Thời gian gần đây, chúng ta vẫn thường thấy những cuộc thảo luận sôi nổi về sự khác biệt giữa tư vấn “nội” và tư vấn “ngoại” và nóng hơn là tại sao “nội” vẫn thua “ngoại” ngay trên sân nhà. Để lý giải phần nào câu hỏi trên, xin được nêu một số ý kiến như sau:
1. Trước hết, nhìn bề ngoài, sự yếu kém của các công ty nội địa trong lĩnh vực quy hoạch cũng giống như sự yếu kém của chúng ta trong nhiều lĩnh vực khác: chúng ta không có nhân lực giỏi, chúng ta không có công nghệ tốt, chúng ta không có nhiều kinh nghiệm thị trường và có ngân sách eo hẹp, v.v… Thêm nữa, các công ty tư vấn quốc tế đến Việt Nam từ những quốc gia phát triển nên họ có kinh nghiệm trong việc kiến tạo những khu đô thị có chất lượng cuộc sống cao mà các chủ đầu tư cũng như khách hàng của những chủ đầu tư này mong muốn tại Việt Nam.
Hình 1: Quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sản phẩm đầu tay của công ty SOM (Mỹ) tại Việt Nam, với hệ thống đường dạng ô bàn cờ đơn giản
Ngược lại, sự có mặt của các công ty tư vấn quốc tế trên thị trường Việt Nam là cơ hội cho các công ty và các nhà quy hoạch học hỏi, hợp tác và cạnh tranh. Thuận lợi lớn của lĩnh vực tư vấn thiết kế là hầu hêt các công ty quốc tế dù có quy mô và năng lực lớn đến đâu khi đến Việt Nam cũng cần có đối tác địa phương để cùng thực hiện các dự án. Do đó, đứng ở vị trí “không có gì để mất” cùng với am hiểu địa phương và cơ hội dồi dào làm việc trong một đất nước đang bùng nổ đô thị hóa, các nhà quy hoạch và các công ty tư vấn Việt Nam có rất nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách với các đồng nghiệp ngoại quốc.
Ở một góc độ khác, vai trò của các công ty tư vấn quốc tế tại Việt Nam rất giới hạn trong lĩnh vực quy hoạch do những đặc trưng của nghề cũng như của thị trường Việt Nam. Trong một số dự án mà tôi tham gia, tư vấn “ngoại” thường chỉ đảm nhận vai trò ở bước làm concept và giao phần triển khai kỹ thuật cho các công ty tư vấn địa phương với sự giám sát không đáng kể. Điều này ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng rất lớn bởi đối với một đô thị, chất lượng thiết kế được người dân cảm nhận qua những chi tiết hạ tầng trên đường phố, kiến trúc các công trình thông qua quản lý xây dựng và thiết kế cảnh quan. Trong một dự án khu đô thị có quy mô 1000ha do một trung tâm thiết kế của một trường đại học ngoại quốc danh tiếng thực hiện, phương án được đề xuất mặc dù rất hợp lý nhưng chỉ dừng bước concept. Đến bước triển khai chi tiết, công ty tư vấn “nội” chỉ làm một việc duy nhất là “AutoCAD” bản vẽ concept và không hề phát triển thêm dẫn đến việc rất nhiều ô phố có chiều dài lên tới 300, 400 m, các con đường trục chính 9, 10 làn xe không hề có làn rẽ, dải trồng cỏ dọc theo vỉa hè không có điểm ngắt quãng để xe ra vào công trình, v.v…. Nực cười hơn là bởi trong concept có quy định mặt tiền công trình phải xây dựng trùng 80% đường chỉ giới xây dựng nên có những công trình khi thiết kế kiến trúc buộc phải có mặt tiền dài xấp xỉ 300 m.
Chất lượng các đồ án quy hoạch cũng như trách nhiệm của một số công ty tư vấn quốc tế tại Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. Một người bạn là một quy hoạch sư cao cấp của một công ty tư vấn “ngoại” đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam chia sẻ với tôi: “chúng tôi đến Việt Nam để kiếm tiền chứ không phải tạo ra sự thay đổi, chúng tôi biết nhiều vấn đề kỹ thuật trong các phương án còn chưa tốt nhưng biết làm sao được khi khách hàng ở Việt Nam chỉ có thể trả một mức phí thấp và chỉ quan tâm đến độ “hoành tráng” của thiết kế hơn là tính thực tế của chúng”. Tôi hỏi anh có đánh giá cao một công ty tư vấn nào trong nước không và tiêu chí lựa chọn đối tác địa phương là gì, anh cho biết:”không, chúng tôi làm với bất cứ công ty nào mang đến dự án cho chúng tôi và khi lựa chọn đối tác thường chỉ quan tâm đến khả năng phê duyệt quy hoạch của họ”. Độc giả có thể bị sốc khi đọc được lời chia sẻ như vậy nhưng có lẽ phải trách mình trước khi trách người. Trong một thị trường còn sơ khai, nạn tham nhũng, mua bán giải thưởng và đưa tiền hoa hồng dự án còn diễn ra phổ biến thì những công ty sẵn sàng “đi cửa sau” và có ít lương tâm nghề nghiệp lại có nhiều cơ hội thành công hơn.
Hình 2A: Quy hoạch một khu đô thị du lịch ven biển do một đơn vị tư vấn “nội” thực hiện với thiết kế "chia lô" thuần túy, thiếu tính toán về tầm nhìn thị giác và khai thác cảnh quan.
2. Chúng ta sẽ thu hẹp khoảng cách “nội” – “ngoại” trong lĩnh vực quy hoạch như thế nào? Thách thức đặt ra không hề đơn giản nhưng không phải không có giải pháp bởi lĩnh vực quy hoạch là một ngành chuyên môn cần rất nhiều am hiểu địa phương và bản thân sự thành công thực sự về chuyên môn của tư vấn “ngoại” tại Việt Nam cũng phục thuộc rất nhiều vào chất lượng tư vấn “nội”. Tôi xin đề xuất một số ý kiến từ kinh nghiệm làm việc 2 năm tại Việt Nam với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Làm việc với sự cầu thị:
Tham gia vào một số dự án trong nước, tôi nhận thấy hồ sơ quy hoạch do nhiều đơn vị tư vấn lớn của nhà nước và tư nhân đều thực hiện rất cẩu thả: số liệu trong bản vẽ và thuyết minh không trùng khớp, bảng tính toán không chính xác, v.v… Một căn bệnh phổ biến nữa là khâu nghiên cứu hiện trạng bị coi nhẹ. Trong hơn 1 năm làm việc, bản thân chúng tôi đã tiếp nhận không dưới 3 dự án để thiết kế lại do các phương án trước đó, dù được thực hiện bởi những công ty tư vấn tên tuổi trong nước, không thể triển khai xây dựng do thiết kế không bám sát địa hình đồi dốc, dẫn đến chi phí san nền quá lớn. Hay trong quy hoạch một thành phố mới tại phía Nam đã được thủ tướng phê duyệt, một số con đường giao thông huyết mạch khang trang hiện hữu hoàn toàn biến mất khỏi các bản vẽ và hoa gió trong các bản vẽ không chính xác dẫn đến sai lầm trong bố trí khu công nghiệp nặng ở đầu gió.
Hầu hết trong các thiết kế quy hoạch do các công ty “nội” thực hiện, tình trạng bố trí công trình trên đất sông hồ hiện hữu rồi lại đào sông hồ mới để tạo cảnh quan ngay bên cạnh diễn ra rất phổ biến. Việc cải tạo môi trường là cần thiết nhưng việc biến đổi hoàn toàn hiện trạng sẽ gia tăng chi phí xây dựng đối với một nền kinh tế còn nghèo nàn và gây hậu quả lớn về môi trường như hủy hoại hệ sinh thái và thu hẹp diện tích thoát nước tự nhiên.
