Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Hướng mở cho kiến trúc sư Việt

Hướng mở cho kiến trúc sư Việt

Viết email In

Trong năm qua, tạp chí Architectural Record (Mỹ) đã có bài viết “Phải chăng Việt Nam là điểm dừng chân mới cho các kiến trúc sư?” với nội dung là sự xâm nhập và hoạt động mạnh mẽ của các kiến trúc sư (KTS) quốc tế, đặc biệt là từ phương Tây ở Việt Nam. 

Kết quả đáng buồn là bộ mặt đô thị Việt Nam phát triển rối rắm, không thể nhận ra đặc điểm kiến trúc riêng của quốc gia và gần như không tìm thấy sự đóng góp của 17.000 KTS trong nước ở các công trình trọng điểm.  

Trong khi đó, KTS Việt vẫn liên tục nhận các giải thưởng kiến trúc quốc tế mỗi năm, mới đây nhất là hai giải thưởng của KTS Võ Trọng Nghĩa tại International Architecture Awards 2012. 

Tại sao chúng ta không tận dụng chất xám của KTS trong nước mà phải sử dụng KTS nước ngoài với giá đắt đỏ? Phải chăng vì KTS Việt chưa khẳng định được uy tín, tài năng của mình hay vì họ chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức? 


Công trình Hill restaurant đang xây dựng tại Mexico của Công ty Võ Trọng Nghĩa 

Lỗi không chỉ ở nhà đầu tư 

Trước những thông tin chủ quan cho rằng “KTS và các công ty tư vấn thiết kế Việt Nam không hề thua kém so với KTS và công ty nước ngoài”, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NVD Architects & Planners (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta cần phải nhìn lại để chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ KTS trong nước.

Đúng là chúng ta có những KTS với tài năng vượt trội, nhưng hiện vẫn chưa có nhiều những công ty và tập thể hoạt động ăn ý với nhau để làm nên những tác phẩm lớn. Điểm yếu của công ty kiến trúc Việt là tinh thần và cơ chế hợp tác nhóm kém hiệu quả.

Thêm vào đó là thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm giao tiếp.Sự tận dụng các nguồn lực chuyên môn đa ngành vào nhóm thiết kế cũng chưa mang lại hiệu quả cao.

Mặt khác, nhiều KTS đã làm thuê cho các công ty tư vấn thiết kế nước ngoài nhiều năm qua, thường phải vẽ theo ý cấp trên, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới, tư duy mới của thế giới, dễ dàng buông xuôi theo thời cuộc. Không còn nhiều người tiếp tục đấu tranh, tiếp tục trăn trở để tạo nên những tác phẩm đột phá trong nghề.

Trước năm 1996, tình trạng xây dựng công trình, nhà ở thì chủ thầu thường “bao bản vẽ” (chủ yếu là rập khuôn theo kiểu nhà mẫu), thậm chí chủ nhà tự thiết kế bản vẽ nên KTS không có cơ hội trong nghề.

Trong giai đoạn hòa nhập, sự xuất hiện của các KTS nước ngoài với những thiết kế khác lạ (chưa hẳn là mới) đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà quản lý lẫn nhà đầu tư, vì vậy mà có cơ hội thực hiện thiết kế cho các công trình trọng điểm trong cả nước.

Trên thực tế, thiết kế của các KTS nước ngoài chưa hẳn đã phù hợp với Việt Nam, chẳng hạn như một cao ốc ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng kính không được cách nhiệt tốt và mặt bằng không thể sử dụng hiệu quả, hai quy hoạch cũng ở khu trung tâm thành phố thiếu tầm nhìn kết nối toàn cục dẫn đến việc chậm phát triển dự án, một kiến trúc mới không phù hợp làm phá hỏng cảnh quan thiên nhiên ở Hạ Long…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cho rằng tư tưởng “chuộng ngoại” của nhà đầu tư không chỉ dẫn đến sự lãng phí lớn mà còn hạn chế cơ hội để KTS Việt tham gia các công trình lớn nhỏ trên cả nước.

Trong bài viết “Thiết kế phí Việt Nam, cần một thay đổi lớn” (của nhóm các KTS Ngô Viết Nam Sơn, Trần Khánh Trung và Thái Ngọc Hùng đăng trên báo Xây dựng số tháng 3/2012) cho thấy còn rất nhiều chênh lệch lớn giữa thiết kế phí Việt Nam so với nước ngoài.

Chẳng hạn như khi so sánh mức thiết kế phí theo quy định pháp luật, thì giá của KTS Việt chỉ bằng khoảng 1/10 so với KTS Bắc Mỹ trong khi lương thì thấp hơn từ 4 đến 5 lần. 

Ngoài ra, giá thiết kế phí ở nước ta chỉ phân loại theo năm cấp xét trên độ khó của công trình chứ chưa quan tâm đến thể loại, trong khi cũng một kinh phí như nhau nhưng thiết kế một công trình khách sạn phức tạp hơn một cao ốc văn phòng rất nhiều…

Như vậy, không chỉ do các cơ quan quản lý, nhà đầu tư mà cả pháp luật về KTS cũng đã góp phần làm cho con đường phát triển và cống hiến của KTS Việt ngày càng bị thu hẹp. 


