Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Kỹ sư Hạn chế điều chỉnh giá xây dựng

Hạn chế điều chỉnh giá xây dựng

Viết email In

Trong nền kinh tế thị trường, đã ký kết hợp đồng kinh tế rồi mà luôn xin điều chỉnh giá thì chẳng có nhà đầu tư trong nước, ngoài nước nào chấp nhận.

Khó khăn lớn nhất của các nhà thầu xây dựng là tình hình lạm phát tăng cao, giá cả biến động… làm cho các công trình bị đình trệ.

Giải pháp thi công

Do thiếu vốn, tiến độ thi công kéo dài, việc chờ điều chỉnh vốn không phải chuyện dễ dàng nên nguy cơ các nhà thầu bị thua lỗ là khó khánh khỏi! Lỗ do giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, lãi suất ngân hàng tăng… nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phá sản…

Phương thức Tổng nhận thầu xây dựng – chìa khóa trao tay (EPC) đảm bảo công trình hoàn thành đúng hạn (có thưởng, có phạt), đúng kỹ thuật, không thanh toán chênh lệch giá… rất thích hợp với công trình có quy mô vừa và nhỏ… bởi đây là công trình được phép chỉ định thầu qua tư vấn của các hội nghề nghiệp. Hình thức nhận thầu này sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu chủ động đối phó với mọi biến động về giá. Chủ đầu tư cũng dễ chấp nhận bởi mọi việc quản lý sẽ dễ dàng so với cách làm cổ điển.

Với phương thức nhận thầu này, nhà thầu phải có đủ năng lực, đủ trí tuệ và có tài tổ chức để ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới, công nghệ mới, thi công nhanh, giá thành hạ, đảm bảo kỹ thuật… đủ sức thuyết phục để chủ đầu tư đồng tình với mình.

Nhà thầu phải chủ động từ khâu thiết kế sao cho vừa túi tiền, dễ thi công, ứng dụng được nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, sử dụng nhiều cấu kiện sản xuất sẵn, chất lượng tốt hơn, giá thành tương đối ổn định so với tự sản xuất, có thể mua hàng loạt lúc chưa có biến động giá.

Giải pháp công nghệ

Tùy từng loại công trình có thể chọn nhiều công nghệ khác nhau:

1- Công trình dân dụng: nhà ở, trường học, kho tàng… nên chọn công nghệ 3D. Đây là công nghệ nước ngoài được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, cải tiến và đã được cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, trở thành công nghệ 3D Việt Nam và đã xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2007.

2- Đối với công trình dân dụng mà chủ đầu tư chưa quen với công nghệ 3D, thì làm nhà khung chịu lực và xây dựng tường bao che bằng “gạch nhẹ không nung” thay cho gạch đất nung truyền thống, sẽ:

Giảm chi phí xây dựng từ 15–20% phần móng do tải trọng phần trên giảm.

Cách âm, cách nhiệt tốt, giảm chi phí tiền điện khi dùng máy điều hòa.

Xây dựng nhanh hơn nhờ kích thước viên gạch lớn, nhất là xây dựng nhà tái định cư ở nông thôn, miền núi… phục vụ di dân xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi…

Đối với chủ đầu tư còn chuộng loại gạch đất nung truyền thống thì có thể dùng gạch không nung polymer hóa với giá thành rẻ, thi công nhanh, cường độ tương đương với gạch đất nung, sau khi sản xuất 5 ngày là có thể dùng được, dùng loại hồ chất lượng cao để dán, không dùng vữa xây dựng truyền thống.

Sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu mà Chính phủ đã có chủ trương, bởi nó hạn chế mất đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, không mất than, củi, gaz… ngày cạn cạn kiệt, giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu toàn cầu mà cả thế giới đang lo chống đỡ; tận dung được các chất thải công nghiệp như tro bay từ các nhà máy nhiệt điện (vô cùng độc hại với môi trường).

