Là một kiến trúc sư, sáng tạo nên những không gian sống cho nhiều người, nhiều gia đình, nhưng ngẫm lại, tôi nghĩ tôi vẫn còn nợ những giấc mơ trẻ thơ của tôi những khát khao bay nhảy những giây phút chạy chơi thoải mái giữa phố phường, những không gian chỉ dành riêng cho trẻ thơ..
Trong những không gian mà tôi đã kiến tạo nên, hình như trẻ thơ đã vô tình bị loại ra khỏi những mặt phẳng đa chiều ấy. Trong những không gian nhà ở, cầu thang thì phù hợp cho người lớn. Bếp cũng dành cho người lớn. Toilet cũng chỉ phù hợp với người lớn. Chỉ còn lại phòng ngủ trẻ em, không gian tắm, không gian khách và ăn là những không gian trẻ thơ có thể hoà mình vào.
Trong những không gian lớn hơn như đô thị thì trẻ em càng bị lạc lõng. May mắn lắm thì chúng có thể có những cụm trò chơi vận động miễn phí trong một số công viên ở các quận trung tâm hoặc phải trả tiền để vào những nhà chơi trong các khu mua sắm.
Hiện tại tôi từ từ trả nợ những giấc mơ của tôi bằng những đóng góp nho nhỏ ở nhiều góc độ khác nhau...
Phòng ngủ của bé
Đây là thế giới riêng nhất của trẻ thơ. Trên những mảng tường là những gam màu trẻ thơ, vẽ nên nhưng giấc mơ bay bổng. Chiếc giường chở những giấc mơ trong trẻo được thiết kế vừa vặn, không quá cao, cũng không quá dài và rộng. Chiếc tủ áo vừa tầm với với nhiều ngăn, hộc để có thể cất giữ nhiều vật dụng ưa thích. Một góc chơi tương tác với góc học tập cũng là sự kết hợp để phát triển trí tuệ.
Trần nhà có thể là một mặt phẳng kỳ diệu. Nó có thể là trời mây trong vắt hay một đêm sao lung linh. Và sàn nhà cũng có thể trở thành một dòng sông hay một đại dương nho nhỏ với chiếc giường là thuyền.
Phòng tắm
Tắm cũng là một cách chơi của trẻ và nó kích thích sự phát triển của trẻ. Tôi thích một phòng tắm thoáng đãng nhưng không bị gió lùa để tránh bị cảm. Trong thiết kế nhà, nếu điều kiện về không gian cho phép tôi vẫn thích có một bồn tắm, cho người lớn sử dụng chẳng bao nhiêu mà chủ yếu là cho trẻ em chơi nước. Hồi bé thơ, bao giờ cũng thế tôi vẫn muốn được chơi nước một lúc sau khi tắm xong. Đó là giây phút thú vị nhất.
Nhà trẻ - mẫu giáo
Đây là một thế giới chuyển tiếp của trẻ giữa gia đình và xã hội đô thị. Chính tại nơi đây trẻ bắt đầu học tự lập và tương tác với các cá thể khác trong xã hội.
Không gian nhà trẻ-mẫu giáo phải kích thích được trí tưởng tượng và sự an tâm của trẻ thơ và cả phụ huynh. Nó cần có một chút gì đó gần gũi với những thế giới riêng ở nhà của bé: màu sắc, những bức tranh nguệch ngoặc hoặc những món đồ chơi.
Ngay tại sảnh đón, trẻ cần được cảm thấy thoải mái. Do đó tôi thích thấy có một không gian chơi tương tác và phụ huynh cũng có thể tham gia. Các món đồ chơi nhiều màu sắc, những hình khối vui mắt, những nét vẽ dễ thương là những gì có thể làm cho trẻ thích thú.
Trước cửa mỗi lớp học, tôi thường thích có nhiều hình vẽ, nhiều bức tranh, nhiều hình ảnh hoạt động của trẻ thơ, để bé có thể líu lo khoe với ba mẹ về các hoạt động của mình. Đó là những khoảnh khắc chia sẻ tình cảm quý giá để cha mẹ có thể hiểu về bé hơn.
Và đương nhiên các không gian vận động là những mặt phẳng không thể thiếu. Xích đu, cầu tuột, bập bênh, hồ bơi hay sân cát. Tất cả đều giúp vẽ nên một giấc mơ trẻ thơ hoàn hảo.
Sân chơi đô thị
Đô thị, một mặt phẳng không gian lớn, một nơi trẻ em dễ dàng bị bỏ sót trong quá trình phát triển của đô thị.
Thật sự, thế giới này là một sân chơi vĩ đại cho trẻ em. Chúng có thể chạy nhảy hay chơi ở bất kỳ đâu. Mọi thứ đều có thể trở thành trò chơi. Những ô gạch vỉa hè loang lỗ, những mảng tường ố màu, những bậc thềm xưa cũ đều là những nơi lý tưởng để hình thành nên những trò chơi đô thị. Thời thơ ấu, tôi từng chạy nhảy thoải mái trên vỉa hè, chơi đùa trước cửa nhà mà ba mẹ không phải quá lo lắng về sự an toàn. Điều đó ngày nay gần như không còn tồn tại nữa. Sự phát triển của đô thị đã xoá sạch những mặt phẳng an toàn cho trẻ thơ.
Trong đô thị, ngoài những khu vui chơi, ngoài những khu công viên, ngoài những cụm trò chơi vận động, là những thứ không phải nơi nào cũng có không gian để quy hoạch và bố trí, tôi luôn ước mơ về một đô thị lý tưởng mà trẻ em có nhiều mặt phẳng không gian an toàn để bay nhảy. Đó chính là một đô thị nhân văn. Một sự đầu tư lâu dài cho sự phát triển và hoàn thiện giống nòi.
Những giấc mơ trẻ thơ, ai cũng có. Có những giấc mơ tan biến dễ dàng nhưng có những giấc mơ là vĩnh cửu. Giấc mơ về có thật nhiều sân chơi cho trẻ thơ, để phát triển thể chất và tâm hồn là điều đang “ám ảnh” tôi. Tôi vẫn mơ về một đô thị như thế, một đô thị cho trẻ thơ.
Ths.KTS Trần Thái Nguyên - Công ty SYNTAX Planning.Design
- Những "cây cổ thụ" trong làng kiến trúc TP.HCM
- Simón Vélez - Người làm thay đổi cái nhìn về tre
- Thomas Heatherwick: Xây dựng Cung điện "Hạt giống" (Seed Cathedral)
- TT-Associates hợp tác Point Design Inc (Mỹ) trong lĩnh vực thiết kế
- Những ý tưởng nhân văn cho “Ngôi nhà xanh”
- Architect Night 8/2011: Trò chuyện Andy Cao về kiến trúc cảnh quan
- Đọc sách: "Kiến trúc và Quy hoạch Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc"
- KTS Tadao Ando: Hãy để ánh sáng và gió lên tiếng
- Kỹ nghệ kiến trúc Mỹ đến Việt Nam
- Công trình Bamboo Wing ở Đại Lải được vinh danh tại Mỹ