Không gian sống và làm việc của Richard Streitmatter -Tran tọa lạc trên tầng 4 của một tòa nhà vùng ngoại ô thuộc huyện Bình Chánh, trông lớn hơn một căn phòng, nhỏ hơn một căn hộ. với lối thiết kế giản lược, tiện nghi, nhưng lại là nơi chứa đựng và nuôi nấng rất nhiều những ý tưởng nghệ thuật sáng tạo không ngừng nghỉ, từ chủ nhân cùng những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới.
Mất thời gian bao lâu để anh xây dựng hình ảnh một studio như hiện hữu?
Tôi trở về Việt Nam sống và làm việc từ 2003, nhưng phải đến tận 2010, tôi mới có cơ hội xây dựng một studio riêng. Việc khó nhất là vấn đề mặt bằng, bởi mục đích của tôi mở studio không phải để kinh doanh, để làm thương mại, vì vậy với nguồn kinh phí có hạn thật không dễ dàng chút nào. May mắn là tôi được một người bạn chia lại cho tầng 4 của toà nhà văn phòng, và nhờ một người bạn khác thể hiện ý tưởng của tôi trên không gian 3D, và từ bản thiết kế đó, tôi chỉ mất có 10 ngày để thi công và hoàn thiện vào tháng 3 năm 2010, đây là một studio trong mơ mà tôi ao ước từ khi còn đang học ở Mỹ.
Richard Streitmatter-Tran Sinh năm 1972 tại Biên Hoà. Tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật tại Boston, Hoa Kỳ. Trình diễn nghệ thuật sắp đặt đương đại, tham gia tư vấn và thực hiện các dự án liên quan về nghệ thuật tại các nơi như Nhật, Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Đài Loan, Đức, Thái Lan, Tây Ban Nha, Việt Nam, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong… Hiện là giảng viên khoa thiết kế trường đại học RMIT tại Việt Nam. |
Anh đặt tên cho studio của mình là Địa, một tên gọi đậm chất Á Đông, tên gọi đó có phải là do sự pha trộn văn hóa trong con người anh, một người Mỹ gốc Việt, hay mang một ý nghĩa khác?
Nhiều người đều nghĩ như vậy khi nhìn vào chữ Địa. Với tôi, Địa ở đây không phải là ông Địa, hay đơn thuần là bất động sản, mà nó mang một ý nghĩa khác bao quát hơn, đó là không gian sống, làm việc và là địa phận – là nơi tôi thể hiện những ý tưởng sáng tạo của riêng mình.
Là một người thích sự dịch chuyển, thường đi đây đó khắp nơi trên thế giới, điều đó có ảnh hưởng gì đến không gian sống và làm việc của anh?
Có ảnh hưởng nhiều chứ, bạn nhìn vào không gian studio của tôi, chắc hẳn sẽ dễ nhận ra điểm nhấn rõ nét nhất, đó là sự tiện dụng và đơn giản. Khi nhận mặt bằng, tôi tháo hết những lớp ốp thạch cao để lộ ra mảng trần thô ráp, tạo độ cao cho không gian nhà, gia tăng thêm vài bóng đèn cho hệ thống chiếu sáng. Còn lại toàn bộ những đồ dùng như kệ, vách ngăn, tôi đều thiết kế bánh lăn để có thể di chuyển dễ dàng, và cũng để sau một khoảng thời gian nào đó, tôi lại thay đổi vị trí các vách ngăn để làm mới cho không gian sống và làm việc ở studio. Không gian làm việc thực sự đơn giản, hữu dụng, nhưng phải là nơi cho ra đời những ý tưởng khác biệt, đó chính là sự tương phản mà bạn có thể thấy ở Địa Studio.
Ảnh phải : Vách ngăn di động phân chia khu thư viện và studio tách biệt, có thể chuyển đổi các bức vách theo nhu cầu trưng bày và triển lãm nhỏ.
Trong hoạt động nghệ thuật, người nghệ sĩ đôi lúc rất cần không gian đặc biệt để tạo cảm hứng cho sáng tác, cho những ý tưởng thăng hoa, còn với anh, không gian làm việc của anh có đem lại cho anh cảm hứng đó?
Tôi lại không giống những nghệ sĩ mà bạn muốn đề cập, vì tôi không cần không gian bên ngoài để tìm cảm hứng cho việc sáng tác. Không gian đặc biệt tạo cảm hứng cho tôi đều nằm trong suy nghĩ của tôi. Những ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật của tôi là sự tích hợp từ những chuyến đi, từ sách báo, tài liệu, internet, từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Studio chỉ là nơi để tôi thể hiện ý tưởng đó thành hiện thực. Vì vậy, bạn có thể thấy ngay cả vẻ ngoài của tôi và của không gian studio cũng rất giống nhau, tóm gọn trong hai chữ: đơn giản.
Không gian studio được anh phân chia thành từng mảng rất rõ rệt như thư viện, xưởng chế tác, gian trưng bày… vậy theo anh tính năng nổi trội nhất trong không gian studio của anh là điểm gì?
Góc mà tôi sử dụng nhiều nhất trong studio đó chính là kệ sách, nơi có hơn 900 đầu sách từ các thể loại như nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc, văn học, sách nghiên cứu về khu vực các tiểu vùng sông Mekong, có cả các tạp chí, báo in mà tôi sưu tầm, mua được từ nước ngoài mang về. Không gian kệ sách được tôi thiết kế rất giản lược, như một góc thư viện thu nhỏ, dành làm nơi gặp gỡ bạn bè, trao đổi công việc. Tôi cũng chuẩn bị ở studio khá đầy đủ các dụng cụ, thiết bị, vật liệu để làm ra những sản phẩm nghệ thuật, và ngoài việc phục vụ cho nhu cầu sáng tạo của tôi thì cả những người bạn Việt Nam và quốc tế cũng thường đến sử dụng. Tuy nhiên, không gian này không phải là nơi công cộng như một quán cà phê để bất kỳ ai cũng có thể tìm đến và cũng không phải là một phân xưởng để người thợ chế tác đồ thủ công đem bày bán tràn lan ngoài thị trường. Địa Studio mang mục đích chính là nơi gặp gỡ bè bạn, sau đó sẽ là những câu chuyện, những ý tưởng, và cuối cùng là việc thể hiện ý tưởng đó ra với thực tế.
Vậy là sau nhiều năm anh mới thực hiện được điều mơ ước có một không gian để sáng tác, thiết kế riêng cho mình, nhưng liệu có điều gì khiến anh chưa hài lòng với studio hiện tại?
Hài lòng? Tạm thời thôi, vì với không gian và công việc hiện tại tôi chưa cần gì thêm, nhưng chắc chắn sau này khi có những ý tưởng mới nảy sinh, tôi sẽ phải cần có một không gian mới, với những trang thiết bị phù hợp hơn để thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Không gian cho studio thì ổn rồi, nhưng có một vấn đề nhỏ là nó ở hơi xa trung tâm Sài Gòn, nên hầu hết bạn bè tìm đến đều là người nước ngoài sống lân cận đó. Tôi cần có thêm nhiều những bạn trẻ Việt Nam đến trao đổi, giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm về nghệ thuật đương đại...
Thực hiện: Nguyễn Đình - Ảnh: zhivago
Cầu nối Sáng tạo
Tôi gặp Richard Streitmatter - Tran lần đầu tiên tại quầy trả sách thư viện trường Đại Học MASSART (Mỹ). Tôi là du học sinh còn anh là sinh viên Mỹ gốc Việt. Chúng tôi thân nhau bắt đầu từ những cuốn sách hay tại thư viện trường mà Tran cất công lục lọi giới thiệu cho tôi. Sau chín năm, tôi đến thăm không gian làm việc của bạn tại Việt Nam và sau câu “Hi!”, tôi chợt buồn cười vì thứ đầu tiên tôi đứng cạnh lại là một dãy sách dài.
Khu thư viện mini với 900 đầu sách và báo chí chuyên ngành nghệ thuật, thiết kế của các nhà xuất bản lớn trên thế giới mà Rich đã dành khá nhiều năm sưu tập.
Là nghệ sĩ, tạo được một không gian làm việc cho riêng mình đã là một điều khó, thế nhưng xây dựng một không gian sáng tạo với mục đích chia sẻ và hỗ trợ các nghệ sĩ khác cùng làm việc là một việc khó hơn hết thảy. Người xây dựng không gian phải hiểu rõ nghệ thuật, hiểu rõ người làm nghệ thuật, và trên hết phải hiểu rõ yêu cầu công năng trang thiết bị và công cụ của từng phân đoạn công việc mà nghệ sĩ hoạt động trong môi trường nghệ thuật đa phương tiện đương đại cần có cho việc xây dựng nên một tác phẩm.
Richard Streitmatter–Tran với tư cách là một nghệ sĩ thị giác – giảng viên bộ môn nghệ thuật đa phương tiện tại trường RMIT, cùng với lòng nhiệt huyết dành cho việc phát triển nghệ thuật tại Việt Nam cũng như việc tạo cầu nối giữa các nghệ sĩ quốc tế trong cộng đồng lưu vực sông Mekong tới làm việc và trao đổi kinh nghiệm tại Việt Nam đã cố gắng xây dựng Studio Địa như một địa chỉ dành cho người làm nghệ thuật...
Các tác phẩm của một nghệ sĩ quốc tế vừa trưng bày tại Studio Địa. / Khu lưu trữ hồ sơ dự án phân chia theo tên các quốc gia mà Rich đang kết hợp.