Lợi ích của công nghệ 3D:

- Tổng trọng lượng toàn bộ công trình có thể giảm 30 – 40%.
- Chịu được động đất có cường độ 7 – 7,5 độ richter.
- Chịu được gió, bão từ 250 – 300 Km/giờ.
- Cách âm, cách nhiệt rất tốt, có thể giảm 30% tiền điện khi dùng máy điều hòa.
- Chịu được nhiệt độ đến 1.0000C trong 2 giờ.
- Kỹ thuật xây lắp không phức tạp nhờ các modul đã công xưởng hóa, chỉ cần đào tạo một thời gian ngắn là trở thành “thợ xây lắp 3D”.
- Tuổi thọ công trình nếu xây dựng đúng kỹ thuật có thể kéo dài đến 100 năm.
- Dễ tạo dáng theo yêu cầu của kiến trúc sư.
- Quan trọng nhất là giá thành công trình có thể sẽ rẻ hơn không dưới 20% so với xây dựng bằng công nghệ truyền thống.
- Nhà mái bằng có thể cơi thêm tầng mà không phải tính lại móng.

3- Đối với việc làm móng các nhà cao tầng ở vùng đất yếu, ngoài những công nghệ quen thuộc có thể ứng dụng Công nghệ Basic menthod – Biện pháp thi công khoan nhồi cọc bê tông ly tâm ứng suất trước của Nhật Bản có cường độ cao đến 800kg/cm2.

4- Để ổn định nền đất yếu khi làm đường cao tốc, kho bãi ở các bến cảng, sân bay… nên dùng công nghệ Kết hợp đầm nén với hút chân không cao của Trung Quốc, đất sẽ ổn định với độ sâu 7–8 m (hơn hẳn công nghệ bấc thấm).

5- Khi xây dựng kè sông, biển cũng như kè ở đường dọc bờ sông, biển… nên dùng cừ ván bê tông tiền áp dạng sóng (công nghệ Nhật Bản) có neo hoặc không neo, rất dễ thi công lại bền, đẹp… Khi không dùng có thể nhổ lên để dùng ở nơi khác, hơn hẳn làm kè bê tông hoặc kè đá (dễ bị sụp).

6- Các công trình công cộng như vườn hoa, sân trường, vỉa hè… nên dùng công nghệ bê tông rỗng (bê tông hút nước) nhằm giảm ngập úng, trả lại nước cho lòng đất, tăng mạch nước ngầm đô thị.

7- Khi sửa chữa đường nhựa đô thị, để tránh nâng cao mặt đường, làm ngập nhà hai bên đường… nên sử dụng công nghệ Fortress® (Mỹ), dùng máy cào lớp mặt đường cũ, nghiền theo kích thước yêu cầu, gia nhiệt, trộn với nhủ tương nhựa đường… dùng xe rải và cán phẳng. Chỉ trong một thời gian ngắn là có thể sử dụng được. Công nghệ này sử dụng lại toàn bộ vật liệu cũ.

8- Đối với các kênh, mương thủy lợi đã được kiên cố hóa bằng bê tông cốt thép, nên thay thế bằng ống nhựa uPVC chất lượng cao để dẫn nước tưới tiêu, tùy lượng nước cần thiết để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà sử dụng ống có kích thước khác nhau. Lợi ích vô cùng to lớn của việc thay thế này là không mất nước và không mất đất canh tác với điều kiện là phải tính được tải trọng; ống được chôn sâu sao cho cày, cuốc… không ảnh hưởng tới ống.

9- Đối với công trình thi công kéo dài, cần thương lượng với nhà đầu tư ứng vốn trước để mua vật liệu khi có biến động giá.

10- Trường hợp nhận thầu chìa khóa trao tay, không thanh toán chênh lệch giá thì khi soạn thảo hợp đồng, cần chú trọng đưa vào các điều khoản quy định trách nhiệm của các bên khi ký kết thật chặt chẽ; điều khoản về thưởng, phạt hợp đồng thỏa đáng… bên nào sai thì phải chịu trách nhiệm…

ThS. Phan Phùng Sanh - Hội KHKT Xây dựng TPHCM


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo