Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Nghệ sĩ Ưu Đàm: “Chúng ta thường không đánh giá đúng sức mạnh cá nhân”

Nghệ sĩ Ưu Đàm: “Chúng ta thường không đánh giá đúng sức mạnh cá nhân”

Viết email In

"...Nếu 85 triệu người mỗi ngày dùng lại một cái ly nhựa thì sẽ có 85 triệu miếng nhựa không bị thải ra môi trường. Nếu 85 triệu người lượm một miếng rác cạnh mình thì mỗi ngày sẽ có 85 triệu mảnh rác được dọn đi, và khi 85 triệu người nói không với một nhãn hàng hay một công ty làm hại môi trường, công ty đó sẽ phải đóng cửa. Khi sức mạnh cá nhân tạo thành sức mạnh cộng đồng, hành tinh này vẫn còn hy vọng" - Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm bộc bạch quan điểm.

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm từng được nhiều người biết đến với những tác phẩm nghệ thuật đương đại đầy sáng tạo như L2D, Rồng rắn lên, Time Boomerang… Các tác phẩm của anh đã và đang được triển lãm trang trọng ở nhiều bảo tàng cũng như các không gian nghệ thuật trên khắp thế giới. Khán giả không chỉ ngắm nhìn và suy ngẫm về những thông điệp toàn cầu, không giới hạn ở biên độ nào của tác phẩm mà còn có thể tương tác cùng.

Anh “rủ rê” mọi người cùng đi những đôi dép lào để lan tỏa thông điệp không xả rác tại các bãi biển hay đồi cát, cùng trưng bày tại “Gallery nhỏ nhất” thế giới (một phần trong tác phẩm Thánh Gióng đang được triển lãm cùng các nghệ sĩ khác tại Phúc Tân – Hà Nội) hay cùng đập bể bản đồ thế giới bằng thạch cao để suy nghĩ về hành động chiếm hữu và bảo vệ thế giới đồng thời cảm nhận được sự mạnh mẽ của mình trong tác phẩm Time Boomerang

Cuối tháng 11 vừa qua, anh đã giới thiệu với công chúng tác phẩm Eco-Đi và đoạt giải The Best Conceptual Prize (giải đặc biệt về ý niệm) trong Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020.


Nghệ sĩ Ưu Đàm và những đôi dép Eco-Đi.

Lan toả thông điệp tôn trọng thiên nhiên

Sau thành công của Rồng rắn lên… là sự ra đời của Eco-Đi - một tác phẩm tiếp theo mang thông điệp về môi trường của anh. Phải chăng những vấn đề về môi trường ngày càng thôi thúc anh sáng tác?

- Eco-Đi là một câu trả lời bằng nghệ thuật của tôi cho vấn đề môi trường. Bản thân tôi rất quan tâm đến sự huỷ diệt thiên nhiên đến từ con người nhưng khi tôi làm các tác phẩm đầu tiên, chủ đề này chưa chiếm vai trò trọng tâm, cho tới khi tác phẩm Rồng rắn lên… ra đời mà ở đó hình ảnh các Thánh Gióng chiến đấu với độc chất do chính mình tạo ra mang ý nghĩa quan trọng.

Có lẽ khi nêu ra một vấn đề, tự nhiên mình sẽ trăn trở với nó và muốn tiếp tục tìm cách giải quyết tối ưu, vì vậy Eco-Đi - một tiếng nói khác về môi trường đã được cất lên. Đến thời điểm này, tôi đã đưa Eco-Đi thử nghiệm thành công tại các bãi biển và đồi cát tại Việt Nam, Hong Kong và Los Angeles (Mỹ). Sang năm, chúng tôi sẽ sản xuất một số lượng lớn dép Eco-Đi và đưa đến khắp các bảo tàng trên thế giới, các cửa hàng và resort ven biển.

Tôi thích tính dễ lan truyền rộng rãi của Eco-Đi. Mỗi đôi dép mang thông điệp “Người đi giỏi không để lại dấu vết” bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh sẽ cùng chủ nhân đi đến một bờ biển mới, một châu lục khác, cứ thế thông điệp hãy tôn trọng thiên nhiên và không xả rác sẽ lan truyền khắp hành tinh.


Dấu chân Eco-Đi.

Điều gì khiến anh nảy ra ý tưởng khắc thông điệp muốn gửi gắm vào đế những đôi dép đi biển?

- Năm 2017, tôi nhận được lời mời tham gia Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Đương đại lưỡng niên của Thái Lan (Thailand Biennale) tại Krabi cho một tác phẩm mới. Ban tổ chức đưa tôi đến Krabi. Krabi rất đẹp, như là Hạ Long và Phan Thiết và Nha Trang cộng lại. Tôi không muốn đặt thêm tác phẩm nghệ thuật bình thường nào vào thiên đường này và nghĩ đến một tác phẩm không can thiệp bất cứ thứ gì vào bối cảnh này.

Tôi tìm một hướng đi mới, có tính lâu dài và muốn đưa một thông điệp đến với mọi người một cách nhẹ nhàng để giữ gìn hệ sinh thái biển quí giá. Nhìn các dấu chân và dấu dép trên cát biển, tôi nảy ra ý khắc lõm một câu của Lão Tử lên đế dép: Thiện hành vô triệt tích (“Giỏi làm thì không thấy dấu tích”, có thể áp dụng vào ý: Những người lữ hành tốt thì không để lại dấu vết). Khi đi, các câu “Phượt thủ ngầu không lưu dấu”, “Good travelers leave no traces” sẽ hiện lên trên cát một cách “thần kỳ”, nhiều người sẽ thấy và thấy rất nhiều lần sẽ nhớ.

“Dấu vết” đây có thể là rác, một công trình kiến trúc xấu, khí thải hay việc khắc/viết tên mình yêu ai lên các tảng đá tại các thắng cảnh du lịch. Tên Eco-Đi là sự kết hợp giữ từ Eco (logy) (hệ sinh thái) và từ Đi (trong tiếng Việt) tạo nên một thông điệp mời gọi, thúc giục chúng ta hãy “Đi”, “Đi” vì tương lai môi trường sống của trái đất, của bạn và tôi.

Nghệ sĩ là ‘nghề’ không suy tính và quý tộc

Nói đến nghệ sĩ Ưu Đàm không thể không nhắc đến Time Boomerang – một tác phẩm có rất nhiều ý nghĩa với anh. Anh có thể nói thêm về nó?

- Time Boomerang là một tác phẩm dài và tham vọng. Tôi đã đúc đồng bàn tay của mình trong tư thế đang đo, sau đó cắt năm ngón tay và đem từng ngón đi thả trên các vùng biển cạnh năm châu lục của thế giới. Hiện tại, tôi đã thả được ở ba châu, còn lại châu Phi và châu Nam Cực.

Song song đó, tôi lật ngược bản đồ thế giới, tạc, làm khuôn và đúc ra hàng trăm bản bằng thạch cao. Tôi mời khán giả trong các buổi triển lãm quốc tế ném, đập tan chúng từ những đỉnh các cầu thang xây riêng cho tác phẩm. Sau khi thả các ngón tay và “đo” hay “chiếm” được thế giới, chúng ta có thể phá vỡ trật tự thế giới cũ và lập lại trật tự thế giới mới như các cường quốc vẫn hay làm. Tôi vẫn đang làm tiếp tác phẩm, có thể mất chừng 3 hay 5 năm nữa sẽ xong.


Trình diễn đập bản đồ tại Shanghai Biennale 2018 - Power Station of ART.

Thật ra, tôi suy nghĩ về tác phẩm này từ 2010 nhưng 2013 mới bắt đầu tìm được hướng đi. Time Boomerang lấy cảm hứng từ Hoàng Sa, Trường Sa. Khi bạn là người Việt Nam thì đây là những thông tin được nghe hàng ngày, nhưng trước đó tôi không nghĩ nó có thể là một đề tài nghệ thuật. Khi kết thúc chương trình học thạc sĩ tại ở School of Visual Arts (New York), về lại Los Angeles, tôi lại muốn làm gì đó về vấn đề này bằng nghệ thuật.

Ban đầu, tôi muốn làm một tác phẩm đo Việt Nam - một cuộc trình diễn nghệ thuật đi từ Mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan để đo từng tấc đất của tổ quốc bằng gang tay của mình. “Đo” là một hành động chiếm hữu và bảo vệ. Tuy nhiên, trong quá trình đúc bàn tay, tôi vô tình làm gãy một ngón tay và nghĩ: “Như vậy cũng hay, thay vì đo thực tế như dự định thì tôi sẽ đem đầu các ngón tay “gãy” thả tại các điểm cực Bắc, Nam, Đông, Tây quanh Việt Nam thì cũng là đo, nhưng tính biểu tượng sẽ cao hơn”.

Đó khoảnh khắc “Eureka” của tôi. Thế nhưng trong khi nghiên cứu các điểm cực của Việt Nam, tôi lại muốn nâng Time Boomerang lên tầm không gian và thời gian mênh mông của năm châu bốn biển chứ không nên giới hạn ở các đường biên giới nước mình, để khi gặp nhau, tôi và bạn bè nghệ sĩ quốc tế có thể trò chuyện về vấn đề chiếm hữu và bảo vệ thế giới một cách bình tĩnh mà không bị cản trở bởi câu hỏi: “Vậy thì ai yêu nước mình hơn?”. Đó là con đường hình thành Time Boomerang như hiện tại.

Vậy theo anh, trật tự mới mà anh vừa nói sẽ là gì?

- Tôi không biết trật tự tiếp theo sẽ là gì, nhưng thế giới không bao giờ đứng yên, và các chuyển động/hành động của chúng ta đều góp phần tạo ra một trật tự thế giới tiếp theo.


Nghệ sĩ Ưu Đàm giữa biển Thái Bình Dương trên tàu chở hàng lớn thứ 2 thế giới CMA CGM A. Lincoln với ngón tay chinh phục châu Mỹ.

Anh đã có một chuyến đi từ châu Á (Trung Quốc) sang châu Mỹ bằng tàu biển để thực hiện một phần của Time Boomerang mà có lẽ rất thú vị. Vì sao anh quyết định đi bằng tàu và cảm giác hơn nửa tháng lênh đênh trên biển như thế nào?

Có ba lý do cho việc đi chinh phục châu Mỹ bằng tàu. Đầu tiên, tôi muốn có cảm giác của một nhà thám hiểm ngày xưa khi họ đi đến một vùng đất mới bằng tàu thủy. Thứ hai, tôi muốn có cảm giác sống và vượt đại dương cùng hàng chục nghìn container chứa hàng để cảm nhận được những giao dịch thương mại sôi động giữa các châu lục. Cuối cùng, tôi muốn có góc quan sát của một người trên tàu hàng tưởng tượng về người từng được cứu nạn trên biển trong quá khứ và ngày nay.

Tôi nghĩ nghệ thuật và nghệ sĩ là một trong những “nghề nghiệp” không suy tính và có tính quý tộc (noble) hiếm hoi còn lại trên trái đất.

Đây là một chuyến đi tôi mất gần hai năm để chuẩn bị mọi thứ trước khi lên tàu: liên lạc đại lý vé tàu, gây quỹ, hải quan, thuốc men kèm với một chứng nhận khắt khe về sức khỏe… cùng nhiều sức ép từ phía bảo tàng ở Mỹ về thời gian. Có lúc họ gợi ý tôi bay qua thả ngón tay cho nhanh nhưng tôi phải từ chối. Khi làm tác phẩm, tôi cố gắng không nhượng bộ.  

Tôi may mắn đi được con tàu chở hàng lớn thứ hai thế giới C.M.A. C.G.M. Abraham Lincoln của Pháp. Tưởng tượng mình đứng trên đỉnh của một toà nhà 20 tầng, dài 400m, rộng 50m, di chuyển với tốc độ 45km/h giữa đại dương mênh mông lộng gió, đó là cảm giác hàng ngày của tôi. Sau khi rời Xiamen của Trung Quốc, qua khỏi quần đảo Nhật Bản, một đại dương mênh mông hiện ra trước mắt, không thấy gì xung quanh, lâu lắm mới thấy một con tàu đi qua, không có internet và các tín hiệu khác, cảm giác như tôi đang ở một vùng chân không.


Time Boomerang kỳ 1 - Bàn tay được đặt tại  Kwandu Fine Art Museum - Đài Loan.

Tôi vẫn muốn có cảm giác này từ lâu - sự tràn ngập của không gian. Hàng ngày, tôi viết nhật ký, bỏ vào chai thủy tinh khắc sẵn chữ “Time Boomerang” rồi thả xuống biển. Có những ngày say sóng tôi không viết được gì. Tôi quay được rất nhiều đoạn phim đẹp, đang dựng với Ducky của Zen Post Asia.

Ngày thứ 15, khi tàu giảm tốc độ để tiến vào lãnh thổ châu Mỹ thuộc bang California, đó là một buổi sáng sương mù mờ ảo, không nhìn thấy rõ thứ gì trên đất liền, tôi nghĩ đến cảm giác của các nhà chinh phục xưa khi đến một vùng đất mới, đại bác đạn lên nòng, súng trong tay, họ nghĩ gì, cảm giác đó thật khó tả.

Sau khi đặt chân lên châu Mỹ (America), tôi làm triển lãm với bạn bè thân và đợi Bảo tàng Quận Cam chuẩn bị tàu để ra khơi làm lễ thả ngón tay. Xong việc, quay về ngủ một đêm, hôm sau tôi mới có cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm vì đã cất được gánh nặng suốt hai năm. Tôi làm việc dưới lời mời và danh nghĩa là một show của Bảo tàng Quận Cam (OCMA) nên họ hỗ trợ mình nhiều, ngoài ra còn có sự hỗ trợ quý giá của người thân, gia đình, bạn bè, nhà sưu tập, giám tuyển, cộng sự (Ducky của Zen Post Asia) và các trợ lý.

Trước khi rời châu Mỹ, tôi diễn thuyết tại Bảo tàng Nghệ Thuật San Jose theo lời mời của giám tuyển Rory Padeken về chuyến đi chinh phục châu Mỹ. 2019 là một năm rất may mắn và tôi biết ơn tất cả những người đã giúp Time Boomerang thành công.


Tác phẩm "Thánh Gióng" đang được triển lãm cùng các nghệ sĩ khác tại Phúc Tân – Hà Nội.

Tôi nghĩ có kiểu nghệ sĩ thích làm những tác phẩm nhỏ và kiểu nghệ sĩ hợp với những tác phẩm lớn. Nhỏ và lớn ở đây hoàn toàn được đo theo nghĩa đen chứ không nói đến sự tinh tế hay giá trị của tác phẩm. Có lẽ anh là kiểu thứ hai, làm những dự án dài hơi, trải dài ở nhiều không gian khác nhau, phải chăng chỉ khi làm như vậy anh mới thấy thật sự “đã đời”?

- Khi làm tác phẩm, tôi không nghĩ đến tính lớn nhỏ. Đối với tôi mỗi tác phẩm đều quan trọng và tôi đầu tư hết sức mình. Dù đó là một ký hoạ, một bức tranh, một video hay một sắp đặt thổi khí với hàng trăm xe máy và toà tháp cao 62 tầng, tôi đều tiếp cận giống nhau.

Nếu Bảo tàng đầu tư 7 phần thì tôi đều làm 10 phần, thêm 3 hay 5 phần nữa mình tự bỏ vào làm thêm cho tác phẩm ưng ý nhất là rất bình thường. Đứng từ góc độ kinh doanh, có lẽ là không thông minh, nhưng may mắn đây là nghệ thuật. Tôi nghĩ nghệ thuật và nghệ sĩ là một trong những “nghề nghiệp” không suy tính và có tính quí tộc (noble) hiếm hoi còn lại trên trái đất.

Và tham vọng tiếp theo của anh trong sự nghiệp là gì?

Tôi đang tiếp tục các kỳ từ 5 đến 8 của tác phẩm 8 kỳ Time Boomerang, bên cạnh đó, sẽ có nhiều tác phẩm khác ra đời trong thời gian này. Tôi hy vọng Time Boommerang sẽ có dịp ra mắt khán giả tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2022, đây cũng là năm tôi sẽ thực hiện chuyến đi chinh phục châu Phi nếu tình hình COVID-19 cho phép. Ngoài ra, chinh phục châu Nam Cực năm 2024 cũng nằm trong danh sách của tôi.


Nghệ sĩ Ưu Đàm tại lễ trao giải Vietnam Design Week 2020.

Eco-Đi cũng là một công trình nghệ thuật dài và đầy tham vọng cho nhiều năm tới. Sau triển lãm tại Vietnam Design Week 2020, Eco-Đi sẽ được đi vào sản xuất để lan toả thông điệp Người đi giỏi không để lại dấu vết đến nhiều người hơn nữa và góp phần chữa lành cho các hệ sinh thái. Đó là một ước vọng của tôi và nếu có nhiều bạn đọc cùng chung tay với Eco-Đi, nó sẽ thành một “làn sóng thần” quét Đi hết rác trên trái đất.

Một trái đất với các dòng sông và bãi biển sạch, các rừng cây không rác, thật tuyệt vời phải không? Tôi nghĩ chúng ta thường không đánh giá đúng sức mạnh của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta thật sự muốn hành tinh này sạch thì nhất định sẽ làm được. Nếu 85 triệu người mỗi ngày dùng lại một cái ly nhựa thì sẽ có 85 triệu miếng nhựa không bị thải ra môi trường. Nếu 85 triệu người lượm một miếng rác cạnh mình thì mỗi ngày sẽ có 85 triệu mảnh rác được dọn đi, và khi 85 triệu người nói không với một nhãn hàng hay một công ty làm hại môi trường, công ty đó sẽ phải đóng cửa.

Khi sức mạnh cá nhân tạo thành sức mạnh cộng đồng, hành tinh này vẫn còn hy vọng.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguyễn Trần Ưu Đàm là một nghệ sĩ thị giác Việt Nam. Anh học ngành điêu khắc tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM đến năm 1994. Sau đó anh nhận bằng cử nhân và tiến sĩ tại UCLA và School of Visual Arts khoa Nghệ thuật Thị giác. Anh hiện đang sống và sáng tác tại TP.HCM.

Ưu Đàm đã tham dự nhiều triển lãm quốc tế và các diễn thuyết tại: Singapore Biennale lần thứ 4, Bảo tàng Asia Society (New York), Bảo tàng RISD (Mỹ), Kadist Art (San Francisco), Không gian triển lãm White Chapel (UK), Bảo tàng Jewish (New York), Bảo tàng Bildmuseet (Thụy Điển), Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson (Thái Lan), Asia Pacific Triennial lần thứ 8 (Úc), QGOMA (Úc), Bảo tàng Quận Cam OCMA (California)… và giành khá nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của mình.

Lâm Hạnh thực hiện - Ảnh: Nhân vật cung cấp, ASHUI

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2858 khách Trực tuyến

Quảng cáo