Ashui.com

Monday
Nov 25th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Hợp lý và chừng mực

Hợp lý và chừng mực

Viết email In

Làm nhà và sống trong nhà, ta thường đụng chạm đến những cặp từ đối ngược, nhiều khi thách đố nhau , như “nhỏ và to”, “riêng và chung”, “cũ và mới” .... ở mỗi thời, tuỳ thuộc bởi túi tiền, cách nghĩ và con mắt của người đời, mà chúng biến đổi, chuyển dịch từ thái cực này tới thái cực khác. Tuy vậy, có hai cái chuẩn, mà cuối cùng mọi đắn đo đều hướng tới: đó là sự hợp lý và chừng mực. Phải hợp lý, bởi làm nhà cho mình dụng và từ thực lực của chính mình. Phải chừng mực, bởi sự dư thừa dễ làm cho mình nhàm chán, dễ làm cho người ngoài chế nhạo.

Sự hợp lý và sự chừng mực muôn thưở là cán cân giữa những cặp từ đối ngược và thách đố, là thước đo mà ta nên áp vào cái nhà, làm cho mình hoặc làm cho khách hàng.

Ta thử đụng chạm tới vài cặp từ ấy.

Nhỏ và to”. Cặp này gắn hơn cả với sự tiến hoá. Xưa, hầu hết cái gì cũng nhỏ. Cái nhà các cụ cũng vậy. Nhỏ, do vật liệu tự nhiên kích cỡ chỉ đến thế. Nhỏ, bởi vóc và sức người, sức trâu và ngựa có hạn. Nhỏ, bởi cái đình, ngôi chùa và cung vua cũng chẳng to tát là bao. Đã nhỏ thì hay kỹ lưỡng, hay tinh vi và xinh xắn. Sự nhỏ xinh của kiến trúc khiến người ta nhũn nhặn. Bước vào mái hiên, coi chừng, cục đầu.

  • Ảnh bên : Ngôi nhà này ở Nhật Bản do Shuhei Endo thiết kế 

Nay, hầu như cái gì cũng to. Cái nhà ta ở cũng vậy, To, bởi vật liệu ít kiềm chế. To, bởi của cải nhiều và gia tài lớn. To, bởi vóc người lớn vọt, tiếng nói ít phải kìm nén, cử động lại nhanh và mạnh. To, bởi cái Tôi tham vọng to. Cái nhà chứa chấp cái Tôi quá khổ. Vật dụng và máy móc thì mini hoá, nhà cửa thì maxi hoá. Sự nhũn nhặn thời xưa bị lấn át bởi sự vô độ thời nay.

To ra là tất yếu  của sự dư thừa vật chất và khả năng. Tuy thế, cái to trong mọi trường hợp nên là hàm số của sự hợp lý, dẫn tới chừng mực. Hễ nhỏ mà vừa và tiện, hãy ưu tiên. Giữa cái nhỏ và cái to, còn có cái lưng chừng. Tạo cái to, nhớ học sự khéo và sự tinh ở các cụ, miệt mài đánh vật với cái nhỏ. Chớ để cái to làm nhỏ mình.

Với nhà ở, cặp “chật và rộng” thường đi ra từ cặp “nhỏ và to”. Bởi sự chật hẹp mà mươi năm trước người ta đưa các cụ lên nóc tủ, chỗ yên duy nhất để thờ. Người ta biến cái giường đôi thành nơi dùng cho mọi việc: đói no, sướng khổ, tranh giành, sống và chết. Sự chật hẹp khiến những chủ nhân và những thiết kế gia nát óc, sắp đặt thế nào đây trong sự đại giản tiện hoá. Nay sự rộng rãi đã trở thành ưu việt của kiến trúc nhà ở. Nhà rộng đến nỗi ta phải lo khuân vác về mọi thứ để lấp cho đầy. Dè chừng, chớ để cái sự rộng trở thành sự rỗng, trở thành mê cung của sự chồng chất những thứ ta chẳng cần và chẳng thương.

Cặp “khép và mở” đi liền với “riêng và chung”. “Khép và mở” là khái niệm về không gian. “Riêng và chung” là khái niệm về quan hệ. Bản chất của kiến trúc nhà ở là sự kiến tạo những thiết chế khép – mở  để đáp ứng những nhu cầu riêng – chung.

Nhớ một phát hiện trên đất Phần Lan: Những căn nhà gỗ thưa thớt, khép bít mình lại để ủ cái ấm, - cửa ra vào và cửa sổ hẹp không thể hẹp hơn. ấy  vậy, trước mỗi nhà kê một cái ghế dài. Chủ nhân, cắn hạt hướng dương, ngóng chờ ai đó đi qua, buông đôi lời. Dù khép mình trước người đời hay trước thiên nhiên, con người vẫn hướng mắt và chìa tay với tới sự tiếp xúc. Tiếp xúc cần sự mở.

Chuẩn mực và tiện nghi sống ngày nay không chỉ đảm bảo cái sự khép cho những quy trình sống đòi hỏi khép. Chúng trao cho con người cái tự do tối thiểu là mình được sống với mình, sống một cách sinh học,  trong sự nhận thức ra giá trị của điều ấy. Con người được bứt tách ra khỏi nhịp điệu hối hả của phố xá, thoát ra khỏi những toan tính vắt não kiệt tâm giữa mọi người để, về nhà, buông thả mình vào cái riêng khép. Ngay cả ở cái nơi xưa kia người ta ra vào chỉ vì cái sự bất đắc dĩ, thì nay con người muốn nán lại thật lâu để lắng nghe cái cỗ máy sinh học, tựa vũ trụ của thân thể mình, nhận ra rõ rành mình đang “being”, sống tự nhiên.

Đó là tự do của sự khép kín cho một thành viên. Còn tự do khép kín của một gia đình nay cũng đã dễ, ngay khi ở chung cư. Khó hơn chính là sự không gian hoá những hoạt động muôn vẻ của cuộc sống gia đình, đảm bảo kết nối tinh tế các mối quan hệ giữa các thành viên thuộc 2 – 3 thế hệ. Những không gian sống chung ấy mở vào trong, quần tụ các thành viên gia đình đang có xu hướng xé lẻ. Một khi gia đình Việt bếp không nổi lửa, tối tối không quây quần, bà con họ hàng không sum họp vào các dịp cúng giỗ, bỏ lệ tiếp khách tại gia, - chắc hẳn gia đình đó đã hội nhập rồi. Song, nó không còn là nó nữa.

  • Ảnh bên : Ngôi nhà ở Toronto

Có vẻ như, sau thời kỳ thái cực hoá cái chung, sự đòi hỏi về cái “riêng” lại được bù đắp thái quá. Các dãy phố nhà san sát, cái chung chỉ còn là vỉa hè. Các đô thị mới sang trọng, cái chung đặt tít xa. Sống tiện, sống đẹp, sống không ai phiền hà, song cái sự biệt lập vốn thèm khát nay đã sát kề với nỗi buồn chán và cô đơn, ám ảnh người dân các nước văn minh.

Dù có khép cửa, khép không gian cho nền tự do cá nhân và gia đình ngự trị, ta hãy để cho “nhà tôi – thành trì của tôi” (như người Anh vẫn nói) mở ra với trời đất, mở ra với phố phường và bà con lối xóm. Chớ để phai mờ nếp ăn ở của người dân quê, ta vốn dĩ là.

Cặp từ “giàu”“sang” chẳng mấy khi tách khỏi nhau. “Giàu” là khái niệm sở hữu. “Sang” là khái niệm phẩm chất. Ngày nay người giàu nhan nhản. Nhà giàu cũng vậy. Dinh thự, biệt thự, căn hộ rồi các khu đô thị cao cấp ... mọc lên khắp nơi. Hễ đất đẹp, - có chúng. Hễ có chúng, - đất đẹp lên. Đẹp ngoài vào, đẹp trong ra. Cái đẹp lồ lộ ra từ sự giàu có. Song cái đẹp chưa toát ra từ sự sang. Bởi “sang” chưa phải đã đi ra trực tiếp từ giàu có. Nhà sang, mặc sang, ăn sang, nói sang, người sang không phụ thuộc bởi tiền của, tuy tiền của dễ dẫn đến sự sang bên ngoài. Người không giàu, mà nghĩ sang và ứng xử sang, cũng thành sang. “Sang” là sản phẩm của quá trình gạn – lọc – luyện và tinh hoá, để mọi biểu hiện của sự giàu có trở nên không phô và không thô, để căn nhà - đồ đạc – bày biện và nếp sống trở nên tự nhiên và chứa đựng giá trị tinh thần.

Đi trên đường phố, bắt gặp những biệt thự đầy ắp trang trí hệt những chiếc bánh ga tô. Bắt gặp những căn nhà, nhã nhặn mà đẹp, mà sang. Xã hội giàu nhanh, nhầm lẫn giữa giàu với sang là chuyện thường.

Nghĩ về nhà ta ở hoặc ta vẽ cho người khác, nảy sinh vô số những cặp từ khác: cao và thấp, tinh và thô, thật và giả, cũ và mới, đắt và rẻ, sáng và tối ... Văn hoá làm nhà và văn hoá ăn ở luôn hướng ta suy ngẫm, đặt lên bàn cân những cặp từ đối kháng ấy. 

Cốt yếu, sự hợp lý và sự chừng mực phải là nền móng và trụ cột của mỗi nếp nhà./.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...