Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Những "cây cổ thụ" trong làng kiến trúc TP.HCM

Những "cây cổ thụ" trong làng kiến trúc TP.HCM

Viết email In

Có lẽ là không đầy đủ, nhưng những người mà chúng tôi hân hạnh được trò chuyện dưới đây thực sự là những "cây cổ thụ" trong làng kiến trúc thành phố ta, là những người đã gắn bó, đóng góp không ít công lao cho kiến trúc thành phố nói riêng, và kiến trúc Việt Nam nói chung. 

Xin gửi những trang báo này đến các bậc kiến trúc sư lão thành thay cho những lời tri ân nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập hội Kiến trúc sư TP.HCM.

Nhóm phóng viên Kiến trúc & Đời sống (KT&ĐS) được KTS Lê Văn Năm (ảnh bên) hẹn tiếp vào một buổi chiều tại nhà riêng. KTS Lê Văn Năm từng là phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm uỷ ban Xây dựng cơ bản; giám đốc sở Xây dựng (1979 – 1992); Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (1992 – 2001); Phó tổng thư ký hội KTS TP.HCM từ lúc thành lập đến giữa khoá 1, Tổng thư ký từ giữa khóa 1 (1981- 1987) đến hết khóa 2 (1987- 1994), Chủ tịch hội khóa 3 (1994- 2000) và khóa 4 (2000- 2005).

Là người đứng đầu ở Hội và lãnh đạo quản lý ở một thành phố sôi động như Sài Gòn – TP.HCM đúng thời kỳ mở cửa, ông có nhiều điều muốn chia sẻ. Cuộc phỏng vấn của phóng viên KT&ĐS lại trở thành buổi nghe kể chuyện. Nhưng câu chuyện của một thời chưa xa.

KTS Lê Văn Năm: Đến với hội trên tinh thần đồng nghiệp, bình đẳng.

1. Nói đến kỷ niệm thành lập hội KTS TP.HCM thì không thể không nhắc đến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt – chú Sáu Dân, người bạn lớn của giới kiến trúc sư như KT&ĐS từng nói. Có sự trùng hợp thú vị là tháng 11/2011 này, hầm Thủ Thiêm chính thức lưu thông, nối liền đại lộ Võ Văn Kiệt qua bên kia sông Sài Gòn. Bây giờ nhớ lại, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra mới có ngày người dân có thể đi từ bờ quận 1 qua bên kia sông, sang Thủ Thiêm. Con đường ngắn vậy mà phải đi rất nhiều năm. Lúc khởi động nghiên cứu dự án, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nhớ, ý kiến chỉ đạo lúc bấy giờ là với đô thị lớn như TP.HCM, đường vành đai là không thể thiếu, nhưng đường xuyên tâm cũng rất cần thiết. Phương án bắc cầu qua sông Sài Gòn đoạn ở nhà máy Ba Son chưa thực hiện được. Phương án hầm dìm Thủ Thiêm được đưa ra làm trước theo quy hoạch tổng mặt bằng thành phố đã được chính phủ phê duyệt năm 1993. Anh em quy hoạch đề xuất giải pháp đường xuyên tâm qua thành phố theo hướng Đông – Tây có hầm nối với Thủ Thiêm. Phải nói là chúng tôi rất xúc động khi các cấp lãnh đạo duyệt thông qua. Năm 2000 Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chính thức, TP.HCM đã thực hiện đền bù giải toả mặt bằng trong bốn năm, gồm 6.754 hộ dân, 368 cơ quan trên tổng diện tích 201,63ha để đến năm 2005 khởi công.

Nay thì đại lộ đã hình thành. Đại lộ mang tên Võ Văn Kiệt, đi xuyên qua thành phố, nối từ phía tây sang phía đông. Đại lộ mang tên một con người, gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm với hội KTS thành phố và nhiều anh, chị em hội viên đã có dịp làm việc với chú Sáu.

Tôi nhớ, chú Sáu bắt đầu có những buổi nghe báo cáo về quy hoạch từ khoảng năm 1976 – 1977, khi ông còn là chủ tịch Uỷ ban quân quản. Trước buổi nghe báo cáo, một hôm ông giao bên quân đội bố trí trực thăng để cùng nhóm chúng tôi quan sát và chụp hình thành phố từ trên cao. Nhân đây nói thêm, ý tưởng hình thành công viên Đầm Sen, công viên Chiến Thắng (hiện là công viên Hoàng Văn Thụ), công viên hồ Kỳ Hoà, công viên Bình Tiên – Bình Phú, công viên Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng… là bắt đầu từ chuyến bay này. Trong buổi nghe về quy hoạch và hướng phát triển thành phố, ông đặc biệt quan tâm đến vùng TP.HCM, đến Nhơn Trạch, Biên Hoà, Tân An, Vũng Tàu.

Trước khi ra Hà Nội nhận công tác, cuối năm 1981, chúng tôi được gặp ông trong câu chuyện thân mật ở ngôi nhà ven sông tại Thủ Đức. Ông dặn dò, “Thành phố mình lớn lắm, có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tôi tuy đi công tác xa nhưng vẫn nặng lòng với thành phố”.

Lần cuối chúng tôi được bay trực thăng với ông là khoảng năm 1994, khi đó ông đang là thủ tướng. Chúng tôi đã dùng trực thăng quan sát bán đảo Thủ Thiêm, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, đô thị Phú Mỹ Hưng và đáp xuống chỗ nhà máy điện Hiệp Phước bây giờ. Đó là thời gian bàn về đại lộ Đông – Tây, con đường kết nối trung tâm hiện hữu của thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình thành bộ khung hạ tầng giao thông tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông thành phố; góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường khu vực dọc đại lộ, khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn – Bến Nghé xưa… Ông khẳng định “trước sau gì cũng phải phát triển tiến về phía nam nhưng ở mức độ nào là điều phải tính”. Tuy không phải là kiến trúc sư nhưng ông có nhãn quan đặc biệt về kiến trúc, quy hoạch. Tầm nhìn của ông có tính chiến lược và có sức thuyết phục ghê gớm đối với giới kiến trúc sư.


Cao ốc Metropolitan là một trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ đổi mới do hội KTS Việt Nam bình chọn.

2. Tôi có cái may mắn là người đóng cả hai vai, vừa làm quản lý, vừa làm công tác hội suốt thời gian dài. Hội KTS TP.HCM là một hội đoàn thể chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Nhận thức rõ ràng như vậy để từ chân đứng nghề nghiệp, anh chị em phải làm tốt công tác phục vụ xã hội. Thành phố thời mở cửa, có rất nhiều chuyện để nhớ, để chiêm nghiệm (KTS Lê Văn Năm trầm ngâm).

Tình hình chung của thành phố sau giải phóng còn vô vàn khó khăn, song các cấp lãnh đạo đã sớm chủ động kiến nghị với trung ương cho tiến hành nghiên cứu quy hoạch cải tạo và xây dựng thành phố xứng với vị trí và tầm vóc của thành phố mang tên Bác Hồ. Trong giai đoạn ấy, lần đầu tiên lãnh đạo đã mạnh dạn giao cho đội ngũ kiến trúc sư thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan liên đới nghiên cứu luận chứng kinh tế kỹ thuật rồi sau đó lập tổng mặt bằng TP.HCM. Sau hai lần điều chỉnh, đến nay, tổng mặt bằng TP.HCM được chính phủ phê duyệt lần đầu (1993) về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, đây là sự kiện trọng đại đáng được ghi nhận về sự đóng góp của giới kiến trúc sư thành phố ta.


Cao ốc Metropolitan trong toàn cảnh khu vực trung tâm TP.HCM ngày nay.

