Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng (thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP, Nghị định 49/2008/NĐ-CP) có hiệu lực từ 15/4/2013 được kỳ vọng làm thay đổi, giúp quá trình quản lý đầu tư chặt chẽ, tăng cường vai trò của nhà nước, tránh thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, Nghị định (NĐ) mới về quản lý chất lượng công trình đang kéo dài thời gian thiết kế của chủ đầu tư cũng như những đơn vị tham gia hoạt động đầu tư xây dựng và gây lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng thủ tục, thời gian
Theo Bộ Xây dựng, trước đây vai trò của nhà nước về quản lý chất lượng công trình rất mờ nhạt, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương chưa có cơ chế để vào cuộc thực hiện tiền kiểm mà chủ yếu vẫn là kiểm tra sau khi sự việc đã rồi, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư. NĐ 15 được ban hành với việc nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN). Theo đó, các cơ quan QLNN phải thẩm tra chất lượng các đồ án thiết kế kỹ thuật. Còn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải thẩm tra cả chi phí xây dựng, thay vì trước đây chỉ giao chủ đầu tư làm nhiệm vụ này.
- Ảnh minh họa: Một công trình xây dựng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, thành viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy định này đã trở lại những quy định cũ trước đây, sau khi công việc này được xã hội hóa thì NĐ mới về quản lý chất lượng công trình quy định cơ quan QLNN “gánh” trở lại việc này, trong khi trách nhiệm lại không rõ ràng và tính khả thi khi triển khai chưa cao. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp phân tích thêm: Các cơ quan QLNN từ 2004 đến nay đã không còn thực hiện nhiệm vụ này nên các chuyên viên hiện có chắc chắn không đủ năng lực, kinh nghiệm. Từ đó dẫn đến việc tuyển dụng thêm biên chế công chức nhiều chuyên ngành khác nhau (kết cấu, điện, cơ, kinh tế xây dựng…). Như vậy, bộ máy công chức hành chính nhà nước tăng lên, tăng cả thủ tục hành chính.
KS Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tân, cũng cho rằng, với số lượng hồ sơ xây dựng quá nhiều hiện nay, nhất là các đô thị lớn, Bộ Xây dựng và các sở xây dựng không thể thẩm tra hết trong thời gian 40 ngày đối với công trình cấp 1 và dưới 30 ngày đối với các công trình còn lại theo quy định tại NĐ mới. “Vì thế sẽ gây khó khăn và kéo dài thời gian xin phép xây dựng, không ích lợi gì cho việc quản lý bảo đảm chất lượng công trình, từ đó dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu” - KS Nguyễn Văn Đực nhận định. Theo KS Nguyễn Văn Đực, trước mắt, cơ quan QLNN chỉ thẩm tra thiết kế các công trình vốn ngân sách nhà nước và nên để tư nhân chịu trách nhiệm về các công trình của mình hoặc tự chọn đơn vị tư vấn thẩm tra. Việc thẩm tra thiết kế cần được xã hội hóa.
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cũng thừa nhận, mỗi năm TPHCM có đến 30.000 công trình nhà ở quy mô từ 3 tầng hoặc diện tích từ 250m² trở lên buộc Sở Xây dựng phải thẩm tra thiết kế kỹ thuật. “Không Sở Xây dựng nào làm nổi, cán bộ, công chức cũng không đủ thời gian để làm, chưa kể chuyên môn hạn chế. Nhà nước chỉ nên quản lý về quy hoạch, an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy... và để các công ty tư vấn thiết kế làm công việc này” - ông Tuyến nói.
Dễ phát sinh nhũng nhiễu
Một vấn đề rất được xã hội quan tâm là năng lực thẩm tra thiết kế của cán bộ cơ quan QLNN. Đơn vị, cá nhân thiết kế phải có năng lực, tức cần phải có giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Vậy cán bộ thẩm tra có cần giấy phép hành nghề hay không? KS Nguyễn Văn Đực cho rằng, những người thẩm tra phải giỏi và có kinh nghiệm, từng trải hơn thì mới đủ năng lực thẩm tra thiết kế. Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng làm sao có đủ người đáp ứng nhu cầu này?
NĐ mới cũng quy định nếu cơ quan QLNN không đủ năng lực thẩm tra thì được phép chỉ định (thuê) tư vấn khác thực hiện. Như vậy, khi triển khai sẽ chỉ định đơn vị tư vấn thẩm tra, hay lại phải đấu thầu. Lúc đó, đơn vị nào tổ chức đấu thầu? Kết quả đấu thầu đơn vị nào duyệt, để chủ đầu tư (hay đơn vị QLNN đó) ký hợp đồng để triển khai thẩm tra? Đối với những công trình quan trọng, có kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, những nhà tư vấn chuyên nghiệp, thậm chí tư vấn nước ngoài mới đủ năng lực thẩm tra. Vậy việc tìm nhà tư vấn phù hợp, do phía nào đề xuất? “Nên để xã hội tham gia trọn vẹn công việc thẩm tra, vì đây là loại hình dịch vụ tư vấn, được pháp luật quy định”, PS-TS Nguyễn Văn Hiệp đề nghị. Về việc này, KS Nguyễn Văn Đực cho rằng, một số công trình được chỉ định đơn vị tư vấn thẩm tra dễ phát sinh tiêu cực vì sẽ có những công ty “sân sau” của một số cán bộ thẩm tra được chỉ định. Theo KS Nguyễn Văn Đực, cần lập hội đồng kỹ thuật và mời một số chuyên gia uy tín và các hội đoàn nghề nghiệp có năng lực, chuyên môn thẩm tra thì chắc chắn sẽ hiệu quả và hạn chế tiêu cực./.
Minh Huy
- Công ty Turner tròn 112 tuổi
- Chọn giải pháp BIM tối ưu cho nhà thầu xây dựng
- Xã hội hóa giám định tư pháp về xây dựng
- Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Kinh nghiệm từ Nhật Bản
- “Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”
- Nhà thầu: Chọn ai, ai chọn?
- Kỹ thuật phá hủy tòa nhà mới của Nhật Bản
- Khó đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng
- Kỹ sư cầu đường và những chiếc cầu đi vào lịch sử thế giới
- Kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về đập thủy điện Sông Tranh 2