Mặt sau vách ngăn di động được tận dụng thiết kế thành kệ chứa tài liệu. / Khu chế tác với thiết bị chuyên dụng dành cho thi công các tác phẩm đa phương tiện.
Vách ngăn được bọc một lớp đệm mousse dành cho việc ghim đính các bản phác thảo trong quá trình xây dựng tác phẩm. / Bản copy tác phẩm Human trap mà Rich vừa triển lãm tại SMU Art Fest 2010 (Singapore).
Bước vào không gian đầu tiên là một kệ sách dài với trên 900 đầu sách và báo chí chuyên ngành nghệ thuật, thiết kế của các nhà xuất bản lớn trên thế giới mà Rich đã dành khá nhiều năm sưu tập. Bên phải là một bàn làm việc gọn với máy tính, máy in dành cho việc truy cập thông tin in ấn... Phía sau là hai vách ngăn di động có thể di dời tuỳ thuộc công năng không gian khi cần. Với cách bố trí này, khu vực vách ngăn hoàn toàn hội đủ yếu tố để tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật nhỏ. Sau vách ngăn là khu vực chế tác với đầy đủ các dụng cụ chuyên dụng từ máy khoan, cưa cắt các loại cùng hệ thống hồ sơ được phân chia theo tên quốc gia và nghệ sĩ trong các dự án nghệ thuật mà Rich đảm trách. Bên trên là khu vực kho với giàn khung sắt khá chắc chắn, thang treo dành chứa các loại nguyên liệu cồng kềnh trong quá trình chế tác các tác phẩm lớn, giữa nhà là một bản copy tác phẩm Human trap mà Rich vừa triển lãm tại SMU Art Fest 2010 (Singapore). Một chiếc bàn dài dọc theo khung kính với hệ thống màn kéo lọc ánh sáng gắt. Khu vực còn lại là giá vẽ, màu vẽ, khu vực cất thiết bị điện tử, vật liệu v.v… và một bức vách đầy các phác thảo. Rich chia sẻ, trong thời gian tới anh muốn thử nghiệm với các dụng cụ chế tác kim hoàn, nên sẽ dọn ra thêm một góc cho các thiết bị và các loại hoá chất. Với diện tích nhỏ hẹp chỉ 66m2 và chi phí sửa chữa trang bị khoảng 3.000 USD, anh đã tạo ra biết bao công năng cho một xưởng nghệ thuật. Tôi thầm nghĩ cậu bạn mình chắc sẵn sàng xây luôn toàn bộ khu chế tác đa ngành như một trường mỹ thuật lớn nếu có đủ điều kiện… Hiện nay, Studio Địa đang kết hợp cùng tổ chức nghệ thuật NTSD (New Technologies for Sustainable Development) thuộc Cộng hoà Czech và Na Uy trong chương trình kết hợp cùng khoa nghệ thuật đa phương tiện của trường RMIT nhằm trao đổi môi trường làm việc, tìm hiểu nghệ sĩ Việt Nam với việc ứng dụng công nghệ vào tác phẩm nghệ thuật. Hiện nay, một cựu sinh viên thuộc RMIT đang làm việc cùng tổ chức này tại Cộng hoà Czech thông qua chương trình của Studio Địa.
Khu truy cập thông tin và in ấn.
Khung cửa lấy sáng với hệ thống mành lọc ánh sáng chói.
Bên chiếc bàn trà thấp, ly trà ô long nóng và quyển sách hay trên tay, cùng âm nhạc từ bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng, tôi thật lòng khó ra về… Cuộc sống đẹp hơn rất nhiều khi ta được chia sẻ công việc, niềm đam mê trong một không gian đầy ắp tinh thần sáng tạo với những người bạn như thế. Hẹn ngày quay lại nơi này với tư cách là một nghệ sĩ trong dự án nghệ thuật của bạn.
Bài : Ngô Thái Uyên - Ảnh : Zhivago
- Mô hình những công trình kiến trúc nổi tiếng làm từ...chanh
- Kiệt tác tranh vẽ bằng phấn trên đường phố
- Cuộc ra mắt quy mô lớn của giới mỹ thuật Việt
- Carsten Höller: Đánh lừa cảm giác
- JR – Bay trên ổ chuột
- Ký ức lãng quên trong triển lãm "Qua phố nhớ gì?"
- Tác phẩm sắp đặt băng keo ở DMY Berlin
- Triển lãm mỹ thuật VN - Nhật Bản mang tên: "Trên từng cây số"
- Hà Nội, trước hết là nhà tôi, 30 Hàng Bông...
- Triển lãm “Hành trình tới tương lai - Mỹ thuật thế hệ mới của Nhật Bản"