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, cũng còn không ít ưu tư. Khoảng năm 1993, có một cao ốc văn phòng 11 tầng xây ở mặt tiền đường Nguyễn Du, phía sau trụ sở UBND TP.HCM. Tuy nhiên, phần chóp của cao ốc lại cao hơn trụ sở UBND nếu đứng nhìn từ phía trước UBND trên đường Nguyễn Huệ. Dư luận phê phán nổi lên, thậm chí còn xuất hiện tranh luận là nên đập hay không! Sau cùng, các nhà kiến trúc đã có giải pháp xử lý nhưng cần thấy rằng, đó mới chỉ là một công trình có phần nào tác động đến cảnh quan đô thị ở khu vực nhạy cảm. Ngay sau đó là chuyện cao ốc Metropolitan ở góc đường Nguyễn Du – Đồng Khởi. Đến trước ngày ra giấy phép xây dựng, chúng tôi còn yêu cầu hoãn để chỉnh sửa phương án. Chủ đầu tư thậm chí còn đòi kiện lên uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư. Cuối cùng, chúng tôi cũng thuyết phục được chủ đầu tư chấp nhận lùi vào, nhường không gian cho lợi ích chung. Sau này, đây là một trong 20 công trình được hội KTS Việt Nam trao giải “Công trình kiến trúc Việt Nam tiêu biểu” thời kỳ đổi mới công bố năm 2008 với nhận xét của hội đồng tuyển chọn: “Cao ốc Saigon Metropolitan tại TP.HCM gồm hai khối nhà 12 và 16 tầng, có khoảng lùi vừa đủ để không lấn át không gian quảng trường. Công trình có một sự thoả hiệp khéo léo, trong sự hoà hợp với những biểu tượng văn hoá của những giai đoạn lịch sử khác nhau của thành phố. Toà nhà đã thoả mãn những đòi hỏi nghiêm túc về nghệ thuật kiến trúc và không gian đô thị ở một khu vực nhạy cảm của TP.HCM”.


Trụ sở UBND Q.10, công trình do KTS Nguyễn Văn Tất chủ trì thiết kế, đã đạt giải nhất giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2000 và là một trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ đổi mới. (Ảnh: T.A.D)

Một thí dụ khác là công trình trụ sở UBND Q.10. Khi đó, hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố đã họp và tranh luận vài lần, có người đồng ý và không đồng ý. Phần kết luận, tôi nhấn mạnh, chính chủ đầu tư đã đồng ý chấp thuận phương án của người thiết kế sau khi đã chỉnh sửa theo các thành viên hội đồng. Vì vậy, tôi khẳng định sự đồng tình của cá nhân, quyết định cấp phép xây dựng.

Đó là về cái lý, là quyết định của một kiến trúc sư trưởng. Còn về một lẽ khác, công trình này do một tổ hội viên có năng lực của hội KTS TP.HCM sáng tác, chủ trì là KTS Nguyễn Văn Tất. Về tình đồng nghiệp và sự cảm nhận sáng tạo của nghệ thuật kiến trúc, tôi đã “ăn ý” với công trình này từ lúc mới đề xuất ý tưởng. Công trình hoàn thành xây dựng năm 1999, được giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2000 và cũng được chọn làm “Công trình kiến trúc Việt Nam tiêu biểu” thời kỳ đổi mới với nhận xét:“Trụ sở UBND Q.10 TP.HCM là công trình đột phá trong ngôn ngữ kiến trúc và quan niệm tổ chức không gian trụ sở công quyền Nhà nước, vượt ra khỏi sự sao chép trước đây. Công trình với những đường cong mềm mại của khối hình và một chiều cao vừa phải, đường nét kiến trúc giản đơn, chắc khoẻ đã tạo được sự gần gũi với con người và là nét đặc trưng cần có của một trụ sở cơ quan chính quyền”. 

Tôi kể chuyện này, mong muốn chia sẻ những ứng xử của người vừa làm quản lý vừa làm công tác hội. Làm quản lý thì phải theo luật, theo hệ thống chính quyền. Làm công tác hội thì bình đẳng. Đó là nguyên tắc. Hội chúng ta có điều đáng quý là anh em nhiều lứa tuổi, từ nhiều nguồn, trường lớp khác nhau, hoàn cảnh kinh tế, công việc, chức vụ cũng khác nhau nhưng đã đến với hội là trên tinh thần đồng nghiệp, bình đẳng, cởi mở, thân thiết, không đố kỵ. Mong rằng hội của chúng ta tiếp tục giữ vững được tinh thần này.

KTS Cổ Văn Hậu: Người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư TP.HCM

KTS Cổ Văn Hậu sinh năm 1934 tại Long An, tốt nghiệp đại học Kiến trúc Sài Gòn năm 1964.

