Hiện nay, Việt Nam có hơn 20.000 kiến trúc sư. Thế nhưng, đáng buồn là nhìn vào các công trình kiến trúc trong nước hiện nay, ta không thấy rõ nét bản sắc Việt.
Phát triển tự phát
TPHCM hiện có khoảng 1.000 nhà cao từ 9 tầng trở lên và đang triển khai 250 dự án xây dựng cao ốc. Trong đó, 75% dự án xây dựng nhà cao tầng tập trung tại quận 1, quận 3, chủ yếu là văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại. Theo các chuyên gia, điều nguy hiểm nằm ở chỗ, tuy không tăng quy mô dân số ở khu vực trung tâm nhưng làm tăng dân số vãng lai, dân số cục bộ đến làm việc hàng ngày, gây áp lực về giao thông, trong khi khu vực này chưa có quy hoạch đồng bộ bãi đỗ xe.
Dưới góc nhìn của một nhà khảo cổ học, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, cảnh quan đô thị cổ Sài Gòn là khu vực quận 1, 3 với những ô phố Tây. Quận 1 với ô phố trụ sở cơ quan hành chính, quận 3 với ô phố nhà ở biệt thự. Người Pháp khi đến Sài Gòn rất chú trọng phát triển đô thị. Chúng ta muốn văn minh đô thị, phải xây dựng tập trung đúng tính chất đô thị Sài Gòn là ô phố chứ không phải trải dài theo quận, huyện. Thế nhưng, điểm nhấn của trung tâm thành phố là đường Đồng Khởi, phát triển tự phát, pha tạp; Công viên Chi Lăng hết rồi những hàng cổ thụ…
TPHCM còn có cả một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo nên 87 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 574,1km. Không chỉ là giao thông, bao đời nay hệ thống kênh rạch đã góp cho vùng đất này một mảng văn hóa thương hồ.
Không phải Sài Gòn không có thiên nhiên để tổ chức thành đô thị có cảnh quan đẹp. Sông Sài Gòn chuyển dòng, uốn lượn qua địa bàn thành phố, vậy mà người Sài Gòn vẫn chỉ được hưởng hơn 1km cảnh quan bờ sông! “Một con đường đi bộ, một công viên dọc hai bờ cho người Sài Gòn ý thức về tư cách chủ nhân một dòng sông đẹp, ứng xử lịch thiệp như người Hà Nội dẫn bạn ra hồ Gươm, hồ Tây thưởng ngoạn thiên nhiên…” không chỉ là ước vọng của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn mà còn là của bất cứ ai yêu mảnh đất này.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng hiến kế: “Bản sắc của TPHCM chính là văn minh sông nước, là hình ảnh con sông Sài Gòn, những kênh rạch... Cho nên, phải tìm cách giải tỏa những gì cát cứ hai bên sông Sài Gòn, trồng nhiều cây xanh và mở rộng công viên. Văn minh sông nước Nam bộ cần được phục hồi với hình ảnh ghe tàu, vỏ lãi...”.
Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước mổ xẻ tại hội thảo Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Phải tái hiện cảnh trên bến - dưới thuyền, vốn là một hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn trước đây, nhất là ở khu vực Chợ Lớn, vì đó là văn hóa, là một đầu mối giao lưu giữa Sài Gòn với các tỉnh ĐBSCL từ hàng trăm năm trước đây. Đó là di sản, là nếp sống văn hóa nơi này.
Công trình Bamboo Wing ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) / thiết kế: Vo Trong Nghia Architects
Gắn với thiên nhiên, bật lên lối sống
Nhìn vào cấu trúc làng xóm, đô thị phải hiểu được đặc điểm tự nhiên của vùng đất đó. Tuy nhiên, quá trình dò dẫm, sao chép của kiến trúc, quá trình đô thị hóa ồ ạt trong thời gian qua ở Việt Nam đã làm mất đi rất nhiều nét tự nhiên. Mà như thế là đánh mất bản sắc.
Giáo sư William Logan, Trường Đại học Tổng hợp Deakin, Australia, hiến kế: “Bố trí những nhà cao tầng ở phía ngoài đô thị và thấp tầng ở trung tâm đô thị là tốt nhất. Vấn đề đặt ra là cùng lúc phải xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn. Theo ông, người Nhật hiện đang cố gắng để khôi phục các di sản văn hóa mà họ đã mất trong quá trình phát triển đô thị hóa vào những năm 1950 - 1970. Tôi hy vọng rằng, người Việt Nam có thể tránh được điều đó và triển khai một chính sách sử dụng đất cho các khu vực đô thị và nông thôn mà vẫn giữ được những đặc trưng của Việt Nam. Nếu được, đây là một chính sách rõ ràng của riêng người Việt Nam...”.
Thế trong bối cảnh hiện nay, bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì? Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cười hiền bảo, khi nói đến nhà xanh người ta thường có xu hướng tưởng tượng đến những ngôi nhà có nhiều sinh cảnh như cây cối, mặt nước. Thực tế, điều đó chỉ đúng một phần. Phần còn lại là vật liệu xây dựng, cách phân bố năng lượng gió, ánh sáng, nhiệt độ để tạo thành những vùng “vi khí hậu” ngay trong ngôi nhà của mình. Phương châm sáng tạo của Võ Trọng Nghĩa là phải tận dụng được mọi nguồn năng lượng tự nhiên là gió, ánh sáng, nhiệt độ...
* KTS Tadao Ando (Nhật Bản): “Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng mặt trời và gió lên tiếng”. * KTS Trần Đình Quyền (Thạc sĩ khoa học kiến trúc, Trường Đại học Columbia, New York, Mỹ): “Kiến trúc chưa được coi trọng, nhất là về mặt mỹ thuật… nên sự tùy tiện thay đổi thiết kế đã bóp chết những ý đồ sáng tác, đường nét, màu sắc, mất cả tính chuyên nghiệp”. * KTS Christian Pedelahore de Loddis (Pháp): “Kiến trúc đô thị Việt Nam yếu kém về quy hoạch chiều cao, nhà chia lô làm xấu đi bộ mặt đô thị, chung cư xuống cấp… Tôi nghĩ, Việt Nam nên nghiêm chỉnh gìn giữ bản sắc, sử dụng vật liệu địa phương, nhanh chóng hội nhập quốc tế, cần giao cho kiến trúc sư vai trò chủ nhiệm đồ án. Bộ mặt đô thị khó mà hoàn chỉnh nếu không có quy hoạch, định hướng và thể chế hóa. Dân số tăng nhanh ở đô thị, làn sóng nhà cao tầng đang tràn đến, trong khi Việt Nam chưa sẵn sàng về luật pháp, thể chế… đang là những vấn đề lớn đặt ra cho nền kiến trúc Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa”. * KTS Lawrie Wilson (Australia): “Đối với ngành kiến trúc, nếu chúng ta không làm bài bản và không có hệ thống, chúng ta sẽ để lại cho con cháu của mình những công trình kiến trúc tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đang có”. |
Đỗ Quang Tuấn Hoàng
- Đằng sau các cuộc thi kiến trúc: Kiến trúc sư phải tự “lát đường”
- Giải nhất cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013: Giấc mơ về một "phố Khao San" của Việt Nam!
- Triển lãm tranh “Bóng xưa và Sắc hoa” của KTS Hoàng Đạo Kính (tại Huế)
- Việt Nam có kiến trúc sư giỏi, nhưng nền kiến trúc Việt Nam lại bình thường
- Tản mạn kiến trúc và âm nhạc
- Huỳnh Phú Kiệt, chủ tịch HĐQT công ty Toàn Thịnh Phát: Sự trong sáng không bao giờ mất
- Giấc mơ đỏ ở Tả Phìn
- Sử dụng vật liệu, từ bản vẽ ra công trường
- Ba kiến trúc sư trẻ vòng quanh thế giới bằng xe đạp
- Phản biện xã hội và trách nhiệm của kiến trúc sư