Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư trẻ và cách nhìn mới mẻ

Kiến trúc sư trẻ và cách nhìn mới mẻ

Viết email In

Trại Kiến trúc sư trẻ Việt Nam – Cần Thơ 2011 có cách nhìn mới mẻ và tiếp cận những vấn đề nóng trong đời sống của người dân Cần Thơ.

Điểm nhấn không gian

Nhóm KTS Hồ Thế Vinh, Phạm Thanh Huy, Ngô Đức Đệ, Huỳnh Phan Trung Trực chọn cách tiếp cận và đưa ra giải pháp giúp cư dân nông thôn ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, quy mô dân số 18.000 người, địa bàn rộng 2.000ha, những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Với những chính sách phát triển nông thôn mới, nhóm chọn cách cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp đi cùng các công trình công cộng. Trong đó, trung tâm xã và công trình công cộng tại ấp được chọn giai pháp xây hai tầng, thiết kế sao cho phương tiện cứu hộ dễ tiếp cận từ đường thuỷ, bộ, thậm chí có chỗ đáp cho trực thăng để chuyển dân đến.



Thực tế hiện nay là hầu hết công trình công cộng ở xã chưa phù hợp yêu cầu bố trí làm nơi cứu hộ khẩn cấp và đề xuất của các kiến trúc sư trẻ là phác thảo nhà văn hoá cộng đồng ấp gắn với chức năng cứu trợ thiên tai, gắn bán kính sử dụng công trình trung tâm với chức năng cứu hộ, sơ tán khẩn cấp.

Kịch bản biến đổi khí hậu cho biết 39% diện tích ở ĐBSCL (với 35% dân số đang ở trên đó) sẽ bị ngập khi nước biển dâng một mét. Trong thực tế, ở ĐBSCL, địa bàn nông thôn rộng, dân cư sống phân tán, nhiều nơi xa đô thị, cứu trợ tại chỗ không chủ động… Các công trình công cộng hiện có khi thiết kế, khai thác không chú ý chức năng ứng phó thiên tai… nhiều cư dân nói rằng họ không biết bám vào đâu khi có thiên tai, trú ẩn tại nhà không an toàn, nhưng không biết sẽ đi đâu, chưa biết phải làm gì khi cần cứu trợ.

Vấn đề của ĐBSCL không chỉ là công trình công cộng cần gắn với ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu? Làm sao người dân có được công trình với chi phí không quá cao so với thu nhập của họ? Câu trả lời là tại sao không thiết kế theo giải pháp nhà trên cọc? Giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường? Ứng phó hay ứng xử với biến đổi khí hậu là câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cách nào thì với lối tiếp cận của các kiến trúc sư trẻ cũng đã khiến cho người viết kịch bản biến đổi khí hậu mở rộng tầm nhìn, quan tâm hơn đến số phận con người.

Bên cạnh đó, vấn đề cảnh quan của Cần Thơ như tổ chức các điểm nhấn không gian quận Ninh Kiều thuộc nhóm của KTS Nguyễn Đăng Thịnh, KTS Huỳnh Quốc Hội, KTS Nguyễn Văn Hải… cũng tạo được chú ý. Bởi vì, hiện tại từ trung tâm quận Ninh Kiều, đi ven sông, chưa thấy dấu ấn kiến trúc.

Đôi mắt ven sông

Ý tưởng đôi mắt ven sông qua nghiên cứu điểm nhấn gồm bốn điểm tiếp xúc từ bến Ninh Kiều đến cầu Quang Trung, phân tích hiện trạng, tham khảo dự án Thủ Thiêm, Thuận Hải.



Kết hợp phân tích hiện trạng, tổ chức các trục không gian, trục hút của đô thị và tìm giải pháp tổ chức lõi không gian đô thị, nhóm kiến trúc sư đề nghị tổ chức lõi từ công viên Lưu Hữu Phước, chuyển đổi trụ sở UBND TP Cần Thơ do vị trí hiện tại không còn thuận lợi. Xây dựng khu hành chính mới, cải tạo trục Châu Văn Liêm – Nguyễn Thái Học thành trục đi bộ thương mại đến bến Ninh kiều và mở các trục không gian mở về phía sông Cần Thơ. Thực hiện táo bạo việc giải phóng tầm nhìn, làm rõ điểm nhấn không gian đô thị và kết nối đô thị khu vực xóm chài – đối diện bến Ninh Kiều.

Nhà ven sông sẽ thay bằng những công viên. Chợ trên bờ sông, chợ nổi là đặc sản của Cần Thơ nên giữ lại, cải tạo chợ. Nhưng cần sử dụng vật liệu thích hợp, ưu tiên cảnh quan phía bên kia sông, tổ chức kết nối trung tâm hành chính cũ và trung tâm mới, tạo biểu tượng ở độ cao để kết nối. Theo các kiến trúc sư: “Ý tưởng này khá táo bạo với thành phố Cần Thơ”.

Cần Thơ là đô thị sông nước, nhóm KTS Trần Minh Thuận, Trần Viết Anh Tú, Vũ Đức Long, Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhận ra mạng lưới sông ngòi chằng chịt và quá trình đô thị hoá đã khiến dòng chảy bị san lấp khá nhiều. Giải pháp đưa ra là tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan ở các kênh rạch, lấy rạch Cái Sơn làm thí điểm, nơi chịu ảnh hưởng khi làn sóng đô thị hoá từ nội ô lan ra miệt vườn để cải tạo. Vì ở đây cảnh quan chịu ảnh hưởng đất ngập nước, hình thái không gian đồng đều không có điểm nhấn, ven rạch đã xuất hiện tác động đô thị. Bờ sông không có gì che chắn, sạt lở; môi trường bị rác thải và nguồn nước đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Bên cạnh đó, nhà ở lộn xộn, cách thức cư trú trên nhà cao cẳng quay lưng, quay mặt ra sông, giao thông chật hẹp, đang xuống cấp, định hướng giải pháp, áp dụng tiêu chí bền vững cho rạch Cái Sơn là vấn đề bị bỏ quên khi thành phố có quá nhiều điểm nóng.

Làm gì để Cái Sơn có thể tham gia vào tiến trình đô thị hoá của Cần Thơ mà không bị thay đổi tới mức đô thị chưa ra hình mà cảnh quan đã biến mất? Theo các kiến trúc sư, nên tạo điểm nhấn dừng chân, nghỉ ngơi, tổ chức lại không gian sinh sống, nên chọn giải pháp trồng cây giữ bùn, chống sạt lở thay vì lệ thuộc ý định của các nhóm lợi ích muốn làm bờ kè cứng.

Nét tự nhiên của dòng sông, nhà ở và hình ảnh quen thuộc cần giữ lại và nâng cấp lên sẽ hay hơn chứ không phải xây lên sẽ tốt hơn.

Các kiến trúc sư cũng đã góp ý giải pháp nhà theo cụm, chú ý nhóm cư trú liền kề thường là họ hàng để tăng tính gia đình, và kết nối những ngôi nhà đơn lẻ giúp phát triển lại tính cộng đồng.

Giả định táo bạo



Người Pháp muốn biến nội ô Cần Thơ thành đô thị hành chính, Mỹ muốn thành đô thị thương mại. Lịch sử và khát vọng đương đại là xây dựng Cần Thơ thành trung tâm động lực phát triển ĐBSCL, đặc trưng và bền vững”, KTS Nguyễn Duy Tuấn cùng nhóm KTS Đặng Công Phước, Trần Quốc Việt, Trần Chinh Phong lại đặt vấn đề cấu trúc thương mại, nút giao thông chiến lược... Các kiến trúc sư nhận thấy Cồn Ấu với giao lộ sông nước cực kỳ hấp dẫn (không có ý tán thành dự án cầu chữ Y ở giao điểm thuỷ lộ này), liệu một khu đô thị bản sắc có chức năng tương tác, là viên ngọc xanh của thành phố nên mọc lên ở đây?

Thay vì cố gắng tạo ra kiến trúc đô thị tại Cồn Ấu, các kiến trúc sư cho rằng đây là quỹ đất sinh thái; muốn cân bằng cấu trúc, thu hút cộng đồng tham gia thương mại, phát triển du lịch thì xin đừng đụng chạm vào giá trị tự nhiên của nó.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói “Cần Thơ phát triển theo bờ sông, không nên can thiệp thô bạo vào lịch sử có điểm nhớ, dấu ấn, nhưng để có thái độ bảo tồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan… thì vấn đề là phải hiểu để cư xử đúng cách. Tôi đã đi về vùng này mười năm nhưng chưa dám nói đã hiểu hết”.

KTS Vạn cho rằng, nhà quay lưng ra bờ sông, nhà hai mặt tiền, giải pháp cụm nhà quay mặt ra sông là hình thái cần chọn thái độ ứng xử thận trọng khi muốn thay đổi. Cồn Ấu, mảnh đất ai cũng muốn làm gì đó để kiếm lợi nhuận. Nhưng Cần Thơ không phải thiếu đất, thậm chí đất đô thị mới còn chưa đụng tới. Đất sinh thái nên để dành cho tương lai, đầu tư khôn khéo là khu sinh thái đón du khách.

Hoàng Lan

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...