Ashui.com

Monday
Nov 25th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư và hồ Gươm

Kiến trúc sư và hồ Gươm

Viết email In

Tôi đọc Lao động cuối tuần thường xuyên, Nguyễn Bỉnh Quân (NBQ) là một tác giả quen thuộc với “Ở chốn lao xao”. Bài “Kiến trúc sư ta bí cờ thật” (xem ở dưới) hấp dẫn tôi. Là kiến trúc sư tôi sung sướng, tự hào, cái nghề của mình được xã hội quan tâm, nhưng lại buồn tủi vì nó nhiều éo le, dây rợ!

Vâng, ngay sau khi tin “động trời” là người ta đang có ý định gặm nhấm Hồ Gươm, tôi đã viết trên vài tờ báo với “lý lẽ của người đối lập”. 



Kiến trúc sư là nghệ thuật trên cơ  sở khoa học, kỹ thuật, kinh tế, cấu trúc xã hội, nhưng khác với các bộ môn nghệ thuật khác, tác giả có thể trong khuôn khổ luật pháp, nền tảng xã hội, tự do sáng tác, kiến trúc thì không thể, vì nó là “bất động sản, là tài nguyên thượng hạng của quốc gia, là “sới vật” của các xung đột quyền lợi… đại diện cho các nhóm quyền lợi khác nhau”. (N.B.Q). 

Vâng đúng thế, cho nên không phải KTS vẽ cái điều mình tâm đắc mà nhiều khi vì “sức ép” nào đó. Người ta bảo: “Kiến trúc, quy hoạch là ý chí của quyền lực”. Ngẫm mà xem, đúng thật!

Le Corbusier, KTS Pháp nổi tiếng thế giới thế kỷ 20, nói: “Không có KTS tồi, chỉ có các chủ đầu tư dốt”.

Chẳng biết có phải ông bênh đồng nghiệp quá không? Nhưng cứ xã hội ta thì từ ngày đổi mới, thì thấy, chủ đầu tư ta không dốt đâu! Họ biết công trình của họ không nên xây ở chỗ ấy, nhưng họ cứ lao vào, vị trí “vàng” ấy mang lại lợi nhuận lớn, danh tiếng to. Còn KTS thời “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nên cứ hùng hồn tuyên bố bảo vệ cho chủ đầu tư “vẽ theo yêu cầu” (khác với khám bệnh theo yêu cầu của y tế).

Còn nhớ, có lần trong hội nghị phản biện, tôi kịch liệt phê phán công trình một vị KTS “quyền nghiêng thành phố”, rỉ vào tai: “Việc gì mà ông cứ phải day dứt mãi, chẳng đẹp thì thế hệ sau nó sẽ phá đi xây lại!”.

Ngược dòng lịch sử còn có chuyện kỳ vĩ hơn. Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, rộ lên “di chuyển” thủ đô lên Xuân Hoà (Vĩnh Yên). Một nhóm KTS đứng đầu là một KTS có chức, có tài, lập luận thủ đô chỉ có thể là Hà Nội, vị KTS tài năng này bị phê phán là thiếu tính tổ chức, vô kỷ luật là không quán triệt chủ trương. May thay, thực tế chứng minh  các KTS này đúng và chuyện “kỷ luật” đã không xảy ra.

Tới nay, các KTS trẻ vẫn thường kể lại như tấm gương dũng cảm của lòng yêu nghề chân chính. Sức mạnh của quyền lực, lại thêm sức mạnh của kim tiền, thì cái chân lý của mấy ông hưu trí liệu có như trứng chọi đá?

Tuy nhiên, đó là những chuyện đã qua.

  • Ảnh bên : Toà nhà "Hàm Cá Mập" bên cạnh hồ Gươm (ảnh : Ashui.com) 

Thế kỷ 21, dân chủ ngày càng được đề cao, ngày càng được mở rộng. Mọi sinh hoạt xã hội đều diễn ra ngày càng tốt đẹp. Ví như quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Các tổ chức xã hội đang hội thảo đóng góp ý kiến, rồi báo cáo lên Trung ương, Quốc hội rồi trưng bày để nhân dân xem xét. Các công trình xây dựng lớn đều có trưng bày đề nhân dân góp ý kiến: Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, quy hoạch đôi bờ sông Hồng, quy hoạch chi tiết hồ Gươm,...

Có đề nghị hồ Gươm phải được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, khoanh vùng bảo vệ, trong vòng 500m kể từ mép hồ, cần xây nhà cao (x) mét, cấm xây các công trình thương mại trong khu vực này, quy hoạch xây dựng chung Hà Nội, có hệ thống trung tâm, chính trị, hành chính, thương mại, giáo dục… phải thêm một trung tâm đặc biệt ở tầm cao hơn: “Trung tâm văn hoá Hồ Gươm…”.

Không gian hồ Gươm đã bị xâm phạm nhiều, nặng nhất là vào năm 2008, nhưng chỉ mới là dự án, đã bị sức mạnh văn hoá đè bẹp. Năm 2010, cái dự án này lại góc đầu dậy, khôn khéo hơn, tinh vi hơn, nhưng công luận đã nhận ra, liệu sức mạnh văn hoá có thắng hay là trăm sự đổ tại “kinh tế thị trường”, nên “Chỉ thế thôi”!

Bạn đọc thân mến! Nói “thế thôi” là nói vậy chứ không thể vậy. Nhân dịp quy hoạch chung Hà Nội đang vào bước cuối trình lên Chính phủ, Trung ương Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân, hãy đặt vấn đề hồ Gươm trong quy hoạch Hà Nội mới, phải có một chỗ đứng bền vững, để không kẻ nào dám xâm phạm.

Hồ Gươm là của cả nước, cần được tôn vinh xứng đáng, bảo vệ bằng luật pháp.

KTS Ngô Huy Giao

Kiến trúc ta bí cờ thật

Tin sốt dẻo đây: Lại có một dự án xây nhà cao tầng làm khu buôn bán gần hồ Gươm. Lại có vị chức sắc của Hội Kiến trúc cao giọng phản biện. Dọa sẽ có vụ khách sạn Hà Nội Vàng thứ hai.

Tức là công luận đồng thanh phản đối dằng dai mất mấy năm trời để cái dự án kia phải bị cắt cụt đi mấy tầng. Giữ được tầm nhìn cho người đi quanh Bờ Hồ. Lại có một vị phụ trách ngôn luận của các KTS cả nuớc cảnh báo rằng xây tới 7-8 tầng ở nơi chỉ cách mép hồ 200m thì hồ chỉ còn là ao; rằng trung tâm buôn bán sẽ hút người lui tới gây ùn tắc thêm và ô nhiễm môi trường v.v và v.v...

Các KTS khác cũng lên tiếng bảo vệ hồ Gươm, đòi xem lại quy hoạch và dự án. Phe làm dự án cãi: Đất vàng buôn bán mới ra lời, để chơi thì chỉ lợi “người dưng” vãng lai, chả ai được lợi! Em cứ tự hỏi làm quy hoạch, xây cái gì, xây ra làm sao thì toàn là do các KTS vạch chứ ai vào đây nữa mà họ lại thành ra “phe đối lập” chị nhỉ.

Hay là các cơ quan công quyền,  những nơi ra quy hoạch, ra quy chế, ra quy định… duyệt cấp đất, duyệt dự án, duyệt thiết kế… tuyệt không dùng tới KTS? Cô này lẩn thẩn! Khắp các cơ quan đó đều có KTS, có khi  KTS làm tới chủ tịch thành phố nữa kia. KTS ở ta rất được trọng dụng, hơn nhiều nước khác.

Hoá ra là chính các KTS ở các chức vụ khác nhau lại chỏi nhau. Chuyện xây một cái nhà ở ta nó quá phức tạp, quá “nhạy cảm”. Xin hỏi nhạy cảm là gì mà hay được dùng trên truyền thông? Cứ nghĩ “nhạy cảm” là chuyện tình ái thôi chứ? Thì có tình có ái chứ sao. Chỗ đó tế nhị, phải xử lý khéo léo, thận trọng giống như nói về chuyện khó nói, đụng vào những vùng thân thể dễ bị thọc léc hay đỏ mặt ấy!
 
Cả nước có mỗi cái hồ Gươm bé như “một lẵng hoa” mà mấy chục năm trời cứ loay hoay quy hoạch, phản biện xây mới, “cơi nới” đều rối tinh mù. Sao lại phức tạp, bí cờ tới mức ấy được. Cô không hiểu cái sự phức tạp của kiến trúc. Nó đâu phải là nghệ thuật như cô tưởng. Nó là bất động sản, là tài nguyên thượng hạng của quốc gia. Nó là “sới vật” của các xung đột quyền lợi. Quản lý đất và kiến trúc là nhạy cảm và phức tạp nhất. KTS chỏi nhau cũng vì họ phải đại diện cho các nhóm quyền lợi khác nhau. Nếu đồng thuận thì xử lý chuyện cảnh quan với chiều cao dễ như chơi.

Paris người ta cấm tiệt các công trình cao tầng hiện đại trong phố cổ. Washington họ quy định cấm xây cái gì cao hơn đài tưởng niệm ông tổng thống đầu tiên. Khối ngọc kiến trúc Paris và vẻ đẹp thanh bình của Washington D.C được toàn vẹn chỉ chờ có hai dòng luật. Hồ Gươm vĩnh viễn được bảo toàn nếu ta “đồng thuận” được hai dòng quy định, tỉ dụ như: Trong vòng 500m kể từ mép hồ cấm xây nhà cao hơn X mét, cấm xây các công trình thương mại trong khu vực này. Dễ ợt.

Nhưng ở ta thì còn khuya cô ơi! Vì thế KTS tài thì chả thiếu, ta chưa có thì thuê nước ngoài, loại “xịn” nhất hoàn cầu cũng có ngay, mà kiến trúc ta cứ xấu hoài hoài!  Hỏi chị, trong hàng vạn cao ốc mới trên khắp non sông gấm vóc có cái nào sánh nổi với các kiến trúc như nhà thờ Phát Diệm hay các công trình thời thuộc địa không? Tuyệt đối không! Ngay so với toà nhà Thư viện TP.Hồ Chí Minh cũng chả có! Em xem cuốn “Nhà cao tầng Châu Á” in mấy trăm công trình, VN ta có mỗi một bức ảnh nhỏ xíu: Cụm nhà Saigon Center đang dở dang!

Hôm nọ đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào quận I thấy đã nổi lên hình dáng của ngôi nhà cao nhất Việt Nam đang xây ở đường Ngô Đức Kế, hình búp sen vút lên trời, tôi chợt hy vọng nó sẽ là toà nhà có vẻ đẹp độc đáo, một biểu tượng mới của khu trung tâm.

Hỏi một KTS: Sao lại có được kiến trúc độc đáo như vậy, thì anh ta bảo: Vì chủ đầu tư là một tư nhân, chả cần đồng thuận với ai sất mới dám duyệt! Tôi chợt nghĩ tới số phận hẩm hiu của bao công trình công cộng khác cứ phải tìm “đồng thuận”, dung hoà mọi ý, mọi tình, mọi bên nhạy cảm thành ra chung chung, nhạt nhẽo tuốt tuột.

Xem ra kiến trúc ta bí cờ thật bà chị ạ.

Nguyễn Bỉnh Quân (Lao Động Cuối tuần số 10 Ngày 21/03/2010)

 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...