Danh hiệu Khu đô thị kiểu mẫu giống như một chiếc vương miện dành cho Linh Đàm. Thế nhưng sau khi “đăng quang” vài năm, Linh Đàm đã không giữ được hình ảnh thì có nên tước danh hiệu không? Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và đặc biệt chính là “cha đẻ” của Đồ án Quy hoạch hồ Linh Đàm về câu chuyện Linh Đàm ngày ấy và bây giờ.
Ông Đỗ Viết Chiến nói về những bất cập trong quy hoạch khu đô thị của Hà Nội. (Ảnh: Yên Thảo)
PV: Thời gian vừa qua, sự xuống cấp của Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm đang thực sự đáng báo động. Được biết Đồ án Quy hoạch hồ Linh Đàm được đánh giá cao và đã mang lại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia cho ông. Dư luận thắc mắc rằng tại sao một bản quy hoạch tốt như thế lại bị thay đổi để dẫn tới tình trạng lộn xộn hiện nay?
- Ông Đỗ Viết Chiến: Trong quá trình thực hiện, người ta có quyền điều chỉnh các quy hoạch nếu thấy định hướng của bước trước chưa chuẩn xác. Vấn đề chính ở chỗ, khi điều chỉnh phải thực hiện bài toán cân đối cả về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Ví dụ đơn giản, nếu như trước đây, Linh Đàm chỉ khoảng 4.000 dân, người ta có thể sử dụng ngay các nhà trẻ, mẫu giáo của khu Đại Từ - Đại Kim gần đó bởi quy mô của những cơ sở sẵn có vẫn chứa được. Và với con số 4.000 dân chưa đủ hình thành một trường mới, người ta có thể sử dụng hạ tầng ở xung quanh như vậy.
Khi cân đối, con em vẫn có thể học tại những cơ sở sẵn có trong khu vực nhưng bây giờ đã lên tới hàng vạn dân và không thể gửi con em tiếp tục vào các cơ sở đã có ở xung quanh được.
Nếu chúng ta làm như kiểu Linh Đàm hiện tại thì không có cách nào vì đất để đầu tư hạ tầng xã hội bị chiếm cứ bằng chức năng khác, chủ yếu là nhà ở.
Năm 2009, Bộ Xây dựng đã trao quyết định Khu đô thị kiểu mẫu cho chủ đầu tư khu đô thị mới Linh Đàm. Đây chính là khu đô thị đầu tiên của Hà Nội được bộ công nhận. Và theo quy định, sau 5 năm sẽ xét duyệt lại nhưng hiện tại khu đô thị Linh Đàm bị thay đổi quy hoạch, xuống cấp xong vẫn giữ nguyên danh hiệu. Có nên tước “vương miện” của Linh Đàm khi không còn đạt nhiều tiêu chuẩn nữa thưa ông?
Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, khu đô thị kiểu mẫu phải rộng trên 50ha, quy mô dân số 5.000 người trở lên, tương đương 1.000 căn hộ trong các chung cư, nhà thấp tầng, biệt thự. Ngoài ra phải có hạ tầng kỹ thuật lấp đầy hơn 70% diện tích đất và đạt các điều kiện về giao thông, nước sạch, tỷ lệ cây xanh, xử lý nước thải. |
- Tước hay cung cấp danh hiệu không phải là vấn đề ở đây. Quan trọng nhất là chất lượng thực tế của các đô thị đó như thế nào. Với thời điểm cách đây 5-7 năm tới 10 năm, người ta quan niệm tiêu chí kiểu mẫu đơn giản hơn bây giờ và nhiều khu đô thị hiện nay có thể đạt. Thế nhưng có những khu đạt rồi lại không duy trì được, một thời gian xuống cấp, hỏng. Theo tôi thì đã lên được cũng xuống được.
Nếu Linh Đàm còn giữ được những tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng được cuộc sống của người dân, mức độ hài lòng còn cao thì vẫn để danh hiện đó. Nhưng nếu khu đô thị đó không giữ được các tiêu chí làm cư dân hài lòng thì giữ danh hiệu cũng không để làm gì.
Với vị trí là “cha đẻ” của đồ án quy hoạch khu đô thị Linh Đàm, cảm giác của ông thế nào khi thấy “đứa con” của mình đã “hỏng” ngày hôm nay?
- Đương nhiên tôi thấy rất tự ái vì ý tưởng bản thân mình làm ra tới mức được phê duyệt nhưng lại không thành sự thật thậm chí còn méo cả sự thật. Một tác phẩm của mình làm ra mà bị người khác làm hỏng mất sẽ rất khó chịu. Nhưng việc này không phải cá biệt mà là hiện tượng tương đối phổ biến. Quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo hoặc là từ lúc định hướng tới lúc thực hiện cứ xa dần. Tôi xin nhắc lại là không cấm điều chỉnh quy hoạch nhưng phải trên cơ sở đảm bảo hạ tầng đô thị để cư dân có cuộc sống tốt hơn và đô thị phát triển bền vững.
Yên Thảo thực hiện
(reatimes.vn)
- Dự án đầu tư: Cần đánh giá độc lập và minh bạch
- Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
- Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Không đồng tình nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Quy hoạch
- Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật?
- Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh: Làm nghề chứ không kinh doanh nghề
- "Bất động sản đóng góp không nhiều vào tăng trưởng GDP như nhiều người nghĩ"
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Văn hóa đô thị đối diện nhiều thách thức
- Chuyên gia giao thông: 'Buýt nhanh không nhanh vì cách làm nửa vời'
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không chỉ chống ngập mà còn tận dụng ngập
- Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Có cơ chế "ăn chia" trong đấu giá đất đai