Ông được biết đến là người rất đam mê và giỏi về cấu trúc không gian, kỹ thuật hình học và thực hiện mô hình kiến trúc, là người thầy của rất nhiều thế hệ KTS TP.HCM, với 42 năm giảng dạy (từ 1966 – 2008), ông đã góp phần đào tạo hơn 4.000 kiến trúc sư. Được học trò thân thương gọi là kiến trúc sư có vòng một nhỏ nhất hội KTS TP.HCM, ông giáo Hậu cười vui trả lời: “Tụi nhỏ nó quậy tí cho vui, có mất mát gì đâu, tui là con thứ bảy trong nhà, ốm yếu từ nhỏ, mặc cảm lắm, nên làm gì tôi cũng phải quyết tâm làm cho thật tốt, có nghề nghiệp, có học trò thương mến, với tôi vậy là mãn nguyện”. Là kiến trúc sư đa tài không chỉ với nghề, ông còn giỏi đàn piano, guitar, sáng tác nhạc và mới hai năm trở lại đây ông vẽ tranh. Lý giải cho thú vui tuổi già, ông tâm sự: “Già rồi, không đi dạy nữa, rảnh nên ở nhà làm đủ trò chơi cho vui”. Thế mà học trò cũ – mới cần gì, chạy đến ông đều được ông tận tình giúp đỡ, ông tâm niệm rằng: “Tôi đi dạy bằng cái tâm của mình, học trò cần gì tôi giúp hết, với tôi còn sống là còn học, làm gì cũng nhờ cái tâm, mình gieo gì thì mình sẽ gặt nấy”.

Ở tuổi 78, niềm đam mê công việc, nhiệt huyết với nghề, với câu chuyện kiến trúc, với hoạt động của hội KTS TP.HCM vẫn luôn được ông quan tâm và chia sẻ: “Kiến trúc thành phố có nhiều thay đổi về hình thức, nhu cầu, vật liệu, nhưng mang tư tưởng hướng ngoại nhiều hơn. Hễ nói gì đến yếu tố Việt, đến truyền thống thì dễ bị chê, coi là lạc hậu, quê mùa. Thực ra trong cái yếu tố thuần Việt ấy có rất nhiều đặc trưng riêng, đâu phải cứ đội nón lá, ở nhà lá là xấu, vấn đề là mình biết vận dụng, phối hợp, đặt đúng nơi đúng chỗ, sẽ phát huy được cái đẹp, cái duyên và cái đặc thù của kiến trúc Việt Nam. Một kiến trúc đẹp, hiện đại nhưng anh đặt sai chỗ mà quên đi yếu tố khí hậu thì nó cũng trở thành thứ chướng mắt chứ không đem lại vẻ đẹp gì. Hơn nữa trong quy hoạch kiến trúc của mình, từ nhà ở tư nhân đến các công trình công cộng hay tức nhau tiếng gáy, vì mê tín từ câu nói: “Nhà sau xây cao hơn nhà trước”, cái sau xây phải to lớn, đồ sộ hoành tráng hơn cái trước. Chính điều này khiến cho bộ mặt kiến trúc chung bị vỡ vụn hết. Trong quy hoạch, yếu tố kinh doanh được đặt nặng mà quên cái cảnh quan, cái môi trường sống… cùng với sự kết hợp hài hoà của lô đất và kiến trúc xây dựng trong lô đất ấy với không gian xung quanh. Chừng nào điều này chưa được coi trọng thì chưa đem lại bộ mặt đẹp cho kiến trúc thành phố được”.

KTS Trần Đình Quyền: “KTS TP.HCM không hề thua kém đồng nghiệp nước ngoài”

KTS Trần Đình Quyền sinh năm 1932 tại Huế, tốt nghiệp đại học Kiến trúc Sài Gòn năm 1960, đại học Columbia, Hoa Kỳ năm 1964.

Các vị kiến trúc sư bằng hữu khi nói về KTS Trần Đình Quyền, đều có một nhận định chung rằng, ông là một người sống cả đời cho nghề kiến trúc, có đam mê tột đỉnh với nghề. Hiện nay, đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn ngày ngày làm việc bên bàn vẽ, bên các bản thiết kế. Có vẻ như người kiến trúc sư tiên phong trong thiết kế bệnh viện ở Việt Nam vẫn chưa một ngày mệt mỏi với nghề, bởi với ông, còn làm việc là còn cống hiến, còn góp công sức mình vào sự phát triển của kiến trúc đô thị.

Câu chuyện về nghề của KTS Trần Đình Quyền, cha đẻ của rất nhiều bệnh viện khắp Việt Nam chắc hẳn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi ông kể về mối duyên với nghề kiến trúc, rằng ban đầu ông chọn học ngành y khoa, nhưng không phù hợp nên chuyển sang kiến trúc, ra trường làm trong ngành xây dựng quân đội, thực hiện nhiều đồ án thiết kế công trình công cộng mà chủ yếu là các cổng chào. Sau hai năm được tuyển chọn đi Mỹ tham quan ngành kiến trúc bệnh viện, được nhận học tại trường đại học danh tiếng là Colombia ở New York. Trở về nước, ông bắt tay vào lập các đồ án thiết kế mới và đồ án nâng cấp cải tạo, mở rộng nhiều công trình bệnh viện như bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện nhân dân Gia Định, trung tâm Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Long An, bệnh viện Nhà Bè, Hóc Môn, Nhi Đồng 1, Bình Dân… Trong hơn 40 năm theo nghề thiết kế kiến trúc, bạn bè, đồng nghiệp đều nhận thấy ở KTS Trần Đình Quyền một phong cách làm việc nghiêm túc, uy tín nghề nghiệp của ông thực sự là một tấm gương sáng cho thế hệ kiến trúc sư trẻ noi theo.

Cả đời người gắn bó với nghề, KTS Trần Đình Quyền vẫn còn những ưu tư mong muốn được chia sẻ cùng mái nhà chung là hội KTS TP.HCM: “Tôi mong rằng vai trò và tiếng nói của hội ngày một mạnh hơn nữa, để có thể góp ý với cơ quan chức năng, điều chỉnh những bất hợp lý trong lĩnh vực kiến trúc, tập trung hơn vào lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của giới kiến trúc sư. Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập, còn nhiều bế tắc trong lĩnh vực kiến trúc cần khai thông, ví dụ những rào cản về việc người lập dự án không được triển khai thiết kế kỹ thuật, quy định đấu thầu thiết kế thay vì chọn một cuộc thi thiết kế… đó là những quy định có tính kìm hãm sức cạnh tranh trong lãnh vực kiến trúc, không những chúng ta tự ngăn cản không làm gì được tại nước ngoài mà ngay cả trên đất nước mình. Tôi dám khẳng định rằng nếu có điều kiện hành nghề như kiến trúc sư các nước, chắc chắn KTS TP.HCM có đủ kinh nghiệm, năng lực để làm tốt hơn các đồng nghiệp nước ngoài. Trong kiến trúc thành phố, có thể dẫn chứng qua các công trình mà nhiều thế hệ kiến trúc sư đã làm rất tốt trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với các kiến trúc sư nước ngoài có thế lực và tiền nhiều hơn. Tôi hy vọng và tin rằng thế hệ kiến trúc sư trẻ thành phố sẽ ngày càng tạo được nhiều dấu ấn kiến trúc mang tính đặc thù Việt Nam để góp phần xây dựng bộ mặt đô thị thành phố thêm đẹp và giàu bản sắc”.

KTS Trần Văn Dưỡng: “Mảng xanh thành phố bị đe doạ”

KTS Trần Văn Dưỡng sinh năm 1936 tại Ba Tri, Bến Tre, tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1966.

Việc trồng cây xanh trong thành phố được thực hiện từ nửa cuối thế kỷ 19, vào năm 1865 khi ông J. B. L Pierre lập vườn bách thảo Sài Gòn và điều hành việc trồng cây trên đường phố. Hệ thống công viên cây xanh kể từ đó phát triển mạnh mà cao trào là những năm 1980 khi phó Chủ tịch UBND TP là ông Trần Văn Danh – phụ trách xây dựng cơ bản, đã khởi xướng phong trào lập công viên, tôi cũng đề xuất ý tưởng “Công viên hoá nghĩa trang” – điều này được tôi học tập trong quá trình tu nghiệp tại Liên Xô cũ. Từ đó những công viên Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng ra đời, những khu đất trống cũng được chuyển đổi thành công viên cây xanh như Hoàng Văn Thụ, 23.9, Phú Lâm, Đầm Sen, Văn Thánh, Kỳ Hoà. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích các công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên để trở thành những công viên hoàn chỉnh. Từ 50ha công viên ban đầu sau ngày Sài Gòn giải phóng, nay thành phố đã có hơn 200ha công viên.

Có thể nói, cấu trúc hạ tầng đô thị ở xứ nhiệt đới như TP.HCM không thể thiếu các mảng xanh được, đó là một bộ phận hợp thành cảnh quan thiên nhiên trong đô thị, cải thiện khí hậu và môi trường sống của con người. Tuy nhiên, với xu thế phát triển hạ tầng như hiện nay, nhiều mảng xanh ấy đang bị đe doạ, cây xanh không được quan tâm đúng mức như trước. Đất công viên bị xẻ dành cho việc nâng cấp đường xá, như trường hợp công viên Tao Đàn, công viên Hoàng Văn Thụ. Đất trong công viên bị xén làm nhà ở như công viên Gia Định, không ưu tiên vốn đầu tư khiến cho công viên 23.9 hơn 20 năm qua vẫn là một khu đất chưa được trả về đúng giá trị của nó. Với công viên Lê Văn Tám, ngày khánh thành công viên 1985, toàn bộ cây xanh cũ được giữ lại kết hợp trồng mới thêm, trong khi đó thành phố đang có dự án xây dựng bãi xe ngầm, và nếu công trình này thực hiện, tôi được biết sẽ có khoảng 3/4 cây xanh bị phá đi để nhường chỗ làm hạ tầng cho công trình. Việc phát triển công viên theo quy hoạch thực sự đang bị thách thức.

KTS Nguyễn Kim Sến: “Kiến trúc sư ngày càng ảnh hưởng rộng với xã hội”

KTS Nguyễn Kim Sến sinh năm 1932 tại Quảng Ninh, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Liên Xô năm 1966.

Lực lượng kiến trúc sư TP.HCM đã đóng góp không nhỏ vào câu chuyện hình thành và làm nên tên tuổi của hội KTS TP.HCM, vì đây là nơi tập hợp anh em kiến trúc sư đông đảo nhất. Vai trò của các kiến trúc sư với hội ngày càng trở nên gắn bó, là sự tương trợ từ những cá nhân của các kiến trúc sư trong việc thành lập các công ty, các nhóm kiến trúc sư có dấu ấn với xã hội thông qua các công trình thiết kế, tư vấn, giám sát thi công… giúp cho người dân thành phố ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của bộ mặt kiến trúc, của kiến trúc sư, của hội Kiến trúc sư với sự phát triển của đô thị.

Hội KTS TP.HCM khi thành lập năm 1981, với hoạt động không dựa vào giai cấp, chỉ dựa vào chuyên môn nghề nghiệp để các kiến trúc sư góp sức vào xây dựng thành phố, hội cũng chính là mái nhà chung để giúp đỡ về phương hướng, đường lối, là nơi hoà giải những rắc rối về chuyên môn. Nhờ vậy mà uy tín và tầm ảnh hưởng của hội ngày càng lan rộng trong giới kiến trúc sư và với xã hội.

Là người tham gia vào công tác hội từ những ngày đầu thành lập, tôi cảm thấy rất rõ sự thay đổi về vai trò của người kiến trúc sư trong xã hội hôm nay. Ngày hội mới thành lập, cuộc sống còn khó khăn, đất rộng, người thưa, nhu cầu xây dựng chưa phát triển rầm rộ. Đến nay thì vai trò của các viện Quy hoạch kiến trúc, Thiết kế kiến trúc và đặc biệt là từ các kiến trúc sư, là lực lượng nòng cốt trong phát triển kiến trúc – xây dựng từ nhà cửa, cầu cống, đường xá, ngày càng tiến bộ theo hướng hiện đại – văn minh, không chỉ đem lại thành quả bộ mặt kiến trúc thành phố đẹp về hình thức, mà còn thoả mãn được nhiều nguyện vọng của đời sống người dân. Chính từ những công việc, công trình cụ thể, vai trò người kiến trúc sư đã có ảnh hưởng mạnh đến đời sống cộng đồng, đó là một mối quan hệ cần thiết giúp cho môi trường làm việc của người kiến trúc sư thêm phong phú, giúp cho môi trường hội KTS TP.HCM thêm vững mạnh, phát huy tốt vai trò của hội trong đóng góp cho diện mạo kiến trúc thành phố ngày một khang trang, tươi đẹp hơn.

KTS Huỳnh Kim Trương: “Cảm ơn các bạn sinh viên cứu quốc đại học Kiến trúc Sài Gòn cũ”

KTS Huỳnh Kim Trương sinh năm 1919 tại Tiền Giang, tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội năm 1960.

Ông chính là người thành lập chi hội KTS miền Nam đầu tiên, nay đã bước sang tuổi 92, những kỷ niệm đẹp về chi hội kiến trúc sư những ngày đầu thành lập được ông kể lại: “Tôi được phân công làm trưởng ban Kiến trúc công nghiệp, phụ trách kỹ thuật và đoàn KTS Trung ương, để thành lập một chi hội KTS miền Nam với ban phụ trách gồm năm người: Tôi là trưởng ban, KTS Khổng Toán – phó Trưởng ban thường trực, KTS Phạm Văn Bảo, Trần Ngọc Điều và Nguyễn Hoàng làm uỷ viên. Do yêu cầu của mặt trận miền Nam khi ấy cần cán bộ và công nhân xây dựng, tôi cùng đoàn 268 (thành lập vào ngày 26/8/1974 theo quyết định liên Bộ ban Thống nhất Trung ương và bộ Xây dựng), tập hợp anh em tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam gồm hơn 300 cán bộ và công nhân xây dựng, sau đó chuyển đổi thành đoàn K7 trực thuộc ban Xây dựng của Trung ương cục miền Nam. Chúng tôi được phân công bảo vệ các cơ sở kiến trúc vắng chủ, bị bỏ hoang, tránh tình trạng phá hoại, hôi của, và bàn giao lại cho quân quản xử lý sau ngày thống nhất đất nước.

Khi tiến về Sài Gòn, tôi gặp KTS Huỳnh Tấn Phát và ông đề nghị tôi lập hội KTS Giải phóng ở miền Nam do tôi làm hội trưởng, trong đó tôi vẫn giữ nhiệm vụ là hội trưởng đoàn KTS Trung ương. Tôi cùng nhóm anh em K7 tập trung tại đại học Kiến trúc Sài Gòn, lấy đơn vị này làm cơ sở, ngày làm việc tại trường, đêm ngủ trên bàn vẽ, trên ghế giảng đường. Nhắc đến chuyện này, tôi phải nói lời cảm ơn đến các thế hệ sinh viên của trường đại học Kiến trúc Sài Gòn, nhất là hơn 500 thành viên của đội sinh viên cứu quốc, ăn cơm nhà làm việc nước, ngày ngày dẫn các thành viên trong nhóm K7 chúng tôi đi đến các ngôi nhà vắng chủ để trấn giữ, tiếp quản, vì các sinh viên thông thuộc đường xá, họ đã giúp chúng tôi rất nhiều, nhờ vậy việc tiếp quản diễn ra nhanh chóng, không để tình trạng phá hoại, cướp bóc xảy ra. Các trường đại học của chế độ Sài Gòn cũ hầu hết đều theo mệnh lệnh tuỳ nghi sơ tán, riêng trường đại học Kiến trúc còn nguyên vẹn, vẫn duy trì các hoạt động giảng dạy như bình thường.

