Ashui.com

Saturday
May 18th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thành phố và Cuộc sống đô thị - Phần 2 - Các lý thuyết khác về đô thị

Thành phố và Cuộc sống đô thị - Phần 2 - Các lý thuyết khác về đô thị

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Thành phố và Cuộc sống đô thị
Phần 2 - Các lý thuyết khác về đô thị
Phần3 - Quá trình phát triển đô thị ở các nước phát triển
Phần 4 - Xu hướng phát triển đô thị ở các nước phát triển
Phần 5 - Quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển
Phần 6 - Thành phố toàn cầu
Phần 7 - Thành phố hiện đại và vai trò thị trưởng
Tất cả các trang

Đô thị và sự sáng tạo môi trường

Những lý thuyết đô thị mới đây nhấn mạnh rằng đô thị không phải là một quá trình tự động mà chú trọng phân tích đô thị trong mối quan hệ với những sự thay đổi lớn về chính trị và kinh tế. Hai cây bút phân tích đô thị, David Harvey (1982, 1985, 2006) và Manuel Castells (1983, 1991, 1997) đều chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Karl Marx. 

Tái cấu trúc không gian

Mở rộng ý tưởng của Marx, David Harvey tranh luận rằng đô thị là một khía cạnh của sự sáng tạo môi trường (created environment) do sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Đối với xã hội truyền thống, thành phố và nông thôn có sự khác biệt rõ ràng. Trong xã hội hiện đại, công nghiệp xóa nhòa ranh giới giữa hai vùng. Nông nghiệp, tương tự như hoạt động công nghiệp, được cơ khí hóa và phụ thuộc đơn giản vào đánh giá về giá cả và lợi nhuận; tiến trình đó làm giảm sự khác biệt trong khuôn mẫu cuộc sống xã hội giữa người đô thị và nông thôn. 

Trong đô thị hiện đại, Harvey nhấn mạnh, không gian liên tục được tái cấu trúc (restructed). Quá trình được hình thành thông qua cách thức những tập đoàn lớn lựa chọn nơi đặt nhà máy, trụ sở nghiên cứu, trung tâm phát triển và các trung khu khác, thông qua khẳng định việc kiểm soát của chính phủ về đất đai và sản xuất công nghiệp, thông qua các hoạt động đầu tư, mua bán nhà đất cá nhân. Công ty kinh doanh, chẳng hạn, làm tăng giá trị những mối quan hệ tích cực với nơi chốn mới để đối chọi với những mối quan hệ cũ. Việc sản xuất ít tốn chi phí ở một nơi so với nơi khác, công ty chuyển một mặt hàng sản xuất đến nơi mới, văn phòng, nhà máy đóng cửa ở chỗ này và mở cửa ở chỗ khác. Kết quả của những quá trình trên, khi những đánh giá lợi nhuận đã được xác định, hàng loạt những tòa nhà mọc lên ở trung tâm các đô thị lớn. Khi những văn phòng được xây dựng, khu trung tâm đô thị được “tái thiết” (redeveloped), nhà đầu tư tìm thấy những tiềm năng xây dựng công trình ở bất kỳ nơi đâu. Thường là những mối lợi không thể tìm thấy ở nơi khác vào thời điểm thị trường tài chính có sự biến đổi.

Hành động của người mua nhà để ở bị ảnh hưởng bởi khoảng cách và địa điểm đất mà những nhà kinh doanh lớn chọn để xây dựng cũng như bởi tỷ lệ vốn vay và thuế cố định thỏa thuận giữa địa phương và chính phủ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, chẳng hạn, bùng nổ sự phát triển các khu ngoại ô thuộc các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phân biệt đối xử dân tộc và trào lưu di chuyển ra khỏi khu vực trung tâm của người da trắng. Tuy nhiên, theo Harvey, nguyên nhân có thể còn do những quyết định ưu đãi thuế của chính phủ dành cho người mua nhà để ở, các công ty xây dựng và do những gói hỗ trợ từ các công ty tài chính. Những nguồn trên cung cấp những cơ sở cơ bản cho việc xây dựng và mua bán các căn nhà ở ngoại vi đô thị, cùng lúc thúc đẩy nguồn cầu cho cách ngành công nghiệp khác như công nghiệp ô tô. Thời gian gần đây, Harvey (2006) tiếp tục áp dụng lý thuyết của mình để giải thích sự phát triểt không đồng đều ở phạm vi toàn cầu giữa những nước tương đối giàu hơn ở Bắc bán cầu và những người tương đối nghèo hơn ở phần phía Nam. Sự rẽ hướng sang ý tưởng theo chủ nghĩa tự do mới (neoliberal), chẳng hạn vào những năm 1970, 1980 ở Mỹ, lan truyền một “truyền thuyết” rằng các nước đang phát triển chỉ cần “đuổi kịp phương Tây”. Chủ nghĩa chính trị tự do mới thể hiện sự bất bình đẳng hiển nhiên trong kinh tế tư bản toàn cầu.

Đô thị và phong trào xã hội

Giống như Harvey, Castells nhấn mạnh rằng những hình thái không gian xã hội thường có mối liên hệ mật thiết với cơ chế của sự phát triển. Để hiểu được đô thị, chúng ta phải nắm bắt được tiến trình mà hình thái không gian được hình thành và chuyển đổi. Sự bố trí và tính năng kiến trúc của thành phố và các khu dân cư sản sinh sự đối kháng và mâu thuẫn giữa những nhóm xã hội khác nhau. Nói cách khác, môi trường đô thị đại diện cho biểu tượng và biểu hiện không gian trong việc mở rộng các ảnh hưởng xã hội (Tonkiss 2006). Chẳng hạn, các tòa nhà chọc trời được xây dựng vì kỳ vọng đem lại lợi nhuận nhưng những tòa nhà khổng lồ đó cũng là “biểu tượng của sức mạnh thể hiện bằng kỹ thuật, sự tự tin và được coi là thánh đường của quá trình tăng trưởng của các tập đoàn tư bản” (Castells 1983:103). 


Hình 2 – những tòa nhà chọc trời ở San Francisco - một biểu tượng “phát triển”

Trái với trường phái xã hội học Chicago, Castells nhìn nhận thành phố không chỉ là một địa điểm – khu vực đô thị – mà còn là phần bị khuyết của tiến trình tiêu thụ tập thể, tới lượt nó sẽ tác động trở lại chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Học đường, dịch vụ giao thông và các lễ nghi hưởng thụ là cách con người “tiêu thụ” tập thể các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại. Hệ thống thuế ảnh hưởng đến việc ai có khả năng mua, thuê hoặc xây dựng ở đâu. Những tập đoàn lớn, ngân hàng và các công ty bảo hiểm, có khả năng cung ứng vốn cho hoạt động xây dựng, có sức mạnh ảnh hưởng đến tiến trình. Nhưng cơ quan chính phủ cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến các khía cạnh của cuộc sống đô thị, như xây dựng đường xá, công trình công cộng, lập các kế hoạch thiết lập vành đai cây xanh, mà sự phát triển mới không thể lạm dụng…Hình dạng vật lý của thành phố là sản phẩm của cả lực thị trường và quyền lực của chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình tự nhiên sáng tạo môi trường không chỉ là kết quả do những hoạt động của lớp người giàu và có quyền lực trong xã hội. Castells cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đấu tranh từ các nhóm ít đặc quyền nhằm thay đổi cuộc sống của họ. Những vấn đề đô thị kích thích những phong trào xã hội, liên hệ với sự gia tăng số lượng nhà ở, phản đối ô nhiễm không khí, bảo vệ công viên và vành đai cây xanh và chống lại sự bùng phát xây dựng làm thay đổi môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, Castells đã nghiên cứu phong trào đồng tính ở San Francisco, đã thành công khi tái cấu trúc cộng đồng dân cư xung quanh giá trị văn hóa cốt lõi – cho phép hoạt động nhiều tổ chức, câu lạc bộ, quán bar dành cho người đồng tính – phong trào đã dành được địa vị nổi bật ở môi trường chính trị địa phương.


Hình 3 – Quán cà phê Folk café dành cho người đồng tính, nổi bật trong không gian đô thị San Francisco

Đô thị, cả Harvey và Castells đều nhấn mạnh, hầu hết là những môi trường “nhân tạo” được con người kiến thiết nên. Thậm chí hầu hết những khu vực nông thôn cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của hoạt động đầu tư của con người và các công nghệ hiện đại, nhằm mục đích tái thiết lập thế giới tự nhiên. Lương thực được sản xuất không phải chỉ cho người dân bản xứ mà là cho thị trường quốc gia và quốc tế và trong quá trình cơ giới hóa nông trại, đất đai bị chia nhỏ một cách nghiêm ngặt và có mục đích sử dụng chuyên biệt nhằm tạo nên những hình mẫu vật lý, ngày càng ít liên hệ với các chức năng tự nhiên. Dân cư sinh sống ở nông trại và trong khu vực nông thôn có những liên hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với toàn xã hội, mặc dù họ mang những đặc điểm khuôn mẫu hành vi hoàn toàn khác với cư dân đô thị.

Đánh giá

Góc nhìn của Harvey và Castells được tranh luận, công việc của họ đã đưa ra những định hướng quan trọng trong phân tích đô thị. Trái với phương pháp của những nhà sinh thái, góc nhìn trên không nhấn mạnh vào “tính tự nhiên” của tiến trình không gian mà quan tâm đến cách thức đất đai và sự sáng tạo môi trường tác động trở lại hệ thống quyền lực kinh tế, xã hội. Đây là trọng điểm. Những ý kiến của Harvey và Castells thường được phát biểu một cách trừu tượng và không được tranh luận rộng rãi nếu so sánh với các nghiên cứu của trường Đại học Chicago.

Về khía cạnh nào đó, cách nhìn của Harvey và Castells và trường Đại học Chicago thường bổ sung và liên kết với nhau để đưa ra bức tranh hoàn chỉnh về tiến trình đô thị. Sự đối nghịch giữa khu vực đô thị theo như mô tả của các nhà sinh thái đô thị là quá trình nhân hóa tổng thể cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, những yếu tố này đã biến đổi nhiều hơn những gì mà các nhà xã hội học Chicago vẫn tưởng và bị tác động từ gốc với các ảnh hưởng kinh tế xã hội đã được Harvey và Castells phân tích. John và Harvey Molotch (1987) đề nghị một phương pháp kết nối trực tiếp những quan điểm của các tác giả như Harvey và Castells trên góc nhìn sinh thái. Các ông đồng ý với Harvey và Castells về tính năng của sự phát triển kinh tế, kéo giãn tính quốc gia và quốc tế ảnh hưởng đến cuộc sống đô thị một cách trực tiếp. Nhưng sự bành trướng của các yếu tố kinh tế, theo các ông, tập trung thông qua các tập đoàn địa phương, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh trong khu vực, các ngân hàng và cơ quan chính phủ cùng với các hoạt động mua bán nhà ở cá nhân.

Nơi chốn – đất đai và hoạt động xây dựng – được mua và bán, theo Logan và Molotch, cũng như những hàng hóa khác trong xã hội hiện đại nhưng thị trường đã tạo dựng nên môi trường đô thị lại bị ảnh hưởng bởi cách thức những nhóm người khác nhau sử dụng tài sản để trao đổi buôn bán. Những căng thẳng và mâu thuẫn gia tăng là kết quả của tiến trình này – là yếu tố mấu chốt kiến tạo các khu vực dân cư. Chẳng hạn, trong đô thị hiện đại, Logan và Molotch chú ý thêm rằng, những tập đoàn kinh doanh và tài chính tiếp tục cố gắng tăng cường sử dụng đất tại những khu vực riêng. Càng có thể tiến hành những việc này, càng có cơ hội đầu cơ đất đai và tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động xây dựng mới. Những công ty này ít liên hệ với các ảnh hưởng xã hội lẫn ảnh hưởng vật chất đến các hoạt động của họ trên những khu dân cư định trước – dù có hay không, chẳng hạn, tác động nhằm phá hủy các khu dân cư cũ để lấy chỗ cho các tòa nhà văn phòng mới. Tiến trình phát triển bị tác động bởi các tập đoàn lớn nhằm gia tăng lợi nhuận thường đối nghịch với các mối quan tâm của các nhà kinh doanh và cư dân bản địa, những người đã hành động để tự bảo vệ chính họ. Những người đã cùng nhóm cư dân bản địa bảo tồn lợi ích của chính họ với tư cách “người địa phương” (residents). Những hiệp đoàn triển khai chiến dịch nhằm gia tăng việc hạn chế mở rộng địa bàn, ngăn chặn lạm dụng việc xây dựng trong khu cây xanh hay siết chặt các quy định thuê mướn.

Những nghiên cứu cơ bản - Louis Wirth “đô thị như một phong cách sống”

Vấn đề nghiên cứu:

Từ Simmel, chúng ta đều biết rằng môi trường đô thị có xu hướng sáng tạo nên những dạng tính cách nhất định và đó là những thành phần của sự phát triển đô thị. Nhưng có phải đô thị chỉ giới hạn những tính cách đó? Làm cách nào đô thị lại liên quan và gây ảnh hưởng đến phần còn lại của xã hội? Liệu đô thị có ảnh hưởng ra bên ngoài ranh giới? Louis Wirth (1897-1952) khám phá ý tưởng rằng đô thị, thực tế, hoàn toàn là một phong cách sống (way of life), chứ không chỉ là một kinh nghiệm giới hạn của một phần xã hội.

Lý giải của Wirth:

Trong khi các thành viên của trường Đại học Chicago tập trung tìm hiểu hình thái đô thị - cách thức phân chia của nó – thì Wirth liên hệ đô thị như là một phong cách sống. Đô thị, ông lý luận, có thể không làm hạn chế hoặc hiểu một cách đơn giản bằng việc đo lường kích thước dân số. Thực tế, đô thị phải được hiểu như một hình thức tồn tại xã hội. Wirth nhận định rằng:

Những ảnh hưởng mà đô thị tác động đến đời sống xã hộicủa một người thì mạnh mẽ hơn so với tác động của tỷ lệ dân số đô thị; thành phố không chỉ tạo thêm chỗ ở và công việc cho con người hiện đại, mà còn khởi nguồn và kiểm soát cuộc sống kinh tế, chính trị và văn hóa, lôi kéo những cộng đồng xa xôi nhất ra khỏi thế giới riêng và đẩy họ vào quỹ đạo của nó, cũng như dệt nên một thế giới đa dạng bao gồm con người và các hoạt động.

Ở đô thị, tồn tại một số lượng lớn những người sống gần mà không hiểu gì về tính cách của nhau. Điều này là đối nghịch cơ bản nhất so với thị trấn và khu làng nhỏ truyền thống. Rất nhiều mối quan hệ giữa những cư dân đô thị, như Tonnies giải nghĩa, chỉ được coi là một phần của cuộc sống (cho tới tận khi mối quan hệ kết thúc) hơn là tìm kiếm sự hài lòng trong mối quan hệ đó. Wirth gọi đó là những “liên hệ thứ hai” (second contacts) khi so sánh với “liên hệ nguyên thủy” (primary contacts) của gia đình và những liên kết mạnh mẽ khác trong nhóm cộng đồng thân thuộc. Chẳng hạn như sự giao tiếp với nhân viên cửa hàng, giao dịch viên ngân hàng hay người soát vé trên tàu hỏa, không phải vì lợi ích của những mối quan hệ cộng đồng mà vì những mục đích riêng khác.
Vì những người sống trong đô thị có xu hướng lưu động, di chuyển để tìm kiếm công việc và hưởng thụ sự giải trí và du lịch, nên những mối liên hệ giữa họ khá lỏng lẻo. Mỗi người liên quan đến rất nhiều những hoạt động và tình huống khác nhau mỗi ngày và “nhịp điệu” ở đô thị thì nhanh hơn rất nhiều ở nông thôn. Xu hướng cạnh tranh chiếm ưu thế hơn hợp tác và mối quan hệ xã hội trở nên mong manh và dễ vỡ. Dĩ nhiên, phương pháp sinh thái của trường Đại học Chicago cũng đã khám phá ra rằng mật độ cuộc sống đô thị dẫn dắt hình thành khu dân cư mang những đặc điểm đặc trưng, một trong số đó sẽ bảo tồn một vài đặc tính của các cộng đồng nhỏ. Trong cộng đồng nhập cư, chẳng hạn, đã tìm thấy những mối liên kết truyền thống giữa các gia đình, dựa trên sự hiểu biết cá nhân lẫn nhau. Tương tự, trong tác phẩm Gia đình và quan hệ thân thích ở Đông Luân Đôn (Family and Kinship in East London) của Young và Wilmott’s (1957), tác giả đã tìm thấy mối liên hệ khắng khít giữa những gia đình lao động trong thành phố.

Tuy nhiên, mặc dù Wirth đồng ý với những ý kiến trên, ông lập luận rằng càng bị hút vào các khu vực lớn khác của đô thị, những cá tính cộng đồng càng khó tồn tại. Phong cách sống đô thị thiếu những ràng buộc thân thiết, vì thế mối quan hệ gia đình bị xói mòn, cộng đồng bị tan rã và tính bền chặt xã hội không còn. Ông nhận thấy đô thị hiện đại là môi trường tự do, khoan dung và tiến bộ, đồng thời ông cũng hiểu rằng đô thị đã mở rộng lây lan ra bên ngoài ranh giới, là một quá trình đô thị hóa ngoại ô, với tất cả hệ thống giao thông và hạ tầng. Trong tất cả tình huống đó, xã hội hiện đại cần được định hình bởi sức mạnh của đô thị.

Ý kiến phê phán:

Các ý kiến phê phán nhấn mạnh vào các hạn chế trong quan điểm của Wirth về đô thị. Tương tự như quan điểm sinh thái, hai lập luận có nhiều điểm tương đồng, lý thuyết của Wirth có nguồn gốc từ những trải nghiệm cuộc sống đô thị ở Hoa Kỳ và khó có thể coi là một lý thuyết chung về cuộc sống đô thị. Đô thị không hề giống nhau mọi lúc mọi nơi. Những thành phố cổ xưa thì khác hẳn những đô thị hiện đại và những thành phố ở các nước đang phát triển ngày nay thì rất khác ở các nước đã phát triển. Sự phê phán cũng chỉ rõ Wirth đã cường điệu mức độ nhân cách hóa của các thành phố. Cộng đồng liên quan đến tình bạn và tình thân mạnh mẽ hơn ông quan niệm. Everett Hughes, một đồng nghiệp của Wirth, đã cho rằng “Louis nói tất cả về việc làm cách nào một thành phố được nhân cách hóa – trong khi cuộc sống gia tộc và bạn bè lại là yếu tố cơ bản đậm tính cá nhân” (Kasarda và Janowitz 1974:338). Tương tự, Herbert Gans (1962) cũng lập luận rằng khái niệm “cư dân phố làng” (urban villagers) – như cộng đồng người Mỹ gốc Ý hiện sống ở nội đô Boston (Mỹ) – có thể tìm thấy khá phổ biến. Những câu hỏi chỉ trích cách nhìn của Wirth chỉ ra rằng cuộc sống đô thị có thể dẫn đến tạo dựng cộng đồng chứ không phải luôn luôn chỉ phá hủy chúng.

Ý nghĩa hiện đại:

Những quan điểm của Wirth đã có được sự quan tâm rộng rãi. Tính nhân cách hóa những liên hệ hằng ngày trong cuộc sống đô thị là không thể phủ nhận và ở mức độ nào đó, là sự thật ngày càng phổ biến của xã hội đô thị. Học thuyết của ông còn quan trọng ở chỗ đã nhận ra đô thị không chỉ là một phần của xã hội mà thực tế còn ảnh hưởng đến đặc tính của hệ thống xã hội rộng hơn. Với hàng loạt sự mở rộng của tiến trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển và thực tế là một số lượng lớn dân cư ở các nước phát triển đang sinh sống ở đô thị, quan điểm của Wirth vẫn tiếp tục là một điểm tham chiếu giúp các nhà xã hội học tìm hiểu đô thị như là một phong cách sống. 



 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo