Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư trẻ ấp ủ làm cho thành phố đẹp hơn

Kiến trúc sư trẻ ấp ủ làm cho thành phố đẹp hơn

Viết email In

Sinh ra trong gia đình bố là bộ đội nhưng Phạm Tuấn Khanh không nối nghiệp cha mà chỉ mê hội họa. Từ nhỏ, được sự giáo huấn nền nếp của gia đình nên Tuấn Khanh không chỉ học giỏi mà còn vẽ rất đẹp. Thấy anh đam mê vẽ, cha anh đã khuyến khích rằng làm bất cứ nghề nghiệp nào mà đem lại lợi ích cho xã hội thì cứ làm.

Vậy nên sau khi tốt nghiệp THPT, Khanh đã thi đậu rất cao vào vài trường, song anh chọn Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh làm nơi mở cửa tương lai mình. Năm năm học chính quy thấm thoát qua mau, thay vì ra trường và đi làm ngay để kiếm tiền, Tuấn Khanh quyết chí học nâng cao với nhận định "sẽ góp phần nhỏ bé của mình cho không gian TP Hồ Chí Minh thêm đẹp hơn". Ngay thời điểm này, Tuấn Khanh đã đoạt Cúp vàng Ashui trong cuộc thi "Lễ kỷ niệm các thành phố" của Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới(*). Ðây là tiền đề để anh được Ban Tổ chức Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TP Hồ Chí Minh chọn, đưa sang Anh đào tạo. 


Đồ án "Đô thị của gió và ánh sáng" - giải Vàng Ashui 2004 chủ đề "Tôn vinh Thành phố" (nguồn: Ashui.com) 

Nhớ lại khoảng thời gian theo học ở nước ngoài, nhiều bạn đồng niên đã kể bằng giọng ngưỡng mộ về Khanh khi anh đoạt giải tư cuộc thi "Nhà ở sinh thái trong thế kỷ 21" của Hội Kiến trúc sư Anh. Công trình tham dự là một ngôi nhà trong rừng cây xanh. Tuấn Khanh kể: "Ý tưởng kiến trúc của tôi là dựng một ngôi nhà trên cây... với đầy đủ tiện nghi sống cao cấp và thoải mái. Tuy nhiên, tôi chỉ thiết kế ngôi nhà với diện tích sử dụng tối đa là 1.000 m2 (để phù hợp các công trình ở Luân Ðôn), còn diện tích xây dựng trên đất chỉ là 1 m2 là diện tích dành cho hệ thống ống kỹ thuật chống đỡ ngôi nhà trên cao". Và để có phương án kiến trúc phù hợp, Tuấn Khanh đã thiết kế một gian phân tán các chức năng trong căn nhà như: phòng ngủ, phòng khách, bếp ăn,... để đáp ứng các yêu cầu về chịu lực và kết cấu sao cho nhẹ nhất. Các hạng mục ấy, Tuấn Khanh cho liên kết bằng các cấu kiện thép và bê-tông nhẹ, gắn vào các cành và thân cây to. 

Nhưng điều làm nhiều người biết đến anh hơn cả chính là công trình "Ðô thị của gió và ánh sáng" của nhóm các KTS Võ Trọng Nghĩa, Sa-ka-ta Mi-nô-ru, Phạm Tuấn Khanh. Ðây là một công trình nhà hoàn toàn bằng vật liệu tre, phần mặt nước được tôn cao để đưa gió vào bên trong công trình. Hiện nay, mô hình này đang rất phổ biến ở các khu du lịch trên khắp Việt Nam và Ðông - Nam Á. Tuấn Khanh kể: Chúng tôi gặp nhau ở một hội thảo khoa học về quy hoạch và có đồng quan điểm đề ra giải pháp tiết kiệm cho ngôi nhà thông qua việc sử dụng gió và ánh sáng mặt trời. Và chỉ bằng giải pháp đưa một bộ mái thông minh, hứng gió vào nhà, đồng thời được phủ một tấm pin để thu năng lượng mặt trời, những người cư ngụ trong nhà đã tận hưởng những tiện ích tiên tiến mà không tiêu hao quá nhiều năng lượng". 

Cầm tấm bằng thạc sĩ Quản lý Dự án Kiến trúc - Quy hoạch, nhớ lại việc TP Hồ Chí Minh đã đầu tư đào tạo cho mình, Tuấn Khanh trở về công tác tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vào năm 2008. Tại đây, cùng với các đồng sự, KTS Phạm Tuấn Khanh đã tham gia thiết kế nhiều công trình quan trọng của TP Hồ Chí Minh như dự án tứ giác EDEN (trung tâm thành phố Hồ Chí Minh giữa bốn trục đường: Lê Lợi - Ðồng Khởi - Nguyễn Huệ) trước UBND TP Hồ Chí Minh. Anh phác họa: Ý tưởng chính là tạo ra một không gian đệm có thể kết nối được các công trình kiến trúc cổ lâu đời và có giá trị cao về nghệ thuật chung quanh như: Nhà hát TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh, khách sạn REX, thương xá TAX, nhà thờ Ðức Bà... Với sự phát triển bùng nổ về đô thị hóa và xây dựng ồ ạt, tương lai khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh sẽ là các cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao... nhưng vẫn giữ lại vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật vốn có của các công trình cũ. Theo Tuấn Khanh, tại tứ giác EDEN sau này sẽ có khoảng trống là thảm cỏ xanh, còn trung tâm thương mại sẽ được đưa ngầm xuống lòng đất với bảy tầng ngầm nhằm kết nối với hệ thống Metro và tàu điện ngầm của thành phố trong tương lai, giải quyết kẹt xe, tạo ra sức sống mới cho khu trung tâm.

Năm 2011, KTS Phạm Tuấn Khanh trở về Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh công tác và tham gia giảng dạy. Anh cho rằng, kiến trúc là nghệ thuật và người làm nghệ thuật rất cần có tâm hồn. Trong cái nắng tháng tư lịch sử, Tuấn Khanh đang ấp ủ bao ý tưởng cho những công trình làm đẹp TP Hồ Chí Minh thân yêu của mình. 

Minh Anh (báo Nhân Dân

(*) Cuộc thi "Tôn vinh Thành phố" do Ashui tổ chức năm 2004 nhằm hưởng ứng chương trình "Celebrating the City" do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) phát động. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo