Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản (JSCE) ra đời năm 1914, cách đây tròn 100 năm. Đội ngũ hùng hậu của JSCE bao gồm hơn 39000 thành viên cá nhân và tập thể, là tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tính và lịch sử bật nhất của Nhật Bản. JSCE đã và đang có rất nhiều hoạt động hợp tác với nhiều cơ quan, ban ngành xây dựng ở Việt Nam.
Phóng viên Báo Xây dựng đã có dịp trò chuyện với TS. Phan Hữu Duy Quốc, Phụ trách hợp tác với Việt Nam của JSCE, đồng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản (CJV) để tìm hiểu về JSCE và những hợp tác trong tương lai về lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
TS. Phan Hữu Duy Quốc, Phụ trách hợp tác Việt Nam của JSCE, đồng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ nói chung và công nghệ trong ngành xây dựng nói riêng. Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản hẳn là có những đóng góp to lớn trong ngành xây dựng Nhật Bản, xin ông có thể cho biết những nét chính của Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản?
TS. Phan Hữu Duy Quốc: - Mục đích hoạt động của JSCE là: 1) Đóng góp cho sự tiến bộ về học thuật và công nghệ xây dựng; 2)Xây dựng niềm tin của xã hội với kỹ sư xây dựng; 3) Xây dựng nơi giao lưu, tôi luyện nâng cao năng lực của các thành viên; 4) Đánh giá, phản biện các vấn đề quan trọng của xã hội.
Hiện tại, JSCE có các ủy ban nghiên cứu có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật có tính cấp thiết mà xã hội quan tâm. Khi có các thảm họa thiên nhiên như động đất sóng thần xảy ra trong và ngoài nước, JSCE luôn là một trong những đơn vị đầu tiên cử đoàn chuyên gia đi khảo sát và đánh giá tình hình. Các bộ tiêu chuẩn do JSCE xây dựng luôn là các tài liệu kỹ thuật tham khảo quan trọng cho kỹ sư và cho những người làm công tác xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việt Nam và Nhật Bản đã và đang có mối quan hệ rất mật thiết trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản trong thời gian qua đã có những hợp tác nào với ngành xây dựng Việt Nam?
- JSCE đã và đang có rất nhiều hoạt động hợp tác với nhiều cơ quan, ban ngành ở Việt Nam, bao gồm Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam (VFCEA), Hội Khoa Học Kỹ Thuật Cầu Đường Việt Nam (VIBRA), Hội Kết Cấu và Công Nghệ Xây Dựng Việt Nam (VASECT), Hội Bê Tông Việt Nam (VCA) và trường Đại Học Xây Dựng (ĐHXD).
Các hoạt động chính là trao đổi thông tin về công nghệ xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo kỹ sư. JSCE đã nhiều lần tổ chức các hội thảo chuyên đề tại Việt Nam để giới thiệu các bộ tiêu chuẩn, các công nghệ tiên tiến nhất cũng như các kinh nghiệm thất bại để Việt Nam tránh những sai sót tương tự như Nhật Bản trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Gần đây, để đẩy mạnh sự hợp tác và giao lưu trực tiếp giữa kỹ sư và chuyên gia 2 nước, JSCE đã phối hợp cùng trường ĐHXD thành lập Trung tâm Xúc tiến, Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản.
JSCE đã và đang có rất nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan, ban ngành ở Việt Nam
Gần đây ngành xây dựng Việt Nam cũng có những thành quả nhất định, đã có nhiều công trình xây dựng có chất lượng cao, tuy nhiên vẫn còn đó những tồn tại, đặc biệt trong đào tạo, quản lý kỹ sư xây dựng để tạo ra những tiền đề cho chất lượng công trình xây dựng. Vậy theo ông, JSCE có những hướng hợp tác nào với ngành xây dựng Việt Nam để giải quyết những tồn tại này?
- Yêu cầu về chất lượng, về công nghệ xây dựng ngày càng cao, đòi hỏi nguồn nhân lực tương xứng, JSCE là một tổ chức đã có lịch sử gần 100 năm với nhiều kinh nghiệm hoạt động quý báu. JSCE nhận thức được rằng kỹ sư xây dựng là trung tâm của sự phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy ngoài việc hỗ trợ trao đổi thông tin về khoa học công nghệ, JSCE đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo tiếp theo, đánh giá và nâng cao năng lực kỹ sư. Đặc biệt không phó thác hoàn toàn trách nhiệm đào tạo kỹ sư xây dựng cho trường đại học mà JSCE cùng xã hội phải đón nhận các kỹ sư mới bước vào nghề xây dựng và tham gia quá trình đào tạo họ một cách có kế hoạch để họ trở thành những kỹ sư giỏi và tâm huyết với nghề.
Thông qua Hội thảo “Kinh nghiệm Nâng cao Năng lực Kỹ sư về Phát triển Hạ tầng của Nhật Bản và Giao lưu Kỹ sư Việt Nam - Nhật Bản lần 1” tổ chức vào ngày 21/5/2014 tại Hà Nội, JSCE muốn chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm quý báu không chỉ của JSCE mà còn là kinh nghiệm của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao và đánh giá năng lực kỹ sư.
JSCE đang tiến hành xây dựng mạng lưới cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật vì đó chính là những cầu nối quan trọng nhất trong quan hệ giao lưu giữa 2 nước trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, JSCE đã thiết lập các kênh liên lạc và các nhóm nghiên cứu chung với Việt Nam về các mảng đề tài như công nghệ bê tông, quan trắc và bảo trì cầu, cải tạo nền đất yếu, công nghệ bê tông nhựa đường, quy hoạch giao thông, quản lý xây dựng.
Xin cảm ơn ông, chúc Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản sẽ ngày càng lan tỏa được tiếng vang của mình. Hy vọng với kinh nghiệm và tiềm năng của mình, Hiệp hội sẽ giúp các kỹ sư xây dựng Việt Nam trở thành những kỹ sư giỏi và tâm huyết với nghề, góp phần vào sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam!
Khánh Phương (Báo Xây dựng /thực hiện)
- Sử dụng gạch AAC: Yêu cầu có phương án thiết kế, thi công riêng
- FECON - tiên phong ứng dụng công nghệ mới
- Phòng ngừa nứt trong kết cấu bê tông cốt thép
- Giải thưởng Sáng tạo Xuất sắc trong Cơ sở hạ tầng năm 2014 của Autodesk
- Đào tạo Thạc sĩ Quy hoạch Quản lý Giao thông Vận tải - bằng cấp Đức, cơ hội học bổng 6 tháng tại Đức
- Công ty Turner tròn 112 tuổi
- Chọn giải pháp BIM tối ưu cho nhà thầu xây dựng
- Xã hội hóa giám định tư pháp về xây dựng
- Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Kinh nghiệm từ Nhật Bản
- “Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”