Tính đến nay, bà đã có 36 năm trong nghề nhưng bà đã dành ra đến mười năm chỉ để chuyên tâm học tập từ công việc thực tế. Vì thế, khó có nhà thiết kế nào sánh nổi với bà về tầm hiểu biết sâu sắc và kiến thức thực tiễn, điều mà không trường lớp nào có thể giảng dạy. Bà không tiếc thời gian học ở ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất trong việc thiết kế đồ nội thất cho một căn phòng, từ đo đạc, cắt và treo rèm cho đến thiết kế sofa, ghế dựa, pha màu và sơn phết…
Có con mắt tinh đời trong ngành thiết kế, theo Bunny Williams vẫn là chưa đủ. Bà cho rằng nhà thiết kế cần phải biết điều gì có thể, điều gì không thể và những điều không thể cũng như có thể đó sẽ được giải quyết cùng nhau như thế nào. Bà đã chứng minh khẳng định của mình là đúng khi áp dụng những điều trên vào công ty thiết kế do bà tự thành lập vào năm 1988. Là một nhà thiết kế có tầm nhìn hiện đại nhưng lại vô cùng nhạy bén đối với di sản lịch sử, Bunny Williams đủ tự tin để phát triển sự nghiệp của mình theo một con đường hoàn toàn khác biệt. Vừa là nhà thiết kế tiên phong vừa tự tạo xu hướng mới, phong cách của Williams mang hơi thở cổ điển nhưng rất khó đoán trước và luôn là một sự bất ngờ thú vị khiến khách hàng phải ngạc nhiên. Ngày nay, bà đã trở thành biểu tượng cho phong cách thiết kế năng động của Mỹ. Vào năm 2012, Architectural Digest đã đưa tên Bunny Williams vào danh sách 100 nhà thiết kế chuyên nghiệp hàng đầu của năm. Tờ tạp chí này còn ưu ái gọi bà là “Hào quang chói lọi của ngành thiết kế nội thất Hoa Kỳ”.
Dù đã bước lên bục vinh quang nhưng Bunny Williams chưa bao giờ đánh mất mục tiêu công việc của bản thân, đó là tạo ra không gian thư giãn riêng tư mà khách hàng không bao giờ muốn rời xa. Với ý thức cao độ trong phát triển phong cách, kiến thức rộng lớn trong nghệ thuật trang trí và khao khát đem đến cho ngành nội thất những cống hiến đáng kinh ngạc, Bunny Williams đã sáng tạo ra vô số tác phẩm sống động vượt thời gian. Bunny Williams cũng đã xuất bản nhiều quyển sách nổi tiếng chia sẻ bí quyết và quan niệm riêng trong ngành thiết kế, có thể kể đến quyển An affair with a house, Bunny Williams’Scrapbook for Living và Bunny Williams’ point of view.
Bunny Williams – “Tôi không thiết kế những căn phòng, tôi thiết kế những phông nền cho cuộc sống” – đã tuyên bố như thế. Đối với bà, “Đồ nội thất cũng giống như một bộ sưu tập thời trang cao cấp, mà trong đó, mỗi y phục đều phải luôn hợp thời, thoải mái và phản ánh cá tính độc lập của chủ nhân”. Trong suốt ba thập kỷ qua, nhà thiết kế Bunny Williams đã sáng tạo những công trình nội thất tuyệt diệu trên khắp thế giới. Khi chỉ mới 16 tuổi, Bunny (nickname theo tên thật của bà là Bruce) Williams đã có tiềm năng và tình yêu đối với ngành kiến trúc. Bà từng học ngành thiết kế nội thất tại một ngôi trường ở Boston. Để thực hành các kiến thức đã học, bà thường xuyên chăm chỉ quan sát ngay chính ngôi nhà của mình. Sau đó bà chuyển đến New York. Nơi đó đã cho bà công việc đầu tiên với Stair và hiệu buôn đồ cổ của ông. Công việc đã dạy cho bà nhiều hơn những gì bà cần để thành thạo trong lĩnh vực kiểm định chất lượng đồ nội thất. Tiếp đó, bà gia nhập Parish-Hadley Associates để thoả sức học hỏi. Bà bắt đầu ở vị trí mua hàng và trợ lý, sau đó trở thành cánh tay phải đắc lực cho chị em Parish và Albert Hadley. |
Tác phẩm tiêu biểu
Bàn càphê Pagoda - hình ảnh đền đài quyến rũ của Trung Quốc với các chi tiết chạm khắc đậm nét châu Á đã được Williams chắt lọc để đưa vào chiếc bàn càphê Pagoda – một sản phẩm được ưa thích trong các căn hộ Tây phương hiện đại. Bàn có ba màu đỏ, trắng và đen.
Tủ quý tộc Thuỵ Điển - nét đài các của chiếc tủ theo phong cách quý tộc Thuỵ Điển được điểm thêm những “dấu vết của thời gian” nhằm đưa ta về một miền hoài niệm đã xa. Tủ được sơn và chạm khắc giả cổ hoàn toàn bằng tay. Trông cổ điển là thế nhưng chiếc tủ này có thể sử dụng rất linh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Mặt tủ có thể đặt tivi, tranh ảnh. Các kệ trống ở trung tâm dùng để chứa đầu đĩa, CD, sách báo và đồ trang trí. Và bạn có thể cất giữ ly tách hoặc những món đồ khác trong các ngăn tủ phụ đặt đối xứng hai bên.
Bàn Mezzanine - nhìn vào chiếc bàn Mezzanine ta có thể nghĩ ngay đến một bancông lộng gió với hàng lan can xinh xắn bao quanh. Mezzanine thể hiện rõ nét tâm hồn phong phú của Bunny Williams. Thân bàn sơn màu kem điểm xuyết những nốt chấm phá giả cổ và mặt bàn màu vân cẩm thạch gợi phong cách đồng quê dịu dàng.
Ghế star một trong số tác phẩm “ngôi sao” của Williams chính là ghế star. Trông như chiếc ngai vàng nhỏ dành cho chủ nhân, chiếc ghế sành điệu mang cảm hứng hoàng gia này có khung sơn trắng với những đường viền mạ vàng nổi bật.
Tủ trưng bày - sau khi thất bại trong nhiệm vụ tìm kiếm khuôn mẫu bất tử cho thể loại tủ trưng bày, Bunny Williams đã thiết kế chiếc tủ ấm áp này. Được truyền cảm hứng từ những chiếc tủ đựng sách của người Ý, bà đã đem đến một chiếc tủ mới có vẻ ngoài hết sức truyền thống, từ “bộ ba” ngăn tủ bằng nhau cho đến tay nắm tròn xoe và màu gỗ Walnut đậm đà. Chiếc tủ giống như một lời chúc phúc, một biểu tượng cổ xưa đem lại sự yên bình và những điềm lành cho gia đình của bạn.
Bàn nước Porter - có mặt bàn hình tam giác đặt trên ba chân bàn được trang trí hoa văn như những đường đăng ten trên làn váy của những cô gái Ấn. Bunny Williams chia sẻ rằng những điệu nhảy theo phong cách rumba sôi động đã đem đến cho bà ý tưởng thực hiện chiếc bàn này.
Ghế Helena - là một chiếc ghế có hình dáng cổ điển được Bunny Williams yêu thích nhất. Lưng ghế làm bằng các sợi da màu caramel được đan đơn giản mà cuốn hút khi kết hợp với nệm ghế da cùng màu và khung ghế uốn cong yêu kiều. Được đặt theo tên của người đẹp gây ra cuộc chiến thành Troy, chiếc ghế ẩn chứa sức quyến rũ vô hạn. Và có một điều chắc chắn là, cho dù đặt ghế vào bối cảnh Hy Lạp cổ đại hay khung cảnh cuộc sống hiện đại thì Helena vẫn luôn toả sáng.
Tray chic Ottoman - một giải pháp hoàn hảo giúp phòng khách của bạn biến thành phòng thư giãn ngay tức khắc đó chính là Tray Chic Ottoman. Với chiếc khay đặt ở vị trí trung tâm có thể tháo lắp, Tray Chic Ottoman vừa là bàn nước vừa có thể đóng vai trò một chiếc ghế đệm êm ái. Không chỉ đa năng, chiếc ghế này còn đem đến vẻ thanh lịch cho không gian xung quanh nó nhờ vào “ngoại hình” sang trọng với các chi tiết thắt nút tỉ mỉ đến từng đường kim mũi chỉ trên nệm ghế, đinh tán trang trí bao quanh, chân ghế chạm tay, khay di động làm bằng gỗ gụ, rập nổi trên mặt khay là các hoạ tiết giả da.
Bàn Unicorn - được đặt tên là Unicorn (kỳ lân), chiếc bàn là một sự chuyển thể khéo léo, đưa trí tưởng tượng chạm đất rồi bước vào đời thực. Mặt bàn rộng màu gỗ walnut sáng, có thể dùng làm bàn họp hoặc bàn ăn tối đều phù hợp. Bốn chân bàn thiết kế theo hình vặn xoắn và thuôn dần từ trên xuống trông giống như những chiếc sừng kỳ lân. Tuyệt tác này được Bunny Williams kỳ công chế tạo để thay bà nói lên niềm tin vững chắc vào những kết thúc có hậu trong những câu chuyện cổ.
Tủ OLYMPIa ÉTAGÈRE - tủ sách năm tầng mang tên Olympia Étagère được sơn phết hoàn toàn bằng tay. Kết hợp ba màu sắc nổi bật: màu đen tuyền bao phủ bên ngoài, đỏ tươi ở mặt trong và các lá vàng sáng choang viền xung quanh mỗi tầng.
Cận cảnh các chi tiết nhỏ nhưng "đắt giá" như tay nắm màu vàng kim loại sáng và các nét cắt sắc sảo trên thân bàn. Ngăn kéo chia làm ba ngăn để chủ nhân có thể lưu trữ vật dụng một cách khoa học (ảnh trái) / Mặt bàn và các chi tiết thiết kế sáng tạo (ảnh phải).
Bàn đầu giường Bamboo - thời trang và thực dụng, bàn đầu giường Bamboo có hai ngăn kéo đặt cách xa nhau để có khoảng không cho bạn đặt những quyển sách yêu thích. Chân bàn chạm khắc hình đốt tre thanh mảnh. Thân bàn màu đen để làm nổi bật các ngăn kéo màu ngà cùng tay nắm và đế chân kim loại sáng loáng.
Bàn Harvest nổi lên trên sàn nhà như bông hoa nở rộ từ đất mẹ. Chân bàn trông mảnh mai là thế nhưng thực chất rất cứng cáp đủ để sử dụng trong sảnh lớn hoặc phòng bếp của một đại gia đình. Mặt bàn làm bằng gỗ sồi, đặt trên chân bàn là những ống sắt tạo hình một bó hoa.
Ghế Eclipse, một trong những sản phẩm để lại dấu ấn của Bunny Williams trong lòng công chúng. Chiếc ghế trang nhã này sẽ trông tuyệt hơn khi đặt bên cạnh bàn trang điểm hoặc bàn tiệc. Lưng ghế hình oval và những chiếc chân ghế được chăm chút đến từng chi tiết.
Là người đồng sáng lập thô mộc nhưng không đơn giản, chiếc ghế Lady Slipper là một bổ sung hoàn hảo cho phòng khách của bạn.
Ngăn kéo của bàn cũng được chia nhỏ thành nhiều ngăn riêng biệt để chủ nhân sắp xếp vật dụng làm việc hợp lý (ảnh trái) / Tủ có hai màu: màu gỗ tự nhiên và đen tuyền (ảnh phải)
Bàn “Work Horse Desk” - mang cảm hứng của thế kỷ 20, bàn “Work Horse Desk” được thiết kế thuận tiện cho những người làm việc trong ngành thiết kế – kiến trúc. Mặt bàn tối giản đến tối đa với một phía chếch nghiêng nhằm tạo không gian thoải mái và bệ đỡ cho những bản vẽ đồ án lớn.
Một chiếc tủ trông rất đĩnh đạc và “đỏm dáng” với hai hàng nút tròn ở hai bên.
Kệ, một sản phẩm cá tính khác từ Bunny Williams: Twist Étagère. Kệ làm bằng gỗ sồi với bốn thanh chống được chạm khắc vặn xoắn như cuộn dây thừng. Sản phẩm duyên dáng này có thể dễ dàng thu hút bất cứ ai ở trong bất cứ bối cảnh nào, dù là một ngôi nhà ở thành thị hay vùng đồng quê thanh bình.
Bàn càphê thấp theo phong cách đồng quê. Bàn được thiết kế kèm với bốn giỏ đan để cất giữ ấm tách, điều khiển tivi, hoặc đồ chơi cho trẻ.
Bàn Palladian Partner - tâm đắc với những thành quả của kiến trúc sư Palladio của thời kỳ Tân cổ điển, Bunny Williams đã thiết kế chiếc bàn làm việc mang tên Palladian Partner để tưởng nhớ đến ông cũng như một trào lưu thiết kế đã từng rất nổi tiếng. Bàn có những chi tiết mang đậm chất của kiến trúc Palladian của châu Âu như chân bàn hình cột trụ. Khi nhìn nghiêng, chân bàn tiếp giáp với mặt bàn tạo thành mái vòm – một hình ảnh thu nhỏ của mặt tiền dinh thự trong kiến trúc Palladian. Đưa chính các biểu tượng kiến trúc vào sản phẩm nội thất đặt trong ngôi nhà quả là thế mạnh khó ai bì kịp với Bunny Williams.
Bàn “Mini Skirt” là một chiếc váy ngắn đang được các cô gái trẻ ưa chuộng? Không phải đâu, ở trường hợp này thì “Mini Skirt” là tên của chiếc bàn ấn tượng đóng mác Bunny Williams. Nói về tác phẩm tuyệt vời này, Bunny Williams chỉ có đôi lời đơn giản: “Một sản phẩm thời trang cho căn phòng yêu thích của bạn”. Những điều thú vị còn lại thì bạn hãy tự mình khám phá.
Thanh Thủy (KT&ĐS)
- Andrée Putman: quý cô người Pháp đa tài
- Alexa Hampton - nhà thiết kế nữ hàng đầu nước Mỹ
- Triển lãm "Nhà Tây biến hình"
- Isamu Noguchi: “Mọi thứ đều là tác phẩm chạm khắc”
- Triển lãm ảnh: "Thành phố - hình thành và lụi tàn"
- Nghệ sĩ Vincent J.F Huang: Sắp đặt về một quốc đảo sắp chìm!
- Triển lãm “Khu vườn mùa đông - Nghệ thuật Micropop đương đại Nhật Bản"
- Soho - cái nôi của không gian phá cách
- Hà Mạnh Thắng với “Thiên đường là chốn…”
- Một tỉ USD cho The Met