Võ Trọng Nghĩa (phải) nhận giải "Kiến trúc sư của năm 2012" do bạn đọc Ashui.com bình chọn. 

Giải pháp nào cho KTS Việt? 

Sự thất bại ở nhiều công trình lớn trên cả nước đã cho thấy việc quá tin tưởng vào thương hiệu nước ngoài có thể dẫn đến sai lầm, thường gặp nhất là chúng ta đánh giá cao cả một số KTS nước ngoài mới tốt nghiệp hoặc thất nghiệp ở nước ngoài.

Không ít những thiết kế của những công ty lớn nước ngoài chỉ thể hiện “tư duy bàn giấy”, không đáp ứng nhu cầu thực tế ở Việt Nam, lại trị giá nhiều chục triệu đến hàng trăm đôla Mỹ.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, nguyên nhân là do nhà đầu tư thường chọn công ty nước ngoài thiết kế dựa trên kinh nghiệm của công ty đó.

Tuy nhiên, kinh nghiệm là của tập thể công ty, chưa hẳn đã là kinh nghiệm của người được giao thiết kế của công ty đó. Hơn nữa, KTS nước ngoài ít am hiểu về con người, văn hóa, điều kiện xã hội… của Việt Nam bằng KTS Việt.

Vì vậy, nhà đầu tư các dự án lớn nên lưu tâm chọn KTS đủ kinh nghiệm cả trong nước lẫn ngoài nước, biết tổ chức hợp tác với các đối tác cần thiết để thực hiện tốt công trình và bảo vệ uy tín của mình.

Ngược lại, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, KTS trong nước cũng không nên quá tự tôn. Những giải thưởng quốc tế thường chỉ thiên về mặt ý tưởng hoặc thực hiện các công trình nhỏ. 

Hiện chúng ta vẫn chưa có công trình lớn nào của công ty kiến trúc Việt đạt ảnh hưởng ở tầm quốc tế, hoặc giành được giải thưởng trong các cuộc thi tuyển chọn thiết kế xây dựng các công trình lớn ở nước ngoài, nên kinh nghiệm hợp tác nhóm đối với các công trình lớn theo chuẩn quốc tế của chúng ta còn rất hạn chế.

Điểm mạnh của các công ty kiến trúc Việt hiện nay là mức giá thiết kế thấp, có sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam và địa phương của mình, làm việc linh hoạt và khả năng sáng tạo cá nhân cao.

Chính quyền và hội KTS cần hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách và luật pháp để họ phát huy tốt hơn năng lực của mình. Đặc biệt, luật về KTS cần được thông qua sớm để nêu rõ trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền lợi của KTS Việt đồng thời đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa KTS trong nước với KTS nước ngoài.

Một giải pháp trước mắt để nhanh chóng tạo sự chú ý cho nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Hoài Nam, là nhà nước cần đưa ra quy định về mức thiết kế phí sao cho không còn sự chênh lệch quá lớn giữa KTS nước ngoài với KTS trong nước.

Từ đó các công ty tư vấn thiết kế trong nước sẽ mạnh dạn thuê KTS nước ngoài làm việc cho công ty mình. Do tư tưởng “chuộng ngoại” chưa thể xóa đi ngày một ngày hai nên sự có mặt của KTS nước ngoài, đặc biệt là KTS có tên tuổi, xuất hiện trong công ty kiến trúc Việt sẽ là một sự hấp dẫn nhất định đối với khách hàng.

Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh: “Tinh thần vươn lên, khắc phục khó khăn trước mắt để giành thắng lợi lâu dài của KTS trẻ Việt Nam là điều vô cùng quan trọng”.

Chúng ta phải giành lại vị trí lãnh đạo trong việc phát triển kiến trúc Việt Nam, không chỉ phát xuất từ lòng tự trọng của nhà KTS Việt mà còn để cho sự phát triển đô thị đúng với bản sắc văn hóa kiến trúc mang hồn dân tộc, ông Sơn chia sẻ. 

Thanh Nhã 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # Binh Minh Do 14/04/2013 12:33
Không khéo lại loanh quanh với chủ nghĩa bảo hộ. Mẹ hát con khen hay. Cần tạo ra sân chơi phẳng, ko nên phân biệt trong nước hay nước ngoài. Cứ ai làm tốt thì dùng.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+3 # Tuan Pham 14/04/2013 14:33
1 năm nước họ đào tạo ngót hơn 100kts còn việt nam 1 năm đào tạo cũng đến vài nghìn.thế là đủ biết cái gì nhiều cũng không tốt theo em là như vậy.Đào tạo ở việt nam vẫn còn a ma tơ thì làm sao tạo ra những thứ chuyên nghiệp đc
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Tuấn 16/04/2013 07:06
Nói chung là nếu khắc phục được các điểm yếu, thì KTS Việt Nam sẽ cất cánh thôi
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo