sử loài người. Quả thật, Marshall Berman (1983) nhìn nhận về kinh nghiệm cuộc sống trong các đô thị hiện đại như là hệ quả của tiến trình mà nhiều nhà xã hội học gọi là “sự hiện đại” chính nó. (Xem thêm chương 1)

Trong chương này, chúng ta cùng bàn đến những lý thuyết phát triển đô thị chính trong quá trình tìm hiểu cuộc sống đô thị và các thành phố. Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu về nguồn gốc đô thị, sự bùng nổ dân số trong thế kỷ XX và một số trào lưu đương đại trong quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới. Không lấy làm ngạc nhiên khi quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng lại có những tác động lớn đến cuộc sống đô thị và chúng ta sẽ bàn luận về tiến trình này trong phần cuối chương. 

Quá trình lý thuyết hóa nghiên cứu đô thị

Thành phố là gì? Một định nghĩ đơn giản như sau: 

Một khu vực phân biệt với thị trấn, làng mạc bởi kích thước lớn hơn rất nhiều và bởi hàng loạt những hoạt động diễn ra bên trong ranh giới, thường là hoạt động tôn giáo, quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Tóm lại, đó là những hoạt động làm tăng sức mạnh khu vực đô thị so với vùng nông thôn (Jary và Jary 1999:74)

Có thể nói, như vậy, thành phố là hình thức định cư trên diện rộng của con người, bên trong đó, hàng loạt hoạt động diễn ra, biến thành phố trở thành trung tâm quyền lực trong mối quan hệ với các khu vực định cư nhỏ hơn bên ngoài. Quay trở lại với phần giới thiệu, những mô tả về London, New York, Tokyo là những ví dụ thích hợp nhất.

Khá nhiều nhà xã hội học thời kỳ đầu quan tâm đến thành phố và cuộc sống đô thị; Max Weber thậm chí viết một cuốn sách có nhan đề Thành phố (The City, 1921), trong đó ông mô tả tình huống khiến cho chủ nghĩa tư bản hiện đại ở các thành phố Phương Tây có khả năng quay về Thời trung cổ. Những nhà xã hội học khác cùng thời lại quan tâm đến cách thức mà sự phát triển của những đô thị làm thay đổi đời sống xã hội dưới góc nhìn môi trường vật lý. Nghiên cứu của Ferdinand Tonnies và Georg Simmel cung cấp hai động lực quan trọng nhất cho ngành xã hội học đô thị.

Nhà xã hội học người Đức Ferdinad Tonnies (1855-1963) quan tâm sâu sắc đến ảnh hưởng của cuộc sống đô thị đối với ràng buộc cộng đồng và đoàn kết xã hội. Ông lý luận rằng quá trình đô thị hóa, diễn ra đồng thời với cuộc Cách mạng Công nghiệp, để lại những hậu quả không thể sửa chữa lên cuộc sống xã hội. Ông lập những biểu đồ, với chút buồn rầu, quá trình mất đi của điều mà ông gọi là Gemeinschaft hay ràng buộc cộng đồng, được hình thành từ những mối quan hệ truyền thống, gắn bó, cá nhân và chắc chắn giữa hàng xóm và bạn bè dựa trên sự hiểu biết rõ ràng về địa vị xã hội của mỗi cư dân trong cộng đồng (Tonnies 2001 [1887]). Tuy nhiên, Gesellschaft, hay ràng buộc “tổ chức”, mối quan hệ mang tính ngắn, dễ thay đổi và có mục đích, đã nhanh chóng thay thế cho hình thức ràng buộc xã hội trên. Mặc dù tất cả các nhà xã hội học đều có ý giữ các ràng buộc xã hội ở cả hai dạng, nhưng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến sự cân bằng rời bỏ trạng thái Gemeinschaft mà nghiêng về xã hội mang tính cá nhân hơn. Trong xã hội cá nhân này, mối quan hệ mang xu hướng thiết lập có mục đích và chỉ là một phần trong toàn bộ con người của cá nhân đó. Chẳng hạn, nếu chúng ta đón xe buýt trong thành phố, sự giao tiếp của chúng ta với tài xế chỉ giới hạn trong trao đổi ở cửa xe khi trả tiền vé và giới hạn trong việc chúng ta sử dụng khả năng của ông ta khi hỏi đường – đó là một dạng trao đổi có mục đích. Với Tonnies, đô thị hiện đại, không giống những hình thức định cư truyền thống, là một nơi đầy ắp những kẻ xa lạ, bất kể tốt hay xấu.

