Năm 2019, tạp chí kiến trúc Archdaily (Mỹ) công bố danh sách 11 công trình kiến trúc được nhiều người đọc nhất trong hành trình 11 năm của mình. Trong đó có 1 công trình thuộc về kiến trúc sư Việt Nam: Naman Retreat Pure Spa do MIA Design Studio của Nguyễn Hoàng Mạnh thiết kế.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh luôn hướng tới công trình xanh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhận thiết kế resort để không bán xe
"Resort là đam mê của tôi. Tôi muốn tạo sự thư giãn, thiền của con người. Triết lý đó mang vào nhà ở vẫn tốt." |
Thiết kế Naman Retreat Pure Spa của anh năm 2016 được giải thưởng kiến trúc quốc tế tại Venice (Ý) và bây giờ trong danh sách 11 công trình kiến trúc được nhiều người đọc nhất của tạp chí Archdaily. Anh có nhớ đơn hàng này đã đến với mình như thế nào không?
Năm 2015, tôi nhận thiết kế Naman Retreat Pure Spa rất tình cờ. Khi đó, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với một kiến trúc sư (KTS) nổi tiếng, nhưng anh ấy không làm họ thấy thỏa mãn. Qua một người bạn giới thiệu, tôi bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, tới thẳng địa điểm cần thiết kế. Lúc đó, xung quanh chưa có gì hết, chỉ là một bãi đất đang xây dựng...
Họ nói muốn thiết kế spa 15 phòng, phòng đó nằm ngay sát nhà hàng và bungalow. Rồi tôi nhận làm và cố gắng hoàn thành trong thời gian ngắn. Đó cũng là thời kỳ khủng hoảng của bất động sản. Chúng tôi đang “chết đói” vì không có việc, xe tôi cũng sắp bán để trả lương anh em trong công ty. Vì thế, tôi nhận việc rất nhanh, trong vòng 3 nốt nhạc. Tiền thiết kế khi đó đủ tôi nuôi được công ty 3 tháng.
Naman Retreat Pure Spa với xu hướng kiến trúc xanh
Nhiều người nói thiết kế của anh rất giống resort, kể cả nhà ở. Cách anh đưa tính chất resort vào thiết kế của mình thế nào?
- Resort là đam mê của tôi. Tôi muốn tạo sự thư giãn, thiền của con người. Triết lý đó mang vào nhà ở vẫn tốt cho con người nên tôi thiết kế gì cũng có xu hướng thoải mái thư giãn của một resort.
Tôi đưa không gian cây xanh, mặt nước vô nhà nhiều nhất có thể. Trong diện tích đất không đổi, làm không gian sống bên trong nhiều thì mất đi không gian cảnh quan. Không gian cây xanh, mặt nước làm cho thư thái, thoải mái. Dù ở nhà, ở resort hay khách sạn, với khí hậu nhiệt đới của VN, yếu tố cây xanh, mặt nước cần xem xét kết hợp công trình kiến trúc.
Nhà nước dẫn dắt thiết kế đô thị
Đô thị ở VN đang có ô nhiễm tầm nhìn. Anh nhìn nhận thế nào về ô nhiễm tầm nhìn ở VN trong thiết kế kiến trúc và đô thị?
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (49 tuổi), tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc tại Trường Katholieke Universiteit Leuven, Bỉ. Từ 2003 đến nay, anh Mạnh là đồng sáng lập, CEO và KTS chủ trì của Công ty MIA Design Studio. Anh theo đuổi tiêu chí thiết kế “Xây dựng bản sắc riêng cho kiến trúc VN của thế kỷ 21 trong thời hội nhập với thế giới”. Anh đã nhận giải thưởng kiến trúc châu Á năm 2015, giải thưởng KTS tiêu biểu VN 2018… Một số công trình nổi bật của KTS Mạnh: Naman Retreat Pure Spa (Đà Nẵng); Nhà Hộc Kéo (Vũng Tàu); Louvers House, MIA Office (TP.HCM); Wyndham Garden (Phú Quốc)... |
- Ô nhiễm tầm nhìn không phải chỉ ở VN, các nước đang phát triển khác cũng vậy. Do cách của quy hoạch nên không có tương đồng trong tổ chức không gian đô thị. Vì nhà nước chỉ quản lý chứ không đứng ra làm, do đó mỗi chủ đầu tư cá nhân lại có một giấc mơ riêng về dự án phát triển trên miếng đất của mình. Cho nên, người ta cũng không nhìn được hướng về tổng thể và vai trò quản lý cũng chỉ dừng lại ở mật độ, tầm cao, hệ số sử dụng đất và dân số chứ không quan tâm nhiều tới hình ảnh đô thị như vậy. Khi mà nhà lên san sát xung quanh thì đúng là rác.
Vậy có cách nào xử lý?
- Ở Singapore, nhà nước quản lý, xây dựng nhà. Đương nhiên, khi nhà nước xây thì nhà nước quy hoạch. Nói chung, nhà nước thực sự xây hết rồi bán lại cho người sử dụng cuối cùng.
Khi làm được như vậy thì mọi vấn đề quy hoạch rất rõ ràng. Chỗ nào là khu cao tầng, thấp tầng, trung tâm tài chính văn phòng, khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… đều rõ. Khi nhà nước thực sự đứng ra làm tốt, để làm một đô thị rất rõ ràng mạch lạc, công năng theo đúng nghĩa của nó.
Quay lại chuyện để gần nhất với thiên nhiên, anh đánh giá xu hướng kiến trúc xanh ở VN như thế nào? Chúng ta thực sự đã làm được kiến trúc xanh chưa hay mới làm trang trí bên ngoài ra vẻ xanh thôi?
- Cả chủ đầu tư và KTS hiện đều muốn làm kiến trúc xanh. Chủ đầu tư có quyền lợi là quảng bá hình ảnh dự án của mình nên cũng đang từng bước nhận thức ra. Còn bên KTS cũng đang có từng bước cố gắng để thấy, tạo ra các công trình xanh… Ở góc độ tích cực, khi bước đầu đưa cây xanh, mặt nước vào công trình sẽ tốt hơn so với chỉ có bê tông không. Bên cạnh đó, VN ngày càng ý thức được việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cho công trình. Mình dùng vật liệu xanh, các thiết bị ít tiêu thụ năng lượng nhất có thể. Đó là bước tiếp theo.
Một dự án bất động sản có mặt nước và cây nhiều, vật liệu thân thiện… thì chắc chắn giá sẽ cao. Như vậy, có phải là sẽ chia kiến trúc thành 2 loại: loại cho người giàu và loại cho người nghèo?
- Nếu nói kiến trúc cho người giàu và người nghèo thì phải nói đến cách nhìn của chủ đầu tư và KTS. Ví dụ, tôi thấy KTS Nguyễn Hòa Hiệp làm những căn nhà có 1 - 3 tỉ đồng thôi. Nhà dùng vật liệu đơn giản nhưng trông còn “giàu có” hơn nhiều so với những lâu đài bỏ ra hàng trăm tỉ mà vẫn “nghèo”. Giàu nghèo không nên so sánh hệ quy chiếu tiền bỏ ra. Giàu nghèo ở đây phải so sánh hệ trí thức của họ, hiểu về kiến trúc như thế nào. Vai trò của KTS là giúp khách hàng nhận thức được việc đó, kiến thức xã hội của họ phải thay đổi.
Không gian của kiến trúc đẹp và giàu là không gian tốt. Có người nói, nhà to, xây nhiều tiền như vậy là nhà rất giàu. Nhưng thực sự với tôi điều đó không đúng. Nhiều khi có những ngôi nhà rất to nhưng trong nhà có những khu vực mà không bao giờ người ta tới. Nhà chỉ để khoe, thay vì xây phòng to như vậy thì nên làm nhỏ lại và đưa diện tích sân vườn, cây xanh, mặt nước vào. Như thế vừa cải thiện nhiệt độ vừa giao lưu với bên ngoài.
Theo anh, các KTS VN hiện tại đã thiết kế tốt chưa?
- Có những KTS trong nước làm việc rất tốt, họ làm tác phẩm ra thế giới mà tiền xây dựng cũng chỉ 1 - 2 tỉ đồng đổ lại. Chẳng hạn, những kiến trúc bằng gạch thô. Đâu phải cứ nhiều tiền mới làm được công trình tốt. Quan trọng là mình thấy được có những KTS và chủ đầu tư thông minh, mặc dù chi phí rất hạn chế vẫn làm ra được tác phẩm tốt. 10 năm trước, tôi không dám nói vậy, nhưng giờ có thể thấy rõ các công trình đã ra rồi, mình có thể định vị lại, nhìn nhận lại về kiến trúc VN, xem 6 - 7 năm nay KTS VN đã làm được cái gì.
Kiến trúc Việt đã có tiếng nói
Vậy cụ thể KTS VN làm được gì?
- Thứ nhất, KTS VN đã tự tin hơn về việc khẳng định tên tuổi, có xu hướng kiến trúc riêng với thế giới. Nhiều năm, ta chỉ có giải thưởng kiến trúc quốc gia trong nước mà không đi ra ngoài. Nhưng khi đã ra ngoài thì càng đi càng tự tin. Tự tin không phải vì giải thưởng mà vì mình được củng cố đam mê, tự tin và động viên của xã hội để KTS làm việc tốt hơn. Thứ hai là khi không cọ xát với bên ngoài thì mình không hiểu mình đang ở đâu để cố gắng. Gần đây, những tác phẩm của KTS khẳng định lớp này qua lớp khác. Tôi đi thuyết trình, người ta cũng luôn nhắc tới dấu ấn của KTS Việt đã làm được gì và sự đánh thức nổi trội như thế nào. Trước mình có thể cũng có mà chưa đưa ra. Nhưng giờ đó là động lực để đi tiếp.
Anh cũng tham dự nhiều diễn đàn kiến trúc. Vấn đề nổi trội của châu Á là gì?
- Có 2 vấn đề của châu Á. Quan trọng nhất là thời tiết và khí hậu của nơi công trình sẽ được xây. Thứ nữa là người ta nói về văn hóa, tính dân tộc trong kiến trúc. Công trình của tôi ở VN là VN chứ không phải mang công trình Nhật về… Người ta luôn tìm kiếm cái hay của tiền bối thuật kiến trúc, nhưng lại ứng dụng vào kiến trúc bản địa.
Nhiều khu du lịch lớn sẽ mang về các kiến trúc từ châu Âu chẳng hạn. Họ tự hào về việc đó, quảng bá bằng việc đó, và người dân đến xem cũng vì điều đó. Anh nghĩ như thế nào về ý thức thẩm mỹ ấy?
- Nhận thức thẩm mỹ về kiến trúc, âm nhạc, hội họa nói chung cũng cần quá trình chứ không phải muốn mà làm ngay được. Những nhận thức theo chủ đầu tư là sang trọng, xa hoa theo lối châu Âu cổ kính, cung đình thì hết sức sai lầm. Vì bản chất của kiến trúc là sự sáng tạo, mà sự sáng tạo là không phải copy lịch sử. Nếu KTS và chủ đầu tư nuông chiều người sử dụng có nhận thức thẩm mỹ thấp như vậy, thay vì thế, mình phải giới thiệu cái gì mới để người ta thấy, à ta đang sống trong thế kỷ này chứ không đi ngược ra trước nữa. Đấy cũng là trách nhiệm với cộng đồng.
Không có KTS giỏi, chỉ có chủ đầu tư thông minh. Anh có tuyển chủ đầu tư cho mình không?
- Tất nhiên, nếu một chủ đầu tư nói thiết kế một công trình giả cổ, tôi sẽ từ chối ngay lập tức và sẽ giải thích vì sao từ chối. Thứ hai, tác phẩm kiến trúc là tình yêu của người chủ với KTS. Có nghĩa là, KTS không thể làm được tác phẩm đẹp nếu không có dữ liệu đầu vào tốt của chủ đầu tư. Do đó, khi tiếp xúc với chủ đầu tư, tôi hỏi rất nhiều, về phong cách sống của họ. Hỏi về thói quen hằng ngày sinh hoạt, cách họ sử dụng công trình thế nào trong không gian đó. Song song đó, họ cũng đưa ra các yêu cầu. Ngay từ đầu mình cũng đề nghị họ giảm bớt yêu cầu vì khu đất có giới hạn, nên không thể chất quá nhiều thứ. Từ đó thấy ngay chủ đầu tư có hợp lý không, có lắng nghe tư vấn chuyên nghiệp của KTS không. Nếu mình thấy họ vui vẻ lắng nghe tiếp thu thì bước tiếp, còn không thì mình dừng ở nơi đó.
Tạo ra những công trình kiến trúc “chỉn chu” KTS Nguyễn Hoàng Mạnh luôn khát khao thiết kế và tạo ra những công trình kiến trúc “chỉn chu”, theo kịp xu hướng, hòa nhập với thế giới, thể hiện được những yếu tố mang tính bản địa. Tổ chức không gian của Nguyễn Hoàng Mạnh đặc trưng với khí hậu và văn hóa địa phương. Anh cũng có cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và khắt khe với bản thân cũng như những chủ đầu tư không phù hợp. -KTS Lê Việt Hà, Tổng biên tập tạp chí Ashui Xanh trong công trình là xu hướng rõ ràng và tất yếu Khái niệm bản địa rất hay, bao gồm 3 yếu tố: nơi chốn, con người, văn hóa chứ không chỉ thuần yếu tố hình ảnh mang màu sắc địa phương như nhiều người vẫn tưởng nhầm về khái niệm này. Các công trình của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh thoạt nhìn rất “phương Tây”, không khai thác nhiều chi tiết, họa tiết dân gian nhưng trong đó vẫn khai thác giá trị nơi chốn từ địa hình, phương hướng, vật liệu, khai thác yếu tố môi trường để kiến tạo vi khí hậu trong công trình. Nó cũng tôn trọng con người trong tỷ lệ không gian, chức năng công trình, hành vi sử dụng. Đó là tính bản địa mà tôi luôn thấy trong công trình của KTS này. -KTS Vương Đạo Hoàng |
Kiều Trinh thực hiện
(Thanh Niên)
- Liên danh LAVA+ASPECT Studio đoạt giải cao nhất cuộc thi ý tưởng thiết kế QHCT tỉ lệ 1/500 khu vực công viên 23 Tháng 9 (TPHCM)
- Hai tạp chí AV và A+U giới thiệu chuyên đề các công trình của Võ Trọng Nghĩa
- "Về Huế": Kết nối & kiến trúc văn hóa
- Trao giải Cuộc thi Thiết kế Kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”
- Kiến trúc vị dân sinh
- Phong trào CLB Kiến trúc sư Trẻ toàn quốc qua 8 lần tổ chức festival
- Triển lãm "Open Sky House" của MIA Design Studio
- Pritzker 2019: Arata Isozaki (Nhật Bản)
- Đón chờ 11 sự kiện kiến trúc nổi bật thế giới năm 2019
- "Quyện" - Gói bánh chưng và giao lưu cùng các Kiến trúc sư & Nghệ sĩ