Kể từ lần gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 11/2006 tại Sa Pa, xuất phát từ sáng kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phong trào hoạt động của giới kiến trúc sư trẻ đã bước đầu hình thành và phát triển. Sức thu hút của các kỳ với tên gọi ban đầu là “Hội trại kiến trúc sư trẻ” (camp), sau này đổi tên thành “Liên hoan kiến trúc sư trẻ toàn quốc” (festival) đã tăng dần, từ Sa Pa lần 1 với sự tham gia của 200 Kiến trúc sư (KTS), Đà Nẵng lần 2 (2007) – 250 KTS, Buôn Ma Thuột lần 3 (2009) – 350 KTS, Cần Thơ lần 4 (2011) – 500 KTS, Quảng Trị lần 5 (2013) – 600 KTS, Thanh Hóa lần 6 (2015) gần 1000 KTS, Thái Nguyên lần 7 (2017) - 1200 KTS, và năm nay Bà Rịa - Vũng Tàu (lần 8) sẽ đón 1500 KTS tham gia.
Không chỉ phát triển về số lượng, các hoạt động thiết thực phong phú của giới kiến trúc sư trẻ mỗi kỳ liên hoan như giao lưu gặp gỡ, hội thảo nghề nghiệp, triển lãm kiến trúc, workshop, thăm quan du lịch, đêm gala, làm từ thiện… đã thu hút đông đảo anh em đồng nghiệp cùng tham gia. Nhiều ý tưởng mới, nhiều gương mặt kiến trúc sư trẻ đã được phát hiện, giao lưu cọ xát chuyên môn cùng phát triển… Trong giai đoạn 12 năm 2006 – 2018, qua mỗi kỳ liên hoan, điểm lại tác giả tác phẩm kiến trúc nước nhà lại mang nhiều hơn nữa dấu ấn các kiến trúc sư trẻ. Thống kê ở các kỳ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia các năm 2014 – 2016 – 2018, sự xuất hiện của lực lượng các tác giả trẻ dưới 45 tuổi tham gia và đạt giải lên đến 65 – 75% các tác phẩm tham dự. Điều này cho thấy sự trưởng thành thật sự, đang gánh vác và thể hiện cụ thể trong diện mạo đời sống kiến trúc nước nhà của lực lượng trẻ.
Cùng với sự phát triển sân chơi đỉnh cao cả nước, phong trào kiến trúc sư trẻ các tỉnh thành đã phát triển mạnh mẽ với trên 30 Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ các địa phương, viện vụ, trường đại học,… ra đời và sinh hoạt thường xuyên. Điểm qua hệ thống Kiến trúc sư trẻ Việt Nam trên toàn quốc, các câu lạc bộ KTS trẻ đã chính thức hình thành như: Cần Thơ, Long An, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, ĐakLak, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, A+G, Đại Học kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, VNCC, DCCD, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc,…
Hệ thống câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ vùng miền cũng bắt đầu hình thành, với sự ra đời đầu tiên của CLB Kiến trúc sư Trẻ Bắc Trung Bộ. Các CLB dự kiến ra đời trong giai đoạn 2020 gồm có CLB KTS Trẻ Miền núi phía Bắc (Việt Bắc và Tây Bắc), CLB KTS Trẻ Đồng bằng sông Cửu Long, CLB KTS Trẻ Tây Nguyên, CLB KTS Trẻ Nam Trung Bộ.
Phong trào Kiến trúc sư trẻ Việt Nam đem lại những giá trị gì?
Tại cuộc gặp gỡ Sa Pa tháng 10/2016 – Kỷ niệm 10 năm phong trào kiến trúc sư trẻ, những tọa đàm thảo luận đã phân tích và thống nhất nhận định: “Phong trào KTS trẻ VN đem lại những lợi ích to lớn, trước hết cho chính những kiến trúc sư trẻ, những chủ thể đóng góp và xây dựng phong trào này, họ đến với sân chơi nghề nghiệp, tại đây họ cho đi và cũng nhận lại rất nhiều các giá trị, giúp các KTS trẻ trưởng thành hơn trong sự nghiệp.”
ĐỒNG CẢM – CHIA SẺ – KẾT NỐI
TÌM TÒI – DẤN THÂN – THĂNG HOA
TRƯỞNG THÀNH – PHỤNG SỰ – LÀM CHỦ
Cái tựu chung lại, họ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và ngày một tham gia tích cực trong sự phát triển nghề nghiệp cũng như đóng góp cho việc xây dựng phát triển đất nước một cách hiệu quả và thiết thực trên chính những giá trị nghề nghiệp đáng trân trọng.
Những tồn tại
Bên cạnh những giá trị và thành tựu đạt được, giới kiến trúc sư trẻ VN cũng gặp rất nhiều vấn đề cần đối mặt và giải quyết:
- Sự phát triển không đồng đều của các lực lượng kiến trúc sư trẻ các địa phương, sự chênh lệch trình độ và cơ hội học tập phát triển, hội nhập giữa Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và các khu vực tỉnh thành khác.
- Tình trạng dư thừa lao động kiến trúc về số lượng nhưng chất lượng lại thấp làm thị trường nguồn nhân lực không bền vững.
- Trình độ ngoại ngữ và hội nhập quốc tế còn kém, thiếu hụt lực lượng kiến trúc sư đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.
- Việc phân cấp các chứng chỉ hành nghề cá nhân, tổ chức nhiều thay đổi, cũng hạn chế năng lực tham gia các dự án lớn của các tổ chức thiết kế của giới KTS trẻ.
- Sự phân tán dàn trải manh mún các đơn vị làm nghề, dẫn đến thiếu hụt các đơn vị tư vấn hạt nhân mũi nhọn, đặc biệt tại khối các đơn vị tư vấn tư nhân.
- Sự bất bình đẳng trong giao dịch, khả năng bảo vệ tác quyền, bảo vệ chi trả chi phí thiết kế đúng đủ của chủ đầu tư với sáng tác của KTS vẫn còn tồn tại, dẫn đến tình trạng chán nản, thoái chí, bỏ nghề sớm gia tăng.
Mục tiêu và những cam kết trên con đường chọn lựa
Giai đoạn 2010 – 2020 con đường và định hướng đã chọn của CLB KTS Trẻ VN vẫn cơ bản không thay đổi, đó là:
“Dấn thân trong lĩnh vực nghề nghiệp, đoàn kết sức mạnh của giới KTS trẻ, nỗ lực chuyên nghiệp hóa, tăng cường năng lực làm nghề, chịu trách nhiệm và gánh vác những mục tiêu cao cả trong sự nghiệp phát triển đô thị và kiến trúc Việt Nam, đạt được những thành quả bước đầu của thời kỳ hội nhập mạnh mẽ cùng nền kiến trúc thế giới.”
Chương trình hoạt động dự kiến của CLB KTS Trẻ Việt Nam 2019 – 2020:
– Tháng 6/2019: Du lịch, tham quan, học tập, giao lưu KTS trẻ.
– Tháng 9/2019: Hội thảo, triển lãm kiến trúc tại TP. HCM
– Từ tháng 6/2019 – 4/2020: Ra mắt CLB KTS trẻ Vùng miền (Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Việt Bắc …)
– Từ tháng 9/2019 – 4/2020: Giải bóng đá KTS trẻ toàn quốc
KTS Nguyễn Thu Phong - Chủ nhiệm CLB Kiến trúc sư Trẻ Việt Nam
- Hai tạp chí AV và A+U giới thiệu chuyên đề các công trình của Võ Trọng Nghĩa
- "Về Huế": Kết nối & kiến trúc văn hóa
- Trao giải Cuộc thi Thiết kế Kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”
- Kiến trúc vị dân sinh
- Nguyễn Hoàng Mạnh - Người đưa resort vào nhà
- Triển lãm "Open Sky House" của MIA Design Studio
- Pritzker 2019: Arata Isozaki (Nhật Bản)
- Đón chờ 11 sự kiện kiến trúc nổi bật thế giới năm 2019
- "Quyện" - Gói bánh chưng và giao lưu cùng các Kiến trúc sư & Nghệ sĩ
- Công trình hai lớp học thân thiện môi trường tại Điểm trường Đao – Trường tiểu học số 2 xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai