Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tết Việt trong mắt kiến trúc sư Canada

Tết Việt trong mắt kiến trúc sư Canada

Viết email In

Ngạc nhiên biết bao khi ngắm nhìn Hà Nội trống vắng, không còn cảnh xe cộ chen chúc nhau. Thay vào đó là một cơn mưa phùn nhẹ và những tia nắng mới - Cảm nhận về Tết của chuyên gia kiến trúc của UNESCO người Canada Normand Rodrigue, sau 6 năm làm cố vấn cho dự án bảo tồn phố cổ Hà Nội.


Hà Nội chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Normand Rodrigue

Mặc cho những thăng trầm của cuộc sống, người Việt Nam vẫn giữ trên môi nụ cười và nhất là họ rất thích tiệc tùng, ăn mừng, một nét đặc trưng của người Việt. Tuy những ngày lễ ở Việt Nam không nhiều như người ta tưởng, ước chừng tám ngày, nhưng tờ lịch của họ đầy ắp những ngày lễ tưởng niệm, nhất là những lễ tưởng niệm có tính chất lịch sử hay quân sự, như ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh hay khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Tính trung bình trong suốt cả năm, người Việt Nam cứ hai tuần lại có một ngày lễ.

Đấy là chưa kể đến những ngày lễ nhập khẩu từ nước khác. Nhớ lại những ngày đầu tiên đến Việt Nam, tôi sống gần Nhà thờ Lớn của Hà Nội. Buổi tối Noël, đám đông dày đặc đến độ tôi đã phải mất 30 phút mới băng qua được quảng trường lúc này dường như đã trở thành một khối đông cứng những xe máy.

Bên cạnh đó, những ngày lễ hội khác của phương Tây cũng nhanh chóng được chào đón, từ lễ tình yêu Valentine cho đến lễ hội hoá trang Halloween, thế mới biết toàn cầu hóa ảnh hưởng lớn đến đâu tới truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên, Tết vẫn luôn là ngày lễ lớn nhất của Việt Nam. Ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch rơi vào khoảng cuối tháng một và giữa tháng hai dương lịch. Theo lịch âm cùng với tử vi phương Đông, sau năm Kỷ Sửu 2009, sẽ là năm Canh Dần, một năm tròn đầy, giàu có, mạnh mẽ, đầy những điều ngạc nhiên tốt đẹp và cả những khoảnh khắc căng thẳng nữa. Một năm để yêu thương và tự nhủ điều đó trong lòng, để chia sẻ, sống hết mình với những xúc cảm.

Ngày nay, không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tổ chức Tết truyền thống nữa. Với nhiều quốc gia trên thế giới, từ Tết đã xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1968 khi quân Giải phóng đồng loạt tấn công vào các tỉnh, thành phố miền Nam trong một chiến dịch bất ngờ đánh dấu cho sự mở đầu việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

  • Ảnh bên : Normand Rodrigue đi xe máy lên Sapa năm 2006.

 

Năm nay, ngày Tết rơi vào ngày 14 tháng 2, ngày trăng tròn đúng thời điểm chuyển giao giữa Đông chí và Xuân phân. Do vậy, tối ngày 13 sẽ có các lễ hội và những màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục trong cả nước. Tết sẽ kéo dài chính thức 3 ngày. Tối giao thừa và ngày đầu tiên của Năm mới thường được dành cho gia đình, người thân với lễ cúng tổ tiên và ở chùa theo tâm linh, ngày mùng 2 Tết dành cho hàng xóm, họ hàng và bạn bè.

Tuy nhiên trên thực tế, Tết có thể kéo dài đến tận 15 ngày. Thậm chí tuần trước Tết, đừng nên nghĩ đến việc xin một buổi làm việc nghiêm túc với các đồng nghiệp, bởi vì buổi làm việc đó sẽ bắt đầu bằng vài chén rượu Lúa Mới ở văn phòng và tiếp sau đó là những cuộc chè chén ngây ngất ở nhà hàng. Một tuần sau Tết, tình hình cũng sẽ không hề sáng sủa hơn bởi mọi người cần tiếp tục những cuộc chè chén mừng Năm mới.

Bên cạnh vài sự quá đà thì Tết vẫn luôn là dịp đoàn tụ lớn cho các gia đình, trở về với nguồn cội, cũng giống như ngày Noël và Năm mới của phương Tây. Đó là ngày hạnh phúc mà đứa trẻ nào cũng mơ ước và mọi người dù sống ở đâu cũng về quê ăn Tết với ông bà, bố mẹ. Trong những ngày này, các thành phố trở nên đìu hiu, nhất là ở miền Bắc, nơi truyền thống vốn được đặt lên hàng đầu.

Thật ngạc nhiên biết bao khi ngắm nhìn Hà Nội trống vắng, không còn cảnh xe cộ chen chúc nhau vào sáng sớm. Thay vào đó chỉ còn một cơn mưa phùn nhẹ và những tia nắng mới. Bởi vì Tết nghĩa là không còn mùa đông, Tết là ngày lễ chào đón mùa xuân, nắng ấm, mùa gieo mạ và hi vọng những đợt bội thu sẽ tới. Ở đây hoa đào (ở miền Nam là hoa mai) thay cho những cành thông Noël, không thể thiếu bánh chưng (bánh dày ở miền Nam) là một loại bánh làm từ gạo nếp gói với thịt lợn và đậu xanh trong lá dong (hay có thể là lá chuối) rồi đun trong một chiếc nồi to như nồi hấp bánh của phương Tây.

Với những người nước ngoài như tôi, trong dịp này, nên tích trữ một chút đồ ăn vì giá cả luôn có xu hướng tăng gấp đôi hai tuần Tết và khôn hồn nên thì đóng cửa ở nhà vì nếu có chút ngẫu hứng du lịch Việt Nam trong thời gian này thì kiểu gì cũng sẽ thất vọng với chất lượng các dịch vụ. Đơn giản là vì các đầu bếp đã về quê thăm bố mẹ và các cô gái xinh đẹp cũng không còn ở đó nữa. Nếu thực sự có nhu cầu đi du lịch thì có lẽ nên đi xa hơn một chút như Campuchia, các hòn đảo của Thái Lan hay Indonesia.

Nhưng đối với những người Việt Kiều ở Pháp, Canađa hay Mỹ thì ngược lại, đó là cả một nỗi niềm khao khát, thương nhớ quê hương. Cho nên họ sẵn sàng trả cả gia tài để mua những chiếc bánh chưng ở Paris, Montréal hay San Francisco và khi có thể, họ sẽ nhanh chóng trở về với mảnh đất tổ tiên.

Hỡi những người con của Việt Nam, dù đang ở châu Mĩ, châu Âu hay một nơi nào đó trên thế giới, xin hãy yên tâm là nước Việt Nam đang rất tươi đẹp và đã đang chào đón mùa xuân (có thể chênh lệch vài giờ với nước các bạn đang ở) trong niềm nhung nhớ tới các bạn, những người con của đất nước. Xin chúc mừng Năm Mới tất cả những người con của dân tộc Việt Nam, những người đang cùng nhau chia sẻ những phút giây hạnh phúc trong tình yêu vô bờ bến với quê hương.

Normand Rodrigue - Thanh Hương dịch

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...