Với JR, canvas chính là thế giới. Người nghệ sĩ “du kích” gốc Paris này “kiêng” các bảo tàng, chuộng những bức tường đổ nát tại các khu ổ chuột của thế giới hơn những đại sảnh uy nghiêm của các bảo tàng. (Mặc dù vậy, bảo tàng Tate Modern vẫn dành cho anh 100 thước tường ngoài và một cuộc đấu giá các tác phẩm in của anh vào năm 2009 cũng đã thu về 35 nghìn USD).
TED (Technology, Entertainment, Design) là một hội thảo ra đời năm 1984, mục đích kết nối những người làm việc cả trong ba lãnh vực đó. Từ đó tới nay, khuôn khổ của TED đã ngày càng mở rộng.
Hội thảo TED tổ chức hàng năm vào mùa xuân, là hoạt động chính của TED. Mỗi năm có hàng người người tham dự và phải đăng ký từ năm trước. Đề tài trải rộng từ khoa học, kinh doanh, nghệ thuật, tới những vấn đề mà trái đất chúng ta đang phải đối mặt. Mọi người đến và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Có người phát biểu, có người làm trình diễn, có người lại chơi nhạc. Tưởng là hỗn loạn, chẳng đâu vào đâu, mà cuối cùng lại rất có tác dụng, bởi tại đây tri thức được kết nối, với một nỗ lực: “Chúng tôi muốn thay đổi thế giới”.
Những người có chung mong muốn ấy làm nên cộng đồng TED. Hàng năm họ có một giải TED cho một nhân vật nào thể hiện rõ nhất tiêu chí này, một người “minh họa” được đường lối cách tân và sáng tạo mà cộng đồng TED đề cao.
JR, một nghệ sĩ đường phố người Paris, tháng 10 vừa qua đã thắng giải TED 2011 trị giá 100,000$.
Nhận xét về người thắng cuộc, giám đốc giải thưởng TED, bà Amy Novogratz, nói. ”TED phải tìm một người có một quá trình dài muốn thay đổi thế giới bằng sáng tạo, một người năng động và bản lĩnh, làm việc trên một quy mô toàn cầu. Và JR hội đủ các yếu tố đó.”
JR, người quyết định giấu tên thật của mình, thế là đã gia nhập hàng ngũ với Bill Clinton, E.O. Wilson, và Bono của U2, những người từng nhận giải trước đó.
Ảnh đen trắng trong hình là của JR, một trong sáu người được Tate Modern đặt hàng làm tác phẩm trưng bày ở khu vực tường bao phía bờ sông của bảo tàng.
Ít nhiều cùng dòng với nghệ sĩ Anh Banksy, nổi tiếng với những bức graffiti mang màu sắc chính trị, JR hay có mặt ở các khu ổ chuột, khu tái định cư, hay còn gọi là các favela, thường xuyên tới lui những khu phố bất ổn – nơi trẻ con trong khu chạy chơi mà cũng phải mặc áo chống đạn. Tại đó, JR thu nạp một nhóm dân địa phương và dựng những bức ảnh đen-trắng khổng lồ trên các bức tường, thường là hình mặt người hoặc những hình thù mang lại một vẻ tử tế cho một vùng dân cư bị bỏ quên.
Trong tác phẩm sắp đặt này của JR tại một favela của Brazil, những ngọn đồi như có mắt. Đây là một phần trong một dự án lớn hơn của JR mang tên “Phụ nữ là những người hùng”, cùng với các tác phẩm khác ở Sudan, Sierra Leone, Kenya, Liberia và các nơi khác.
Làm thế nào mà JR – với bộ dạng hippie – lại có thể hòa nhập được ngay khi đặt chân vào một khu ổ chuột hay một vùng chiến sự mới? “Tất cả nhờ giao lưu bằng mắt,” JR nói. Ngoài ra, một “kỹ thuật để hội nhập” nữa là anh từ chối hết các khoản tài trợ của doanh nghiệp.
“Tôi không bao giờ có ý lợi dụng một favela để quảng cáo cho nước Red Bull hay xe BMX,” JR nói với tờ Guardian. Anh không nhận tài trợ của các công ty, thay vì đó, anh nuôi các dự án dài hơi bằng cách bán đấu giá bản in các tác phẩm của mình.
JR tự gọi mình là một “photograffeur”, chơi chữ tiếng Pháp với từ graffiti.
“Việc tôi ẩn danh cũng có nghĩa là tôi có thể triển lãm ở bất cứ nơi nào tôi muốn,” JR nói.
Cận cảnh bức tường tại Morro da Provindencia, một phần dự án “Phụ nữ là những người hùng”. Trong dự án này, JR khai thác đức tính kiên cường và nhẫn nại của phụ nữ.
Một series chân dung những gương mặt Israel và Palestin. Triển lãm này diễn ra lần đầu vào năm 2007 dọc một ba-ri-e ngăn lãnh thổ Israel và Palestin. Những hình ảnh này sau đó được chuyển về các bức tường ở những thành phố lớn, trong đó có Paris, như trong hình dưới.
Trưng bày tại Paris
Mai Chi (st) - Ngọc Trà (dịch)
- Hội thảo và triển lãm biếm họa của Lý Trực Dũng
- Mô hình những công trình kiến trúc nổi tiếng làm từ...chanh
- Kiệt tác tranh vẽ bằng phấn trên đường phố
- Cuộc ra mắt quy mô lớn của giới mỹ thuật Việt
- Carsten Höller: Đánh lừa cảm giác
- Studio Địa và không gian bằng hữu
- Ký ức lãng quên trong triển lãm "Qua phố nhớ gì?"
- Tác phẩm sắp đặt băng keo ở DMY Berlin
- Triển lãm mỹ thuật VN - Nhật Bản mang tên: "Trên từng cây số"
- Hà Nội, trước hết là nhà tôi, 30 Hàng Bông...