Những lý thuyết nghiên cứu đô thị thời kỳ đầu đã có nhữngảnh hưởng sâu sắc đến công việc của những nhà xã hội học đô thị sau này. Với Robert Park, chẳng hạn, một thành viên chủ chốt của trường Xã hội học thuộc Đại học Chicago, ngườiđược hướng dẫn bởi Simmel ở Đức vào thế kỷ XX. Đó là điều chúng ta sẽ đề cập tiếp theo sau đây.

Trường đại học Chicago (trường phái Chicago)

Một số lượng đáng kể những nhà xã hội học được đào tạo từ trường Đại học Chicago trong các năm từ 1920 đến 1940, đặc biệt là Robert Park, Ernest Burgess và Louis Wirth, đã phát triển những ý tưởng có giá trị nền tảng trong thời gian dài cho những học thuyết và nghiên cứu về xã hội học đô thị. Hai học thuyết được xây dựng bởi các học giả của trường Đại học Chicago có giá trị đặc biệt. Đầu tiên là cách ứng dụng góc nhìn sinh thái trong phân tích đô thị; tiếp theo là cách nhìn nhận đặc tính chủ nghĩa đô thị như một phong cách sống do Wirth (Wirth 1938; Park 1952) chủ xướng.

Đô thị sinh thái (urban ecology) 


Hình 1 – mô hình đô thị sinh thái theo trường phái Chicago
(nguồn: York University)

Sinh thái là khái niệm xuất phát từ khoa học vật lý: nghiên cứu cách thức động vật và thực vật thích nghi với môi trường. Đây là tình huống mà “sinh thái” được sử dụng như nội dung vấn đề của môi trường tự nhiên. Trong thế giới tự nhiên, sinh vật có xu hướng phân bố có hệ thống theo địa hình, chẳng hạn việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau. Phái xã hội học Đại học Chicago lý luận rằng sự phân bố những khu định cư đô thị lớn và sự phân chia thành những dạng định cư giữa chúng có thể hiểu theo cách thứctương tự. Thành phố không phát triển một cách tự phát đơn thuần, mà là sự phản ánh lại với những điều kiện thuận lợi của môi trường. Ví dụ như, khu vực xã hội đô thị rộng lớn có xu hướng phát triển dọc theo bờ sông, tại vùng cây trồng đặc trưng hoặc trên ngã ba giao thương, xe lửa.

“Một khi đã được thiết lập”, theo Park, “thành phố, dường như, trở thành một cơ chế tuyệt vời, thích hợp với mọi cư dân, giúp họ tìm được khu vực và môi trường sống phù hợp”. Đô thị được thiết lập như một “khu vực tự nhiên”, thông qua quá trình cạnh tranh, xâm lược và bành trướng – tất cả đều diễn ra tương tự như trong môi trường sinh thái. Nếu chúng ta quan sát môi trường sinh thái của một hồ nước trong tự nhiên, chúng ta sẽ thấy sự cạnh tranh giữa các loài cá, côn trùng và các nhóm sinh vật khác nhằm đạt trạng thái cân bằng giữa chúng với nhau. Trạng thái cân bằng được thiết lập khi có một loài mới đến “xâm lăng” – muốn biến hồ thành địa bàn của riêng chúng. Một số sinh vật, sinh sôi ở khu vực trung tâm hồ ở trong tình trạng bấp bênh hơn những loài ở khu vực xung quanh khác. Loài xâm lăng là loài chiếm cứ thành công khu vực giữa hồ đó.

