Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư trẻ giải bài toán thời hội nhập

Kiến trúc sư trẻ giải bài toán thời hội nhập

Viết email In

Việc mở cửa, hội nhập không chỉ mang đến cho các kiến trúc sư những thách thức nghề nghiệp mà còn mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng. Các kiến trúc sư của thành phố đã ứng phó thế nào để có thể tận dụng được cơ hội mà thị trường mang đến cho họ? Bốn gương mặt kiến trúc sư đã có những thành công nhất định chia sẻ với Kiến trúc & Đời sống (KT&ĐS), câu chuyện về “Giải bài toán thời hội nhập”. 

Đội ngũ thiết kế trẻ ngày càng giỏi hơn, bản lĩnh hơn

KTS Võ Cao Thắng của công ty TTT là người đã “trực tiếp chinh chiến” trong các cuộc đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị tư vấn nước ngoài. Anh cùng đồng nghiệp không chỉ giành được các hợp đồng mà bản thân anh cũng có những giải thưởng kiến trúc từ các công trình thiết kế đó.

Khi mới tham dự đấu thầu với các đối thủ là công ty nước ngoài có bề dày, tôi cũng có lúc thất bại. Sau những lần đó tôi rút được nhiều kinh nghiệm. Tôi chuẩn bị hồ sơ kỹ hơn, chi tiết trình bày sinh động hơn và tất nhiên, giải pháp phải được hoàn chỉnh hơn. Một năm, chúng tôi có thể đấu thầu tới 20 dự án và đã giành được nhiều hợp đồng của các khách hàng là những công ty tên tuổi Adidas, BAT, HSBC, Citi Bank, Vietcombank… Việc thắng thầu ở các dự án tên tuổi sẽ là động lực đồng thời cũng là áp lực cho tôi và các đồng nghiệp. Áp lực không chỉ là việc phải luôn nỗ lực đáp ứng các yêu cầu khách hàng mà còn phải đối đầu với các đối thủ nặng ký là các công ty nước ngoài. Hiện nay, tôi và đồng nghiệp đang tiến hành nhiều dự án nội thất cho hàng loạt ngân hàng lớn. Có lẽ, chúng tôi được các ngân hàng biết đến với ý tưởng thiết kế thân thiện bắt nguồn từ dự án cho ngân hàng HSBC. Đây là đồ án đoạt giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010. Ở công trình này, chúng tôi đã thực hiện được phần nào ý tưởng ngân hàng thân thiện – rộng mở, chào đón và luôn coi khách hàng là nhân vật quan trọng nhất. Điều này cũng phù hợp với mục đích mà chúng tôi muốn nhắm đến là thiết kế phục vụ cho cuộc sống, hỗ trợ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu nói về bí quyết để được khách hàng là các ngân hàng lớn chấp nhận, tôi cho rằng đó là giải pháp thiết kế làm sao vừa đẹp, nêu bật được nét đặc trưng của ngân hàng đó vừa phục vụ cho ngân hàng vận hành một cách tốt nhất. Các đồng nghiệp và tôi phải tìm hiểu kỹ hệ thống hoạt động của ngân hàng, mô hình giao dịch và các loại hình dịch vụ của nó (thay cho cách vận hành). Khách hàng dễ chấp nhận và ký hợp đồng nếu mình chứng tỏ được sự am hiểu và các giải pháp phù hợp với loại hình kinh doanh. Một lợi thế khác khi chúng tôi cạnh tranh với các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài là hiểu biết về văn hoá địa phương. Chúng tôi thường đưa vào các chi tiết, màu sắc, hoạ tiết, đường nét đặc trưng. Ví dụ như hình ảnh trống đồng và chim lạc hồng trên tường kết hợp phần trần được tháo bung khoe hệ thống kỹ thuật toà nhà cho thấy sự hoà quyện giữa phong cách hiện đại và truyền thống trong công trình sở giao dịch ngân hàng HSBC – TPHCM. Trong công trình văn phòng công ty Daiko Việt Nam tại toà nhà Saigon Tower TP.HCM là điểm xuyết những màn tre, trúc, cây xanh, hồ cá giúp nhân viên cảm thấy thoải mái, mọi người có cảm giác như sống giữa khung cảnh thiên nhiên với toà nhà mở, nhân viên ngồi gần bên nhau. Các dự án trên đã cho tôi tin rằng đội ngũ thiết kế trẻ đang ngày càng giỏi hơn, bản lĩnh hơn và không ngần ngại trước các thử thách mới của thời kỳ hội nhập.

KTS Võ Cao Thắng sinh năm 1979 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Kiến trúc – đại học Văn Lang năm 2002. Anh từng đạt giải nhì giải Kiến trúc TP.HCM; giải nhất Kiến trúc sư trẻ TP.HCM 2008 với công trình văn phòng Daiko Việt Nam; giải ba Giải thưởng quốc gia 2010; giải Kiến trúc sư trẻ xuất sắc quốc gia 2010 với công trình sở giao dịch ngân hàng HSBC – TP.HCM. KTS Võ Cao Thắng hiện là kiến trúc sư thiết kế nội thất cho công ty TTT.

Tôi đang có nhiều dự định

Có một thể loại công trình mới xuất hiện ở trung tâm Sài Gòn – TP.HCM từ năm 2004, nghĩa là sau thời điểm mở cửa hội nhập khá lâu. Loại hình kiến trúc cũng khá mới mẻ ở Việt Nam: kiến trúc cảnh quan. Và người đã đánh dấu mốc thành công đó là một nữ kiến trúc sư sinh năm 1983, tốt nghiệp năm 2007. Đó là KTS Phạm Thị Ái Thuỷ. Trò chuyện với KT&ĐS, chị say mê nói về nhiều dự định, từ sáng tác đến đào tạo.

Năm 2004, đường hoa Nguyễn Huệ chính thức được khởi động để thay thế chợ hoa Nguyễn Huệ đã tồn tại rất lâu trong tâm trí người dân Sài thành.

Năm 2007, khi đang là sinh viên năm thứ năm khoa quy hoạch trường đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi lập nhóm tham gia cuộc thi “Thiết kế ý tưởng đường hoa Nguyễn Huệ” và đã có cơ hội thử nghiệm ý tưởng vào thực tế khi đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi này. Năm 2008, với mối duyên gắn bó cùng với hình ảnh đường hoa Nguyễn Huệ, tôi và những người cộng sự của mình được trao giải nhì giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008.

Đối với tôi, niềm tự hào không chỉ là được nhận giải thưởng cao quý này mà còn là niềm hạnh phúc khi có sự thừa nhận chính thức từ xã hội cũng như giới chuyên môn cho một loại hình kiến trúc cảnh quan đặc biệt trong thời điểm đặc biệt.

Giờ đây đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một dự án thường xuyên hàng năm, là sự kiện thu hút sự quan tâm ở TP.HCM vào mỗi dịp xuân về.

Hàng năm, tôi cần trả lời câu hỏi: “Năm nay đường hoa Nguyễn Huệ có gì mới!”. Chính vì vậy, bên cạnh việc sử dụng con vật tượng trưng theo vòng 12 con giáp là chủ đề xuyên suốt, tôi tìm ý tưởng từ những câu chuyện truyền thống, chất liệu dân gian đến những hình ảnh trong cuộc sống hiện đại.

Tiếp tục mang ý tưởng sáng tạo đến với những lễ hội hoa khác như đường hoa Hùng Vương – TP Mỹ Tho, hội hoa xuân TP Vũng Tàu, Festival Đà Lạt, tôi và những người cộng sự của mình mong muốn mang “nghệ thuật” kiến trúc cảnh quan đến gần hơn với người dân từng địa phương một cách bình dị, nhẹ nhàng thông qua cách sử dụng hoa và chất liệu.

Với tôi, thiết kế cảnh quan là một sự say mê!



Trên thực tế, thiết kế cảnh quan lễ hội cũng là một phần của kiến trúc cảnh quan, tổ chức sắp đặt, trình diễn trong một không gian và thời gian có giới hạn.

Bốn năm ra trường, được tham gia trong môi trường giảng dạy và hành nghề, tôi còn có rất nhiều dự định.

