Nghệ thuật đường phố xuất phát từ phương Tây, liên quan chặt chẽ với nền văn hoá đô thị, thể hiện sự phá cách của nghệ sĩ. Tuy nhiên khi đến Việt Nam, nó mang đến sự kết nối – đó là nhận xét của nghệ sĩ Nguyễn Như Huy, giám tuyển nghệ thuật đương đại về dự án tranh vẽ đường phố “Việt Nam” vừa được hai hoạ sĩ trẻ Việt Nam và Pháp thực hiện.
Trong hơn hai tháng cuối năm 2013, Phan Minh Tuấn (Lair Ben) và Sébastien Szczyrk (Sautel Cago) đã đi dọc Việt Nam, cùng nhau vẽ các bức tranh trên tường nhà, tường thành, bờ đê, thậm chí bàn ghế của quán càphê.
Tác phẩm ở Hải Phòng.
Bằng tàu, xe buýt và xe máy đi suốt hành trình, từ Sa Pa – Hải Phòng – Hà Nội – Huế – Đà Lạt – TP.HCM – Đồng Tháp đến Cà Mau, hai nghệ sĩ trẻ đã “du lịch bụi” và vẽ những gì họ cảm nhận về cuộc sống thường ngày của người Việt. Đó không phải là những bức vẽ để trưng bày tại các phòng triển lãm mà là những bức vẽ ở ngay trong khu dân cư hoặc trên đường phố đông người qua lại, rất gần gũi với công chúng, dù tuổi thọ của tranh có thể chỉ vài ngày.
Tuy nhiên, việc vẽ ngoài đường phố tại Việt Nam không được chào đón. “Vẽ trên đường phố ở Việt Nam không dễ, trừ những ngôi nhà hoang ở xa thành thị. Tất nhiên là các bức vẽ trong dự án lần này, chúng tôi đều được cho phép. Nhưng nhiều lần chúng tôi phải bỏ dở bức vẽ và sơn lại tường trắng vì dù đã được chủ nhà cho phép nhưng cán bộ địa phương lại đến ngăn cản! Cũng chính vì sự khó khăn đó mà chúng tôi càng muốn thực hiện các tác phẩm của mình. Mọi sự bắt đầu sẽ không dễ dàng cho đến khi mọi người hiểu và đón nhận nghệ thuật này”, Sébastien thổ lộ.
Hành trình đã mang cho hai nghệ sĩ trẻ sự nối kết mạnh mẽ với nghệ sĩ từ các vùng miền. Ở mỗi nơi họ đến, họ chia sẻ, trao đổi và cùng vẽ với các nghệ sĩ địa phương. Họ tìm thấy sự kết nối giữa chủ đề trong đời sống với nghệ thuật, kết nối văn hoá các vùng miền, tạo cái nhìn mới cho nghệ sĩ, kết nối các thành phố ở Việt Nam với một loại hình nghệ thuật đương đại từ phương Tây. Và tất cả đều được thể hiện bằng ngôn ngữ chung là hình vẽ.
Tác phẩm ở Đà Lạt (trái), Cà Mau (phải).
Hiểu được bản chất của các bức vẽ đường phố thường không còn là sở hữu riêng sau khi hoàn tất, các hoạ sĩ phần lớn chuyển tải suy nghĩ và cảm nhận của họ vào bức hoạ, sự nối kết với nhau trong quá trình thực hiện. Vì khi bức hoạ hoàn tất, nó hoàn toàn thuộc về công chúng và do công chúng đón nhận hoặc khước từ. “Chuyến đi mang lại cho tôi sự tự tin tiếp tục theo đuổi dòng nghệ thuật đường phố dù có nhiều khó khăn. Người dân nơi chúng tôi đến đón nhận “món” nghệ thuật mới này khá cởi mở, có người còn chủ động kêu chúng tôi đến vẽ trên bức tường nhà họ. Rất nhiều người tỏ ra thích loại tranh vẽ tường trên đường phố này, đặc biệt tại Huế”, Tuấn phấn khởi cho biết.
Thế hệ nghệ sĩ đường phố Việt Nam thứ nhất hoạt động mạnh mẽ vào khoảng 2003 – 2004, khi đó họ coi hoạt động này như một trò chơi thể hiện phong cách cá nhân. Tuấn (23 tuổi) và khoảng 30 nghệ sĩ đường phố hiện nay tại Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai. Phần lớn thế hệ này coi nghệ thuật đường phố là niềm đam mê có đầu tư, chọn thành hướng đi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại thành phố, hoạt động của các hoạ sĩ khá kín đáo, chỉ tập trung ở một vài địa điểm ít thu hút sự chú ý của công chúng.
Trên thế giới, loại hình nghệ thuật này có thể biến một thành phố, một khu vực rộng lớn thành một tác phẩm nghệ thuật thị giác mới lạ thu hút du khách, như hình mắt người trên khu nhà ở một ngọn đồi tại Rio de Janeiro, Brazil của JR hay vẽ trên mái bảo tàng Branly ở Paris (Pháp) của Lena Nyadbi dành cho dân thích ngắm tranh từ... Google Earth.
Kim Dung
- Những thiết kế xanh lấy từ cảm hứng thiên nhiên
- Những tác phẩm đường phố độc đáo ở Pháp của OakOak
- Việt Nam dự triển lãm ảnh về môi trường Atkins CIWEM tại London
- Triển lãm “Cầu Long Biên - Cây cầu của Nghệ thuật”
- Singapore Biennale 2013: Sự trưởng thành của nghệ thuật đương đại Đông Nam Á
- Tác phẩm "Centennial chromagraph" tại trường đại học Minnesota (Mỹ)
- Nhà lang: lấy tro tàn hồi sinh ký ức
- Andrée Putman: quý cô người Pháp đa tài
- Alexa Hampton - nhà thiết kế nữ hàng đầu nước Mỹ
- Triển lãm "Nhà Tây biến hình"