Trong hai thập niên tăng trưởng theo chiến lược dựa vào tài nguyên và đồng vốn, không ít các đại dự án được chấp nhận đưa vào thực hiện vội vàng, thiếu những nghiên cứu đánh giá kỹ càng về tác động kinh tế, xã hội và môi trường, thiếu cả những phản biện độc lập và công tâm từ giới khoa học và công chúng. Những thiếu hụt này là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hệ lụy kéo dài hàng chục năm về sau ở cộng đồng và xã hội. Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Quang, một người làm nghiên cứu độc lập, khi trao đổi với Tia Sáng.
PV: Thưa ông, phải chăng trường hợp Formosa chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng phương án bảo đảm sinh kế cho người dân khi triển khai các dự án?
Ông Đặng Ngọc Quang (ảnh): - Đúng là như vậy, Formosa là trường hợp tiêu biểu nhất của một đại dự án được vội vàng thông qua, phê duyệt mà bỏ qua những yêu cầu cơ bản về đánh giá tác động xã hội môi trường, tham vấn cộng đồng và lấy ý kiến phản biện xã hội.
Trong gần chục năm qua, tôi đã có dịp tới các dự án thủy điện, kể cả ở những nơi có đánh giá tác động môi trường và xã hội, thường gọi tắt là DTM, có cam kết của cả doanh nghiệp thực hiện dự án và nhà nước là sẽ bảo đảm đời sống cho người dân bị ảnh hưởng “bằng, hoặc hơn” mức sống cũ. Ở đó, hàng chục năm sau, người dân vẫn chưa được đền bù đầy đủ, chưa phục hồi được cuộc sống. Có nhiều tổn thất không được tính đếm hết, có những tổn thất sau này mới xuất hiện và không được đền bù. Cứ đi gặp dân bản ở các lưu vực sông Krông Ana ở Đắk Lắk, hay chuỗi dự án thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn ở Quảng Nam hoặc sông Hương ở Thừa Thiên Huế thì thấy thôi. Mới mấy tháng gần đây, khi tôi tới các vùng đó, nhiều người dân nói họ “như bị lừa” khi mà không được đền bù đầy đủ, nhất là đền bù đất sản xuất.
Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
- Chắc là có nhiều lý do, nhưng theo tôi có thể những lý do này là chính.
Ông Đặng Ngọc Quang là giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn (RDSC) - một tổ chức khoa học độc lập, thành lập từ năm 1994. RDSC hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hiện các mô hình phát triển nông thôn, thúc đẩy các cộng đồng yếu thế tiếp cận với dịch vụ công một cách có hiệu quả. Các chương trình nghiên cứu và phát triển cộng đồng được thực hiện với các chính quyền địa phương, các tổ chức NGO Việt Nam và quốc tế. Ông Quang có hơn 10 năm nghiên cứu tác động của các dự án đầu tư hạ tầng lớn tới đời sống người dân, đặc biệt là các dự án thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên. |
Đầu tiên là “lạc quan tếu”. Nhiều dự án ở khâu lên kế hoạch, phía doanh nghiệp và chính quyền sở tại đều biết thừa là không có điều kiện hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhưng cứ hứa bừa. Chẳng hạn, khi ở đó mọi nguồn đất đều có chủ, không có quỹ đất để đền bù nhưng họ cứ cam kết cốt để cho người dân di dời, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư. Rồi họ hy vọng sẽ giải quyết sau. Thực tế là hàng chục năm rồi, qua cả vài thế hệ lãnh đạo, họ không giải quyết được.
Thứ hai là vấn đề “đóng nhầm vai”. Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, chính quyền địa phương thường hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng. Họ đảm nhận việc đền bù tái định cư, nhiều khi nhận luôn thực hiện hợp phần phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng. Những công việc này có nhiều nguy cơ tham nhũng do lạm dụng quyền lực để tham lợi, ví dụ khi tính toán kiểm đếm tài sản để đền bù. Với chính quyền thì người nông dân lại cả tin và tuân thủ. Khi đảm nhận việc đền bù, tái định cư, phục hồi sinh kế, chính quyền tạo ra ấn tượng dự án đó là “của nhà nước”, mặc dù bản chất dự án đó là của doanh nghiệp. Khi nhà nước không thực hiện được cam kết của mình thì niềm tin của người dân, của cộng đồng dân bản vào chính quyền bị đổ vỡ. Lẽ ra, việc của doanh nghiệp thì cứ để doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ có trách nhiệm giám sát đảm bảo quy trình thực hiện đúng pháp luật, “ôm rơm làm gì cho rặm bụng”.
Cuối cùng là “quyền được biết” của người dân. Có quá nhiều điều người dân không được biết về tác động của các dự án tới sinh kế của mình. Đơn giản nhất, chính các quy định của nhà nước về đền bù và tái định cư, về luật khiếu nại tố cáo không đến được với những người bận bịu kiếm sống mỗi ngày, không biết chữ biết tiếng phổ thông. Họ càng không biết khi con sông bị chặn nước ngầm bị ảnh hưởng thế nào, thủy sinh cua cá bị hủy diệt ra làm sao, mực nước, vận chuyển phù sa, chế độ thủy văn hay tiểu khí hậu thay đổi thì cuộc sống sẽ biến động thế nào. Thậm chí, đơn giản như việc mất các bãi chăn thả ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi như thế nào thì các đối tượng chịu thiệt hại cũng không được báo để lường trước. Rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dự án đầu tư tới điều kiện sống của người dân không được báo cho họ, thậm chí các nhà đầu tư cũng không lường trước được, và hàng chục năm sau, nguời dân phải gánh chịu.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo điều kiện đáp ứng đầy đủ“quyền được biết” của người dân như ông đã đề cập?
Khi đảm nhận việc đền bù, tái định cư, phục hồi sinh kế, chính quyền tạo ra ấn tượng dự án đó là “của nhà nước”, mặc dù bản chất dự án đó là của doanh nghiệp. Lẽ ra, việc của doanh nghiệp thì cứ để doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ có trách nhiệm giám sát đảm bảo quy trình thực hiện đúng pháp luật, “ôm rơm làm gì cho rặm bụng”. |
- Đó phải là nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế-xã hội- môi trường kỹ càng, rồi thông báo đầy đủ cho người dân những tác động đó bằng những phương thức mà người dân hiểu được để ra quyết định mà có đủ thông tin. Nếu họ giúp người dân giải quyết đầy đủ và công bằng các tác động cả ngắn hạn và dài hạn của dự án đầu tư thì làm gì có xung đột. Tôi thấy có các dự án đầu tư dùng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cố gắng làm điều này, nhưng tấm gương của họ thì không ai nêu ra để cho các nhà đầu tư soi.
Ở trường hợp Formosa, rõ ràng nhà đầu tư không minh bạch và không tỏ ra có trách nhiệm với người dân địa phương, với xã hội. Báo chí sau này mới chỉ ra rằng, nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế-xã hội- môi trường ở các dự án này rất sơ sài, được lập vội vàng để dự án được phê duyệt nhanh chóng. Ở một dự án khổng lồ với thời hạn 70 năm như vậy mà nội dung những tài liệu đó không được công bố, không được đưa ra cho giới khoa học, báo chí phản biện.
Ở dự án bauxite, có lẽ do có sự công khai thông tin, có những phản biện mạnh mẽ nên đầu tư chỉ làm ở quy mô nhỏ. Những thất bại, thua lỗ ở các dự án này không gây nên tâm lý bức xúc và những căng thẳng xã hội. Bài học này Hà Tĩnh không học được tuy họ đi sau làm dự án Formosa.
Trong ví dụ ông vừa nêu, có một vấn đề hết sức quan trọng cần được quan tâm, đó là độ tin cậy của các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kinh tế - xã hội của các dự án.
- Vâng, chất lượng báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội-môi trường mà kém thì cũng chẳng khác gì không làm. Không ít trường hợp các chuyên gia độc lập đã chỉ ra những báo cáo copy chỗ này dán vào chỗ kia của các báo cáo ở các dự án đầu tư khác nhau, tôi thì biết rõ về các dự án thủy điện có những báo cáo như vậy. Thậm chí còn tệ hơn là lấy báo cáo ở dự án này bê nguyên xi vào chỗ kia. Có những đồng nghiệp kể chuyện cho tôi về những cuộc tham vấn cẩu thả, lấy ý kiến của dân chúng một cách hình thức. Thậm chí, họ coi lấy ý kiến của vài cán bộ lãnh đạo địa phương hay lãnh đạo cộng đồng là lấy ý kiến của người dân.
Cái cơ chế hiện nay, nhà đầu tư tự thuê cơ quan tư vấn đi làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, có những điểm yếu nội thân. Nhà tư vấn có khả năng phải “bẻ cong ngòi bút” để chiều lòng ông chủ đầu tư là người đã thuê mình. Họ có khả năng phải chịu sức ép để không nói về những phát hiện bất lợi cho chủ đầu tư. Có trường hợp họ bịa ra những điều có lợi cho quyết định đầu tư, ví dụ thường gặp là họ bảo rừng thưa không có giá trị. Có trường hợp họ bảo không thấy các động thực vật quý hiếm cần bảo vệ có nguy cơ bị dự án đầu tư làm diệt vong, nhất là các loại cá hay lưỡng cư. Có trường hợp, báo cáo vận dụng những quan điểm lý luận lạc hậu hoặc thậm chí phi lý để thuyết phục là đầu tư không gây tổn hại cho môi trường. Một ví dụ về điều này là có báo cáo bác bỏ khả năng các con đường xuyên qua các khu bảo tồn sẽ làm chia cắt, phân mảnh không gian sống của động vật quý hiếm cần bảo vệ, làm giảm khả năng di chuyển để phối giống của các loài thú, hoặc các con đường đó làm tăng tiếp cận của các tay thợ săn trộm tới nơi sinh sống của động vật quý hiếm.
Thêm vào đó là việc những báo cáo này lại được cất giấu kỹ lưỡng không cho giới khoa học, báo chí và công chúng tiếp cận. Các báo cáo tác động xã hội môi trường vẫn được coi là tài sản tư nhân và không được công bố công khai. Nhiều trường hợp các tổ chức khoa học quan tâm tới môi trường và đời sống của người dân nghèo, người dân tộc thiểu số, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp tài liệu mà không được. Nếu có trách nhiệm, thì các nhà đầu tư đã thu hút các nhà khoa học tham gia phản biện ngay từ đầu. Nếu như dự án Formosa lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học ngay từ khâu xây dựng dự án thì làm gì có việc bung bét như bây giờ?
Ông có những gợi ý giải pháp gì để khắc phục những tồn tại hiện nay trong đánh giá tác động môi trường xã hội và giám sát các dự án công nghiệp?
- Ở đây, tôi nghĩ có hai vấn đề là tổ chức và sử dụng kết quả đánh giá. Về tổ chức đánh giá tác động kinh tế-xã hội-môi trường, nên có một cơ chế khác cách làm hiện nay. Khi có ý đồ đầu tư, một doanh nghiệp cần bỏ một khoản tiền vào một quỹ tập trung có thể do cộng đồng các nhà khoa học quản lý. Quỹ sẽ tuyển tư vấn độc lập từ thị trường để thuê đánh giá theo mô tả nhiệm vụ mà chủ đầu tư yêu cầu. Như vậy bên tư vấn không bị “phụ thuộc về tài chính” và không phải chịu “chỉ đạo” nhờ đó mà nghiên cứu đánh giá trở nên độc lập, có tính khách quan. Cơ chế đấu thầu lựa chọn các nhà tư vấn cũng giúp chọn được nhóm chuyên gia có kinh nghiệm nhất, có thiết kế nghiên cứu tốt nhất với chi phí hợp lý nhất.
Tôi cũng nghĩ các báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội phải được coi là tài sản công vì các dự án đầu tư lớn thường ảnh hưởng tới hàng nghìn người, như trường hợp Formosa là tới hàng triệu người. Vì vậy, các báo cáo này phải được công bố toàn văn để nhà nước, giới khoa học, báo chí và người dân cũng được sử dụng. Với người dân ở các vùng bị ảnh hưởng, kết quả nghiên cứu cần được biên soạn lại thành những tài liệu với ngôn ngữ (và hình ảnh) mà người địa phương hiểu được và truyền thông, chuyển giao cho họ. Với giới khoa học, nếu họ muốn, chính quyền và nhà đầu tư phải tạo điều kiện cho họ thực hiện các hoạt động thẩm định các kết luận của báo cáo DTM. Chính quyền địa phương không nên cản trở các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu thuộc khối phi chính phủ tiếp cận với các cộng đồng hay địa bàn dự án để nghiên cứu theo những tiếp cận khác. Tính chất khoa học đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải được xác nhận độc lập.
Một cách sử dụng kết quả nghiên cứu đánh giá DTM là trong và sau quá trình thực hiện dự án đầu tư. Cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội và báo chí cũng cần theo dõi và giám sát nhà đầu tư thực hiện các khuyến nghị của các báo cáo đánh giá. Công chúng, đặc biệt là cộng đồng chịu ảnh hưởng cần phải được biết những khuyến nghị nào được thực hiện, không được thực hiện thì vì sao. Họ phải có tiếng nói và yêu cầu bảo đảm thực hiện những khuyến nghị liên quan tới việc bảo đảm cuộc sống của họ được an toàn, và được phồn thịnh ít nhất là bằng với mức trước khi có dự án.
Ý kiến cuối cùng tôi muốn nêu là chính quyền địa phương không thay doanh nghiệp đi giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, phục hồi sinh kế cho người dân. Chính quyền nên giám sát doanh nghiệp tổ chức thực hiện đánh giá tác động xã hội-môi trường, giám sát cuộc đàm phán giữa cộng đồng người dân với doanh nghiệp, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các cam kết về đền bù, phục hồi sinh kế, bảo vệ và phục hồi môi trường. Nếu có xung đột thì chính quyền đứng ra giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong quan hệ với doanh nghiệp và cộng đồng, chính quyền nên giữ một vị trí ít ra là độc lập, nếu không thiên vị cho người dân là bên yếu thế hơn. Trong trường hợp của Formosa, nếu chính quyền giữ vị trí này thì tôi nghĩ đã không có cuộc khủng hoảng thảm họa môi trường.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Thu Quỳnh thực hiện
(Theo Tia Sáng)
- KTS Vũ Linh Quang: Khó nhất khi làm Công trình Xanh là thuyết phục chủ đầu tư
- Chuyện sạt lở và những hố sâu dưới lòng sông
- Hành trình kiến trúc xanh bền vững
- Chính sách mới về đất đai cần làm rõ quyền sở hữu và quyền tài sản
- Ba dự án ODA ở Cần Thơ đang ở giai đoạn nào?
- Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
- Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Không đồng tình nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Quy hoạch
- Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật?
- Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh: Làm nghề chứ không kinh doanh nghề
- "Linh Đàm giữ danh hiệu Khu đô thị kiểu mẫu cũng không để làm gì!"