Từ góc độ sinh thái, hình mẫu về nơi ở, sự di chuyển và tái định cư đều mang hình thái tương tự. Những khu dân cư được thiết lập thông qua việc cư dân tự do đấu tranh giành quyền sống. Một thành phố có thể là bản đồ từng cụm các khu vực cá tính xã hội khác biệt, đối lập nhau. Từ nguồn gốc phát triển của cuộc sống hiện đại, những nhóm công nghiệp hợp lại gần các nguồn nguyên liệu gốc và hệ thống cung ứng. Lao động định cư quanh khu vực làm việc, từ đó làm đa dạng hóa số lượng các cụm dân cư được hình thành. Sự hữu dụng trở nên đơn giản hấp dẫn và có tính cạnh tranh kinh tế. Giá trị đất và thuế bất động sản tăng, tạo cản trở cho việc định cư ở trung tâm, ngoài trừ một số trường hợp bất động sản bị kẹt lại hoặc xuống cấp khiến giá thuê nhà vẫn còn thấp. Khu trung tâm trở thành khu vực kinh doanh và giải trí, cùng với việc sẽ có ngày càng nhiều người di chuyển ra bên ngoài, hình thành những khu ngoại ô mới. Quá trình này bám theo trục giao thông để tiết kiệm thời gian di chuyển đến nơi làm việc ở mức tối đa; những khu vực nằm ở giữa hai điểm đến sẽ có tốc độ phát triển chậm hơn.

Thành phố được xây dựng trên mô hình những vòng tròn đồng tâm, chia nhỏ thành từng phân khúc. Ở trung tâm là khu vực lõi, hỗn hợp giữa bất động sản có giá trị thương mại lớn và những ngôi nhà tư nhân xuống cấp. Ngoài việc thành lập khu dân cư, người lao động sẽ có công việc làm. Khu vực ngoại ô tiếp tục phát triển cho nhóm người có thu nhập cao. Tiến trình xâm lăng và bành trướng diễn ra bên trong các vòng tròn đồng tâm. Do đó, với những bất động sản đang xuống cấp ở trung tâm hoặc gần khu vực trung tâm sẽ có một nhóm thiểu số di chuyển vào thay thế. Khi đó, sẽ có thêm những cư dân hiện tại bắt đầu di chuyển, từ trung tâm ra ngoại ô.

Mặc dù tiến trình hình thành đô thị sinh thái thiếu tính ứng dụng thực tế, mô hình đã được tiếp nhận và chi tiết hóa bởi rất nhiều những nhà nghiên cứu, tiêu biểu phải kể đến Amos Hawley (1950, 1968). Hơn cả sự cạnh tranh về nguồn lực, tiến trình thay thế như đã đề cập, Hawley nhấn mạnh tính phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa những khu vực khác nhau trong đô thị. Sự khác biệt (differentiation) – đặc tính nhóm và quy luật nghề nghiệp – là phương thức chính con người thích nghi với môi trường sống. Nhóm nào chiếm được ưu thế, sẽ dành được vị trí trung tâm. Những nhóm kinh doanh, chẳng hạn các ngân hàng lớn hoặc công ty bảo hiểm, cung cấp những dịch vụ cốt yếu cho cộng đồng, vì thế thường đóng ở các vị trí trung tâm khu định cư. Nhưng những khu vực hình thành bên trong đô thị, Hawlaey nhấn mạnh, tăng cường các mối quan hệ không chỉ dựa vào không gian mà còn dựa vào thời gian. Ví dụ như, các nhóm lợi thế kinh doanh gây ảnh hưởng không chỉ tới hình mẫu sử dụng đất nhất định mà còn đến nhịp điệu của cuộc sống hằng ngày – một minh họa chính là việc lưu thông vào giờ cao điểm. Cách thức thiết lập thời gian một ngày phản ánh bậc chất lượng của cuộc sống dân cư đô thị.