Sau khi đất nước thống nhất, tôi chuyển sang làm nhiều nhiệm vụ khác, tham gia ban trù bị hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật, trong đó có hội Xây dựng giữ lực lượng đông nhất rồi đến hội Kiến trúc sư, sau chuyển sang làm viện trưởng viện Quy hoạch và thiết kế tổng hợp miền Nam, lo việc quy hoạch cho thành phố, làm giám đốc sở Xây dựng đầu tiên… Cho đến nay, có dịp ôn lại kỷ niệm những ngày đất nước sau giải phóng, tôi vẫn muốn nhắc lại công sức đóng góp to lớn của các bạn sinh viên trường Kiến trúc ngày xưa.

KTS Lê Quang Ninh: “Cần phát huy bản sắc kiến trúc nhiệt đới”

KTS Lê Quang Ninh sinh năm 1937 tại Đồng Tháp, tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc (1966), Tiến sĩ tại Rumani năm 1973.

Đặc trưng riêng của các đô thị phía Nam, vùng đồng bằng Nam bộ là lấy sông làm trục đô thị, trục đô thị ở TP.HCM dựa theo sông Sài Gòn. Chúng ta sống trong điều kiện môi trường nhiệt đới, cần phải có kiến trúc không gian mở, phải lấy yếu tố rộng thoáng làm điểm nhấn. Hiện nay, kiến trúc thành phố đang chạy đua theo lối xây dựng nhà cao tầng, đó là điều tất yếu của xu thế phát triển đô thị, nhưng nếu quá vội vàng, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc kiến trúc mang đặc trưng riêng của vùng nhiệt đới, đó là mảng xanh của cây, của mây trời, sông nước, vì vậy cần phải dàn trải không gian kiến trúc chứ không phải co cụm thành từng khối bêtông cao tầng. Nếu muốn kiến trúc thành phố có bản sắc thì phải biết khống chế không gian thật tốt, để thành phố được rộng thoáng, không bị dày đặc, bức bí với những toà nhà chọc trời san sát, đan kín nhau như thường thấy ở các đô thị hiện đại tại các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo tôi với những dạng kiến trúc cao tầng, ứng dụng vào đô thị thành phố chỉ cần đặt các công trình theo bố cục làm điểm nhấn. Chúng ta có vài kiến trúc cũ làm điểm nhấn rất đẹp, ví dụ nhà hát lớn thành phố, nhưng với xu thế phát triển đô thị hiện nay, những điểm nhấn ấy dần bị khuất và để diện mạo thành phố đẹp thêm thì cần phải có những điểm nhấn khác có tính quy mô hơn thay thế, những vị trí phù hợp như vị trí Ba son, công viên 23.9 là các điểm có thể bố trí điểm nhấn cho bộ mặt kiến trúc thành phố bằng giải pháp xây dựng nhà cao tầng.

Trong kiến trúc đô thị hiện đại, mình là người đi sau, bởi vậy rất dễ mang tư tưởng chạy theo, thích phô trương, nổi bật, xây dựng cái gì cũng muốn phải là cao nhất, cao nhì… Theo tôi, đâu cần nhất thiết phải thế mới chứng minh được rằng mình đang phát triển, cái cốt lõi là chỉ cần tìm cái gì phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội, dân tộc, đó mới là vốn quý mà không kiến trúc nào ở nơi khác có được, chứ phô trương hình thức quá cũng chỉ làm méo mó đô thị thôi chứ chưa chắc đã phải là giải pháp mỹ thuật toàn diện cho bộ mặt kiến trúc thành phố.

Kiến trúc sư bây giờ hành nghề có nhiều môi trường thuận lợi hơn trước, và phát triển theo nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau. Trước kia, như thời chúng tôi thì vai trò kiến trúc sư tập trung chủ yếu vào kiến trúc chính thống như các công trình văn hoá, kinh tế, dân sinh theo tư tưởng nhà nước. Giờ thì có thêm mảng thị trường, phố phường mình bây giờ cái khó coi của kiến trúc cũng không ít, nhưng cái đẹp cũng nhiều lên, trong xu thế phát triển chung như thế là tốt, việc đào tạo kiến trúc sư ra trường đóng góp nhiều cho xã hội, cứ nhìn qua bộ mặt kiến trúc thành phố là phần nào hiểu được sự phát triển của xã hội.



Nguyễn Đình - Hưng Long (thực hiện) / ảnh: Hải Đông - Tường Huy 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...