Chỉ làm những gì mình giỏi
Các công ty tư vấn “nội” dù nhỏ đều thường các một đội ngũ nhân viên đa ngành từ kiến trúc tới giao thông, thoát nước, v.v… Lợi ích của việc này là các công ty có thể ôm trọn gói một dự án và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, mặt trái là nhân lực trong từng bộ phận quá ít ỏi, thậm chí chỉ 1 người trong một bộ môn, nên không thể kiểm tra chéo và không có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn. Bản thân tôi đã chứng kiến một dự án đô thị trọng điểm của quốc gia, quy mô dân số lên tới hàng trăm ngàn người, được giao trọn gói cho một đơn vị tư vấn thực hiện từ quy hoạch xây dựng đến hạ tầng kỹ thuật mặc dù đơn vị có rất ít kỹ sự hạ tầng như trong lĩnh vực cấp thoát nước là một kỹ sư duy nhất mới tốt nghiệp đại học 1 năm và ông giám đốc chủ trì là một kiến trúc sư có ít am hiểu về kỹ thuật.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù hầu hết các công ty tư vấn “nội” là đa ngành thì sự hợp tác giữa các lĩnh vực chuyên môn vẫn rất hạn chế. Các kiến trúc sư thường đóng vai trò chủ đạo còn các kỹ sư chỉ làm công việc của mình sau khi nhận được phương án thiết kế hoàn thiện từ kiến trúc sư thay vì tham gia ngay từ bước ban đầu của quá trình đề xuất ý tưởng. Đây cũng chính là lý do vì sao chất lượng thiết kế của tư vấn “nội” còn yếu kém và chưa giải quyết được nhu cầu của cuộc sống.
Hình 2B: Điều chỉnh quy hoạch khu du lịch nói trên do một tư vấn “ngoại” thực hiện với hệ thống đường giao thông có điểm tụ hướng du khu tới các điểm sinh hoạt và để khai thác cảnh quan, hệ thống công viên theo dải để tăng bán kính phục vụ và kết nối sinh thái.
Trả lời những câu hỏi của cuộc sống:
Hội quy hoạch Hoa Kỳ định nghĩa qui hoạch “là một lĩnh vực chuyên môn luôn biến đổi và có tính mục đích nhằm nâng cao chất lượng sống và hạnh phúc của con người và các cộng đồng bằng việc tạo ra không gian sống thuận tiện, bình đẳng, tốt cho sức khỏe, hiệu quả và hấp dẫn cho các thế hệ hôm nay và mai sau”. Như vậy, quy hoạch là nhằm tạo ra những đô thị sống tốt và nếu có thể được, những đô thị đẹp. Tuy nhiên một điều dễ nhận ra là các nhà quy hoạch, vốn chủ yếu có nền tảng là lĩnh vực kiến trúc, dễ sa đà vào hình thức của tác phẩm của họ hơn là tính hợp lý, khả năng vận hành trong hiện tại và tương lai cũng như triết lý và mô hình tổ chức xã hội đằng sau mỗi ý đồ quy hoạch. Trong hầu hết các dự án phát triển khu đô thị nổi bật từ Bắc chí Nam mà tôi có dịp thăm quan, những yêu cầu quan trọng của đời sống thường nhật vẫn chưa được quan tâm đúng mức như chỗ đậu xe, điểm thu gom rác thải, chống ồn, hạn chế giao thông ngoại khu hay đảm bảo dịch vụ công cộng và công viên cây xanh trong bán kính đi bộ trung bình, v.v… Tại một khu đô thị mới như Trung Hòa – Nhân Chính, vỉa hè vẫn được sử dụng vào việc đậu ô tô và xe máy hơn là đi bộ, hay trên một trục đường chính mới mở của thành phố Biên Hòa, một đoạn vườn hoa bên đường bị biến thành điểm gom rác thải.
Độc giả có thể cho rằng những chi tiết này thật nhỏ bé nhưng nếu những vấn đề này không được quan tâm từ góc độ vĩ mô, chất lượng của sản phẩm thiết kế, những khu đô thị và cuộc sống trong đó, sẽ giảm sút và nhiều rủi ro. Điển hình là việc 70% diện tích của thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng ngập triều nhưng quy hoạch chung năm 1998 đã được phê duyệt không hề đề cập. Chúng ta vẫn thường ca ngợi những dự án như Phú Mỹ Hưng làm biến đổi những đầm lầy hoang sơ thành những khu đô thị hiện đại. Tuy nhiên, chưa ai đặt câu hỏi liệu có phải những dự án như vậy đang làm đẩu rủi ro lụt lội cho các khu vực khác của thành phố bởi san lấp một diện tích đầm lầy, đất ruộng vốn có khả năng trữ một lượng nước tương đối lớn. Nói như vậy không có nghĩa rằng phát triển Nam Sài Gòn là một sai lầm. Vấn đề là chúng ta cần có các quy định nhằm đảm bảo việc phát triển một khu vực không làm gia tăng rủi ro cho một khu vực khác (mới đây tư vấn quốc tế đã đề xuất TP HCM quy định các khu đô thị mới ở phía Nam thành phố cần xây dựng hồ điều hòa với quy mô 180-200 m3/ha xây dựng).
Trở lại khía cạnh thẩm mỹ của một khu đô thị vốn được quan tâm bởi các kiến trúc sư, chúng ta vẫn chỉ coi đô thị như một đối tượng (object) thiết kế mà thông qua bản vẽ, các nhà quy hoạch có thể định hình một hình ảnh cố định và vĩnh viễn cho đô thị. Thực tế chứng minh điều ngược lại: đô thị là một tiến trình (process) kinh tế – xã hội mà do đó sản phẩm chính của quy hoạch cần phải là những chính sách và điều lệ quản lý. Trong một nền kinh tế thị trường khi mà có rất nhiều các bên cùng tham gia và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc phát triển đô thị thì để có đem những ý tưởng quy hoạch vào cuộc sống, kể cả những ý tưởng thiên về yếu tố thẩm mỹ, thì đòi hỏi nhà quy hoạch phải bỏ nhiều, nếu không phải là phần lớn, thời gian vào việc gia công một bộ điều lệ quản lý kiến trúc – xây dựng.
Tìm ra lời giải đáp cho các vấn đề của đô thị chính là lý do ra đời của ngành quy hoạch đô thị. Hơn nữa, đối với lĩnh vực quy hoạch, một lĩnh vực vốn có xu hướng định hướng và hoạch định mặt bằng ở mức độ vĩ mô, mặt bằng đóng vai trò không đáng kể trong việc quyết định chất lượng kiến trúc của một khu đô thị. Chất lượng của một đồ án cũng như năng lực của một tư vấn sẽ được quyết định bởi những giải pháp kỹ thuật được đề xuất chứ không phải sự hoành tráng và ấn tượng của phối cảnh.
3. Không ai có thể thay thế các nhà quy hoạch Việt Nam trong vai trò kiến tạo những thành phố Việt Nam nơi mà mọi người muốn sống, làm việc và vui chơi. Một thị trường bất động sản sôi động và phát triển trong nước tạo ra nhu cầu và đỏi hỏi lớn để những nhà quy hoạch của chúng ta nỗ lực. Sự tham gia ngày nhiều của các công ty tư vấn quốc tế tại Việt Nam không phải là mối đe dọa cho “nồi cơm” của chúng ta mà là cơ hội để chúng ta học hỏi, hợp tác và nâng cao năng lực chuyên môn. Cơ hội và thách thức đều rất lớn và nếu chúng ta có tham vọng, sự cầu thị, chuyên nghiệp và nỗ lực trả lời từng câu hỏi của cuộc sống, chúng ta sẽ thành công và cạnh tranh bình đẳng với các đồng nghiệp quốc tế. Tôi nghĩ rằng băn khoăn lớn nhất của người hành nghề không nên là “tại sao chúng ta thất bại trên sân nhà?” mà phải là “tại sao những thành phố của chúng ta còn chắp vá, đầy rủi ro và có chất lượng sống thấp, không xứng đáng với tâm hồn, tính cách và khát vọng của người dân Việt Nam?”.
Nguyễn Đỗ Dũng (Tạp chí Xây dựng, số 01/2010)
>>
- Hợp lý và chừng mực
- KTS Mai Thế Nguyên: Một người Hà Nội tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy
- Kiến trúc sư và hồ Gươm
- Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa (SANAA) đồng đoạt giải thưởng Pritzker 2010
- Về với Tuyên Quang – Thành phố bên Sông Lô
- Tết Việt trong mắt kiến trúc sư Canada
- Tản mạn cuối năm
- Đường hoa Nguyễn Huệ: Góc nhìn mới trên không gian cũ
- Kết quả cuộc thi ảnh “Thế giới dưới mắt Kiến...” lần 2
- Nhà ở và những thay đổi