Phương pháp tiếp cận sinh thái có vị trí quan trọng trong các nghiên cứu thực nghiệm, củng cố giá trị như là một quan điểm lý thuyết. Nhiều nghiên cứu, bao gồm cả chủ đề về đô thị lẫn cụm dân cư cụ thể, đều được phát triển từ góc nhìn sinh thái, chẳng hạn, quá trình “xâm lăng” và “bành trướng” đã được đề cập trên đây. Tuy nhiên, đã có rất nhiều những ý kiến phản bác. Quan điểm sinh thái có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thiết kế và quy hoạch có ý thức các nhóm khác nhau trong đô thị, mà chỉ coi sự phát triển đô thị như mà một tiến trình “tự nhiên”. Nhóm nghiên cứu được gây dựng bởi Park, Burgress và các đồng nghiệp chỉ rút tỉa các kinh nghiệm từ các học giả người Mỹ và cố định nghiên cứu một số dạng mẫu đô thị ở Mỹ, một vài thành phố đơn lẻ ở Châu Âu, Nhật Bản và tại các nước đang phát triển.

Claude Fischer (1984) đưa ra lý giải nguyên nhân việc đô thị quy mô lớn có xu hướng khuyến khích sự phát triển của các tiểu vùng văn hóa, chứ không hẳn là cuốn mọi cư dân lẫn vào đám đông vô danh tính (anonymous mass). Những cư dân đô thị, ông nhấn mạnh, có khả năng hòa hợp với những người có cùng nền tảng hoặc sự quan tâm với mục đích tăng cường kết nối địa phương; và họ cũng có thể tham gia những nhóm tôn giáo, dân tộc, chính trị hay những nhóm tiểu văn hóa đặc trưng khác. Một thị trấn hay khu làng nhỏ không có điều kiện để phát triển những nhóm văn hóa này. Những người tạo nên nhóm dân tộc bên trong đô thị, chẳng hạn, thường ít hoặc không hiểu biết nhiều về những người khác cùng nguồn gốc. Khi họ đến một thành phố, niềm mong mỏi hướng về quê hương (cùng chia sẻ ngôn ngữ và văn hóa) là động lực để một nhóm tiểu văn hóa hình thành. Một nghệ sỹ có thể tìm thấy một vài đồng nghiệp khi muốn liên kết với cộng đồng thị trấn hay khu làng nhỏ, nhưng trong đô thị rộng lớn, anh hay cô ta sẽ trở thành một phần của một tiểu nhóm nghệ sỹ hoặc tri thức đặc trưng.

Một thành phố lớn là một “thế giới của những người lạ” (world of strangers), vâng, ủng hộ và tạo dựng những mối quan hệ cá nhân. Đó không phải là điều gì trái ngược. Chúng ta phải phân định rạch ròi về kinh nghiệm ở đô thị giữa những mối gặp gỡ công cộng với người lạ và thế giới riêng tư với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Có lẽ hơi khó để “gặp gỡ” khi một người nào đó lần đầu đến một thành phố lớn. Nhưng bất kỳ ai chuyển đến sống ở thị trấn nhỏ, gia nhập cộng đồng nông thôn đều có thể nhận thấy rằng sự thân thiện từ phía các cư dân hiện hữu chỉ là thái độ lịch sự - phải mất hàng năm để được “chấp nhận”. Điều đó không xảy ra ở thành phố lớn. Theo lời Edward Krupat thì:

Đã có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng vì số lượng lớn những người lạ - những người bạn tiềm năng – và sự phong phú phong cách sống và lợi ích, người ta tiếp tục di chuyển vào bên trong ranh giới thành phố. Một khi họ đã là thành viên của một nhóm hoặc mạng lưới, họ có khả năng mở rộng những mối quan hệ lên nhiều lần. Kết quả đã minh chứng rằng những cơ hội tích cực ở đô thị thường có sức nặng hơn những lực cản, thúc đẩy con người phát triển và xây dựng những mối quan hệ hài hòa (1985:36).

