Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Triển lãm sắp đặt "Du cư trong thành phố"

Triển lãm sắp đặt "Du cư trong thành phố"

Viết email In

Triển lãm sắp đặt Du cư trong thành phố của Nguyễn Hồng Phương và Vũ Lâm khai mạc chiều chủ nhật 3/4 (kéo dài đến 7/4) tại sân Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Một ngôi nhà nổi ngoài bãi Giữa bỗng nhiên “lạc loài” nơi phố thị... Những người ngồi trên ghế xôpha nhìn chăm chăm vào cuộc sống bên trong cánh cửa, hàng trăm bức ảnh mô tả cuộc sống của những phận người... sẽ kể câu chuyện gì?

Cả hai tác giả của sắp đặt này - Nguyễn Hồng Phương (họa sĩ) và Vũ Lâm (nhà báo) - hoàn toàn không muốn đóng vai kẻ “thương vay khóc mướn” cho cuộc sống cám cảnh nơi bãi giữa. Hơn hết, họ muốn đặt một trạng thái gần như nguyên thủy của cuộc sống (ngôi nhà nổi) bên cạnh những khuôn viên kết cấu hiện đại để người xem hiểu một cuộc sống nhiều mặt nằm sâu trong lòng Hà Nội.


Ngôi nhà được các họa sĩ vận chuyển từ sông Hồng lên bờ - Ảnh: Vũ Lâm


Toàn cảnh bãi Giữa sông Hồng mùa hè - Ảnh: Đinh Hữu Dư


Trẻ con ở bãi Giữa - Ảnh: Lê Anh Dũng

Một “nông thôn nguyên thủy” giữa lòng Hà Nội

Đó là một chuyến “du cư tạm” của ngôi nhà nổi rách nát từ bãi sông Hồng vào tận giữa lòng Hà Nội. Ngôi nhà được ghép từ những thanh gỗ bàn thờ trôi nổi trên sông, gỗ xin của mấy bà đồng nát, có vẻ lẻ loi giữa bốn phía những ngôi nhà bêtông cao tầng, giữa ồn ào còi xe. Người phố vẫn gọi đó là cái lều, nhưng đó là nhà của ông Hòa “thổ”, của hàng trăm người tha hương tụ về Hà Nội mà số tiền kiếm được hằng ngày không đủ giúp họ thuê một căn nhà tử tế hơn.

Bãi Giữa sông Hồng, Vũ Lâm gọi đó là nơi mà cuộc sống hằng ngày diễn ra theo một quy luật hết sức kỳ quặc. Ở đó có đồng bãi để trồng cấy; sinh viên đi dã ngoại, người tập thể dục, người đi bơi... tìm đến; ca sĩ cần ngoại cảnh, đoàn làm phim truyện cũng tìm đến; dân du thủ du thực, gái điếm hay tội phạm truy nã đều có mặt, kể cả những người có nhà trong thành phố vì sa cơ phải ra che tạm một ngôi nhà ở đây. Những ngôi nhà nổi cũng tập trung cả người tứ xứ. Ông Hòa “thổ”, chủ nhân ngôi nhà trưng bày trong triển lãm, là người dân tộc Thổ (Đan Lai) tận Lạng Sơn.

Nhà nổi và cuộc sống cũng nổi trôi theo ngôi nhà. Mùa nước lên, người ta nhổ cọc dời nhà đến nơi khác, mùa nước cạn họ lại trở về. Đôi khi nghe tin giải tỏa, họ đi trốn. Một thời gian sau, tất cả trở lại và cuộc sống sinh động nơi bãi Giữa tiếp tục. Cuộc du cư của họ ngắn thôi, từ khúc sông này sang khúc sông khác nhưng vẫn co lại trong thành phố. Bởi nghề nhặt rác, xe ôm, đồng nát... của họ gắn bó chặt chẽ với phố phường nhộn nhịp của Hà Nội.

Vũ Lâm có hơn chục năm gắn bó với bãi Giữa bởi niềm đam mê tắm sông, đây cũng là nơi Nguyễn Hồng Phương hay lui tới. Mỗi người nhìn cuộc sống ở những góc khác nhau và tình cờ gặp nhau ở ý tưởng “bê” cuộc sống của họ vào trong tác phẩm sắp đặt của mình.

Định nghĩa lại “ngôi nhà” bằng nghệ thuật đương đại

Phải mất nhiều thời gian để “bê nguyên xi” một ngôi nhà nổi lung lay chực đổ ập thành đống củi từ bãi Giữa sông Hồng về địa điểm triển lãm tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.


Phác thảo tác phẩm sắp đặt Du cư trong thành phố của Nguyễn Hồng Phương và Vũ Lâm - Ảnh: Vũ Lâm

Ngôi nhà được đặt trên một bệ gương để tạo ảo ảnh phản chiếu giống như nó đang tồn tại trên mặt nước sông Hồng. 126 bức ảnh của các phóng viên Nguyễn Việt Hưng, Lê Anh Dũng, Vũ Lâm, Đinh Hữu Dư được sắp xếp nhằm tạo cái nhìn đa diện về đời sống của người dân trên những ngôi nhà nổi.

Những thước phim quay quá trình “di cư” của ngôi nhà từ sông về phố cũng được mang ra trình chiếu trong triển lãm này. Đó cũng là một trải nghiệm mà tác giả triển lãm mang đến cho người xem. “Với các sắp đặt ánh sáng, có lẽ người xem sẽ hiểu, ngôi nhà dù rẻ tiền hay rách nát chăng nữa vẫn có vẻ lung linh của riêng nó. Hơn thế nữa, tôi mong chúng ta có thể nhìn thấy được hạnh phúc hiện diện bên trong”.

Nhiều người nhìn những ngôi nhà rách nát vậy cứ nghĩ họ khổ và bất hạnh. Nhưng bằng tất cả những tháng năm lang thang ngoài bãi Giữa, tôi nhìn và cảm thấy được niềm hạnh phúc trong những mái ấm tạm bợ rẻ tiền kia. Cứ đặt nó bên cạnh một ngôi nhà tiền tỉ mà nhiều người đang ở, bạn sẽ hiểu đôi khi hạnh phúc không thể đo bằng giá trị căn nhà” - Vũ Lâm nói vậy về ngôi nhà nổi trong triển lãm của mình.

Bởi vậy Vũ Lâm nói thông qua triển lãm này, anh muốn định nghĩa lại cách hiểu về “ngôi nhà” bằng nghệ thuật đương đại. Và câu hỏi cuối cùng anh muốn đặt ra: “Liệu vật chất có khiến cho chúng ta hạnh phúc?”.

Ông Hòa “thổ” cũng sẽ đến sống trong ngôi nhà của mình tại khuôn viên triển lãm. Ông vẫn một ngày hai lần đi nhặt rác sáng chiều rồi về nấu cơm, uống thuốc, hút thuốc lào vặt, nói chuyện con cà con kê. Theo Vũ Lâm, đó là một cách tương tác của người xem với nhân chứng sống để họ hiểu “niềm vui sống” của những người khốn khó.

“Cảm xúc nhân bản của người xem sẽ được nhân lên và đan xen nhiều chiều khi chạm vào một đời sống khác thông qua hình thức một triển lãm nghệ thuật đương đại”, đó cũng là hi vọng của các tác giả.

HÀ HƯƠNG

Đánh thức người xem

Tương phản giữa Hà Nội và “Hà Ngoại”, thành phố trong sông với thành phố ngoài sông. Tương phản giữa một đời sống khá giả (về vật chất) nhà cao cửa rộng, tiện nghi trong thành phố với những gia đình, những ngôi nhà (nếu có thể gọi đó là nhà) ở ven sông Hồng. Tương phản giữa các chất liệu, nguyên liệu làm nên tác phẩm sắp đặt Du cư trong thành phố: một cái lều thật, lều phao rất phổ biến của những người sống trên khúc sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Cái lều tạm bợ bằng cót, nilông, thùng phuy, những thứ đồ đồng nát được đặt trong một hòm kính, trên một tấm gương (gợi ý đến nước) và xung quanh là những chiếc xôpha đời mới, mới tinh, đỏ chói, hiện đại.

Đối chọi, đối thoại với nhau, nghèo giàu, cũ mới, hiện đại và lạc hậu, tạm bợ và chắc chắn...

Tất cả sự tương phản đó đối nhau chan chát làm bật ra cảm xúc nơi người xem, bật ra câu hỏi: Cái lều thì có phải là nhà không? Có phải đời sống không? Có phải là Hà Nội hôm nay không?

Cái đẹp của một tác phẩm hội họa giá vẽ nằm trên mặt tranh.

Cái đẹp của một tác phẩm sắp đặt cụ thể như Du cư trong thành phố không phải là cái lều rách nát tiều tụy đó, mà chính là câu hỏi bật ra trong đầu người xem, đánh thức người xem.

LÊ THIẾT CƯƠNG 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1998 khách Trực tuyến

Quảng cáo