Tôi mong muốn tạo lập một nơi chốn để có thể chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân cũng như của những chuyên gia về kiến trúc cảnh quan cho tất cả mọi người yêu thích bộ môn này, vì lý do đó mà trung tâm nghiên cứu Kiến trúc cảnh quan thuộc trường đại học Kiến trúc TP.HCM được thành lập. Đây không chỉ là nơi nghiên cứu, xưởng thiết kế chuyên nghiệp về kiến trúc cảnh quan mà còn là nơi đào tạo thông qua các khoá học thiết kế ngắn hạn đa dạng về chuyên đề, hoặc dài hạn cho tất cả đối tượng, từ trẻ em, thanh niên đến người lớn tuổi.

Hy vọng tình yêu thiên nhiên không chỉ được khơi gợi từ những em nhỏ qua các lớp học mà cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp xã hội.

KTS Phạm Thị Ái Thuỷ sinh năm 1983 tại TP.HCM, tốt nghiệp Kiến trúc sư khoá 2002 – 2007 ngành quy hoạch đô thị. Chị đã đoạt giải nhì giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008; giải thưởng Kiến trúc sư trẻ 2008 (dành cho kiến trúc sư dưới 30 tuổi) với đồ án thiết kế đường hoa Nguyễn Huệ. KTS Phạm Thị Ái Thuỷ hiện là giảng viên trường đại học Kiến trúc TP.HCM, đồng thời là giám đốc trung tâm nghiên cứu Kiến trúc cảnh quan thuộc trường đại học Kiến trúc TP.HCM.

Bản sắc tạo ưu thế cho kiến trúc sư Việt Nam

KTS Trần Song Sơn (công ty TNHH tư vấn DP) được nhiều người trong giới biết đến không chỉ vì các giải thưởng kiến trúc mà còn vì sự trưởng thành của công ty TNHH tư vấn DP, với các tác phẩm lớn có giá trị. Anh phát biểu với KT&ĐS các vấn đề được coi là “nóng” của thời hội nhập như: giá thiết kế của các kiến trúc sư trong nước, các cuộc thi kiến trúc, về bản sắc kiến trúc.

Nếu coi thập niên 90 là cái mốc cho mở cửa trong lãnh vực kiến trúc thì đúng là có một giai đoạn dài, kiến trúc sư Việt Nam không thể cạnh tranh được với các đồng nghiệp nước ngoài. Thời kỳ đó, kiến trúc sư nước ngoài được mời thiết kế hầu hết các công trình lớn và cao tầng. Cũng không ngạc nhiên vì họ đang sống – học tập – tiếp cận trong môi trường kiến trúc sẵn có tốt hơn chúng ta, còn chúng ta thì chỉ mới khởi đầu… Đó là “sự hổng chân” của nền kiến trúc Việt Nam, không đáp ứng được nhu cầu phát triển quá nhanh của thị trường xây dựng thời mới mở cửa. Tôi nghĩ, nó chính là sự thiếu kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc những công trình lớn và cao tầng, trên thực tế ranh giới giữa “biết” và “chưa biết” là khoảng cách vô cùng lớn. Cái mà ta thua, chủ yếu là cách tiếp cận vấn đề từ tổng thể đến chi tiết của thể loại công trình này.

Thời mới mở cửa, giá dành cho kiến trúc sư nước ngoài cao hơn! Theo tôi, việc thiết lập thiết kế phí có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào môi trường sinh sống, hoạt động hành nghề của người nước ngoài nên khác biệt với Việt Nam là chuyện đương nhiên.

Đến nay, qua thời kỳ tiền hội nhập với thực tế thị trường, các chủ đầu tư chắc chắn đã biết cân, đong, đo, đếm được lợi ích và giá trị mà người kiến trúc sư – bất kể trong hay ngoài nước – mang đến cho họ. Và thực tế cũng đã và đang diễn ra quá trình là giá dành cho kiến trúc sư Việt Nam đang tăng lên trong khi giá chào hàng của các đơn vị tư vấn, thiết kế nước ngoài hiện nay đã phải “down” xuống nhiều. Câu chuyện về giá theo quy luật thị trường có lẽ đã đến lúc khép lại. Về các cuộc thi, cho tới nay, hầu hết các đồ án mà chúng tôi thực hiện được là do tham gia các cuộc thi thiết kế kiến trúc của chủ đầu tư, kết hợp với hội KTS TP.HCM tổ chức. Theo tôi, về cơ bản, đó là môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, và là cơ hội cọ xát hữu ích về nghề nghiệp. Thật sự tôi rất quý những lần thua tâm phục khẩu phục để qua đó biết được năng lực của mình, của bạn, bất kể là công ty trong hay ngoài nước.

Còn bàn về bản sắc kiến trúc theo yêu cầu của KT&ĐS thì quả thật là khó! Nên hiểu kiến trúc là nơi hội tụ của “cái đúng” (công năng, kinh tế, địa lý, khí hậu…) và “cái đẹp” (văn hoá, lịch sử, “gu” thẩm mỹ, sở thích, thói quen…). Nó vừa là toán học (tổ chức kiến trúc), vừa là xúc cảm (nghệ thuật), và là yếu tố cốt lõi hình thành nên phong cách riêng của mỗi kiến trúc sư. Gìn giữ được bản sắc kiến trúc hay không còn phụ thuộc vào ý thức hệ của cộng đồng (người hưởng thụ và đánh giá kiến trúc), trong giai đoạn khởi đầu phát triển kiến trúc đương đại nước nhà hiện nay. Theo tôi, điều đó tạo nên ưu thế cho kiến trúc sư Việt Nam khi cạnh tranh bình đẳng với các đồng nghiệp nước ngoài.

 

 

KTS Trần Song Sơn sinh năm 1965, hiện là phó tổng giám đốc, chủ nhiệm thiết kế của công ty TNHH tư vấn DP. KTS Trần Song Sơn có ba năm liền đoạt giải top ten Kiến trúc châu Á, đạt giải nhì giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2008 với công trình cao ốc căn hộ cao cấp Thảo Điền; giải nhất giải thưởng Kiến trúc TP.HCM năm 2008 với công trình cao ốc ngân hàng Sacombank. Anh cùng với DP đoạt giải và được chọn làm nhà tư vấn thiết kế chính thức các công trình tiêu biểu như: toà nhà cục thuế TP.HCM 19 tầng; toà soạn báo Sài Gòn Giải Phóng 20 tầng; đài phát thanh truyền hình Cần Thơ; toà nhà Bảo Việt 18 tầng; VTC head office Hà Nội 22 tầng; Agribank TP.HCM 20 tầng; cao ốc văn phòng Golden Tower 17 tầng; toà nhà quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM 12 tầng; căn hộ Resco Nguyễn Kim 30 tầng; căn hộ Carillon – Sacomreal 17 tầng; căn hộ Trần Xuân Soạn – Sacomreal 38 tầng; căn hộ Tropic Garden – Novaland 27 tầng; căn hộ Lexington – Novaland 20 tầng; căn hộ Satra Eximland 18 tầng…

Chúng tôi muốn đứng đúng vị thế của mình

Giải nhất Kiến trúc quốc gia năm 2010 cho công trình nhà ga hàng không Liên Khương – Lâm Đồng được giới chuyên môn đánh giá là công trình thể hiện được nội lực của tư vấn thiết kế nội địa. Chính điều đó đã khiến phóng viên KT&ĐS tìm gặp KTS Lưu Hướng Dương – tác giả chủ trì của đồ án là để anh chia sẻ với bạn đọc, với đồng nghiệp về tìm cơ hội trong thách thức của thời hội nhập.

Thời gian từ khoảng 1990 – 1995 là lúc các công ty tư vấn, thiết kế nước ngoài chính thức đổ vào Việt Nam. Một trong những công trình cao ốc đầu tiên được nước ngoài chủ trì tư vấn thiết kế ở thời điểm đó là khách sạn New World. Đơn vị được chọn thi công là công ty Cofico. Ban lãnh đạo công ty Cofico và các cán bộ kỹ thuật dù rất quyết tâm tổ chức thi công cho thật tốt nhưng vẫn còn nhiều lúng túng vì đây là công trình cao tầng đầu tiên công ty đảm nhận thi công.

Đối với hiện nay, vào thời điểm năm 2011 này, việc thiết kế, thi công những cao ốc quy mô như vậy hoặc lớn hơn nhiều, các đơn vị nội địa đều có thể đảm nhận mọi khâu từ tư vấn, thiết kế đến thi công, vận hành, quản lý một cách khá hoàn hảo.

Để nhìn nhận một cách khách quan hơn, các đơn vị tư vấn trong nước của chúng ta cũng phải tự đánh giá đúng chỗ đứng của mình trong cuộc chơi hội nhập. Nếu anh em kiến trúc sư chúng ta nỗ lực học hỏi, chia sẻ các kiến thức mình tiếp cận được với nhau, tìm các cơ hội để khẳng định mình thì chắc chắn trong thời gian không xa sẽ được những chủ đầu tư có hiểu biết, được nhà nước đánh giá đúng khả năng và năng lực của mình. Trong nhiều cuộc thi, tôi đã chứng kiến các kiến trúc sư Việt Nam không chỉ có ý tưởng tốt mà còn đa dạng, phong phú về cách đặt vấn đề, cách trình bày phương án. Nhưng phải thừa nhận, kiến trúc sư nước ngoài trong một số vấn đề họ có chiều sâu hơn mình, trong cách người ta trình bày, bảo vệ đồ án cũng có sự thuyết phục hơn. Cái đó ta phải học. Bản lĩnh của mình cũng nằm ngay trong sự học hỏi. Đến một lúc nào đó, trong một thời gian không xa ta cũng làm được như họ thì chẳng lo gì mình bị thiệt thòi về giá cả, chẳng lo không có điều kiện để khẳng định mình.

Trở lại thời điểm hiện tại, trong môi trường hiện nay, kiến trúc sư nói chung và đặc biệt là các kiến trúc sư trẻ đang có rất nhiều thuận lợi. Điều kiện để tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật mới, các kiến thức mới… tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Chỉ cần nhìn đố án tốt nghiệp của sinh viên cũng có thể cảm nhận được phần nào điều này.

Nhưng tiếp cận cái mới nhất, hiện đại nhất trong điều kiện làm việc cũng cần phải có sự hợp tác, phải “tổ hợp” lại với nhau để phát huy tối đa thế mạnh hiện có trong những vấn đề đó mới có thể đem lại hiệu quả thì anh em mình trong thực tế hiện nay lại hoạt động còn hơi đơn lẻ, không kết hợp hoặc đôi lúc còn ngáng chân nhau. Có thể nói, sự kết hợp đó là điểm mạnh của các kiến trúc sư nước ngoài, các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài so với chúng ta. Chúng tôi từng thấm thía điểm yếu đó của mình. Muốn được như họ, thì phải có giải pháp. Ngay trong hội KTS TP.HCM hiện nay, chúng tôi có ý định lập một nhóm cùng nhau chia sẻ quan điểm, giải quyết vấn đề. Chúng tôi muốn thống nhất với nhau một số tiêu chí, chẳng hạn như chúng tôi sẽ không nhận làm công trình với bất cứ giá nào. Chúng tôi muốn có vị thế đúng của riêng mình khi cất tiếng nói. Chúng tôi cũng mong sẽ kết hợp được nhiều công ty, nhiều anh em kiến trúc sư cùng chung chí hướng để cho công việc của tất cả ngày càng tốt hơn và được đánh giá chính xác hơn.



Lưu Hướng Dương sinh năm 1963, tốt nghiệp trường đại học Kiến trúc TP.HCM năm 1987. Đồ án nhà ga hàng không Liên Khương - Lâm Đồng do KTS Lưu Hướng Dương chủ trì thiết kế đã đạt giải trong cuộc thi Giải pháp kiến trúc, có các công ty lớn của nước ngoài tham dự và được chọn làm phương án thiết kế thi công. Công trình khánh thành tháng 12/2009, đưa vào khai thác, sử dụng từ đầu năm 2010. Tháng 4/2010, công trình này được trao giải nhất giải thưởng Kiến trúc quốc gia. KTS Lưu Hướng Dương hiện làm việc tại công ty xây dựng Kiến trúc miền Nam (ACSA).

Thu Thuỷ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo