Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Hành trình kiến trúc xanh bền vững

Hành trình kiến trúc xanh bền vững

Viết email In

Luôn hướng tới những tác phẩm kiến trúc nhẹ nhàng, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tăng cảm xúc bằng cách kết nối tối đa con người với thiên nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh cùng cộng sự đã tạo được dấu ấn trong hành trình theo đuổi kiến trúc xanh bền vững. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông về hành trình không dễ dàng này. 


KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (trái) nhận giải "Kiến trúc sư của năm / Ashui Awards 2016".
(Ảnh: Ashui.com) 

Các tiêu chí chung về kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đưa ra là kiến trúc tiên tiến, bản sắc; có tính nhân văn, xã hội, bền vững, bảo đảm chất lượng môi trường... Ngần ấy tiêu chí quả là không dễ theo đuổi, thưa ông? 

- Tôi nghĩ kiến trúc xanh là sân chơi lớn cho giới KTS. Để tạo nên những công trình đáp ứng các tiêu chí về kiến trúc xanh, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người thiết kế với kỹ sư xây dựng trong việc sử dụng vật liệu, thiết bị ngay ở những khâu ban đầu. Trong đó, công nghệ, thiết kế kiến trúc góp phần quan trọng để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng. Chúng ta rất cần có những công trình xanh thực sự trong bối cảnh nguồn năng lượng từ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, phải đối phó áp lực về dân số, môi trường. 

Khi theo đuổi kiến trúc xanh, KTS thường chịu áp lực rất lớn từ chủ đầu tư với yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của KTS trong vấn đề này?

- Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm chung của xã hội chứ không riêng giới KTS. Tất cả phải hướng đến sự phát triển bền vững, với tư duy trong riêng có chung, trong chung có riêng. Trước đây, chủ đầu tư thường muốn tăng tối đa diện tích xây dựng, không muốn có các khoảng trống cần thiết cho công trình. Nhưng nay, nhận thức xã hội đã khiến họ từng bước hiểu rõ: Cho là nhận. Thay vì "lời" 10 đồng, họ chấp nhận chỉ còn 5 đồng để làm điều tốt cho cộng đồng, qua đó tạo thương hiệu tốt cho chủ đầu tư, cho KTS và cuối cùng là hiệu quả cho người sử dụng. Chủ đầu tư không mất quá nhiều mà lại "được" về lâu dài, KTS thể hiện được trách nhiệm, nỗ lực và tài năng của mình - tất cả đều có lợi. 


Naman Spa (thiết kế: MIA Design Studio) đoạt giải "Công trình của năm / Ashui Awards 2015" (Ảnh: MIA) 

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thuyết phục chủ đầu tư trong việc tạo nên các công trình theo đuổi kiến trúc xanh?

- Rất nhiều khó khăn khi thuyết phục chủ đầu tư, vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ. Kinh nghiệm là phải cố gắng làm những việc nhỏ nhất có thể, từ đó nhân rộng ra, mỗi ngày một ít, mỗi người một ít.

Có lần khởi động một dự án, tôi làm việc với tư vấn cơ điện, đặt câu hỏi: Việt Nam nhiều nắng gió, tại sao không học các nước phát triển, dùng năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào các công trình? Nhưng phân tích bài toán năng lượng và thời gian hoàn vốn, phải mất 20 năm mới bù được chi phí cho chủ đầu tư. Vì vậy, để dung hòa lợi ích mà vẫn thực hiện được trách nhiệm của người KTS khi theo đuổi kiến trúc xanh, tôi luôn cố gắng tạo nên những tác phẩm kiến trúc nhẹ nhàng, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tăng cảm xúc bằng cách kết nối con người tối đa với thiên nhiên.

Mới đây, công ty chúng tôi đã thực hiện xây một ngôi nhà ở Vũng Tàu với chi phí xây dựng rất hợp lý: Khoảng 1 tỷ đồng cho công trình có diện tích xây dựng 180m2 trên tổng thể 415m2 đất. Tôi đã thuyết phục chủ đầu tư chia nhỏ nhà làm 3 phần, kết hợp các giải pháp tăng cường sự kết nối giữa nhà với sân vườn, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, sử dụng cây xanh làm rèm che nắng, tạo cảm giác dễ chịu mát mắt. Tôi tin chủ nhà sẽ hạnh phúc khi sống gần gũi thiên nhiên, với chi phí rẻ và tiết kiệm năng lượng.

Với một dự án khác ở Phú Quốc, tôi khuyến khích chủ đầu tư làm vườn rau sạch trên mái để vừa tối đa hóa sự nghỉ dưỡng yên bình riêng tư của du khách, vừa cung cấp vườn rau sạch cho công trình và cả khu vực lân cận...

Mới đây, ông đã có bài phát biểu ấn tượng tại hội thảo "Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững". Ông nghĩ gì về cơ hội đổi mới công tác đào tạo, giúp sinh viên sớm tiếp cận kiến trúc xanh thông qua những hoạt động như vậy?

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh là Giám đốc kiêm KTS trưởng của Công ty MIA Design Studio. Cùng cộng sự, KTS đã được nhận nhiều giải thưởng quốc tế cho những công trình có giá trị thực tiễn cao. Trong nước, KTS được nhận Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2014; Giải "Công trình của năm" năm 2015; Giải "Kiến trúc xanh Việt Nam" và Giải "Kiến trúc sư của năm" năm 2016... 

- Tôi nghĩ những hội thảo như vậy sẽ góp phần tăng cường giao lưu liên kết, giúp các KTS trẻ được học hỏi, hỗ trợ phát triển cộng đồng tốt hơn. Những bài học về việc tăng cường kết nối trong - ngoài không chỉ ở mặt bằng tổng thể mà cả trong nội thất; nghệ thuật chia nhỏ không gian, đưa tối đa ánh sáng tự nhiên vào công trình; những cách giảm tối đa sử dụng máy lạnh trong công trình, tạo nên những không gian mà khi khách đi vào, khó cảm nhận đâu là trong, đâu là ngoài do nghệ thuật kết nối với không gian chuyển tiếp giữa các phòng... Trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam, KTS càng tạo ra nhiều khoảng trống khi thiết kế công trình, đưa con người càng gần tự nhiên càng tốt. Khi tất cả chung tay, sẽ giảm được tình trạng bê tông hóa đô thị.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Mai Hoa thực hiện 
(Hà Nội Mới) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2444 khách Trực tuyến

Quảng cáo