Việc đánh giá đúng năng lực nhà thầu, theo các chuyên gia, sẽ hạn chế tình trạng "thông thầu” hay làm “hồ sơ đẹp” đang khá phổ biến khi lựa chọn nhà thầu như hiện nay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong việc đánh giá năng lực nhà thầu nằm ở chỗ chưa có bộ tiêu chuẩn cho những đánh giá xếp loại, đơn vị nào sẽ thực việc đánh giá.
Vấn đề được đưa ra tại buổi hội thảo “Đánh giá sắp xếp năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11.
Nhà thầu kém vẫn trúng
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Văn Ba, Ban chính sách thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện tại, nhà thầu yếu kém vẫn tham gia đấu thầu và thắng thầu bởi thiếu giám sát và thiếu hợp đồng đầu tư xây dựng phù hợp với từng nhà thầu cụ thể.
Ví dụ, trên thực tế hiện nay, việc lập hồ sơ mời thầu xây lắp cơ bản được thực hiện theo mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2010/TT-BKH ngày 6 tháng 1 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu không đề cập tới việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu đang thi công cùng lúc nhiều gói thầu. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp nhà thầu được phê duyệt trúng thầu nhưng quá trình triển khai đã thể hiện yếu kém về năng lực tài chính mà một trong những nguyên nhân chính là do đang thực hiện quá nhiều gói thầu cùng một lúc.
Ngoài ra, theo tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm tại mẫu hồ sơ mời thầu, việc đưa thêm các quy định khác vào tiêu chuẩn không được hướng dẫn chi tiết mà chỉ dựa vào đánh giá của chủ đầu tư, nếu thấy cần thiết cho việc thực hiện gói thầu. Theo các đại biểu dự hội thảo, điều này có thể dẫn đến việc chủ đầu tư có thể đưa thêm nhiều tiêu chí không sát thực, không phản ánh đúng bản chất và năng lực của nhà thầu đối với gói thầu dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự.
Tiêu chí nào?
Một trong những vấn đề đặt ra cho việc đánh giá sắp xếp năng lực nhà thầu là những tiêu chí nào làm cơ sở cho những đánh giá đó. Các đại biểu tại hội thảo đề xuất, có thể sắp xếp với các nhà thầu căn cứ theo dữ liệu nhóm doanh nghiệp, theo quy mô công việc, theo loại hình thầu chính-phụ…
Cụ thể, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hoạt động xây dựng, đại diện Viện Kinh tế xây dựng đề xuất, đánh giá sắp xếp nhà thầu theo nhóm doanh nghiệp. Cụ thể, khối doanh nghiệp hoạt động xây lắp hiện đang chia thành 4 nhóm theo doanh thu hàng năm từ trên 30 tỉ, 100 tỉ , 500 tỉ và trên 500 tỉ đồng… Đối với doanh nghiệp tư vấn xây dựng cũng đang chia thành 4 nhóm theo doanh thu, đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thì chia theo ngành hàng…
Căn cứ vào danh mục các hoạt động xây dựng mà các doanh nghiệp đã thực hiện để xác định nhóm các doanh nghiệp cùng so sánh cạnh tranh với nhau trong quá trình đấu thầu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Giám đốc Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu, đề xuất có thể sắp xếp nhà thầu theo nhóm A, B, C với những tiêu chí được số đông các nhà thầu đồng ý và quy định rõ ràng. Từ đó, tương ứng với mỗi nhóm là những dự án với quy mô khác nhau mà nhóm đó có thể đủ tiêu chí tham gia dự thầu.
Việc phân loại này không cố định, mà sẽ được thay đổi hàng năm theo kết quả hoạt động của doanh nghiệp và phải đuợc tiến hành một cách công khai minh bạch. Như vậy, ngay từ bước nhận thông báo mời thầu, các nhà thầu đã có thể biết mình có đủ năng lực tham gia gói thầu đó không.
Đại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, để đánh giá cụ thể năng lực nhà thầu, trước hết phải phân biệt loại hình nhà thầu như phân biệt thầu chính, thầu phụ hay tổng thầu tuỳ theo phần trăm công việc mà mỗi nhà thầu đảm nhận…
Ai đánh giá năng lực nhà thầu?
Vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhất tại hội thảo là việc đánh giá, sắp xếp năng lực sẽ do cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp xã hội xác nhận, có sự đồng thuận cao của khối doanh nghiệp phục trách việc đánh giá sắp xếp.
Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore..., việc đánh giá, xếp loại các nhà thầu đều do các hội nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện. Ví dụ ở Thái Lan là Hiệp hội nhà thầu Thái (TCA) phối hợp với Viện nghiên cứu xây dựng của Thái Lan (CIT) thực hiện.
Đại diện một số chủ đầu tư cho rằng, Hiệp hội nhà thầu Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện việc đánh giá xếp loại các nhà thầu hàng năm là hợp lý nhất. Bởi việc đánh giá này phải dựa trên các số liệu báo cáo chính thức của các nhà thầu có xác nhận của cơ quan quản lý.
Hạnh Thư
- Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Kinh nghiệm từ Nhật Bản
- “Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”
- Lấn cấn quản lý chất lượng công trình
- Nhà thầu: Chọn ai, ai chọn?
- Kỹ thuật phá hủy tòa nhà mới của Nhật Bản
- Kỹ sư cầu đường và những chiếc cầu đi vào lịch sử thế giới
- Kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về đập thủy điện Sông Tranh 2
- Giảm giá nhà ở xã hội nhờ khoa học công nghệ
- Hạn chế điều chỉnh giá xây dựng
- Siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng