LTS: Cuộc trò chuyện của Kiến trúc & Đời sống với KTS Nguyễn Hoàng Mạnh diễn ra ngay sau buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho hoạt động và tổ chức của “Hội đồng kiến trúc sư hành nghề” cùng bộ “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư”. Nội dung cuộc trò chuyện vì vậy cũng không ngoài chuyện làm nghề.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh - MIA Design Studio
Một kiến trúc sư đàn anh phát biểu trong tọa đàm vừa diễn ra ở Hội Kiến trúc sư TP.HCM đại ý phân biệt làm ăn và làm nghề với nhiều điều cần phải nói. Anh cũng đã từng nói “làm nghề chứ không kinh doanh nghề”. Xin anh hãy chia sẻ về hai chữ làm nghề?
- Bản chất công việc của kiến trúc sư là sáng tạo, trong quá trình sáng tạo, kiến trúc sư luôn phải có sự đấu tranh để có tác phẩm. Làm kiến trúc sư rất khác với họa sỹ. Họa sỹ ngồi trước giá vẽ và có thể một mình sáng tạo ra tác phẩm. Kiến trúc sư sáng tạo ra công trình nhưng không thể tự một mình quyết định được. Kinh phí xây dựng công trình do chủ đầu tư quyết định nên công trình kiến trúc phụ thuộc vào nhận thức của chủ đầu tư, vào trình độ năng lực, sự trải nghiệm của kiến trúc sư và cả bối cảnh xã hội nữa. Một công trình kiến trúc ra đời là sự tổng hợp của nhiều yếu tố và kiến trúc sư chỉ đóng một vai trò trong đó.
Tôi có trao đổi và tương tác với nhiều kiến trúc sư trong cũng như nước ngoài và thấy là ta luôn luôn có cùng một câu chuyện cho tất cả các kiến trúc sư trăn trở muốn làm nghề thực thụ ở trong nước cũng như thế giới. Tất nhiên là, ở Việt Nam thì có bối cảnh Việt Nam, trên thế giới thì có bối cảnh thế giới.
Để làm nghề thực thụ thì kiến trúc sư phải có mối quan hệ chặt chẽ với chủ đầu tư. Khó khăn đầu tiên là trong bối cảnh Việt Nam, trải nghiệm của nhiều chủ đầu tư, nhận thức chung về văn học nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, hội họa nói chung còn rất là mới, khi nói chuyện chuyên sâu, nếu kiến trúc sư không khéo léo chuyển tải được sáng tạo của mình thì công trình kiến trúc mà kiến trúc sư sáng tạo coi như không thể đi vào cuộc sống.
Khó khăn thứ hai là ở bối cảnh xã hội, kiến trúc sư làm gì cũng phải đặt trong điều kiện chung của kinh tế, xã hội, đất nước con người Việt Nam. Tôi thấy các chủ đầu tư là thế hệ thứ hai sau khi đất nước mở cửa là các bạn trẻ tiếp cận với thế giới qua internet hoặc tiếp cận trực tiếp khi du học nên có thế giới quan cập nhật với cái mới của thế giới, khi các kiến trúc sư trao đổi thì họ nắm rất chắc, đó là điều rất thuận lợi. Tôi nghĩ 5-10 năm nữa, thế hệ thứ hai sẽ tăng lên, tiếp nhận sự chuyển giao từ thế hệ thứ nhất thì kiến trúc Việt Nam còn có cơ hội phát triển nhanh hơn nữa.
Khó khăn thứ ba là tư duy quản lý của những người cầm cân nảy mực. Ở Việt Nam và thế giới cũng vậy, sự sáng tạo của kiến trúc sư ít nhiều bị ràng buộc bởi các luật lệ.
Việt Nam, Luật Kiến trúc vừa bắt đầu có hiệu lực, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng nhiều người nói có luật thì vẫn hơn…
- Chắc chắc là như vậy rồi, có luật thì vẫn hơn, luật là cơ sở tạo ra sân chơi minh bạch, rõ ràng. Nhưng cần có những yếu tố thực tiễn hơn, phù hợp với góc độ của kiến trúc sư hành nghề thì mới đi vào cuộc sống được. Luật đừng nên bắt kiến trúc sư phải làm thế này phải làm thế kia mà không đặt trong hệ quy chiếu của người hành nghề sáng tạo thì rất khó đi vào cuộc sống, khó cho mối tương quan đi vào hành nghề đóng góp cho xã hội.
“Sau khi đã làm được công trình tốt, kiến trúc sư nên chia sẻ để tạo cảm hứng cho chính mình và cho đồng nghiệp”
Là kiến trúc sư đã được nhiều chủ đầu tư giao cho những công trình lớn, vậy yếu tố tiên quyết để anh nhận công trình là gì?
- Quan điểm làm nghề của tôi là khi quyết định nhận một công trình, tôi tự hỏi, với công trình này mình sẽ được cái gì cho công việc trên hành trình trải nghiệm làm nghề của mình chứ không chỉ đơn giản là bản hợp đồng. Người làm nghề thực thụ sẽ khó có thể trở thành họa viên cho chủ đầu tư.
Khi chủ đầu tư đến với mình, mình phải tìm hiểu và làm việc rất kỹ với họ, lắng nghe ý kiến của họ, mình phải hiểu mong muốn của họ, chia sẻ với họ, tư vấn cho họ những yếu tố về chuyên môn. Đích cuối cùng của chủ đầu tư là sẽ có một công trình có thể sử dụng tốt nhất còn với kiến trúc sư thì có tác phẩm tốt, được thể hiện giấc mơ của mình, để mỗi ngày được làm nghề là thấy hạnh phúc. Có bậc đàn anh ví mối quan hệ này có tính chất giống như quan hệ vợ chồng, công trình hình thành cũng giống như đứa con được sinh ra, nó không thể chỉ là tác phẩm từ một phía, của một người.
Có một thực tế là có những kiến trúc sư chỉ nhận làm công việc chuyên môn, có kiến trúc sư sẵn sàng chìu chủ đầu tư để có hợp đồng, họ nhận chạy giấy phép, “binh” chỉ tiêu quy hoạch, nói cách khác là sẵn sàng làm việc ngoài việc chuyên môn để có việc chuyên môn. Trong giới cũng có ý kiến khác nhau về việc này, với anh thì sao?
Năng lực cốt lõi của kiến trúc sư là thiết kế kiến trúc. Nhưng một kiến trúc sư khi có bằng rồi thì anh ta cũng có thể làm bất cứ việc gì kể cả việc không liên quan đến kiến trúc nếu điều đó phù hợp với anh ta. Có người khi mới học nghề thì thích kiến trúc, nhưng khi học xong rồi họ lại có thể tìm thấy nghề khác, việc khác hấp dẫn hơn, phù hợp hơn thì người ta theo. Kiến trúc sư cũng có thể vẽ tranh, có thể quản lý thi công, làm sự kiện… và họ có thể rất thành công với công việc của họ. Tôi nghĩ điều này là bình thường. Có người học kiến trúc xong mới thấy đó không phải là nghề của họ. Tức là lấy xuất phát điểm là nghề kiến trúc nhưng thực tế kết quả về đam mê, trí tuệ, năng lực khác nhau thì có quá trình làm nghề khác nhau, việc đó là hết sức bình thường.
Công trình Sky House của MIA
Cảnh bên trong tầng áp mái công trình Sky House
Văn phòng MIA của anh có một bản thống kê các giải thưởng kiến trúc hết sức phong phú và ấn tượng. Xin anh chia sẻ góc nhìn về giải thưởng?
- Là một kiến trúc sư thực thụ thì cốt lõi đầu tiên là làm tốt việc sáng tạo. Cho dù anh có mang công trình của anh đi dự thi hay không dự thi thì tác phẩm của anh phải tốt về chuyên môn, phải đi vào cuộc sống tức là được sử dụng tốt, đáp ứng đòi hỏi và nhu cầu của chủ đầu tư.
Nhưng sau khi làm xong thì kiến trúc sư nên chia sẻ để tạo cảm hứng cho chính mình và cho đồng nghiệp cả trong nước và trên thế giới. Giải thưởng là công đoạn tiếp theo của công trình. Mỗi giải thưởng có một ban giám khảo khác nhau với hệ tiêu chí khác nhau. Nếu anh không tốt thì không được công nhận. Nếu anh làm tốt và anh tự tin dự thi, có giải thưởng là được giới chuyên môn trong nước và thế giới công nhận. Mình không mua giải thưởng, mình cũng không vì giải thưởng mà đánh đổi các tiêu chí khác. Mình cũng không đi nhậu hoặc chung chi cho khách hàng để có được công trình. Như vậy việc dự thi và tham gia để được chọn trao thưởng hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, vậy tại sao ta không làm?
Việc có ý kiến trái chiều về công việc, công trình của mình là bình thường. Có thể kiến trúc sư này thích, kiến trúc sư khác không thích cũng là bình thường, không có gì phải lo lắng. Việc mình làm mà có nhiều ý kiến khác nhau thì người làm có thể ghi nhận, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để làm cái sau tốt hơn. Khi mình càng chia sẻ nhiều thì càng học được nhiều và cũng thêm nhiều người biết đến mình trong đó có khách hàng và kiến trúc sư lại sẽ có cơ hội trải nghiệm.
Trong môi trường mở cửa như hiện nay, rất nhiều đơn vị tư vấn và thiết kế kiến trúc nước ngoài đã vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt hơn. Có ý kiến cho rằng mở cửa là tốt nhưng cũng có ý kiến nói rằng cạnh tranh đang không cân sức cho kiến trúc sư Việt Nam. Quan điểm của anh về vấn đề này?
- Tôi thích câu hỏi này. Thị trường kiến trúc Việt Nam mới phát triển khoảng 10-15 năm nay và tôi nghĩ hiện nay đang là một sân chơi khá sòng phẳng, nó mang cơ hội đến cho mọi người. Các chủ đầu tư có quyền lựa chọn kiến trúc cho nhu cầu của mình. Dưới góc độ sáng tạo, cơ hội ra đời của tác phẩm là công bằng, sản phẩm có thể đến từ kiến trúc sư có bề dày của Việt Nam hoặc nước ngoài. Sân chơi này là sòng phẳng, kiến trúc sư nước ngoài càng đến đây nhiều thì kiến trúc sư Việt Nam càng có nhiều cơ hội học hỏi.
Thực tế, từ khi mở cửa, các kiến trúc sư Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều. Với loại hình có nhu cầu rất lớn trên thị trường là nhà ở, các kiến trúc sư Việt Nam đang làm tốt và có sự đánh giá cao từ cộng đồng kiến trúc sư nước ngoài. Kiến trúc sư Việt Nam cần cọ xát nhiều hơn ở các thể loại công trình khác.
Tôi nghĩ, đã gọi là sáng tạo là phải tạo ra cái mới. Trong làm ăn kinh tế hay bất cứ ngành nghề nào khác cũng đều cần sự sáng tạo và sự sáng tạo là quá trình diễn ra liên tục. Kiến trúc cũng không nằm ngoài quy luật này. Ngay ngày hôm nay, một công trình có thể được đánh giá là tốt nhưng ngày mai có thể có cái khác tốt hơn. Khi mình đứng lại đồng nghĩa là thụt lùi.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh sinh năm 1970 tại Lạng Sơn, thời học phổ thông sống tại Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 2017: Năm 2019: |
Phương Hưng thực hiện - Ảnh: MIA cung cấp
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống, số 173)
- Việt Nam đang phát triển đô thị thông minh ở mức độ nào?
- Cổng làng và sự biến dịch văn hóa
- Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều nhìn từ dự án lấn biển Cần Giờ
- Chính quyền đô thị tại TP.HCM từ 2021: Đề xuất đạo luật về dân chủ cộng đồng
- Nghệ sĩ Ưu Đàm: “Chúng ta thường không đánh giá đúng sức mạnh cá nhân”
- Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với điều "đáng sợ hơn cả Covid-19"
- Hà Nội triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị trong nhiệm kỳ tới
- Khoảng trống quản lý đất công
- Ba lợi thế của thành phố Thủ Đức
- Đừng để "thành phố Thủ Đức" lặp lại vết xe đổ Thủ Thiêm