Đô thị hiện đại thường là nguyên nhân của những mối quan hệ xã hội xa lạ, thiếu tình người nhưng đó cũng là nguồn tài nguyên vô tận và đôi khi, tình bạn thân. 

Suy nghĩ phản biện: 
Bạn có kinh nghiệm tích cực nào về cuộc sống đô thị? Đâu là sự tự do, cơ hội và kinh nghiệm mà cư dân đô thị được hưởng, điều không thể xuất hiện thường xuyên ở thị trấn hay khu làng nhỏ? Có phải những thực tế tích cực này quan trọng hơn những giả thuyết tiêu cực của Simmel và Tonnies? Liệu Simmel có đúng không hay đô thị đã thay đổi quá nhanh từ sau thời của ông? 

Nghiên cứu cơ bản - Georg Simmel với cuộc sống tinh thần của đô thị 

Vấn đề nghiên cứu: 

Nhiều người có thể đã nhận ra quá trình đô thị hóa về tổng quát làm thay đổi xã hội, nhưng đâu là những ảnh hưởng lên cá nhân? Quá trình đó làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi con người như thế nào? Và đâu là điều chính xác mô tả về cuộc sống đô thị đã gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ? Một trong những học giả Đức cùng thời với Tonnies, Georg Simmel (1858-1918), đưa ra thuật ngữ mô tả cách thức đô thị thiết lập khuôn mẫu lên những công dân:“đời sống tinh thần”(mentral life) trong tác phẩm “Đô thị (mẫu) và đời sống tin thần” (1950[1903]) (The Metropolis and Mentral Life).

Lý giải của Simmel:

Nghiên cứu của Simmel được mô tả như là một học thuyết sớm nhất giải thích xã hội, tìm cách hiểu và đối thoại về cách thức con người tạo nên kinh nghiệm cuộc sống đô thị. Cuộc sống đô thị, theo Simmel, ập vào đầu óc con người những hình ảnh, ấn tượng, cảm xúc và hành động. Những ảnh hưởng sâu sắc trái ngược với dòng chảy nhẹ nhàng, quen thuộc và êm ái ở vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ. Không cá nhân nào có khả năng đối chọi với tất cả các tình huống hay hoạt động mà họ trải qua hằng ngày, vậy làm cách nào họ thỏa hiệp với sự tấn công ồ ạt đó?

Simmel cho rằng những cư dân đô thị tự bảo vệ mình trước “những tình huống phạm tội không đoán trước được” và sự gây hấn do “thay đổi sắc mặt” bằng thái độ nhàn nhạt, tránh gây sự chú ý, khiến bản thân trở nên giống như những người khác và cố gắng tỏ ra thích nghi như “đã biết từ trước”. Họ trở thành một phần của những sự kiện trong đô thị đang diễn ra xung quanh, tập trung vào bất cứ điều gì họ thấy cần thiết, chỉ để nó trôi qua. Hệ quả của thái độ nhàn nhạt này, theo Simmel, là mặc dù cư dân đô thị là một phần của “đám đông đại đô thị” (metropolitan crush), họ trở nên xa cách với cảm xúc của người khác. Thông thường, hàng loạt những mối quan hệ hời hợt với những người lạ được tích lũy thành “dự trữ đô thị” (urban reserve), điều được cảnh báo là vô cảm, lạnh lẽo và có xu hướng trở nên vô ngã, thậm chí cô độc. Simmel nhấn mạnh rằng, thực tế những người này không phải tự nhiên mờ nhạt và vô tâm. Thay vào đó, họ đang cố gắng thích nghi với khuôn mẫu hành vi mới nhằm giữ một khoảng cách an toàn giữa xã hội và thế giới cá nhân để có thể đối mặt với những áp lực từ mật độ dân cư dày đặc của môi trường đô thị.

Theo Simmel, những thái độ tuyệt đối đó của cuộc sống đô thị giải thích một số dạng tính cách dân cư đô thị đặc trưng. Nhưng, cần phải lưu ý thêm về thực tế thành phố là “nơi của kinh tế tiền tệ”. Rất nhiều đô thị là trung tâm tư bản tài chính lớn, nơi có nhu cầu, tỷ lệ trao đổi và những hoạt động cho mục đích kinh doanh diễn ra liên tục. Sự cổ vũ cho “nguyên tắc” thỏa hiệp với thực tế cuộc sống, nơi giới hạn những liên hệ tình cảm, đưa đến hệ quả là “những cái đầu tính toán” cân nhắc sức nặng lợi ích và giá trị của những mối quan hệ. Như vậy, giống như Tonnies, nghiên cứu của Simmel cũng nhấn mạnh đến những vấn đề đang hiện hữu trong cuộc sống ở thế giới đô thị hiện đại.

Ý kiến phê phán: 

Nhận định của Simmel dấy lên hàng loạt những ý kiến phản đối. Những lập luận của ông dường như chỉ dựa trên góc nhìn đậm dấu ấn cá nhân hơn là sử dụng bất kỳ một phương pháp nghiên cứu chính thống nào, do đó những khám phá của ông chỉ có thể nhìn nhận như là những ý kiến và không dựa trên những nghiên cứu có cơ sở. Thêm vào đó, mặc dù nhu cầu của Simmel chỉ là cố gắng để hiểu cuộc sống đô thị và không có ý nguyền rủa nhưng những góp ý phê bình cho rằng giọng điệu chung của nghiên cứu là quá tiêu cực, vô hình chung chống lại những thành phố tư bản (capitalist city) [hoạt động kinh tế chính trị chịu tác động của các tổ chức tư nhân hơn là chính phủ - ND]. Hiển nhiên, những nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào cách thức cá nhân có thể chống chọi với tình trạng “xuống cấp và bị bào mòn bởi cơ chế xã hội kỹ nghệ (Simmel 1950:409)”. Với cách nhìn đó, những ý kiến phản bác cho rằng Simmel đã hạ thấp giá trị kinh nghiệm của những người đến thành phố để có nhiều không gian tự do và riêng tư hơn. Sau nữa, nghiên cứu đánh đồng những thành phố có quy mô khác nhau. Chỉ một số ít những thành phố lớn là trung tâm tài chính và còn những nơi khác không quá tạo cảm giác cô đơn, lãnh lẽo như Simmel cảnh báo. Liệu chúng ta có thể khẳng định được tất cả các đô thị đều sẽ tạo nên cùng một kinh nghiệm [cho cư dân-ND]?

Ý nghĩa hiện đại: 

Nghiên cứu của Simmel về cuộc sống trong những đô thị trung tâm cung cấp những giải thích xã hội học về những đặc tính mấu chốt của đô thị thời hiện tại. Lý thuyết của Simmel chỉ ra cách thức chất lượng của những mối liên hệ xã hội bị định hình bởi môi trường xã hội ngày càng mở rộng, một hệ quả quan trọng trong cách nhìn của Simmel là thành phố “không phải là một không gian thực thể với những hệ quả xã hội mà là thực thể xã hội được tạo dựng thành không gian”. Kết luận này cung cấp một khởi điểm quan trọng cho những nghiên cứu đô thị về sau. Ảnh hưởng của Simmel còn có thể nhận thấy trong các học thuyết xã hội hiện đại. Ông giải nghĩa “Vấn đề nặng nề nhất của cuộc sống hiện đại xuất phát từ nhu cầu tự động đòi quyền bảo vệ và quyền sinh tồn của cá nhân khi đối mặt với những áp lực xã hội vượt quá sức chịu đựng”. Điều này ảnh hưởng lớn đến góc nhìn của các nghiên cứu gần đây của Ulrich Beck, Zygmunt Bauman và các lý thuyết gia đương đại trong chủ đề chủ nghĩa cá nhân hiện đại. 



 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo